Tin Thế Giới – 24/9/22

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Thế Giới – 24/9/22

Khuôn mặt Tượng Thần Tự Do

image.png

Tượng Nữ Thần Tự Do có khuôn mặt của một người phụ nữ có thật sống ở thế kỷ 19: đó là một phụ nữ Pháp Isabella Boye. Năm 1878, bà trở thành người mẫu cho Tượng Nữ thần Tự do ở tuổi 36.Đây là lý do tại sao nhà điêu khắc lại chọn khuôn mặt của bà để tạo ra biểu tượng của nước Mỹ. Năm 20 tuổi, bà kết hôn với nhà phát minh máy may 50 tuổi Isaac Singer, và sau khi ông qua đời, bà trở thành người phụ nữ giàu nhất đất nước.Dĩ nhiên, bà đã không chịu cảnh góa phụ lâu. Vài năm sau, Isabella kết hôn với nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng lúc bấy giờ là Victor Reubsteth.
Cuộc hôn nhân này cũng mang lại cho bà một danh hiệu – bà trở thành nữ bá tước của Camposelice. Đã bước sang ngưỡng tuổi 40 nhưng nhan sắc của Isabella không hề phai nhạt. 
Chính trong khoảng thời gian này, bà đã gặp Bertholdi, người đang tìm kiếm hình mẫu cho Tượng Nữ thần Tự do mà ông đang ấp ủ.

image.png

Không có gì ngạc nhiên khi Bertholdi chọn bà làm hình mẫu cho Tượng Nữ thần Tự do. Bởi vì chính bà đã nhân cách hóa giấc mơ Mỹ thành hiện thực.Khuôn
mặt của Isabella – sắc sảo, nghiêm túc, kiên quyết, rất hợp với ý tưởng
của ông. Ông đề nghị bà Bá tước làm mẫu và nhận được sự đồng ý.Do vậy, khuôn mặt của nữ bá tước Isabella đã đi vào lịch sử với khuôn mặt bằng đồng của Tượng Nữ Thần Tự do.

Chuyên gia quân sự nêu cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh với Nga

Chuyên gia về lực lượng vũ trang Nga – Pavel Luzin, cho biết, việc huy động quân mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, là hành động tự sát chính trị và giết chết nhà nước Nga. Ông đã nói về điều này trên sóng của “Radio NV” hôm 23 tháng 9.

Ông Luzin tin rằng, việc huy động quân ở Nga chắc chắn thất bại và sẽ dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng của Liên bang Nga.

“Có thể bắt đầu cuộc động viên, nhưng không thể tổ chức thành công. Chúng ta đang chứng kiến vụ tự sát trong thời gian dài của chính quyền Nga, và giờ đây đã biến thành một vụ tự sát của nhà nước Nga”, ông Luzin nói.

Theo ý kiến của ông, việc huy động quân được công bố đã khiến người dân Liên bang Nga suy nghĩ về tương lai của họ và họ bắt đầu tìm kiếm sự thật về cuộc chiến Nga – Ukraina.

“Những kẻ không hẳn là ủng hộ Putin điên cuồng nhất, mà chỉ là những người nhắm mắt bịt tai trong suốt 6 tháng qua, cố gắng không nhìn thấy hoặc không nghe gì về những mất mát, về Bucha, về Izyum, hoặc về Mariupol – chẳng về gì cả. Họ giả vờ rằng không có gì đang xảy ra. Hiện nay họ đang theo dõi trên Internet về những tổn thất và những hình ảnh, để hiểu những gì đang chờ đợi họ. Họ nhìn thấy và kinh hoàng”, – chuyên gia cho biết.

