ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/6/2023

Cac Bai Khac

No sub-categories

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI 10/6/2023

Người Mỹ có khuynh hướng bảo thủ ở mức cao nhất kể từ năm 2012

Theo cuộc khảo sát gần đây, năm 2023 có nhiều người Mỹ hơn tự nhận có khuynh hướng bảo thủ so với các năm trước đó kể từ năm 2012.

Trong một cuộc khảo sát của Viện Gallup, 38% người được hỏi tự nhận mình có quan điểm bảo thủ về các vấn đề xã hội, so với 31% mô tả mình là ôn hòa và 29% tự nhận có khuynh hướng tự do.

Cuộc khảo sát không cho thấy mức độ tương đương của chủ nghĩa bảo thủ tự xác định kể từ năm 2012.

Phần lớn sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ trong xã hội đến từ các thành viên Đảng Cộng hòa, với số lượng đảng viên Đảng Cộng hòa tự nhận “rất bảo thủ/bảo thủ” tăng từ mức 60% vào năm 2021, lên mức 68% vào năm 2022, trước khi đạt mức 74% vào năm 2023.

Trong khi đó, những người độc lập không đảng phái có xu hướng nghiêng về phía phải khiêm tốn hơn, nhưng vẫn tăng đều đặn. Năm 2021, chỉ 24% tự coi mình “rất bảo thủ/bảo thủ”, sau đó con số này đã tăng lên 26% vào năm 2022, và đạt mức 29% vào năm 2023.

Trong cùng khoảng thời gian này, số thành viên Đảng Dân chủ có khuynh hướng bảo thủ vẫn duy trì ở mức khoảng 10%.

Sự gia tăng chủ nghĩa bảo thủ ảnh hưởng đến gần như các nhóm tuổi, chỉ có nhóm tuổi từ 65 tuổi trở lên có khuynh hướng bảo thủ giảm 1% từ năm 2021 đến nay. Trong cùng khoảng thời gian đó, nhóm tuổi 18 – 29 tuổi có khuynh hướng nghiêng về cánh phải đã tăng 6%, trong khi nhóm tuổi 30-49 tăng 13%. Những cá nhân trong độ tuổi 50-64 có khuynh hướng bảo thủ tăng 11%.

Cuộc khảo sát Giá trị và Niềm tin hàng năm của Viện Gallup đã được tiến hành từ ngày 1/5 đến ngày 24/5.

Anh điều tiêm kích chặn máy bay Nga

Trong một tuyên bố hôm 8/6, RAF xác nhận, các máy bay tiêm kích phản lực tối tân Eurofighter Typhoon của họ, và Gripen của Không quân Thụy Điển đã chặn một máy bay trinh sát Il-20 của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang được một chiến đấu cơ Su-27 hộ tống.

Thông báo nêu rõ: “Các máy bay Typhoon của RAF và Gripen của Không quân Thụy Điển đã được triển khai vào tối nay để đánh chặn một chiếc IL20 Coot A và Su-27 Flanker B của Không quân Nga đang bay gần không phận NATO và Thụy Điển”.

Trên Twitter, RAF nêu rõ thêm, các máy bay chiến đấu của RAF hiện đang được triển khai tham gia làm nhiệm vụ của Lực lượng Cảnh sát Hàng không Baltic của NATO.

Tuy nhiên, RAF nhấn mạnh rằng, các phi công Nga không đi vào không phận Thụy Điển.

Tuyên bố cũng cho biết: “Máy bay Nga không tuân thủ các quy tắc quốc tế và không liên lạc được với các Vùng thông tin chuyến bay (FIR) có liên quan nhưng vẫn ở trong không phận quốc tế và bay một cách chuyên nghiệp”. 

Bộ Quốc phòng Nga đã nhiều lần tuyên bố, các máy bay quân sự của họ luôn thực hiện các chuyến bay tuân thủ nghiêm ngặt luật hàng không quốc tế.

Vụ việc diễn ra trong thời điểm nhạy cảm khi mà, NATO đang chuẩn bị tổ chức một cuộc tập trận không quân lớn chưa từng có.

Cuộc tập trận Air Defender 23 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quy tụ 25 quốc gia, do Đức dẫn đầu. Gần 250 máy bay – bao gồm oanh tạc cơ B-1, tiêm kích F-35 và các loại máy bay không người lái (UAV) tầm xa, – sẽ được triển khai cùng hơn 10.000 binh sĩ đến từ các nước, kể cả những nơi xa xôi như Nhật Bản, với khoảng 2.000 chuyến bay dự kiến cất cánh.

