Ðiểm Báo Thế Giới – 13/7/22: Mỹ thử thành công phi đạn siêu thanh, Đồng euro sụt giá

Cac Bai Khac

No sub-categories

Ðiểm Báo Thế Giới – 13/7/22: Mỹ thử thành công phi đạn siêu thanh, Đồng euro sụt giá

Mỹ thử nghiệm thành công phi đạn siêu thanh của Lockheed

14/07/2022 – Reuters – Không lực Mỹ tuần này thử nghiệm thành công một phi đạn siêu thanh của công ty Lockheed Martin, các nguồn tin thân cận với những nỗ lực này cho biết ngày 13/7, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng rằng Nga và Trung Quốc thành công hơn trong việc phát triển vũ khí siêu thanh của riêng họ.

Không lực Mỹ đã thử nghiệm thành công hệ thống Vũ khí Phản ứng Nhanh
(ARRW) tăng cường, phóng từ trên không, vào ngày 12/7 ngoài khơi bờ biển
California, theo các nguồn tin. ARRW được mang dưới cánh máy bay trước
khi được phóng về phía mục tiêu. Trong các cuộc thử nghiệm trước đây, vũ
khí này không tách rời khỏi máy bay.

Vũ khí siêu thanh di chuyển trên thượng tầng khí quyển với tốc độ gấp 5 lần vận tốc âm thanh, tức khoảng 6.200 km/giờ.

Trong một cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh thành công khác gần đây, Cơ quan Dự án Nghiên cứu Tiên tiến Quốc phòng (DARPA) đã trình diễn chương trình Operational Fires của mình, hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Các cuộc thử nghiệm thành công cho thấy sự tiến bộ trong vô số nỗ lực phát triển vũ khí siêu thanh của Hoa Kỳ, mà trong nhiều trường hợp đã gặp nhiều khó khăn bởi các cuộc thử nghiệm thất bại, tạo ra những nghi vấn ngày càng tăng về chi phí và gia tăng lo ngại rằng Hoa Kỳ đang tụt hậu trong cuộc chạy đua để trở thành siêu cường về vũ khí.

Phi đạn siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ đồng chế tạo.
Phi đạn siêu thanh BrahMos do Nga và Ấn Độ đồng chế tạo.

Chương trình Operational Fires là một hệ thống phóng từ mặt đất sẽ “tấn công nhanh chóng và chính xác các mục tiêu quan trọng, nhạy cảm với thời gian trong khi xuyên thủng hệ thống phòng không hiện đại của đối phương” DARPA đã yêu cầu và nhận được 45 triệu đô la cho OpFires trong năm tài chính 2022.

Một trong những khái niệm của Lockheed Martin về vũ khí DARPA là sử dụng bệ phóng Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao (HIMARS), giống như các bệ phóng được gửi đến Ukraine, để phóng vũ khí này.

Các cuộc thử nghiệm thành công diễn ra sau khi thất bại trong chuyến bay thử nghiệm ngày 29 tháng 6 với một loại vũ khí siêu thanh khác, Common Hypersonic Glide Body, tại Cơ sở Phóng Phi đạn Thái Bình Dương ở Hawaii.

Các nhà thầu quốc phòng hy vọng sẽ tận dụng được việc chuyển đổi sang
vũ khí siêu thanh không chỉ bằng cách chế tạo chúng mà còn bằng cách
phát triển các cơ chế phát hiện và đánh bại mới.

Các nhà sản xuất vũ khí như Lockheed, Northrop Grumman và Raytheon
Technologies đều đã chào hàng các chương trình vũ khí siêu thanh của họ
với các nhà đầu tư khi trọng tâm của thế giới chuyển sang cuộc chạy đua
vũ trang mới cho một loại vũ khí mới nổi.

https://www.voatiengviet.com/a/my-thu-nhiem-thanh-cong-phi-dan-sieu-thanh-cua-lockheed/6657785.html

Sri Lanka vẫn bất định, Ukraina nhen nhúm chút hy vọng ở miền nam

13/07/2022 – Thụy My – Nước Pháp lại chịu thêm một đợt nóng mới trong lúc chuẩn bị cho cuộc duyệt binh truyền thống ngày Quốc khánh 14/07, tình hình Sri Lanka và Ukraina, chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, những hình ảnh đầu tiên của viễn vọng kính Webb, đó là những chủ đề được báo chí Pháp đề cập nhiều hôm nay 13/07/2022.