Ông Luzin cho rằng, cuộc phản công thành công của Lực lượng vũ trang Ukraina ở khu vực Kharkiv là một tín hiệu về sự thất bại của Liên bang Nga đối với những người ủng hộ trung thành nhất của Điện Kremlin: “Ít nhất là họ rất sợ hãi. Ngay cả những người đứng đầu cũng nhận ra rằng cuộc chiến đã thất bại, và đây là sự tiếp nối của cơn đau đớn”.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, Nga cần phải đầu hàng, vì không có lối thoát nào khác. Theo ông, sự lựa chọn tiếp tục leo thang của Putin là một nỗ lực nhằm buộc Ukraina và phương Tây tiến đến những hình thức đàm phán nào đó.

Tuy nhiên, chuyên gia tin rằng, cách duy nhất để kết thúc chiến tranh “không phải là đàm phán với Nga, đây phải là thất bại quân sự của Nga. Sự thất bại hoàn toàn và không thể đảo ngược được”.

Tổng thống Mỹ, Philippines ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông

image.png

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Philippines Ferdinand Marcos Jr ngày 22/9 đã có cuộc gặp song phương bên lề kỳ họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc diễn ra ở New York, Mỹ.

Đây là lần đầu tiên lãnh đạo hai quốc gia đồng minh này gặp nhau kể từ khi ông Marcos, con trai của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos, lên nắm quyền hồi tháng 6.

Trong cuộc thảo luận, cả hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng ở khu vực.

“Các nhà lãnh đạo đã thảo luận về tình hình ở Biển Đông và nhấn mạnh sự ủng hộ của họ đối với tự do hàng hải và hàng không cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp”, Nhà Trắng cho biết trong một thông cáo sau cuộc hội đàm.

Tổng thống Biden chú trọng tới các chủ đề Biển Đông, đại dịch Covid-19 và năng lượng tái tạo trong cuộc gặp với người đồng cấp Philippines.

Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc gia tăng “các hành động khiêu khích” chống lại các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và các quốc gia khác đang hoạt động trong khu vực.

“Vai trò của Mỹ trong việc duy trì hòa bình ở khu vực chúng tôi là điều được tất cả các nước trong khu vực và đặc biệt là Philippines đánh giá cao”, ông Marcos nói trong cuộc hội đàm.

Philippines là đồng minh chủ chốt của Mỹ và có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong trường hợp Mỹ cần bảo vệ đảo Đài Loan về mặt quân sự trước cuộc tấn công của Trung Quốc, do vị trí địa lý của quốc gia Đông Nam Á này.

Mỹ mong muốn có được khả năng tiếp cận lớn hơn đối với các căn cứ quân sự tại Philippines do cần phải chuẩn bị cho tình huống bất ngờ đó.

“Các nhà lãnh đạo đã phản ánh tầm quan trọng của liên minh Mỹ – Philippines. Tổng thống Biden tái khẳng định cam kết chặt chẽ của Mỹ trong việc bảo vệ Philippines”, Nhà Trắng cho biết thêm.

Hồi đầu tháng này, Đại sứ Philippines tại Mỹ Jose Manuel Romualdez, một nhân vật thân cận với Tổng thống Marcos, nói với Nikkei của Nhật Bản rằng, Philippines sẽ cho phép lực lượng Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của quốc gia Đông Nam Á này trong trường hợp xảy ra xung đột ở đảo Đài Loan, với điều kiện “điều đó là quan trọng đối với chúng tôi, phục vụ an ninh của chính chúng tôi”.

Ông Tập đả 5 con hổ lớn trước thềm Đại hội 20, ‘không ai có kim bài miễn tội’

image.png

Từ trái sang phải: hàng trên là các ông Tôn Lực Quân, Lưu Ngạn Bình, Phó Chính Hoa, Vương Lập Khoa; hàng dưới là các ông Cung Đạo An, Đặng Khôi Lâm, Lưu Tân Vân.
Chỉ trong hai ngày 21 và 22 tháng 9, Trung Quốc đã kết án nặng 5 thành viên thuộc băng đảng chính trị Tôn Lực Quân. Phân tích chỉ ra rằng, ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh thanh trừng phe Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, nhằm tăng tốc độ làm chủ hệ thống công an và tư pháp.

