Điều gì khiến Đan Mạch trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới?
25/07/2017
Đây là một quốc gia không có người nghèo, gần như hoàn mỹ, người lớn tuổi hưởng thụ tuổi già, người trưởng thành cống hiến sức lực, trẻ nhỏ lớn lên khỏe mạnh, “thế giới không có sự khác biệt” được hiện thực hóa tại quốc gia phủ đầy tuyết trắng này. Đó chính là Đan Mạch, một quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Trên đường phố ở Aarhus – thành phố lớn thứ hai Đan Mạch, bạn sẽ thấy những cửa hàng hoa không có chủ đứng bán, còn người mua chọn xong hoa rồi trả tiền theo giá đã niêm yết, bỏ tiền vào chậu cây trống đặt bên cạnh, sau đó mang hoa đi. Kiểu mua bán như thế , chỉ có một xã hội vô cùng thành tín thì mới có thể duy trì được.
Tại quốc gia này, giàu hay không giàu cũng đều được tôn trọng như nhau. Ngay cả hoàng hậu Đan Mạch cũng sống rất bình dị, nữ hoàng thậm chí còn tự mình đi siêu thị mua đồ.
(Ảnh qua Dailymotion) |
Mức độ hạnh phúc của người dân cao
Người Đan Mạch giàu có, GDP bình quân đầu người năm 2013 của quốc gia này là 59.000 USD, xếp thứ 8 trên toàn thế giới. (Thu nhập bình quân đầu người cùng kỳ của Mỹ, Hong Kong, Hàn Quốc lần lượt là 50.100 USD, 36.600 USD và 22.700 USD, Trung Quốc chỉ có 3.700 USD).
Tháng 7/2006, theo Biểu đồ Thế giới về Hạnh phúc (World Map of Happiness) của giáo sư Adrian White thuộc trường Đại Học Leiceste uy tín thế giới, Đan Mạch đứng vị trí đầu tiên trong 178 quốc gia trên thế giới.
Năm 2016, Đan Mạch đứng vị trí quán quân trong Bảng xếp hạng “Các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới” do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc khảo sát. Năm nay, Đan Mạch đứng á quân trong bảng xếp hạng này (đứng đầu là Na Uy, cũng là một quốc gia Bắc Âu).
(Ảnh: shutterstock.com) |
Giữ gìn xã hội thành tín
Dù thời tiết xấu, nhưng các bậc cha mẹ ở Đan Mạch không hề ngại khi để con ở ngoài trời. Có một cảnh tượng mà có thể thấy ở khắp nơi tại Đan Mạch đó là rõ ràng trời rất lạnh, nhưng cha mẹ lại để xe nôi của trẻ ở bên đường rồi mình thì đi vào cửa hàng mua đồ hoặc uống cà phê.
Hình ảnh này đã truyền tải tình hình xã hội của quốc gia này: Họ không sợ con bị cướp hoặc bắt cóc, bởi vì mức độ tin tưởng lẫn nhau trong xã hội rất cao, phúc lợi tốt, mọi người không cần phải tranh giành.
Người Đan Mạch rất biết tự giác, ví dụ như trong việc tuân thủ các quy tắc xã hội, họ quan niệm không cần ai phải giám sát, mọi người cứ thế mà thực hiện.
Người Đan Mạch rất thích đi xe đạp ngay cả khi trời mưa dữ dội, bởi vì họ nghĩ rằng mình đang tích cực đối phó với sự nóng lên toàn cầu.
Mỗi người Đan Mạch đều có một chiếc “thẻ vàng”. Trên chiếc thẻ vàng này không có ảnh, chỉ có một dãy số thông tin về thân phận, thông qua dãy số này, chính phủ có thể tìm được thông tin cá nhân chi tiết, như ghi chép thuế, tín dụng, phạm tội, y tế… Dãy số đi theo cả đời này thôi thúc mỗi người dân Đan Mạch phải giữ chữ tín.
