“Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Kiều châu Âu” tại Hungary
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Kiều Châu Âu, Budapest, Hungary, 17-18/09/2016.RFI / Tiếng Việt
RFI, Hoàng Nguyễn – 16-09-2016
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Kiều châu Âu lần thứ 10 diễn ra từ ngày 16 đến ngày 18/09, tại thủ đô Budapest, Hungary. Chủ đề của diễn đàn năm 2016 là «Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU: Cơ hội, hợp tác và phát triển».
Diễn đàn lần thứ 10 quy tụ nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tại các quốc gia châu Âu: Áo, Vương quốc Anh, Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Czech, CHLB Đức, Hungary, Hy Lạp, Na Uy, Liên bang Nga, Rumani, Pháp, Slovakia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Ukraine, Uzbekistan… cũng như nhiều doanh nhân đến từ Hoa Kỳ và Việt Nam.
Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn cho biết thêm chi tiết:
RFI : Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu lần thứ 10, từ 16 đến 18/09/2016, xin anh giới thiệu qua về Diễn đàn này ?
Hoàng Nguyễn: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt kiều Châu Âu là sinh hoạt thường niên lớn nhất của cộng đồng các doanh nhân Việt ở Châu Âu, trong khuôn khổ một tổ chức xã hội và chuyên môn mang tên Liên Hiệp Hội Doanh nghiệp Việt Kiều Châu Âu đã thành lập và phát triển từ 10 năm nay, với tổ chức tiền thân là Ban Liên Lạc Doanh nghiệp Việt Kiều Châu Âu.
Kể từ năm 2006, Diễn đàn được tổ chức mỗi năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Hội, và quy tụ sự tham gia của những gương mặt doanh nhân và doanh nghiệp hàng đầu tại Châu Âu. Trong những kỳ Diễn đàn, ngoài các doanh nghiệp đến từ các nước Châu Âu, thường còn có các đại diện doanh nghiệp từ Việt Nam.
Năm nay, theo những thông tin sơ bộ cho tới hiện tại, đã có chừng 250 đại biểu và khách mời từ hơn 20 nước Châu Âu và trên thế giới đăng ký tham dự Diễn đàn. Nội dung chính là cuộc Hội thảo diễn ra vào ngày mai, 17/09, với chủ đề chung về những cơ hội và thử thách nhân Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU được ký kết vào cuối năm ngoái.
Đáng chú ý là trong số các vị khách mời, ngoài các Đại sứ và Tham tán Thương mại Việt Nam ở nước ngoài, còn có sự hiện hiện của một số chính khách quan trọng. Có thể kể đến Phó Thị trưởng phụ trách phát triển đô thị của thành phố Budapest, là “kiến trúc sư” và người kết nối các mối quan hệ giữa hai thành phố Budapest và TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên hiệp Châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet sẽ có bản thuyết trình tại Diễn đàn cũng với chủ đề Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU. Diễn đàn cũng ghi nhận sự tham dự của các quan chức Ủy ban Olympic Hungary, hiện đang giúp đỡ Việt Nam rất nhiều trong mảng huấn luyện các nhà thể thao đỉnh cao.
Trong Diễn đàn 10, lần đầu tiên có sự liên kết với doanh nghiệp Việt Kiều trẻ thông qua sự hiện diện của Liên hiệp Doanh nhân Trẻ Việt Nam tại Châu Âu (EViYBA) mới thành lập 3 năm nay. Tổ chức này đặt mục tiêu tiếp nối, duy trì và kế thừa những kinh nghiệm của thế hệ doanh nhân đi trước với tư duy và cách làm việc mới của thế hệ trẻ, sở hữu những kiến thức và lợi thế về ngôn ngữ và hội nhập.
Đây là lần thứ hai, Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary được giao nhiệm vụ tổ chức Diễn đàn và Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Liên Hiệp Hội, như là sự ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp Việt ở một quốc gia nhỏ, nhưng đã có những cố gắng lớn. Cách đây 8 năm, các doanh nhân Việt tại Hung đã tổ chức Diễn đàn lần thứ 3, được đánh giá là rất chu đáo và thành công.
RFI : Các Doanh nghiệp Việt kiều Đông Âu (DNVKĐA) đã trải qua hai giai đoạn quan trọng: Sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường của các nước Đông Âu (1990-2004) và sự hội nhập vào EU (từ 2004 tới nay). Vậy những cơ hội và thách thức hiện nay và trong tương lai đối với các doanh nghiệp này là gì ?
Hoàng Nguyễn : Theo nhận định của chính các doanh nhân Việt ở Đông Âu, giới kinh doanh tại các nước CS cũ đã có chừng một thập niên rưỡi “vàng son”, “cái gì cũng bán được”, khi Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Czech, Slovakia… mới thoát khỏi nền kinh tế tập trung xơ cứng kiểu XHCN, để chuyển sang mô hình kinh tế trên nền tảng thị trường.
Đó là khoảng thời gian mà hàng hóa còn khan hiếm do thị trường còn ảnh hưởng của lối sản xuất và phân phối theo kế hoạch, bà con Việt dù là tiểu thương hay buôn bán lớn có rất nhiều cơ hội để tiêu thụ những mặt hàng chất lượng vừa phải, hiều khi theo lối “mua đầu chợ bán cuối chợ” rất thô sơ và chưa đòi hỏi phải tuân thủ những quy định ngặt nghèo.