Hiện tại, “băng đảng chính trị Tôn Lực Quân” – thế lực được cho là chống phá ông Tập – có 7 thành viên bị công khai danh tính. Họ đều là các quan chức cấp cao trong hệ thống công an và tư pháp, bao gồm:

Tôn Lực Quân – cựu Thứ trưởng Bộ Công an;
Lưu Ngạn Bình – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Bí thư Ủy ban Kỷ luật thuộc Bộ An ninh Quốc gia;
Phó Chính Hoa – cựu Thứ trưởng Bộ Công an, cựu Bộ trưởng Tư Pháp;
Vương Lập Khoa – cựu Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô;
Cung Đạo An – cựu Phó thị trưởng, cựu Giám đốc Công an Thượng Hải;
Đặng Khôi Lâm – cựu Phó thị trưởng, cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh;
Lưu Tân Vân – cựu Phó tỉnh trưởng, cựu Giám đốc Công an tỉnh Sơn Tây.

Cả 7 người này đều đã bị khai trừ đảng và cách mọi chức vụ, chỉ còn Tôn Lực Quân và Lưu Ngạn Bình chưa bị kết án. Tôn Lực Quân bị xét xử vào tháng 7/2022, còn Lưu Ngạn Bình bị bắt vào ngày 9/9/2022.

Hôm 22/9, Phó Chính Hoa và Vương Lập Khoa cùng bị kết án tử hình treo với tội danh chính là nhận hối lộ. Cả hai đều được hưởng án treo 2 năm và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Sau 2 năm này sẽ được giảm xuống mức án tù chung thân, không được tiếp tục giảm án hay tạm tha.

Tòa án cho biết, theo điều tra, từ năm 2005-2021, Phó Chính Hoa đã thu nhận phi pháp số tài sản hơn 117 triệu nhân dân tệ (hơn 390 tỷ VNĐ); từ năm 1993-2020, Vương Lập Khoa đã nhận hối lộ hơn 440 triệu nhân dân tệ (hơn 1.467 tỷ VNĐ). Không chỉ vậy, Vương Lập Khoa còn hối lộ Tôn Lực Quân hơn 97,31 triệu nhân dân tệ (hơn 320 tỷ VNĐ) nhằm trục lợi bất chính.

Một ngày trước đó, ngày 21/9, Cung Đạo An, Đặng Khôi Lâm và Lưu Tân Vân lần lượt bị kết án tù chung thân, 15 năm tù và 14 năm tù.

Hãng thông tấn Trung ương (CNA) ngày 22/9 đưa tin rằng, việc kết án nặng 5 quan chức trên trước thềm Đại hội 20 cho thấy, có thể chế độ Bắc Kinh đang muốn chấn nhiếp hệ thống chính trị pháp luật và thậm chí là toàn đảng từ trên xuống dưới, đây là động thái hiếm thấy trong hơn 40 năm sau khi kết thúc Cách mạng Văn hóa.

Ngoài ra, theo điều tra của “Tổ chức quốc tế điều tra về cuộc đàn áp Pháp Luân Công” ở nước ngoài, cả 7 người trên đều tham gia tích cực vào cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân đứng đầu.

Truyền thông ĐCSTQ: Trong việc chống tham nhũng, không ai có kim bài miễn tội
Tạp chí Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Trung Quốc là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Ủy ban Giám sát Quốc gia Trung Quốc.

Bài báo “Chống tham nhũng là cách mạng tự thân triệt để nhất” đăng trên số mới nhất của tạp chí này có đề cập rằng, kể từ sau Đại hội 18 tính đến cuối tháng 4/2022, các cơ quan kiểm tra và giám sát kỷ luật trên toàn quốc đã lập án, thẩm tra và điều tra tổng cộng 4,388 triệu vụ và 4,709 triệu người.

Theo bài báo, chỉ trong nửa đầu năm 2022, các cơ quan hữu trách trên toàn Trung Quốc đã xử lý 739.000 đầu mối, lập án 322.000 vụ và xử phạt 273.000 người. Trong đó có 21 cán bộ cấp tỉnh và cấp bộ, 1.237 cán bộ cấp sở, cục và 10.000 cán bộ cấp quận, huyện.