Sri Lanka: Một kết thúc nhục nhã cho gia tộc Rajapaksa

Liên quan đến châu Á, Le Monde nói về sự sụp đổ nhanh chóng của phe Rajapaksa ở Sri Lanka, gia tộc đã thống trị đất nước này gần 20 năm qua. Vội vã chạy trốn đám đông người biểu tình phẫn nộ xông vào Phủ tổng thống, ông Gotabaya Rajapaksa bỏ quên 17,85 triệu rupi (49.000 euro) và những người dân nghèo khổ đã nộp lại những tờ giấy bạc mới tinh này cho cảnh sát. Ông rất vất vả mới đến được Maldives bằng máy bay quân sự, sau khi đã lỡ nhiều chuyến bay dân sự đi Ả Rập Xê Út do hành khách và cơ quan di trú ngăn trở. Một kết thúc nhục nhã cho gia tộc đã điều hành đất nước bằng bàn tay sắt.

Gotabaya Rajapaksa, được mệnh danh là «Terminator» lên làm tổng thống sau các vụ khủng bố làm hơn 250 người chết, đã bổ nhiệm người anh – cựu tổng thống, Mahinda Rajapaksa, làm thủ tướng. Người em Basil Rajapaksa, có biệt danh «Ông 10%» do huê hồng mỗi lần ký hợp đồng với Nhà nước, trở thành bộ trưởng Tài chính. Anh cả Chamal Rajapaksa nắm một bộ phụ trách việc dẫn thủy nhập điền. Thế hệ tiếp nối cũng không bị bỏ quên: Namal Rajapaksa, con trai lớn của Mahinda được cho là sẽ kế vị sau này, lãnh đạo bộ Thể thao và Thanh niên. Tất cả đều buộc lòng phải từ chức với hy vọng duy trì được quyền lực của Gotabaya.

Trước đó, tổng thống đã cho tu chính Hiến Pháp để có quyền bổ nhiệm và bãi miễn các viên chức, thẩm phán, cảnh sát, bộ trưởng, kiểm soát các ủy ban độc lập về nhân quyền và chống tham nhũng, nhằm né được mọi cuộc điều tra. Năm 2009 khi Gotabaya là bộ trưởng Quốc phòng và ông anh Mahinda là tổng thống, đã thẳng tay với phe Hổ Tamul, ước tính 40.000 thường dân người Tamul đã bị giết chết trong vài tuần lễ.

Vay của Trung Quốc món nợ khổng lồ cho những công trình vô bổ

Sự sụp đổ nhanh chóng của gia đình Rajapaksa là hệ quả của một loạt quyết định tai hại. Từ nhiều tháng qua, Sri Lanka lâm vào khủng hoảng. Các vụ tấn công đẫm máu vào lễ Phục Sinh 2019 và đại dịch Covid từ 2020 làm suy sụp kỹ nghệ du lịch, mất đi nguồn thu khổng lồ, dự trữ ngoại tệ từ 7,5 tỉ đô la còn 1,8 tỉ. Ngược với khuyến cáo của các nhà kinh tế, gia đình Rajapaksa không cầu viện đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mà dùng cách hạn chế nhập khẩu kể cả hàng thiết yếu. Người dân thiếu thốn mọi thứ: xăng dầu, khí đốt, thực phẩm, thuốc men, điện bị cúp thường xuyên. Việc cấm nhập khẩu phân bón hóa học khiến sản lượng nông phẩm sút giảm nghiêm trọng.

Nhưng gốc rễ lại sâu xa hơn, từ thời Mahinda còn làm tổng thống, với những dự án quy mô và món nợ khổng lồ vay của Bắc Kinh. Quận Hambatota, thành trì của gia tộc Rajapaksa ở miền nam được đầu tư không tiếc tiền. Chẳng hạn một phi trường quốc tế xây dựng ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên mang tên gia đình, không dành cho người ngoài và gần đó là một sân bóng chày khổng lồ nhưng không hề có sự kiện thể thao. Đặc biệt cảng Hambatota chưa bao giờ đón một tàu hàng nào, nhưng phải nhượng cho Trung Quốc 99 năm vì không trả nổi món nợ trên 1 tỉ đô la.

