ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 08/05/2023
Ngoại giao cây tre ra sao, khi Ukraina của Thái Bình Dương không phải Đài Loan mà là Việt Nam
Hơn 100 người đã biểu tình ở Hà Nội để kỷ niệm cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu với Trung Quốc mà « nhân dân không bao giờ quên » như trên khẩu hiệu. Ảnh chụp ngày 17/02/2016. AP – Tran Van Minh
Thụy My
Báo Le Monde số ra hôm nay 08/05/2023 có bài nói về ngoại giao cây tre của Việt Nam: Hà Nội cố gắng tiếp tục xích lại gần Hoa Kỳ, rất cần thiết cho nền kinh tế toàn cầu hóa, đồng thời giữ hòa khí với Trung Quốc – vừa là hình mẫu chính trị nhưng cũng là một láng giềng đang đe dọa. Một trò chơi thăng bằng đòi hỏi cứng rắn về chủ thuyết và linh hoạt về chiến lược.
Hôm nay 08/05/2023 là ngày nghỉ kỷ niệm chiến thắng phát-xít Đức, chỉ có Le Figaro ra báo, và Le Monde, Libération ra số đúp từ cuối tuần. Hai sự kiện được đề cập nhiều là lễ đăng quang của vua Charles III Anh quốc, và cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sắp tới. Nhưng đáng chú ý nhất là bài điều tra công phu trên trang địa chính trị của đặc phái viên Le Monde tại Hà Nội và Sài Gòn, mang tựa đề « Giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam dùng chiến lược cây tre ».
Hà Giang 1984 : Những trận đánh đẫm máu mà người Việt ít được biết đến
Bài viết mở đầu bằng hình ảnh nghĩa trang liệt sĩ ở Hà Giang với ngút ngàn bia mộ trắng giống nhau trên sườn núi. Trung Quốc chỉ cách đó có 35 kilomet. Trong ngôi đền, tượng Hồ Chí Minh ngự trên bàn thờ đầy hoa, những tờ giấy bạc và lon Coca. Một tấm bảng đen ghi tên 4.200 liệt sĩ đã được chôn cất. Về mặt chính thức, hài cốt của khoảng 2.000 người lính Việt vẫn còn nằm rải rác ở biên giới với tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Tuy nhiên với quy mô nghĩa trang mà hai phần ba vẫn còn bỏ trống, con số thực sự có thể cao hơn.
Hà Giang là nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu năm 1984, trong cuộc chiến mà Việt Nam gọi một cách nhẹ nhàng là « chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc ». Kẻ xâm lăng – chưa bao giờ được gọi đích danh – chính là Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo. Vừa được Hoa Kỳ công nhận, nước láng giềng hùng mạnh ngày 17/02/1979 đã bất ngờ tiến đánh Việt Nam. Bắc Kinh bực tức vì Hà Nội đã ký hiệp ước liên minh với Liên Xô (tháng 11/1978), kẻ thù của Trung Quốc, và lật đổ chế độ Khmer Đỏ tay sai (tháng 1/1979) đã tấn công vào sườn tây nam của Việt Nam. Trong suốt mười năm, quân Trung Quốc quấy nhiễu quân đội Việt Nam dọc theo biên giới và xâm nhập, khiến mỗi bên có khoảng vài chục ngàn người chết – con số vẫn gây tranh cãi.
Liệu sẽ diễn ra một cuộc chiến tranh mới với Trung Quốc hay không ? Theo Duc Mon, một người dân khoảng 60 tuổi cho rằng sẽ có, nhưng không phải bây giờ. Người em của ông đã thiệt mạng cùng với ba người lính khác lúc mới 20 tuổi, vào tháng 9/1984 khi căn hầm bị oanh kích. Một nhà nghiên cứu muốn giấu tên cho biết : « Những trận đánh năm 1984 ở Hà Giang từ lâu vẫn là điều cấm kỵ, cho đến cách đây hơn chục năm nhiều người Việt vẫn không biết, vì chính quyền làm mọi cách để không “khiêu khích” Trung Quốc ». Dù có những tương đồng về văn hóa, tín ngưỡng, ý thức hệ, tại Việt Nam tâm lý chống Trung Quốc rất cao.
