Điều gì đang làm ông Tập Cận Bình ‘đau đầu’?
Hội nghị ở Bắc Đới Hà mới đây cho thấy Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ban lãnh đạo nước này đang gặp những thách thức to lớn từ thương chiến Mỹ -Trung, biểu tình Hong Kong, hồ sơ Đài Loan cho tới vấn đề Biển Đông, theo một nhà báo từ BBC News Tiếng Trung hôm 08/8/2019.
Trung Quốc đang chịu những áp lực về kinh tế, thương mại và đời sống ở thị trường nội địa, đặc biệt là ở những khu vực đô thị cấp hai trở xuống, trong bối cảnh cuộc thương chiến ngày một phức tạp mà việc ‘trả đũa’ bằng phá giá đồng Nhân dân tệ mới đây so với đồng đôla chưa rõ ràng về một kết quả nào, vẫn theo ý kiến này.
Ông Tập Cận Bình được cho là nắm giữ tập trung nhiều quyền lực, do đó các áp lực về trách nhiệm nhà lãnh đạo càng cao với ông, từ đối nội tới bang giao, nhà báo Howard Zhang, Trưởng ban BBC News Tiếng Trung nói với Bàn tròn thứ Năm.
Mở đầu cuộc trao đổi tại hội luận trực tuyến từ London, ông Howard Zhang bình luận về diễn biến Trung Quốc mới phá giá đồng tiền của nước này:
“Tôi nói đây là một phép thử chính trị. Tôi xem thương chiến hiện nay như một ván cờ mà mỗi bên xem bên kia đi một nước và sẽ đi tiếp.
Việc Trung Quốc để đồng nhân dân tệ rớt giá, vượt ngưỡng 7 đổi 1 USD là nước đi tâm lý.
“Sang hôm thứ hai, thì Trung Quốc đã ngừng giảm giá đồng tiền. Có rất nhiều sức ép buộc đồng Nhân dân tệ phải xuống giá, nhiều nhà đầu tư đã đặt cược là đồng tiền này sẽ phải xuống giá nhiều hơn. Thế nhưng Trung Quốc đã ngừng lại và như vậy, chúng ta sẽ còn chờ xem kết cục thế nào.
“Ảnh hưởng như thế nào, thì phải hỏi tùy người. Tổng thống Donald Trump ngày hôm qua nói rằng hàng ngàn công ty đang rời khỏi Trung Quốc. Tiền Trung Quốc đang bị bao vây, đang rất khó khăn.
Nhưng phía Trung Quốc lại nói đang ở trong quá trình chuyển đối, tái cơ cấu. Chúng ta đang đi lên mô hình mới hơn, không có sao.
“Tin ai, thì còn phải hỏi tùy vào người nào. Ở các thành phố lớn của Trung Quốc thì có lẽ không tệ lắm, nhưng ở các thành phố bậc hai, tức là các thành phố bên ngoài, họ đang bắt đầu lo ngại về việc mất việc làm, và giá thịt gà, thịt heo đã tăng lên.”
Liệu Trung Quốc có thắng?
Một số nhà phân tích cho rằng điều này có thể dẫn đến một “cuộc chiến tiền tệ” Trung – Mỹ, bên cạnh cuộc chiến thương mại đang diễn ra, khi được hỏi về phạm vi ảnh hưởng và hệ quả sẽ ra sao nếu cuộc chiến mới này nổ ra, trên phạm vi quốc tế và khu vực và Liệu Trung Quốc sẽ thắng hay là không, ông Zhang đáp:
“Câu trả lời khá đơn giản, dù chúng ta nói đến cuộc chiến tiền tệ, cuộc chiến thương mại hay cuộc chiến công nghệ, đấu một chọi một thì Trung Quốc không thể nào thắng được.
“Bởi vì từ sau Thế chiến Hai, Mỹ đã thống trị hệ thống mà chúng ta sống. 90% giao dịch thương mại trên thế giới là bằng đồng tiền đôla.
“Trung Quốc chỉ là người đứng ngoài và anh không thể nào chiến thắng khi mà anh không phải là người áp đặt luật chơi.
“Nhưng nhìn về lâu dài, với những yếu tố khác tác động, ví dụ như vấn đề Iran, vấn đề Triều Tiên, thì Trung Quốc có thể có lựa chọn khác. Nhưng khi chỉ nói từng cuộc chiến như hiện nay, thì Trung Quốc không thể nào thắng được.”
Gần đây, Trung Quốc đã có một cuộc đối đầu với Việt Nam tại khu vực Bãi Tư Chính ở Biển Đông, một số nhà quan sát cho rằng áp lực từ cuộc chiến thương mại với Mỹ, căng thẳng với Đài Loan và một số vấn đề nội bộ (bao gồm cả các cuộc biểu tình liên tục ủng hộ dân chủ Hồng Kông ) quá lớn đến nỗi ông Tập Cận Bình và lãnh đạo Trung Quốc phải quyết định chuyển hướng sự chú ý của thế giới để tái cân bằng.
Bàn về bản chất và nguyên do phía sau diễn tiến mới này ở Biển Đông, ông Zhang nói:
“Truyền thông trong nước Trung Quốc gần như không nói gì về vụ đối đầu ở biển với Việt Nam.
Nghĩa là họ không muốn làm to chuyện này ở trong nước. Họ không xem đó là vấn đề chính trị để nói với trong nước.
Nhưng họ muốn nói với quốc tế rằng anh không thể muốn làm gì thì làm.”