Những bài học rút ra từ cuộc tập trận sẽ giúp lực lượng không quân các nước NATO triển khai tốt hơn ở châu Âu cũng như những nơi khác để bảo vệ các đối tác như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Lực lượng Không quân Vệ binh Quốc gia Mỹ (ANG) sẽ đóng góp 100 máy bay và 2.600 binh sĩ từ 42 tiểu bang. Không gian cuộc tập trận sẽ trải dài từ Mỹ sang Đức đến biên giới với Nga ở vùng Baltic và xung quanh biển Đen, trong thời gian từ ngày 12 đến ngày 23/6.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh vị thế của NATO với tư cách một liên minh phòng thủ đã được nâng lên sau khi xung đột Nga – Ukraina bùng nổ vào năm ngoái, dẫn đến cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến 2. Căng thẳng Đông – Tây mới đang lan rộng trên toàn cầu, với các cuộc tập trận chung của Trung Quốc và Nga trong tuần này khiến các đồng minh của Mỹ ở châu Á lo lắng.

Quân Nga cũng dính đòn ‘vỡ đập’, tai họa trở thành quân bài có lợi cho Ukraina?

Theo tác giả Yujin Lee của Hankook Ilbo, tình huống này khá bất ngờ. Có nhiều cách giải thích rằng việc phá hủy đập vào rạng sáng ngày 6 là do Nga thực hiện với mục đích làm ngập khu vực này để ngăn chặn cuộc đổ bộ của quân đội Ukraina vào Kherson, và nhiều người dự đoán rằng tốc độ của một cuộc phản công chắc chắn sẽ bị chậm lại. Nói cách khác, đó là ‘phản ứng phủ đầu’ của Nga.

Tuy nhiên, nó dường như không giáng một đòn đáng kể vào hoạt động của quân đội Ukraina. Tờ The Guardian của Anh cho biết: “Cuộc phản công đã bắt đầu ở phía nam và đông Ukraina, và để tấn công các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, cần phải vượt qua sông Dnipro. Kherson, nơi có nguy cơ thất bại trong hoạt động cao, ngay từ đầu đã không phải là điểm tấn công chính”. Tờ báo cũng cho rằng Zaporizhzhia là khu vực trọng điểm cho một cuộc phản công, họ nói: “Nó được tạo thành từ vùng đất bằng phẳng nên dễ dàng tiến công, khi chiếm lại được có thể cắt đứt liên hệ giữa Crimea và đại lục Nga”.

Thậm chí, có nhận định cho rằng, sự cố vỡ đập có thể là quân bài lợi thế để Ukraina phản đòn. Viện nghiên cứu chiến tranh ISW của Mỹ đã phân tích trong một báo cáo rằng “sẽ có một đòn giáng, bao gồm việc phá hủy các công sự quân sự của Nga đóng ở Kherson và làm hư hại vũ khí”. Trên thực tế, các đơn vị pháo binh Nga đã rút lui chỉ còn lại một số ít ở lại. The Guardian chỉ ra: “Cho đến khi con đập được xây dựng lại, khu vực xung quanh các vị trí của Nga sẽ là đầm lầy, đây là điều kiện thuận lợi cho hoạt động phá hoại bí mật của lực lượng đặc biệt Ukraina”.Vỡ đập Kakhovka: Đặc vụ SBU công bố ghi âm lén và nói Nga là thủ phạm

image.png

Reuters đưa tin, cơ quan đặc vụ SBU của Ukraine vừa đăng một đoạn khi âm, được miêu tả là cuộc nói chuyện giữa những người Nga, và SBU nói rằng đoạn hội thoại đó chứng minh rằng một “nhóm phá hoại” người Nga là thủ phạm làm đập thủy điện Nova Kakhovka bị vỡ hôm Thứ Ba 6/6.
Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) đã đăng một đoạn ghi âm dài một phút rưỡi lên mạng xã hội. Trong đó có hai người đàn ông dường như đang thảo luận về hậu quả của thảm họa Kakhovka bằng tiếng Nga.

“Không phải họ [người Ukraine] tấn công nó. Đó là nhóm phá hoại của phe chúng ta,” theo giọng nói mà SBU miêu tả là của một người lính Nga. “Họ muốn làm gì đó như để dọa [mọi người] với con đập đó. Nhưng sự việc đã không diễn ra đúng kế kế hoạch của họ, và đã quá trớn hơn những gì họ dự định.”

SBU không cung cấp thêm chi tiết về cuộc trò chuyện hoặc những người tham gia. Phía Ukraine tuyên bố họ đã mở một cuộc điều tra hình sự về tội ác chiến tranh và “diệt chủng sinh thái.”