Thậm chí, bài báo còn nêu đích danh 6 con “hổ lớn” đã ngã ngựa là Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Tôn Chính Tài và Lệnh Kế Hoạch, đồng thời nhấn mạnh rằng:

“Không ai có kim bài miễn tội, không ai là Thiết mạo tử vương (ý chỉ tước vị được giữ nguyên khi truyền lại cho con), bất kể là khu vực hoặc lĩnh vực nào, bất kể là còn tại chức hay đã nghỉ hưu, cần khai đao sẽ khai đao, cần thanh trừ sẽ thanh trừ”.

Về vấn đề này, tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 18/9 đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm kiểm soát hoàn toàn hệ thống công an và tư pháp, bởi vì cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân vẫn có một số ảnh hưởng nhất định.

Truyền thông Nhật chỉ ra rằng, sở dĩ ông Tập vội vàng kiểm soát hai hệ thống này là vì trước khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương khi đó là Chu Vĩnh Khang, người thân cận với Giang Trạch Dân, từng mưu đồ nhằm cản trở ông kế thừa quyền lực. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, ông Tập sẽ cố gắng hết sức kiểm soát công an và các hệ thống khác để nắm được hành động của các nhân vật quan trọng. Phó Chính Hoa từng bị nghi ngờ vì mang súng bên người.

Hiện tại, công an và tư pháp dường như đóng vai trò rất quan trọng trong việc ông Tập tái đắc cử tại Đại hội 20. Ông cũng có thể bổ nhiệm một quan chức cấp cao thân cận vào vị trí Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương để bản thân có thể nắm giữ nhiều thực quyền hơn.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu ‘ngầm đe dọa’ cánh hữu của Ý, gây ra phẫn nộ

image.png

Người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã cảnh báo Ý về những “công cụ” mà Ủy ban có thể dùng đến, tùy thuộc vào kết quả cuộc bầu cử sắp tới tại nước này, trong bối cảnh một liên minh cánh hữu được dự kiến sẽ chiến thắng.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã được hỏi tại Đại học Princeton ở Mỹ vào ngày 22/9/2022 rằng: “Có bất kỳ lo ngại nào liên quan đến cuộc bầu cử sắp tới ở Ý không? Cũng vì cân nhắc đến việc có rất nhiều chính trị gia tranh cử có quan hệ với Putin”.

“Để xem kết quả của cuộc bầu cử. Chúng tôi cũng vừa tổ chức bầu cử ở Thụy Điển. Cách tiếp cận của tôi là bất cứ chính phủ dân chủ nào sẵn sàng làm việc với chúng tôi, thì chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau”, bà von der Leyen trả lời.

“Để xem xem. Nếu mọi thứ đi theo hướng khó, [thì như] tôi đã nói về Hungary và Ba Lan, chúng tôi có các công cụ”, bà nói thêm.

“Công cụ” mà bà von der Leyen đề cập đến là khuyến nghị mới đây của Ủy ban Châu Âu về việc đình chỉ khoản kinh phí khoảng 7,5 tỉ EUR cho Hungary với lý do “tham nhũng”, trường hợp đầu tiên như vậy trong Liên minh Châu Âu.

Nghị viện Châu Âu cũng đã bỏ phiếu tuyên bố Hungary không còn là một nền dân chủ thực sự. Nhưng Hiệp ước về Liên minh Châu Âu không định nghĩa rõ “dân chủ” là gì, vì vậy “dân chủ” có nghĩa là bất cứ điều gì Nghị viện Châu Âu muốn, theo giáo sư Gabriël Moens tại Đại học Queensland nhận xét.

Phản ứng từ các chính trị gia
Matteo Salvini — lãnh đạo của Lega Nord, một đảng chính trị cánh hữu thuộc liên minh trung hữu đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò tại Ý — đã phản ứng mạnh mẽ hôm 23/9.