Chuyên gia : Không phải Đài Loan, Việt Nam mới là Ukraina ở Thái Bình Dương
Vào lúc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraina và liên minh của Mỹ tại Ấn Độ-Thái Bình Dương đang mạnh lên, căng thẳng Mỹ-Trung về Đài Loan, Việt Nam trong tình thế hết sức dễ tổn thương. Nhà phân tích quốc phòng người Mỹ Derek Grossman vào tháng 3/2022 đã viết : « Ukraina của Ấn Độ-Thái Bình Dương không phải là Đài Loan. Tốt nhất hãy nhìn về phía Việt Nam ».
Đã hẳn tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Tập Cận Bình ngày 30/10/2022 ngay sau khi vừa được bầu lại làm người đứng đầu đảng cộng sản Trung Quốc. Hà Nội là bậc thầy trong nghệ thuật ve vuốt nước láng giềng nhưng vẫn cảnh giác (chẳng hạn đã loại Huawei khỏi chương trình 5G), đồng thời xây dựng quan hệ đối tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và nhất là với Hoa Kỳ.
Việt Nam đã trả cái giá hết sức đắt cho việc biến mình thành bãi chiến trường giữa Liên Xô và Mỹ : ít nhất 2 triệu người Việt đã chết trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1955-1975). Ba cuộc chiến khác ngăn trở sự phát triển của Việt Nam : chống Pháp (1946-1954), Trung Quốc (1979-1989) và Cam Bốt (1978-1989). Một nhà sử học thuộc Học viện Ngoại giao không được phép nêu tên cho biết trong thế đứng tế nhị giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Hà Nội chủ trương ngoại giao đa phương, và gần đây có thêm khái niệm « ngoại giao cây tre » – phần gốc rất cứng nhưng phần ngọn thì mềm dẻo.
Giấc mơ trở thành con cọp mới ở châu
Về quân sự, Việt Nam dựa trên chính sách « bốn không » : không liên minh quân sự, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không liên kết với nước này để chống nước kia, không sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Nhưng Hà Nội duy trì khả năng « trong những tình huống và điều kiện đặc biệt, phát triển quan hệ quân sự phù hợp và cần thiết với các nước khác » – chuyên gia Carl Thayer nhắc lại Sách Trắng quốc phòng Việt Nam năm 2019.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhà sử học Nguyễn Đình Tư 103 tuổi cho rằng Việt Nam đang trong thời kỳ thuận lợi với con đường trung dung. Có tỉ lệ tăng trưởng 8 % năm 2022 và dự kiến 7 % năm nay, từ vài năm qua Việt Nam trở thành nhà xuất khẩu smartphone thứ nhì thế giới chỉ sau Trung Quốc nhờ đầu tư của Samsung.
Đất nước cởi mở nhất trong khu vực với 15 hiệp định tự do mậu dịch, trong đó có 1 với Liên Hiệp Châu Âu, đã đón nhận làn sóng chuyển dịch từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, do cuộc chiến thuế quan của Donald Trump đánh vào Trung Quốc. Tập đoàn Đan Mạch Lego đầu tư 1 tỉ euro xây dựng một nhà máy khổng lồ cho thị trường châu Á, lớn gấp ba lần nhà máy ở Trung Quốc. Hà Nội muốn đa dạng hóa nhưng không làm mích lòng Trung Quốc vốn là nhà cung cấp chính phụ tùng và bán thành phẩm.
Việt Nam đang mơ thành con cọp châu Á mới. Hôm 20/03, khi đại diện của 52 tập đoàn Mỹ trong đó có SpaceX, Meta, Boeing…đến thăm, báo chí Việt Nam đã dành tít lớn cho phái đoàn hùng hậu chưa từng thấy này. Các « Yankees » được tiếp đón nồng hậu 48 năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, vì Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngày 29/03, tổng thống Joe Biden điện đàm với ông Nguyễn Phú Trọng nhân 10 năm ký « đối tác toàn diện ». Tuy vậy, Mỹ vẫn là đối tác hạng ba trong bảng xếp hạng của Việt Nam. Washington muốn nâng cấp lên « đối tác chiến lược toàn diện » như bốn nước Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc.