Sự việc mới diễn ra, và Reuters chưa có báo cáo về phản ứng của phía Nga (nếu có).

Trong một diễn biến khác trước đó, khi được hỏi về chuyện Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ra làm trung gian và mời các bên độc lập như Liên Hợp Quốc vào điều tra vụ việc con đập Nova Kakhovka, RT báo cáo, thì Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba đã nói trên kênh truyền hình 1+1 của Ukraine rằng ông đã phát chán những cái mà ông gọi là “trò chơi công lý vờ vịt” đó rồi.

“Hiển nhiên rõ ràng ai là ai,” ông Kuleba bác bỏ mọi ý kiến cho rằng Ukraine cũng đang nằm trong đối tượng bị nghi ngờ có thể phải chịu trách nhiệm, và miêu tả việc làm của Thổ Nhĩ Kỳ “chỉ là một trò chơi để chiều lòng người Nga.”

Đập thủy điện Nova Kakhovka thuộc vùng Kherson đã bị vỡ hôm Thứ Ba 6/6, và được coi là tai nạn lớn nhất Châu Âu kể từ tai nạn Chernobyl. Công trình thủy điện này có từ năm 1956 thời Liên Xô. Hiện nay đập Kakhovka thuộc lãnh địa phe Nga kiểm soát.

Khi nhiều chục ngàn người phải sơ tán, với hơn chục ngàn ngôi nhà của người dân bị chìm trong lũ —thiệt hại mà cả 2 phe đều đang phải gánh chịu— kèm với các hậu quả lâu dài cho sinh thái địa phương, việc làm vỡ đập hiện bị cả trong và ngoài nước lên án.

Hiện rất khó nói chắc việc đập Kakhovka bị vỡ sẽ có lợi về phương diện quân sự cho phe nào. Nếu Kyiv đang tiến hành chiến dịch phản công, thì tai nạn này đang cản trở kế hoạch của họ. Một số địa điểm mà quân Nga đóng quân đã bị trúng dòng nước lũ và bị buộc phải di chuyển.

Trong họp báo mới nhất của Lầu Năm Góc (diễn ra trước sự kiện SBU công bố đoạn ghi âm nói trên), tướng Patrick Ryder vẫn nói rằng Hoa Kỳ chưa có kết luận ai là thủ phạm vụ phá đập Kakhovka.

Nông dân Ukraina mất tới 1,5 triệu hecta đất do đập thủy điện bị phá hủy

Ukrinform đưa tin, theo ước tính của Bộ trưởng Bộ Chính sách Nông nghiệp và Lương thực Ukraina Mykola Solskyi, nông dân của nước này sẽ không thể sử dụng 1-1,5 triệu hecta đất nông nghiệp do Nhà máy thủy điện Kakhovska bị phá hủy.

Bộ trưởng đã nói điều này trên sóng truyền hình Yedyni Novyni: “Hậu quả của việc ngừng tưới còn lớn hơn nhiều. Không phải nửa triệu hecta mà là một triệu rưỡi hecta sẽ không được sử dụng. Và phải mất từ 3 đến 7 năm để khôi phục lại công tác tưới tiêu”.

Ông lưu ý rằng chỉ riêng kênh đào Kakhovska đã cung cấp nước cho hơn nửa triệu hecta đất. Do đó, vấn đề thủy lợi sẽ trở thành vấn đề lớn nhất trong nông nghiệp.

Bộ trưởng cũng cho biết hồ chứa Kakhovska là nguồn cung cấp cho hai hệ thống tưới tiêu và cấp nước – hệ thống Kakhovska và Kênh đào Bắc Crimea. Các hệ thống này được xây dựng dựa trên mực nước, để sử dụng điện tối thiểu cho máy bơm. Bây giờ mực nước đã giảm, vì vậy không có nước chảy vào hệ thống tưới tiêu. Để nâng cao mực nước, cần phải khôi phục lại con đập. Do đó, đây là vấn đề trong nhiều năm.

Trong khi đó, người đứng đầu chính quyền quân sự thành phố Kherson, Roman Mrochko, báo cáo mực nước ở quận Kherson đã giảm.

Ông Mrochko viết trên kênh Telegram hôm thứ Sáu: “Tôi xin thông báo: tại làng Stepanivka (thuộc quận Kherson), mực nước đã giảm 35 cm”.

Trước đó, lãnh đạo công ty năng lượng quốc gia Ukrhydroenergo cũng tuyên bố rằng thủy điện Kakhovska HPP đã bị phá hủy hoàn toàn và không thể phục hồi.