Ở Đan Mạch, chỉ số thành tín lên đến 89%, vậy nên giữa người với người có sự tôn trọng và bình đẳng cao, từ đó tạo nên cảm giác hạnh phúc của người Đan Mạch.
Tôn trọng lẫn nhau
Ở quốc gia này, người yếu thế và người giàu đều được nhận sự tôn trọng như nhau. Căn cứ theo “Báo cáo phát triển con người” của Liên Hợp Quốc vào năm 2006, khoảng cách giàu nghèo ở Đan Mạch thấp thứ hai thế giới và thấp nhất trong số các quốc gia phát triển. Về cơ bản, Đan Mạch không có người nghèo, bởi vì mỗi người Đan Mạch đều có xuất phát điểm giống nhau, điều này thể hiện ở hai phương diện phúc lợi xã hội và giáo dục của Đan Mạch.
Giáo dục miễn phí
Trường học ở Đan Mạch không tuyển “học sinh gương mẫu”, từ 12 tuổi trở xuống không có bảng điểm, giáo viên và người lớn cổ vũ con em phát triển khả năng thiên bẩm của mình chứ không ủng hộ việc ganh đua, so sánh.
Trường công lập từ tiểu học đến đại học đều hoàn toàn miễn phí, không chỉ có thế, đi học còn có thể được nhận tiền. Các học sinh trên 18 tuổi có thể được nhận trợ cấp sinh hoạt, số tiền được xét theo việc học sinh có sống ở nhà hay không.
Tỉ lệ mượn sách bình quân của mỗi người Đan Mạch cao thứ hai thế giới, có thể học tập cả đời là bởi vì không có trở ngại học phí.
Ở Đan Mạch dù học trường tư thì chính phủ cũng hỗ trợ 75% kinh phí. Vì vậy, việc vào trường tư ở Đan Mạch không có nghĩa họ là quý tộc, mà là đến để học những kỹ năng đặc biệt như nghệ thuật, thể thao…
(Ảnh qua denmark.dk) |
Nghề nghiệp không phân giàu nghèo
Phó thủ tướng Đan Mạch xuất thân từ nông thôn, các bộ trưởng không phân theo tốt nghiệp cao thấp mà thông qua việc học tập cả đời, họ vẫn có thể quản lý quốc gia như nhau. Dù là nông dân hay công nhân cũng vậy, nghề nghiệp không phân biệt địa vị xã hội, đây chính là hệ thống giá trị của Đan Mạch.
Khi mùa đông với gần 20 giờ đồng hồ một ngày chìm trong đêm tối sắp đến, cũng có nghĩa là mùa học tập của người Đan Mạch đã đến. Đan Mạch là quốc gia nổi tiếng về “câu lạc bộ”, đặc biệt là vào mùa đông, mọi người tận dụng thời gian chìm trong bóng tối để tham gia các câu lạc bộ học tập.
(Ảnh: corbisimages.com) |
Hệ thống liêm khiết
Người Đan Mạch không thể nào chấp nhận được việc nhân viên chính phủ nham nhũng hoặc được hưởng đặc quyền. Lấy ví dụ như vào tháng 5/2005, ở Đan Mạch bị lộ thông tin quan chức văn phòng di dân nhận tiền đút lót của du học sinh Trung Quốc, trong đó có một vụ đút lót với số tiền 75.000 NDT và vụ việc này bị gọi là “Vụ đút lót lớn nhất trong 30 năm của Đan Mạch”.
Ngoài ra, theo báo cáo và chứng từ pháp luật của các cơ quan chính phủ, chỉ cần không có nội dung gì bí mật thì quan chức đều phải công khai tình hình thu nhập và thuế của mình với truyền thông, dù là phóng viên nước ngoài cũng có quyền được biết rõ.