Đặc phái viên Libération tại Colombo cho biết hàng trăm thanh niên vẫn đang sống trong Phủ tổng thống. Họ bảo vệ đồ đạc trong dinh thự và điều hành lượng người tham quan bằng các bộ đàm, dưới cái nhìn thú vị của vài cảnh sát. Ngoài một lan can bị sập trong ngày đầu tiên, Phủ tổng thống Sri Lanka vẫn yên tĩnh như viện bảo tàng Louvre trong Ngày di sản. Người biểu tình được đại diện bởi «Ủy ban đấu tranh Galle Face» (tên đại lộ bên cạnh dinh thự) gồm khoảng 100 người, đóng ở văn phòng tổng thống và thủ tướng, khẳng định chỉ ra đi khi hai nhân vật này thực sự từ chức.

Ukraina cố gắng phản công ở miền nam

Về chiến sự tại Ukraina, Libération quan tâm đến việc «Kiev tìm cách phản công ở miền nam». Quân đội Ukraina hôm qua đã tấn công vào một đơn vị Nga và một kho đạn ở Nova Kakhovka, cách Kherson 70 km. Một cột khói hình nấm cao đến vài chục mét bốc lên trên bầu trời thành phố đêm khuya. Kiev nói rằng 52 lính Nga bị chết, còn Matxcơva tố cáo «hành động khủng bố» làm 7 người thiệt mạng và 60 người bị thương.

Theo Vincent Tourret, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược thì cuộc tấn công này giúp Ukraina chứng tỏ hiệu quả của vũ khí phương Tây trước hỏa lực dồn dập của kẻ thù. Phillips O’Brien, đại học Saint Andrews nhận xét: «Người Nga đã để cho kho đạn dễ xác định vị trí một cách rất buồn cười». Hoặc là do chỉ đạo không đến nơi đến chốn, hoặc không thể chuyển kho đi nơi khác vì thiếu xe tải.

Số vụ tấn công của Ukraina tăng lên làm Matxcơva phải di dời một căn cứ xa hơn 20 km, và chuẩn bị chiến đấu trong thành phố nếu Ukraina tiến vào được Kherson. Tương tự như ở Kharkov, Kiev cố duy trì áp lực lên quân Nga đang ở thế thủ vì phải tập trung sức cho Donbass. Từ đầu tháng Bảy, Ukraina đã giành lại được hai làng Ivanivka và Lozove ở Kherson, giải thoát được năm công dân trong một hoạt động đặc nhiệm của tình báo. Cho dù là những thắng lợi hết sức nhỏ bé nhưng cũng giúp nâng cao tinh thần quân dân.

Vấn đề là liệu Ukraina có đủ phương tiện để phản công quy mô hay không? Theo Viện Kiel, Hoa Kỳ chỉ mới cung cấp chưa đầy 40% số vũ khí đã hứa. Ông Vincent Tourret nhận xét: «Sẽ không có bất kỳ đột phá đáng kể nào nếu không có viện trợ từ phương Tây. Ukraina hầu như đã cạn kiệt đạn dược thời xô-viết, nay họ hoàn toàn lệ thuộc vào sự trợ giúp của chúng ta».

Tồn tại và kháng chiến ở Kherson bị Nga chiếm đóng

Còn tại Kherson, vốn bị quân Nga chiếm ngay từ ngày đầu cuộc xâm lăng, người dân sinh sống, di chuyển, làm việc như thế nào ở một thành phố bị cắt rời khỏi đất nước? Đặc phái viên của Libération ở thành phố Mykolaiv kế cận cho biết tại đây «cuộc sống thực ra chỉ là sống sót». Veronika, một nữ kỹ sư trẻ thuật lại qua ứng dụng bảo mật: «Cuộc sống ở Kherson giống như ở tù. Bất kỳ ai đều có thể bị bắt hoặc đưa đi mất tích vì một hình xăm, một tin nhắn gởi đi, một like trên mạng xã hội. Tôi không còn ra ngoài, không đi uống cà phê hay làm đẹp, suốt ngày ở trong nhà. Hơn nữa cũng không còn việc làm, đại đa số công ty đã đóng cửa». Alexandra, một nông dân nói thêm: «Sống chỉ là cố tồn tại. Chúng tôi sợ bị cho vào danh sách đen và bị bắt ở một trạm kiểm soát. Không dám nói về chính trị, sợ bị nghe được và tố cáo».

Một chính quyền mới do một cựu FSB đứng đầu đã được dựng lên, đang chuẩn bị «trưng cầu dân ý» để sáp nhập vào Nga. Đồng rúp trở thành bản vị, các hộ chiếu Nga được phân phát cho dân, đa số giáo sư đại học bị đuổi việc và tiếng Nga được áp đặt trong giảng dạy. Lính Nga tỏ rõ là ông chủ, họ vào các cửa tiệm không thèm xếp hàng, với thái độ cười cợt. Họ vào các nông trại cướp xăng dầu, máy nông nghiệp…Ít nhất 600 thường dân ở Kherson bị bắt cóc trong đó có thị trưởng Ihor Kulekaev, những ai trở về được đều đã bị đánh đập và suy sụp tinh thần. Những cuộc biểu tình trong thời gian đầu vừa bị chiếm đóng đã chấm dứt từ lâu dưới những họng súng kalachnikov.

