Điểm Báo Pháp về Ukraine và Trung Cộng
Biểu tình trước sứ quán Nga tại Washington phản đối Nga can thiệp quân sự vào Crimé ngày 2/3/ 2014 – REUTERS/ Mike Theiler
Nga một mình chống lại phương Tây
Theo RFI – Anh Vũ – Thứ năm 06 Tháng Ba 2014
Nhìn sang phía bên kia chiến tuyến của Putin, Le Figaro có bài viết khác : « Barack Obama và John Kerry lên mặt trận Ukraina ». Libération thì nhấn mạnh qua hàng tựa : Khủng hoảng Ukraina : « Bên phương Tây, các Nhà nước thống nhất chống lại Nga » . Mở các báo Pháp hôm nay, độc giả có thể bắt gặp ngay những hình ảnh các đội quân vũ trang được triển khai ở Crimée, những lời lẽ tuyên bố hăm doạ, răn đe nắn gân nhau một bên là Nga, bên kia là các nước phương Tây lọt giữa là Ukraina. Dư luận có cảm giác như cuộc Chiến tranh lạnh đang trở lại.
Những gì đang diễn ra xung quanh Ukraina, mà tâm điểm là bán đảo Crimée đã khiến cho không ít báo liên tưởng trường hợp của Ukraina với những sự kiện Praha năm 1968 hay Hungari 1956, trong thời kỳ Liên Xô khống chế khối các nước Cộng sản đối đầu với thế giới phương Tây. Nhật báo Le Monde, có bài viết của tác giả François Thom, một nhà sử học với tựa đề « Sự bành trướng của Nga sẽ còn tiếp tục nếu phương Tây không tỏ ra kiên quyết ».
Bằng cách nhìn của một nhà sử học, tác giả nhận thấy trong cuộc khủng hoảng Ukraina lúc này, nhiều người có cảm nhận kịch bản diễn ở Crimée giống như kịch bản đã xảy ra với vùng Nam Ossetia và Abkhazie năm 2008, khi đó cũng với các tình tiết : Phân phát hộ chiếu Nga, trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương, cũng liên tục các hành động khiêu khích …. cuối cùng là khai hoả tấn công. Chính quyền Ukraina đang phải đứng trước sự lựa chọn thụ động hay hay phản ứng lại, mà nếu phản ứng lại thì sẽ tạo cớ cho một cuộc can thiệp quân sự để « bảo vệ » kiều dân Nga trước những kẻ « phát xít » được « điều khiển từ bên ngoài ».
Theo tác giả, nếu như xảy ra tình hình kịch tính như hiện nay là bởi vì phương Tây hồi năm 2008 đã không có phản ứng thích đáng. Nhà sử học nhắc lại, chỉ vài tháng sau cuộc xung đột Nga – Gruzia, Pháp vẫn ký bán cho Nga chiến hạm Mistral, như không có gì xảy ra. Vài tháng sau đó Liên hiệp châu Âu phấn khởi với các quan hệ đối tác với Nga. Rồi đến lượt chính quyền mới của Hoa Kỳ cũng muốn khởi động lại mối quan hệ mới với Nga.
Từ khi mà Liên hiệp châu Âu có chủ trương mở quan hệ đối tác sang phía đông ( với các nước thuộc Liên Xô cũ), thì Nga cũng đã tìm đủ mọi cách để ngăn chặn dự án của EU. Matxcơva gây áp lực ngày càng mạnh để các nước từ chối liên kết đối tác với châu Âu, gia nhập Liên minh thuế quan của nhóm nước trong không gian Xô Viết cũ do Nga dẫn đầu. Nga đã gần thành công với Ukraina thì chính quyền của Ianoukovitch sụp đổ vì phong trào đường phố, mà Matxcơva vẫn cho là được sự hậu thuẫn, giật dây từ bên ngoài. Không dễ gì chịu ngồi nhìn thành quả lôi kéo Ukraina bỗng chốc bị trôi ra sông biển, Nga đã động thủ. Điểm yếu đầu tiên là Crimée và cái cớ ban đầu là bảo vệ kiều dân Nga.