Về vấn đề Hong Kong, trước câu hỏi liệu Trung Quốc có gửi quân đội đến Hong Kong hay không, nhà báo bình luận:
“Nếu Trung Quốc muốn gửi quân đội vào Hong Kong, thì đầu tiên phải có yêu cầu từ Chính phủ Hong Kong và có nhiều điều kiện khác, ví dụ phải là có sự xâm lược của ai đó, hoặc là có thiên tai. Nhưng họ không thể nào gửi quân đội nào vì sẽ có sự lo ngại rằng sẽ có sự lo ngại và sự phản đối của quốc tế.
“Hiện nay, Hong Kong vẫn là một tuyến được rất quan trọng về mặt thương mại, về mặt tài chính. Và Trung Quốc không thể nào mất Hong Kong trong vị thế tài chính như vậy, đặc biệt trong cuộc chiến đang diễn ra về thương mại với Hoa Kỳ nữa. Nó sẽ như là tự chém vào tay của mình, cho nên trừ khi thực sự cần thiết, thì họ mới gửi quân đội vào.
“Mặt khác là có những vấn đề là có những đối tượng ngầm, không phải là chính thức, và nếu như Trung Quốc chưa gửi những người đó vào thì họ cũng có thể sẽ gửi những người đó vào, nếu như họ cảm thấy cần. Nhưng về việc gửi quân đội, thì tôi nghĩ là chưa.”
Thách thức nào lớn nhất?
Truyền thông quốc tế có đề cập tới Hội nghị ở Bắc Đới Hà vào thời điểm hiện nay và cho rằng ông Tập Cận Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc đang đối diện một số áp lực, thách thức, về áp lực cao nhất mà ông Tập đang gánh chịu, ông Zhang nói:
“Sức ép cao nhất đối với ông Tập Cận Bình, ít nhất trên giấy tờ, là ông ta đã tập trung tất cả quyền lực vào mình làm người lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
“Khi anh càng có nhiều quyền lực thì anh càng phải có nhiều trách nhiệm, và anh phải đối phó với những khó khăn, thách thức khi nó xảy ra. Hiện nay, đó là thách thức đối với Mỹ, đối với kinh tế, đối với Hong Kong, với Đài Loan.
“Và tại các đất nước độc đoán như Trung Quốc và có lẽ với cả Việt Nam cũng thế, thì mặc dù bên ngoài các lãnh tụ tỏ ra mạnh mẽ, nhưng trong các cuộc họp, sẽ có người hỏi họ là khi anh đã phạm sai lầm, thì anh phải làm gì chứ?
“Thế thì tại cuộc họp Bắc Đới Hà hiện nay, chúng ta có thể hình dung có những người về hưu như là ông Hồ Cẩm Đào, ông Giang Trạch Dân, hoặc không phải trực tiếp những người này, mà có những người khác, họ sẽ hỏi rằng thế bây giờ đã có những vấn đề như vậy, thì ông sẽ làm thế nào để giải quyết và như vậy đó là thách thức rất là lớn cho ông Tập Cận Bình.”
Trong toàn bộ tổng thể vấn đề như đã trình bày này, khi được hỏi là từ nay đến trung hạn, liệu Trung Quốc có phát động một cuộc chiến tranh hay hành động quân sự nào với bất cứ đối tượng nào trong khu vực Biển Đông hay không, ông Zhang nêu quan điểm:
“Chiến tranh, cũng như là tôi vừa nói về vấn đề đưa quân đội vào Hong Kong, thì cả hai đều là giải pháp cuối cùng, khi mà không còn giải pháp nào khác. Hiện nay, thách thức lớn nhất là vấn đề nội bộ trong Trung Quốc, giữa các phe họ tranh giành quyền lực với nhau để xem ai là phe mạnh nhất.
“Phe của ông Tập Cận Bình rất là mạnh rồi, nhưng vẫn chưa phải là mạnh nhất và ông ấy sẽ có những lo ngại là nếu chiến tranh xảy ra. Chiến tranh thì đem lại bất trắc. Bất trắc thì đem lại những khó khăn không lường trước, không thể xét đoán.
“Vì thế tôi hồ nghi và nghĩ rằng khi nào tệ lắm và không thể còn sự lựa chọn nào khác, thì ông ta mới gây ra chiến tranh, còn không thì không xảy ra đâu.
“Có lẽ kịch bản duy nhất mà tôi nghĩ là có thể xảy ra xung đột, ví dụ như là Hoa Kỳ tự nhiên có động thái gì đó.
Gần đây có tin đồn rằng có khi Đài Loan sẽ cho thuê đảo Ba Bình, ở Trường Sa, cho quân Mỹ thuê chẳng hạn. Hay là bỗng nhiên Mỹ lại gửi quân đội đến đóng ở Đài Loan, thì đó sẽ là những bước đi mà Trung Quốc sẽ phải có phản ứng để bày tỏ sự bất mãn của mình. Nếu không thì sẽ bị xem là Trung Quốc đã thất bại.
“Đó là kịch bản khả dĩ duy nhất mà tôi nghĩ rằng có thể khiến xảy ra xung đột,” Trưởng ban BBC News Tiếng Trung nói với Bàn tròn thứ Năm.
Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn cuộc hội luận tại Bàn tròn Thứ Năm hôm 08/8/2019 về các thách thức của Trung Quốc từ ‘thương chiến đến Biển Đông’.