Tuy nhiên kháng chiến vẫn âm thầm diễn ra dưới dạng những hình vẽ, vệt màu xanh vàng trên những bức tường, băng ghế, hàng cây, những lá cờ Ukraina ở góc phố. Chiến dịch «ruy-băng vàng» này đi kèm với việc cung cấp các thông tin về vị trí quân sự của Nga cho quân đội Ukraina. Những tuần lễ gần đây, đã có các hoạt động vũ trang nhắm vào các viên chức người Nga hay làm việc cho Nga. Ngày 24/06, Dimitri Savluchenko phụ trách thể thao và thanh niên đã bị tử thương vì một quả bom. Sáu ngày sau, người đứng đầu cơ quan quản lý trại giam bị thương và thứ Hai 11/06 cựu thị trưởng Vladimir Saldo chấp nhận cộng tác với Nga suýt chết. 

Quốc khánh Pháp: Lần đầu duyệt binh với biểu tượng NATO, nhấn mạnh Đông Âu

Tại Pháp, cuộc diễn binh nhân lễ Quốc khánh 14/07 ngày mai mang dấu ấn Ukraina và NATO. Le Figaro và La Croix cho biết có 6.300 quân nhân sẽ diễu hành trên đại lộ Champs-Élysées, các quốc gia Đông Âu được vinh danh. «Chia sẻ ngọn lửa», đó là khẩu hiệu năm nay để nhắc nhở ngọn lửa kháng chiến Pháp, tưởng niệm kháng chiến quân cuối cùng Hubert Germain qua đời hồi tháng 10; đồng thời còn là ngọn lửa Olympic sẽ đến Paris năm 2024. Buổi lễ sẽ kết thúc bằng màn trình diễn âm nhạc của nữ ca sĩ (và là quân nhân dự bị) Candice Parise, được đặt tên là «France».

Lần đầu tiên cuộc diễn binh truyền thống mang biểu tượng NATO và Liên Hiệp Châu Âu. Đối với một quốc gia luôn giữ khoảng cách với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, sự thay đổi này rất đáng chú ý do cuộc xâm lăng Ukraina. Biểu tượng của 9 nước Đông Âu sẽ đi đầu: Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan, Hungary, Slovakia, Cộng hòa Sec, Bulgari, Rumani. Trên bầu trời, là hai chiếc Rafale đã bán cho Hy Lạp cùng với bốn phi cơ vận tải của Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Ý; 25 trực thăng, 64 phi cơ và lần đầu tiên có một drone là chiếc Reaper tham gia.

Pháp tỏ ra chừng mực khi chỉ mời khoảng 100 đại diện quân đội châu Âu, không có nguyên thủ nào hiện diện, và cũng không vinh danh riêng các chiến sĩ Ukraina đang chiến đấu chống lại Nga. Thay vào đó là kỷ niệm 400 năm lực lượng Hải quân, 30 năm các chiến dịch đặc biệt, 80 năm hệ thống thông tin liên lạc quân sự.

Đặc biệt ba khẩu đại pháo Caesar, niềm hãnh diện của Pháp đã chứng tỏ uy lực ở Ukraina cũng tham gia cuộc diễn binh. Paris đã tặng cho Kiev 12 khẩu và hứa giao thêm 6 khẩu, một nỗ lực đáng kể vì Lục quân Pháp chỉ có tổng cộng 76 khẩu Caesar. Có 300 khẩu đã được bán cho một số nước, mới nhất là Litva đặt mua 18 khẩu để trang bị cho một đơn vị gần Kaliningrad, vùng đất của Nga đang quân sự hóa. Litva muốn nhận sớm, nhưng Pháp đang phải dành ưu tiên cho Ukraina.

Chuyến đi Trung Đông đầy cạm bẫy của tổng thống Joe Biden

Cũng về thời sự quốc tế, các báo đều bình luận về chuyến thăm Trung Đông của tổng thống Joe Biden. Theo Le Monde, đó là nhằm «củng cố mối quan hệ với các đồng minh», Les Echos coi là một «vòng công du đầy nguy hiểm», với Le Figaro «đầy cạm bẫy». Nhật báo thiên hữu mỉa mai trong bài xã luận «Cường quốc quỳ gối»: dù là người đứng đầu đại cường số một thế giới, ông Biden lại đi với tư thế xin xỏ thay vì người làm chủ cuộc chơi.