(Ảnh: shutterstock.com) |
Thuế cao dùng để phục vụ người dân
Một tài xế taxi khoảng 40 tuổi tên là Olaf cho biết: “Hôm nay ít nhất phải chạy đủ 100 Euro. Số tiền này một nửa dùng để nộp thuế, một phần cho các loại bảo hiểm, trừ khi các khoản phí, số tiền tôi nhận được không đến 50 Euro. Thế nhưng tôi rất hạnh phúc, khi tôi và gia đình bị bệnh, luôn có bác sĩ và bệnh viện tốt. Các con của tôi được đi học miễn phí”.
Ở Đan Mạch, từ nhà trẻ đến đại học hoàn toàn miễn phí. Một tiến sĩ vừa mới tốt nghiệp có tên là Hagen cho biết: “Trong xã hội có thành tín như đứng trong một cái hồ trong suốt vậy, mọi người từ nhỏ đã dự đoán được tương lai của mình và có cơ hội nghề nghiệp cũng như giáo dục bình đẳng như người khác nên chúng tôi không phải lo lắng, suy nghĩ gì cả”.
Đan Mạch là “quốc gia ba cao” điển hình: thu nhập cao, thuế cao, phúc lợi cao. Tỷ lệ thuế thu nhập lên đến 50–70%. Số thuế này được dùng vào phúc lợi xã hội và giáo dục. Vì sao người dân Đan Mạch lại chịu đóng thuế cao? Vì sao những người có thu nhập cao không nghĩ cách để trốn thuế? Người đứng đầu của sân bay Copenhagen, ông Niels nghe câu hỏi xong thì bật cười và nói: “Thuế là một trách nhiệm. Tôi cũng được xem như là người có tiền, nhưng tôi đồng ý đóng thuế, bởi vì tôi không muốn trên đường phố có người nghèo”.
Ở đây, người có tiền vui vẻ đóng thuế để giúp đỡ những người kém hơn. Một nghị sĩ cho biết bản thân ông phải đóng 60 đồng trên mỗi 100 đồng mà ông kiếm được, nhưng ông lại chia sẻ rằng: “Đây không phải là vấn đề tiền bạc, mà là vấn đề lập trường. Những người có khả năng thì nên giúp đỡ những ai kém hơn mình”. Hầu như không hề có ai than vãn về thuế cao. Đây là một quốc gia giàu có biết chia sẻ mà lại có sức cạnh tranh.
Đan Mạch sở hữu công ty phát điện bằng sức gió và công ty hàng hải lớn nhất thế giới, công nghệ thiết kế, công nghiệp sản xuất thuốc nổi tiếng thế giới, các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi như thịt heo, thịt xông khói, giò heo xông khói, bãi cỏ và các loại cỏ v.v… cũng đứng hàng đầu thế giới trên thị trường.
(Ảnh qua global.dwnews.com) |
Hoàng gia và công chức không có đặc quyền
Hoàng gia Đan Mạch cũng phải tuân thủ pháp luật cũng như giữ gìn cuộc sống giản dị. Vào cuối tuần, nữ hoàng thường chỉ mang theo hai người tùy tùng, âm thầm đến nhà thờ cầu nguyện. Một người dân Đan Mạch từng thấy bà đi vào nhà thờ cho biết: “Nhìn thấy nữ hoàng chỉ cùng hai vệ sĩ xuất hiện trước mặt mình tôi đã giật mình, cảm thấy rất kỳ lạ”. Thậm chí nữ hoàng còn tự mình đi siêu thị mua đồ. Những người Đan Mạch thích lên mạng bất cứ lúc nào cũng có thể tìm được thông tin về các thành viên chính của Hoàng gia Đan Mạch, bao gồm nữ hoàng, hoàng phu, hoàng tử, hoàng phi, mọi thông tin đều rõ ràng minh bạch.
“Đối với người Đan Mạch, khoảng cách giữa người có quyền lợi nhất và người không có quyền lợi nhất rất nhỏ, đây là một quốc gia vô cùng bình đẳng”.
Ngọc Vân
(Trí Thức)