Nâng cấp quan hệ nhân chuyến thăm Mỹ của ông Nguyễn Phú Trọng ?
Phía Việt Nam đến nay vẫn trách Nhà Trắng không đối xử với ông NguyễnPhú Trọng như nguyên thủ. Một nhà ngoại giao châu Âu ở Hà Nội nhận xét, cuộc gọi của ông Biden chứng tỏ Hoa Kỳ lần này dường như đã sẵn sàng đáp ứng. Tiếp theo là chuyến thăm của ngoại trưởng Antony Blinken để đặt viên đá đầu tiên cho đại sứ quán khổng lồ 1,2 tỉ đô la, có thể mở đường cho chuyến công du chính thức Washington của ông Trọng từ nay đến cuối năm. Đây là dịp để nâng cấp quan hệ lên hạng nhì hay hạng nhất.
Chuyên gia Carl Thayer còn cho rằng có thể từ mùa hè này sẽ lại có hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam. Hai chuyến trước là biểu tượng do việc Mỹ-Việt xích lại gần hơn, sau vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa năm 2014 gây ra những cuộc biểu tình chống Trung Quốc rầm rộ chưa từng thấy. Hoa Kỳ tặng tàu tuần duyên, drone giám sát, mời tham dự tập trận hải quân, và trong đại dịch Covid, nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, chỉ trong vài tháng Việt Nam đã vượt qua tất cả các nước láng giềng về tỉ lệ chích ngừa. Cũng như vụ Huawei, Việt Nam né tránh vac-xin của Bắc Kinh, chỉ nhập một số liều tượng trưng Sinopharm dành cho công dân Trung Quốc.
Là một trong năm nước nhập vũ khí Nga nhiều nhất (80 % kho vũ khí hiện nay), Việt Nam tiếp tục vắng mặt trong các cuộc bỏ phiếu của Liên Hiệp Quốc lên án việc Nga xâm lăng Ukraina. Nhưng Washington vẫn không trừng phạt, có thể dưới mắt người Mỹ, Hà Nội không thuộc loại « xét lại » như Bắc Kinh do bành trướng trên Biển Đông. Việt Nam cũng là « đối tác khu vực hàng đầu » trong chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ tháng 2/2022. Ngoài ra còn tham gia rất nhiều sáng kiến quốc tế, trong đó có Indo-Pacific Economic Framework for Prosperity (Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương), đối trọng của Con đường tơ lụa mới. Khác với Trung Quốc, cả Facebook lẫn Google đều không bị chặn ở Việt Nam.
« Ngoại giao cây tre » trước thách thức xung đột Mỹ-Trung
Dù vậy Việt Nam phải rất thận trọng vì nếu căng thẳng Bắc Kinh có thể đóng cửa biên giới, cấm xuất nhập khẩu. Ông Lê Kiên Thành, đại diện tạp chí online Việt-Mỹ ở Sài Gòn phân tích, Việt Nam không dám thẳng thừng phản đối Nga trong hồ sơ Ukraina vì không biết dựa vào ai để tự vệ. Nhưng đó là thế lưỡng nan, nếu không nói gì hay phương Tây không hành động, Trung Quốc có thể bắt chước Matxcơva, chiếm các đảo của Việt Nam hay chống lưng cho Cam Bốt chiếm những vùng lãnh thổ Việt Nam. Matxcơva xích gần với Bắc Kinh có nghĩa là « trong trường hợp Trung Quốc tấn công, Nga sẽ không giúp chúng tôi ».