Việc Mỹ rút lui khỏi Trung Đông sau 20 năm thất bại về chiến lược và quân sự ở Afghanistan, Irak, Syria đã làm giảm đi kỳ vọng của các nhân tố trong khu vực đối với sức mạnh của «hiến binh quốc tế». Các nhà lãnh đạo Israel, Palestine và Ả Rập Xê Út biết rằng sẽ tiếp một ông chủ Nhà Trắng đang yếu đi. Không chỉ tuổi tác làm ông liên tục có những cú ngã, mà Biden còn đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ và bị chính phe của mình đòi hỏi không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

Lẽ ra phải tránh gặp thái tử Mohammed Ben Salman (MBS), nhưng Biden rất cần Ả Rập Xê Út để đề nghị tăng sản lượng dầu lửa, nhằm làm giảm giá xăng và ngăn chận nạn lạm phát ở Hoa Kỳ, ảnh hưởng đến l những lá phiếu của đảng Dân Chủ vào tháng 11 tới. Chưa kể nguy cơ làm rạn nứt liên minh với châu Âu chống lại Nga. Le Monde nhắc đến hai bóng ma ám ảnh chuyến công du này: nhà báo Jamal Khashoggi bị đặc vụ Ả Rập Xê Út ám sát tháng 10/2018 và nhà báo Shireen Abu Akleh của kênh Al-Jazira, được cho là bị lính Israel bắn chết. Về phía MBS không sẵn sàng hy sinh mối quan hệ tốt với Matxcơva, cũng không có lợi khi dầu sụt giá.

Đồng euro sụt ngang giá đô la gây lo lắng

1,0001: đó là tỉ giá euro so với đô la vào lúc gần trưa hôm qua 12/07. Le Figaro ví von giờ đây phải sắm một chiếc kính hiển vi mới theo dõi được tỉ lệ hối đoái. Lần đầu tiên đồng tiền chung châu Âu ngang giá với đồng đô la kể từ 2002, sự bất định của việc cung cấp khí đốt Nga cho châu Âu làm đồng euro mất giá nhanh hơn. Nông sản, hàng xa xỉ, hàng không… những mặt hàng «made in France» sẽ bán chạy hơn, nước Pháp sẽ hấp dẫn hơn đối với khách du lịch Mỹ. Tuy nhiên các nhà nhập khẩu hàng điện tử, đồ chơi, dệt may…phải méo mặt, năng lượng và nguyên vật liệu đắt đỏ hơn.

Viễn vọng kính Webb và cuộc cách mạng thiên văn

Chuyển sang lãnh vực khoa học, các báo đều ca ngợi viễn vọng kính Webb, với những hình ảnh đầu tiên sau 15 năm bị trễ và chi phí khổng lồ khiến NASA bị nhiều chỉ trích. Đó là những bức ảnh đẹp nhất từ trước đến nay, tuy nhiên vấn đề không phải là thẩm mỹ mà là giá trị khoa học. Webb giúp quan sát thật xa, đến những thiên hà chưa từng được nhận diện. Cư dân Trái Đất giờ đây có thêm cặp mắt mới ở cách xa 1,5 triệu kilomet để dõi theo vũ trụ. Đây là cỗ máy tuyệt vời để đi ngược thời gian, theo vết luồng ánh sáng đã mất trên 13 triệu năm để đến với nhân loại. Webb giúp tìm kiếm nguyên nhân sinh ra những vì sao và những thiên hà, khoảng vài chục triệu năm sau vụ Big Bang.

Nhiều nhà khoa học đã rơi lệ khi những bức ảnh được công bố vào thứ Hai 11/07, mà ông Biden gọi là một «ngày lịch sử». Tổng cộng có trên 20.000 người tham gia vào việc xây dựng viễn vọng kính này với chi phí ước tính 11 tỉ đô la, cái giá phải trả cho một cuộc cách mạng thiên văn.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220713-sri-lanka-v%E1%BA%ABn-b%E1%BA%A5t-%C4%91%E1%BB%8Bnh-ukraina-nhen-nh%C3%BAm-ch%C3%BAt-hy-v%E1%BB%8Dng-%E1%BB%9F-mi%E1%BB%81n-nam