Đặt câu hỏi Kremlin sẽ dừng lại ở đâu trong cuộc phưu lưu này. Tác giả cho rằng câu trả lời phụ thuộc vào thái độ của phương Tây. Matxcơva làm được như giờ đây là do sự chia rẽ trong các nước châu Âu, do thiếu phối hợp giữa Washington và Bruxelles, thiếu sự đánh giá rõ ràng của phương Tây về mức quan trọng trong hành động của Nga. Khi mà lãnh đạo Kremlin không còn dựa được trên những yếu tố đó thì chính sách của họ sẽ thận trọng hơn và phù hợp hơn với lợi ích thực sự của Nga tức là duy trì các quan hệ hoà dịu với các nước láng giềng trong lục địa châu Âu.
Chiến tranh lạnh đang trở lại?
Liên Xô đã tan rã từ 25 năm nay nhưng, cuộc khủng hoảng Ukraina lần này đang mang lại không khí của một cuộc chiến tranh lạnh trước kia. Những phát biểu chính thức đầu tiên của tổng thống Nga Putin hôm qua về tình hình Ukraina cùng với những đe doạ bóng gió dùng vũ lực càng cho thấy rõ hơn viễn cảnh của một cuộc đối đầu kịch tính.
Tuy nhiên, theo Libération, nếu như Putin có là người kế thừa của các lãnh đạo Liên Xô thì thế giới đã thay đổi từ 25 năm qua. Ghi nhận thấy sự thống nhất của các nước phương Tây để chống lại Nga, Libération trích dẫn ông Matthew Bryza, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ nói : « Các nước phương Tây sẽ mạnh hơn Nga nhiều nếu họ đoàn kết với nhau và quyết định hành động một cách kiên quyết ». Hiện tại phương Tây đang cùng lúc phối hợp hai lá bài chính trị và kinh tế. Libération nhận định « chính quyền Obama đặt cược vào việc giới kinh doanh, ngay cả ở Nga, và Ukraina sẽ nhanh chóng cho ông Putin thấy là không còn có thể hành xử như một lãnh đạo thời Liên Xô trước đây”. Tờ báo dẫn lời một nhà ngoại giao Mỹ khác nhận định : « Putin phải hiểu được rằng về mặt kinh tế ông ta đang sống ở thế kỷ 21, trong một thế giới lệ thuộc lẫn nhau » .
Sự phối hợp hành động giữa Hoa Kỳ và Châu Âu để đối phó với Nga trong vụ khủng hoảng Ukraina có thể nói đang diễn ra khá nhịp nhàng ăn ý với nhau. Tuy nhiên phương Tây đến lúc này, dường như vẫn chưa hội đủ sức răn đe để Putin từ bỏ đường lối mà giới ngoại giao Mỹ đánh giá là « chính sách của thế kỷ trước ».
Tham nhũng- Ô nhiễm – Cải cách kinh tế chủ đề nóng của Quốc hội Trung Quốc
Về thời sự châu Á, kỳ họp đầu năm của Quốc hội Trung Quốc khai mạc hôm nay được các báo Pháp quan tâm. Le Monde và Le Figaro thì trở lại tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng ở thủ đô Bắc Kinh, sẽ phải nằm trong chương trình nghị sự của kỳ họp này như một vấn đề nóng. Les Echos thì quan tâm đến cải cách kinh tế của Trung Quốc được trông đợi trong bài phát biểu của Thủ tướng Lý Khắc Cường tại phiên khai mạc hôm nay.
Le Monde dành bài xã luận mang tiêu đề : « Ô nhiễm tại Trung Quốc : Những tổn thất của sự phát triển bẩn ». Tờ báo đưa ra một sự so sánh nhiều ý nghĩa : Hôm 3 tháng Ba vừa qua người dân Bắc Kinh một lần nữa thức dậy trong một thành phố chìm trong nàm khói mờ. « Chỉ trong vòng vài năm, tấm khẩu trang đã trở thành vật dụng gắn với cuộc sống của người dân đô thị Trung Quốc, khác hẳn với hình ảnh hàng nghìn công nhân đạp xe đạp ken kín các đường phố rộng rãi trong thủ đô trong những thập niên trước đây ».