Tuy nhiên, kể từ mốc thời gian khối Đông – Trung Âu gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, các quốc gia tại đây phải hoàn thiện hệ thống luật pháp nghiêm ngặt với vô vàn quy định nghiêm túc về thuế má, chất lượng sản phẩm, điều kiện kinh doanh… Các công ty đa quốc gia ồ ạt xâm chiếm thị trường Đông Âu với các hệ thống bán lẻ mọc lên như nấm trong thời gian ngắn.
Sự cạnh tranh khốc liệt khiến nhiều doanh nghiệp bản địa – trong đó có các công ty của người Việt – phải phá sản, giải thể, hoặc hoạt động ngoi ngóp. Cái gọi là “nền kinh tế chợ” – ám chỉ cung cách kinh doanh ngoài chợ trời xô bồ và thiếu mọi điều kiện về vệ sinh, an toàn… của người Việt – dần dần đi vào con đường phá sản tại đa số các nước trong vùng.
Khi không còn cảnh khan hiếm về hàng hóa mà ngược lại, khách hàng có thể lựa chọn đủ các loại hàng nhiều chủng loại tại các trung tâm thương mại đáp ứng mọi nhu cầu mua bán và giải trí cho cả gia đình, thì chợ Việt không còn là sự lựa chọn phổ biến. Thị trường Đông Âu, như nhận xét của một doanh nhân Việt, đã hoàn toàn nằm trong tay những “cá lớn”Phương Tây.
Thêm nữa, hoạt động kinh doanh của người Việt ở Đông Âu còn bị hạn chế và cản trở do sự thiếu hiểu hiểu biết hết các luật lệ có liên quan (thường là rất nhiêu khê và phức tạp), chưa có trình độ quản lý nhân công thích hợp, và còn thiếu sáng tạo, ít tìm tòi cho mình một mô hình kinh doanh riêng, hay rập khuôn bắt chước nhau làm mất đi tính phong phú và sinh động trong kinh doanh.
Đương nhiên, bên cạnh những khó khăn ấy, vẫn có những cơ hội rất hiển nhiên dành cho những ai có trình độ và khả năng thay đổi, sáng tạo, khi cả Châu Âu đã thống nhất trong khuôn khổ một thị trường rộng lớn, và hàng hóa lưu thông không biên giới. EU thống nhất khiến việc liên kết giữa các nhóm doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, và các công ty còn có thể tận dụng sự hỗ trợ của EU trong kinh doanh.
RFI : Giữa các doanh nghiệp Việt kiều Đông Âu và Tây Âu có mối quan hệ như thế nào ?
Hoàng Nguyễn : Xin nhắc lại là Liên Hiệp Hội Doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu tiền thân là sự liên kết giữa các nhóm doanh nghiệp chủ yếu tập trung ở các nước Cộng sản (cũ), và chỉ dần dần mới mở rộng ra quy mô toàn Châu Âu, với sự tham gia của giới doanh nhân Việt kiều Tây Âu như hiện tại. Lý do là có sự khác biệt khá căn bản trong hoạt động kinh doanh của hai cộng đồng Việt kiều này.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt kiều ở Đông Âu (và Liên Xô cũ) thực chất mới chỉ hình thành sau khi diễn ra biến chuyển dân chủ 1989-90, nên còn rất non trẻ, sự hội nhập ở mức chưa thật cao, các doanh nhân sinh sống tương đối tập trung, đa số thường lập cửa hàng bán buôn, bán lẻ, trung tâm thương mại, doanh nghiệp may mặc, giày dép, chế biến ẩm thực phẩm…
Trong khi đó ở Tây Âu, đa số Việt kiều đã nhập tịch, phần đông hội nhập như người địa phương, sinh sống và hoạt động rải rác. Chủ yếu họ làm việc tại các cơ quan, công ty sở tại như những chuyên viên, chuyên gia, ít doanh nghiệp thuần túy theo mô hình Đông Âu. Nếu có thì quy mô thường là vừa và nhỏ (nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, tư doanh, công nghệ và thông tin, nhà thuốc tây, văn phòng luật, bác sĩ…).
Sự khác biệt trong tư duy, cũng như cung cách làm việc, kinh doanh đó khiến trong những năm đầu, sự hợp tác giữa giới doanh nghiệp đôi bên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, thời gian về sau, Việt kiều Đông và Tây Âu đã xích lại gần nhau hơn rất nhiều thông qua những kỳ Diễn đàn hàng năm, và sự kết nối, chung lòng này cũng được coi là kết quả lớn của 10 năm hoạt động Liên Hiệp Hội.
Một trong những khả năng, cầu nối giữa hai cộng đồng doanh nghiệp, có thể là những doanh nhân trẻ, trưởng thành tại Đông Âu, Tây Âu và Liên bang Nga, có mẫu số chung là trình độ học vấn cơ bản (đa số tốt nghiệp đại học, thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng công nghệ thông tin tốt và có khả năng sử dụng phương tiện truyền thông hiện đại).
Với ước muốn, khát vọng chung là tìm định hướng nghề nghiệp, cơ hội thực tập, thích học hỏi, trao đổi kiến thức, mở rộng quan hệ quốc tế và suy nghĩ sáng tạo, đột phá, giới doanh nhân trẻ có cách thức làm việc, tư duy và nhu cầu khác với các thế hệ đi trước. Không chỉ có thể là cầu nối, mà thế hệ doanh nhân này còn có kỳ vọng tiếp nối và duy trì các hoạt động của cha, anh.