Ông Thành là con của Lê Duẩn, người kế nhiệm Hồ Chí Minh, đã thanh trừng phe thân Trung Quốc trong đảng. Lê Kiên Thành kể tiếp : « Mao đề nghị tặng Việt Nam 500 xe tải để giúp bộ đội trên đường mòn Hồ Chí Minh, nhưng với điều kiện tài xế phải là người Trung Quốc. Ba tôi từ chối, vì như vậy sẽ tiết lộ bí mật con đường cho Bắc Kinh ». Ông lo ngại nếu có chuyện gì xảy ra ở eo biển Đài Loan sẽ rất trầm trọng cho Việt Nam. Nỗi lo khác : Cam Bốt là chỗ dựa chiến lược của Bắc Kinh, trong khi Việt Nam không thể đổ tiền ồ ạt như Trung Quốc.
Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có cùng ám ảnh về « cách mạng màu ». Theo chuyên gia Benoît de Tréglodé, công an, giám sát và an ninh chính trị là các lãnh vực mà Bắc Kinh và Hà Nội hợp tác chặt chẽ nhất. Cũng như Tập Cận Bình, năm 2016 ông Nguyễn Phú Trọng tung ra chiến dịch chống tham nhũng, được gọi là « chiến dịch đốt lò ». Có những bộ trưởng, tướng lãnh, đại sứ, tỉ phú bị khởi tố, và ngay cả chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã trở thành ủy viên Bộ Chính trị duy nhất phải trả giá. Ông Trọng cũng giữ tiếp nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba như ông Tập và mới đi được nửa đoạn đường. Nhưng Hà Nội không rủng rỉng tiền như Bắc Kinh cho các kế hoạch kích cầu. Điều chắc chắn là Việt Nam sẽ phải huy động mọi nguồn lực mềm dẻo và chắc chắn của « cây tre » để đối phó với những trận cuồng phong sắp tới giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Ukraina tạo ra « màn sương mù » gây hoảng loạn cho Nga
Liên quan đến cuộc chiến tranh ở Ukraina, Le Monde nhận thấy trước khi bước vào cuộc phản công quy mô, Kiev liên tục có những hoạt động gây bất ổn tại các lãnh thổ bị chiếm đóng và cả trên đất Nga. Giới quân sự gọi đó là « sương mù chiến tranh », do tướng Phổ Carl von Clausewitz đúc kết vào đầu thế kỷ 19 : tung hỏa mù về lực lượng, vị trí và mục tiêu. Nhà nghiên cứu Joseph Henrotin cho rằng Ukraina rất giỏi về chiến thuật này.
Những ngày gần đây nhiều vụ tấn công bằng drone đã diễn ra, thiêu hủy một kho xăng lớn của hạm đội Hắc Hải ở Sébastopol, hai cơ sở lọc dầu gần Crimée và ở vùng Krasnodar. Hai đoàn tàu hàng bị trật bánh vì chất nổ ở Briansk gần biên giới Ukraina, một đường điện gần Saint-Pétersbourg bị hư hại. Song song đó lực lượng Ukraina từ giữa tháng Tư tiến hành vô số vụ tấn công nho nhỏ dọc theo 1.800 kilomet đường biên, từ đồng bằng sông Dniepr cho tới Kupiansk.
Ông Henrotin giải thích, Ukraina đánh cả ở miền bắc xuống miền nam và miền đông, khiến Nga ở thế lưỡng nan. Hoặc là chọn cách phòng vệ tất cả, khiến ở đâu cũng yếu ; hoặc tập trung vào một số địa điểm, làm cho số khác dễ tổn thương hơn. Hơn nữa Matxcơva không có đủ phương tiện để biết quân đội Ukraina sẽ tập hợp lại ở đâu. Nga chỉ có hai vệ tinh quân sự quang học Persona 2 và 3 ở quỹ đạo thấp, và theo một nguồn tin Pháp, Kiev biết được giờ các vệ tinh này bay ngang qua để giấu quân. Đội drone quan sát Orlan bị bắn rơi rất nhiều, và phi cơ thám sát Iliouchine Il-20 hay Antonov An-30 không dám đến gần biên giới Ukraina vì sợ hệ thống phòng không.
