Điểm Báo Pháp – 14/03/2016
Bốn thất bại của châu Âu
Người tị nạn Syria tìm cách băng sông gần với biên giới Hy Lạp – Macedonia, dưới trời đông giá rét.REUTERS/Stoyan Nenov
Thất bại trong bầu cử vùng tại Đức đã cho thấy rõ thất bại chính sách « mở rộng vòng tay đối với người tị nạn » của thủ tướng Angela Merkel. Nhưng thất bại này không chỉ riêng của nước Đức mà còn cho thấy rõ những xáo động trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu trong việc xử lý khủng hoảng người nhập cư. Bài bình luận của ký giả Sylvie Kauffman, đăng trên báo Le Monde số ra cho hai ngày Chủ Nhật 13 và thứ Hai 14/3/2016 điểm ra những thất bại quan trọng của khối Liên Hiệp Châu Âu.
Thứ nhất, sự chia rẽ Đông-Tây ngay trong nội bộ Liên Hiệp. Cuộc khủng khoảng đã lộ rõ những bất đồng giữa hai khối Tây Âu và các thành viên trẻ đến từ khối Đông Âu cộng sản cũ. Giữa hai khối không có cùng cách nhìn về tình hình khủng hoảng. Việc khối Đông Âu từ chối nhận người tị nạn Hồi giáo bị các nước Tây Âu xem như đó là động thái phản dân chủ.
Thứ hai, nạn nhân chính của cuộc khủng hoảng tị nạn là đầu tầu Pháp – Đức, vốn dĩ cũng đã gặp phải nhiều trắc trở trong cuộc khủng hoảng nợ công. Nếu như trong cuộc khủng hoảng Ukraina, cả hai nguyên thủ Pháp và Đức cùng nhau sát cánh để đối đầu với Putin, thì nay Paris đã bỏ rơi Berlin. Bà angela Merkel giờ phải học cách tự xoay sở trong cuộc khủng hoảng tị nạn này cùng với vụ « Brexit ». Một hành động là tác giả bài viết, bà Sylvie Kauffman đánh giá là « không thể nào tha thứ » được.
Thứ ba, làn sóng tị nạn cho thấy rõ thất bại về tinh thần của Liên Hiệp Châu Âu. Các nền tảng cơ bản : bao dung, nhân quyền và tính đa dạng đang bị xói mòn, nhường chỗ cho sự đi lên của các phong trào dân túy, nhờ vào cuộc khủng hoảng tị nạn. Ngay cả đối với những nước được cho là rất rộng lượng như Thụy Điển chẳng hạn, giờ cũng công khai nhìn nhận phải có một « ngưỡng » cho sự bao dung.
Cuối cùng là sự nghịch lý của khối Schengen, không gian tự do lưu thông. Cũng như khối đồng tiền chung Euro, Schengen cũng có những thế khó xử ngay trong nội bộ Liên Hiệp. Không gian tự do đi lại được hình thành theo tính chất liên bang mà không cần các quốc gia đó đưa ra các công cụ liên bang để quản lý.
Nhưng giờ đây cuộc khủng hoảng người nhập cư đã cho thấy là không gian tự do đi lại trong nội bộ đó chỉ có thể vận hành được nếu như đường biên giới bên ngoài được một cơ chế mang tầm cỡ trên quốc gia quản lý, như Frontex chẳng hạn.
Sự việc đã làm nổi rõ một « Châu Âu chưa hoàn thiện » như nhận định của ông Fabrice Leggeri, người đứng đầu cơ quan Frontex, cơ quan giám sát các đường biên giới. Nếu như các quốc gia thành viên vẫn không đạt được một đồng thuận nào trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, thì giờ chỉ còn một lối thoát duy nhất : khai tử Schengen. Nạn nhân cuối cùng của thảm kịch di dân này. Đây quả là « Bốn thất bại của Châu Âu » như tựa đề bài viết.
Fukushima: 5 năm sau an toàn hạt nhân có được bảo đảm?
Đây cũng là câu hỏi của bài phân tích trên Les Echos. Sau thảm họa hạt nhân nhiều tập đoàn khai thác năng lượng nguyên tử cho rằng cần phải có những chương trình đầu tư lớn hơn. Mục tiêu các đầu tư đó là đảm bảo những gì mà tập đoàn khai thác hạt nhân Nhật Bản Tepco đã thất bại không làm được : Đó là làm nguội các thanh nhiên liệu hòng tránh thải các chất phóng xạ ra khí quyển.
Tuy nhiên, theo bài viết, việc bổ sung thêm các thiết bị không thôi cũng chưa đủ. Tăng cường văn hóa an toàn cũng là một thách thức lớn « hậu Fukushima», nhất là đối với các lò phản ứng hạt nhân già cỗi.