Le Monde nhận thấy Trung Quốc ngày nay đã có được sự phát triển ngoạn mục. Nhưng thành công kinh tế này giờ đang được vun đắp trên một thực tế mà chính quyền không thể làm ngơ được nữa : Nạn ô nhiễm trong các thành phố đang khiến cho cái giá của sự phát triển trở nên quá đắt. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung Quốc đã trở thành một cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới, nhưng đồng thời cũng là quốc gia ô nhiễm hàng đầu thế giới.
Gần 500 triệu người trở thành nạn nhân của các đợt khói mù ô nhiễm bảo phủ thủ đô và tỉnh công nghiệp Hà Bắc trong những ngày qua. Hàm lượng các phần tử bụi trong không khí cao gấp 30 lần chỉ số cho phép của Tổ chức y tế thế giới (OMS).
Cái giá phải trả cho y tế công cộng, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y học Anh The Lancet năm 2012 thì ô nhiễm là nguyên nhân gây tử vong sớm cho 1,2 triệu người Trung Quốc trong năm 2010.
Nạn ô nhiễm đã gây phẫn nộ trong dân chúng vì họ cho rằng chính phủ đã không có hành động cần thiết để bảo vệ sức khoẻ người dân trước những nguy hiểm do sự phát triển bẩn gây ra. Người dân Trung Quốc đang mong chờ kỳ họp Quốc hội này phải đưa ra được những biện pháp cụ thể ngăn chặn ô nhiễm.
Xã luận báo Le Monde kết luận : Nếu Trung Quốc cho đến giờ đã thành công trong việc khéo léo né tránh sự hối thúc của các đối tác quốc tế (trong các hội nghị về môi trường khí hậu), thì giờ đây Bắc Kinh sẽ khó có thể bịt tai trước những chất vấn của chính người dân trong nước. ».
Trong khi đó báo Công giáo La Croix thì lưu ý tới kỳ họp Quốc hội qua bài « Tham nhũng và ô nhiễm trong chương trình của Quốc hội Trung Quốc ». La Croix cho rằng chống tham nhũng sẽ phải là chủ đề hàng đầu của kỳ họp này, và sẽ phải được tăng cường mạnh hơn trong thời gian tới. Tờ báo nhận định : «Nếu như hàng trăm nghìn cán bộ đảng thoái hoá đang là mục tiêu của chiến dịch chống tham nhũng có vẻ như là một con số ấn tượng, một số nhà quan sát tại Trung Quốc nhấn mạnh không có cải cách kinh tế sâu rộng thì cuộc chiến chống tham nhũng không thể giành thắng lợi».
Phần cuối của mục điểm báo hôm nay được dành cho tin thể thao. Tối nay, các cầu thủ áo Lam đội tuyển bóng đá Pháp, có trận thử nghiệm cuối cùng trước khi tới Brazil dự Cúp thế giới. Như vậy là ba tháng rưỡi sau khi cuộc lội ngược dòng ngoạn mực trước đội tuyển Ukraina giành chiếc vé vớt đi dự Brazil 2014, tối nay đội tuyển Pháp sẽ tiếp tuyển Hà Lan.
Trận đấu này sẽ giúp huấn luyện viên Didier Deschamps chạy thử đội hình và hiệu chỉnh trước khi chốt danh cuối cùng ngày 13/5 tới. Mặc dù chỉ là trận giao hữu nhưng các báo đều đưa tin sự kiện với hy vọng thế hệ cầu thủ trẻ đã cứu Pháp ở phút chót trên hành trình tới Brazil sẽ tiếp tục khẳng định mình. Tương lai của đội tuyển Pháp đang nằm trong tay thế hệ cầu thủ trẻ nhiều tài năng và chơi cống hiến nhiệt tình.