“Cái gì đây? Một lời đe dọa? Thật là một sự ngạo mạn đáng xấu hổ. Hãy tôn trọng lá phiếu, quyền tự do, dân chủ, và chủ quyền của người dân Ý! Bạn bè của tất cả, đầy tớ không của riêng ai”, ông viết trên Twitter.

Ông Salvini đã yêu cầu bà von der Leyen “xin lỗi hoặc từ chức”.

Bình luận của bà von der Leyen cũng gây phẫn nộ trong các nghị sĩ Ý tại Nghị viện Châu Âu.

“Ý là một quốc gia tự do, có chủ quyền, với truyền thống dân chủ mạnh mẽ. Công dân Ý xứng đáng được tôn trọng và Brussels nên hiểu được điều đó”, hai nghị sĩ Marco Zanni và Marco Campomenosi cho biết trong một tuyên bố chung hôm 23/9.

“Những lời nói hôm qua của Ursula Von der Leyen thật đáng xấu hổ, chúng tôi không chấp nhận những lời cảnh cáo, những lời quở trách, hay những lời đe dọa ngầm. Tuy nhiên, 3 ngày trước cuộc bầu cử, lại có một can thiệp nữa từ một người trong Liên minh Châu Âu mà không thể chấp nhận được rằng, tại Ý, chủ quyền thuộc về người dân”.

“Chúng tôi sẽ đưa ra một câu hỏi để yêu cầu làm rõ sự việc. Dù cố ý hay sơ suất, thì trong mọi trường hợp đây đều là nghiêm trọng và không thể chấp nhận được. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phải xin lỗi và tôn trọng lá phiếu của người Ý”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Ba Lan cũng đã chỉ trích bình luận của bà von der Leyen.

“Chủ tịch Ủy ban châu Âu gợi ý rằng nếu người Ý bầu ra một chính phủ mà Brussels không thích, thì họ có thể bị phong tỏa kinh phí”, Thứ trưởng Sebastian Kaleta cho biết trên Facebook.

“Một bằng chứng khác cho thấy ‘pháp quyền’ hoàn toàn là hành vi tống tiền để áp đặt mệnh lệnh của Liên minh Châu Âu, hay nói đúng hơn là của Đức. ‘Nền dân chủ’ trông như thế này đây”, ông Kaleta nói thêm.

Phát ngôn viên của Ủy ban Châu Âu Eric Mamer nói rằng, bà von der Leyen không tìm cách can thiệp vào chính trị Ý.

Bà ấy đã nhấn mạnh vai trò của Ủy ban với tư cách là người giám hộ các hiệp ước [châu Âu] về pháp quyền”, ông Mamer giải thích hôm 23/9.

Nghị sĩ Ý Marco Zanni tại Nghị viện Châu Âu đã phản bác lời giải thích này, nói rằng: “Thật tệ khi mà câu hỏi [đặt ra cho bà von der Leyen] chính xác là về bầu cử ở Ý. Bà ấy vốn có thể trả lời theo một ngàn cách khác, bà ấy đã cố ý lựa chọn ‘ngầm’ đe dọa”.

Nga ngầm đe dọa phá hủy hệ thống Starlink của SpaceX

image.png

Nga đã úp mở sẽ “trả đũa” hệ thống Internet vệ tinh Starlink của SpaceX vì đã hỗ trợ quân đội Ukraine. Một đại diện của Nga tên là Konstantin Vorontsov đã đưa ra cảnh báo này vào tuần trước tại một cuộc họp của nhóm công tác của Liên Hợp Quốc về việc giảm thiểu các mối đe dọa về không gian, theo PC Mag.