Thảm họa Fukushima không làm tăng tỷ lệ bị ung thư tuyến giáp
Theo Les Echos, đó là kết quả của một điều tra được thực hiện ngày từ giữa năm 2011, ngay sau khi xảy ra vụ nổ lò hạt nhân số 3 tại trung tâm hạt nhân Fukushima-Daichi. Vào tháng 6 cùng năm, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để xác định hiện tượng nhiễm xạ của người dân.
Các cuộc xét nghiệm đó tập trung chủ yếu ở trẻ nhỏ thuộc tỉnh Fukushima. Kết quả nghiên cứu đưa ra cho thấy trái ngược với những báo động của nhiều tổ chức phi chính phủ, được công bố hồi tuần rồi được cho là dựa trên những tính toán đáng ngờ. Các bác sĩ hiện chưa thấy có sự gia tăng những ca ung thư mới nào có liên quan đến hiện tượng nhiễm xạ ở trẻ nhỏ trong vùng.
Giải thích cho việc này, giáo sư Akira Otsuru cho rằng «do đã được nhanh chóng sơ tán cùng với toàn bộ dân cư ở đây, nên các em nhỏ này chỉ bị phơi nhiễm ở một mức độ rất thấp».
Tuy nhiên các nhà nghiên cứu ghi nhận tâm lý « lo sợ ung thư» đang làm xáo trộn các gia đình và góp phần làm suy giảm sức khỏe tâm thần của những người dân bị sơ tán từ những vùng xung quanh lò phản ứng. Thêm vào đó, họ còn bị các chứng trầm cảm, lo âu và thậm chí tiểu đường.
Miến Điện: Tổng thống mới ít quyền hơn Tổng tư lệnh quân đội?
Đây chính là nhận định của nhật báo công giáo La Croix. Ông Htin Kyaw sẽ chính thức bắt đầu nhiệm kỳ vào ngày 01/4/201 và việc trả tự do cho các tù nhân chính trị sẽ là một ưu tiên.
Tuy nhiên, theo thông tín viên của nhật báo tại Rangun, Jean Dauffray, tổng thống mới sẽ không có nhiều quyền lực. Tác giả dẫn lời giải thích của ông Bo Kyi, thư ký Hiệp hội hỗ trợ các tù nhân chính trị Miến Điện (AAPPB) cho rằng: «Ông ấy không thể có những quyết định về vấn đề an ninh. Tổng tư lệnh các lực lượng quân đội vẫn sẽ là người quyền lực nhất của đất nước».
Liên quan đến việc thả tù chính trị, ông Zaw Moe, một cựu tù nhân lương tâm cho rằng: «Tổng thống có quyền ân xá một cá nhân nào đó, nhưng ông ấy cũng phải có sự chấp thuận của hội đồng an ninh quốc gia để ân xá một nhóm người ».
Vấn đề là hội đồng này lại do các tướng lĩnh chiếm đa số (6 trên tổng số 11 người). Lãnh đạo quân đội sẽ là người có tiếng nói sau cùng. Như vậy, đảng Liên Đoàn Vì Quốc Gia Dân Chủ – LND sẽ phải sử dụng đến chiêu bài ngoại giao để thuyết phục vị tướng này thả những người bị giam giữ vì các lý do chính trị.
Bên cạnh đó, La Croix còn lưu ý bộ trưởng Nội vụ sẽ do quân đội trực tiếp bổ nhiệm, để lãnh đạo ngành cảnh sát và quản lý các trại giam. Nói một cách khác, các thành viên của chính phủ mới thuộc đảng LND, hiện đang chuẩn bị đi vào hoạt động vào cuối tháng Ba này, sẽ chẳng ảnh hưởng gì lớn để chấm dứt tình trạng bắt bớ «tùy tiện».
Tại châu Phi: «Khủng long» trở về?
Tựa của bài viết trên mục Địa chính trị. Từ «khủng long» là để ám chỉ đến những lãnh đạo châu Phi tham quyền cố vị. Các nguyên thủ này, ít nhất là 22 năm và nhiều nhất là 37 năm. Với một thời gian dài nắm quyền như thế, nhưng các vị lãnh đạo này vẫn chưa muốn từ bỏ quyền lực, đang tìm cách thay đổi Hiến pháp để có thể trở thành «tổng thống mãn đời».
Mà ví dụ điển hình nhất là tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe. Nay đã 92 tuổi, nhưng ông này từng tuyên bố rằng «tôi vẫn sẽ nắm quyền cho đến khi nào Chúa đến gọi tôi đi thì thôi». Theo bài viết, sở dĩ những con « khủng long » đó có thể trở về đó là do có bàn tay góp sức của phương Tây, Nga và Trung Quốc vì những lợi ích riêng của từng bên, chủ yếu là an ninh và kinh tế.