Ngược lại, từ mùa hè 2022 Kiev đã thuê một vệ tinh quan sát radar của công ty Iceye (Phần Lan) nhìn thấy được cả ban đêm trong thời tiết xấu, đồng thời ký hợp đồng để có được hình ảnh độ phân giải cao từ 20 vệ tinh khác. Phương Tây cũng cho phép Ukraina tham khảo những vệ tinh của mình, tiến hành những chuyến bay thám sát ở biên giới Ukraina. Bên cạnh trang thiết bị, các viên chức Ukraina và phương Tây cũng liên tục có những tuyên bố gây lo sợ cho người Nga, và mới đây ra lệnh giới nghiêm 58 giờ ở Kherson khiến phía Nga hoang mang. Matxcơva loan báo sơ tán một phần tại 18 ngôi làng chiếm đóng ở Zaporijia, có vẻ như Nga cho rằng Kiev sẽ phản công tại đây.
Bầu cử Thổ Nhĩ Kỳ : Đối lập được lên ti vi 32 phút, Erdogan 32 giờ
Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Le Figaro đặt câu hỏi « Liệu ông Erdogan có thể bị mất ghế hay không ? ». Tổng thống tái tranh cử cố giảm nhẹ tác động của khủng hoảng kinh tế, tuy đây là yếu tố chính trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật tới. Trong khi đó người dân vào cuộc để chống lại nguy cơ gian lận.
Trong những tuần lễ gần đây, ít nhất hai văn phòng thường trực của đối lập bị lãnh những phát súng. Đối thủ chính của Recep Tayyip Erdogan là Kemal Kiliçdaroglu đã phải chấm dứt sớm cuộc mít-tinh vì những hành động thù địch. Tuy được những người ủng hộ gọi là « Gandhi của Thổ Nhĩ Kỳ », nhưng tổng thống vẫn lăng mạ ông là « kẻ đảo chánh », « theo chủ nghĩa đế quốc », « pê-đê ». Báo chí độc lập bị bịt miệng, thời gian dành cho hai ứng cử viên chính trên kênh truyền hình nhà nước TRT trong vài tuần qua hết sức chênh lệch. Theo trang Duvar, Kiliçdaroglu được nói 32 phút còn Erdogan đến 32 tiếng đồng hồ !
Trong không khí đó, gian lận là trung tâm mọi quan ngại. Cứ mỗi mùa bầu cử, các quan sát viên của Tổ chức An ninh Hợp tác Châu Âu (OSCE) đều được gởi đến Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi đảng cũng có người giám sát ở các phòng phiếu, nhưng vẫn có những sự cố xảy ra. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2014, hơn 20 tỉnh bị cúp điện trong lúc kiểm phiếu. Nguyên nhân chính thức được đưa ra là do « một con mèo chạy vào trạm biến điện ». Cuộc trưng cầu dân ý năm 2017 về việc gia tăng quyền hạn của tổng thống có hơn 2 triệu phiếu không đóng dấu nhưng vẫn được tính.
Kỳ này ngoài hàng trăm ngàn quan sát viên của các đảng tại 195.000 phòng phiếu trên cả nước, vô số hiệp hội độc lập cũng tham gia. Chẳng hạn hội « Tình nguyện viên Thổ Nhĩ Kỳ » đã có 40.000 người đăng ký. Nếu có dấu hiệu bất thường, họ báo cho một trong số 2.000 luật sư cơ động để nhanh chóng nộp đơn kiện. Việc kiểm phiếu được trang bị một hệ thống có chụp ảnh và lưu mỗi biên bản để so với con số chính thức. Tuy nhiên 11 tỉnh ở miền đông nam bị động đất hôm 06/02 có 3 triệu người phải sơ tán, liệu họ có phương tiện quay về bỏ phiếu, hơn một chục ngàn người mất tích chưa tìm thấy xác. Vì không được chính thức khai tử, thẻ cử tri mang tên của họ vẫn được in ra, và như vậy có nguy cơ người chết vẫn « đi bầu ».