Vorontsov không nêu đích danh SpaceX hay Starlink, nhưng ông lưu ý: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh một xu hướng cực kỳ nguy hiểm vượt ra ngoài việc sử dụng vô hại các công nghệ ngoài không gian và đã trở nên rõ ràng trong các sự kiện ở Ukraine. Cụ thể là việc Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng các yếu tố dân sự, bao gồm cơ sở hạ tầng ngoài không gian thương mại cho các mục đích quân sự”, theo bản dịch không chính thức của tuyên bố. (Bản gốc bằng tiếng Nga có thể truy cập tại đây).

Sau đó, Vorontsov ngầm đưa ra một lời đe dọa: “Có vẻ như các đồng nghiệp của chúng tôi không nhận ra rằng những hành động như vậy trên thực tế cấu thành sự can dự gián tiếp vào các cuộc xung đột quân sự. Cơ sở hạ tầng bán dân sự có thể trở thành mục tiêu hợp pháp để trả đũa”.

Ông nói thêm: “Ít nhất, việc sử dụng vệ tinh dân sự một cách khiêu khích như vậy là một vấn đề đáng ngờ theo Hiệp ước Không gian Bên ngoài (Outer Space Treaty), vốn chỉ cung cấp quyền sử dụng không gian bên ngoài một cách hòa bình, và phải bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ”.

Tuyên bố từ Nga dường như đã thu hút sự chú ý của Giám đốc điều hành SpaceX, Elon Musk. Vào thứ Sáu (ngày 17/9), vị tỷ phú đã viết một dòng tweet giải thích rằng Starlink chỉ dành cho mục đích sử dụng hòa bình.

Starlink là một tập hợp các vệ tinh đang được SpaceX xây dựng để cung cấp truy cập Internet vệ tinh, bao gồm hàng ngàn vệ tinh nhỏ được sản xuất hàng loạt trên quỹ đạo thấp của Trái Đất, hoạt động kết hợp với các máy thu phát mặt đất.

SpaceX đã cung cấp hơn 12.000 đĩa thu tín hiệu Starlink cho Ukraine để giúp đất nước này duy trì kết nối Internet trong cuộc chiến tranh với Nga. Hiện tại, hệ thống của Elon Musk đang cung cấp băng thông rộng tốc độ cao đến nhiều khu vực dân sự trên toàn đất nước này, bao gồm bệnh viện, khu dân cư và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy rằng quân đội Ukraine cũng đang sử dụng Starlink để gửi tin nhắn được mã hóa và điều khiển máy bay không người lái có thể tấn công các lực lượng Nga.

Hồi tháng 4, một người lính Ukraine nói nhà báo David Patrikarakos: “Tôi muốn nói một điều: Starlink của Elon Musk là thứ đã thay đổi cuộc chiến có lợi cho Ukraine”.

Mức độ nghiêm túc của Nga về việc tấn công Starlink vẫn chưa rõ ràng, nhưng vào tháng 11 năm ngoái, Điện Kremlin đã thử nghiệm một tên lửa chống vệ tinh để phá hủy một trong những vệ tinh không còn sử dụng. Vụ va chạm đã giải phóng hàng nghìn mảnh vụn bay khắp quỹ đạo Trái đất, gây nguy hiểm cho bất cứ thứ gì trên đường đi của chúng.

Mỹ lên án Nga về vụ thử tên lửa, đồng thời cho rằng Moscow đang gây nguy hiểm trong không gian cho tất cả các nước. Kể từ đó, các vệ tinh Starlink của SpaceX đã phải né tránh các mảnh vỡ nhiều lần.

Cũng có khả năng Điện Kremlin sẽ cố gắng hack Starlink. Mỹ và các đồng minh đã đổ lỗi cho chính phủ Nga vì đã tiến hành một cuộc tấn công mạng hồi tháng 2 nhằm tạm thời đánh sập các dịch vụ Internet của nhà cung cấp vệ tinh đối thủ Viasat.

Đồng minh của Nga, Trung Quốc, cũng lo ngại về Starlink. Vào tháng 4, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc có liên kết với ngành công nghiệp quốc phòng của nước này, đã thúc giục Trung Quốc phát triển các cách để làm gián đoạn và phá hủy Starlink.