Dù vậy, nhật báo cũng nhận thấy làn sóng phản đối xu hướng «tổng thống mãn đời » cũng đang gia tăng. Một kết quả thăm dò tại 34 quốc gia châu Phi cho thấy 73% số người được hỏi muốn hạn chế số nhiệm kỳ các nhà lãnh đạo. Đặc biệt tại Benin, tỷ lệ này lên đến 90%.
Sự mong mỏi đó của người dân khiến giới cầm quyền lo sợ và dùng đủ mọi biện pháp để dập tắt các làn sóng phản đối bằng cách sử dụng công cụ luật pháp.
Các chủ đề chính trên trang nhất
Nạn ấu dâm – một linh mục ở Lyon bị giam giữ.
Đề tài trên trang nhất các báo Pháp sáng nay khá đa dạng tập trung chủ yếu vào tình hình kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh trong nước. Le Monde trên trang nhất đề tựa lớn in đậm «Lạm dụng tình dục trẻ em: Giáo hội Pháp bị cáo buộc».
Giáo phận Lyon từ nhiều tháng nay bị rúng động về vụ một linh mục có hành động sàm sỡ với trẻ em. Một cuộc điều tra đã được mở ra. Gia đình các nạn nhân cáo buộc đức Hồng Y Barbarin và những người thân cận đã che giấu vụ việc. Điều đáng nói là vị linh mục bị lên án trên khẳng định đã có báo cáo với cấp trên về sự ham muốn của ông đối với các bé trai ngay từ những thập niên 1960. Những người khiếu kiện e sợ là vị linh mục này, tuy đã bị thuyên chuyển, cũng có những hành động tương tự với hàng chục nạn nhân khác.
Lĩnh vực an ninh là mối bận tâm chính trên Libération, qua hàng tít lớn: «Nghe lén: Thất bại của những tai nghe lớn». Mới chỉ được triển khai trên toàn lãnh thổ có vài tháng nay, chương trình nghe lén của tư pháp do Thales thiết kế đã bị đánh sụp, làm tổn hại cho hàng chục cuộc điều tra.
Le Figaro và Les Echos xoáy vào dự thảo cải cách luật lao động gây tranh cãi. Đối với nhật báo kinh tế Les Echos, trước làn sóng phản đối, «ông Hollande đang chơi lá bài cuối cùng ». Theo nhận định của tờ báo, tổng thống Pháp và thủ tướng có lẽ sẽ buộc phải nhượng bộ và có những thay đổi quan trọng, để có thể thông qua đạo luật này từ đây đến năm 2017. Điều này khiến Le Figaro lo lắng đặt câu hỏi lớn «Hollande và Valls sẽ còn lùi bước đến đâu?».
Riêng chỉ có nhật báo công giáo La Croix là có những quan tâm sâu sắc đến Syria. Với hình ảnh một chiến binh, tay cầm súng lặng nhìn cảnh đổ nát hoang tàn tại một thành phố, La Croix chua chát đặt tựa «Syria, 5 nội chiến và tị nạn». Vào lúc cuộc hội đàm hòa bình cho đất nước sẽ được nối lại trong ngày hôm nay tại Geneve, Thụy Sĩ, nhật báo công giáo đăng tải lời của các nhân chứng, các câu chuyện đượm lời cay đắng nhưng cũng tràn đấy hy vọng.
Cách nay năm năm, vào ngày 15/3/2011, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Syria chống lại chế độ Damas để rồi sau đó đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến không lối thoát. Cuộc xung đột đã làm cho 270 000 người thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Năm triệu người buộc phải bỏ xứ ra đi chạy trốn chiến tranh, sang các nước lân cận và châu Âu.
Hành trình bi kịch đó của hàng trăm nghìn người Syria, bất chấp rủi ro nhấn chìm ngoài khơi biển Địa Trung Hải, giờ đang làm lung lay khối Liên Hiệp Châu Âu, đặt khu vực này trước một thách thức nhân đạo và chính trị đầy khó khăn.
Chính sách mở rộng vòng tay đón người tị nạn đã làm tan vỡ giấc mơ rút lui khỏi chính trường trong vinh quang của bà Merkel sau ba nhiệm kỳ cầm quyền đầy lợi thế. Cuộc bầu cử vùng diễn ra ngày hôm qua là một minh chứng hiển nhiên. «Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại bầu cử vùng đang làm lung lay bà Merkel» hay như «Merkel bị suy yếu sau thành công bầu cử của đảng dân tủy AfD» là nhận định của hai tờ báo Le Figaro và Les Echos.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20160314-bon-that-bai-cua-lien-hiep-chau-au