Điểm Báo Pháp – 8-9-2015
Khu bảo tồn thiên nhiên Manú, vùng Madre de Dios, tây nam Amazonia, Peru. REUTERS/Enrique Castro-Mendivil/Files
Theo RFI – Anh Vũ – 08-09-2015
Diện tích rừng bị phá trên thế giới đã giảm dần
Le Monde ngày 08/09/2015 dẫn báo cáo của tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO cho biết nhịp độ phá rừng trên thế giới đã giảm từ 25 năm qua. Trong khi mà 80% diện tích dừng bị phá là do các hoạt động nông nghiệp.
Từ năm 1990, mỗi năm thế giới mất 51600 km2 rừng, đây là con số trong báo cáo về «đánh giá nguồn tài nguyên rừng thế giới năm 2015» được công bố hôm 07/09/2015 tại Durban, Nam Phi, nơi đang diễn ra Hội nghị thế giới về rừng lần thứ 14. Ông Tổng giám đốc của FAO, José Graziano, tác giả của báo cáo cho biết: «Một xu hướng đáng khích lệ trong việc giảm nhịp độ phá rừng». Theo đó, từ năm 2010 đến năm 2015, diện tích rừng (kể cả rừng tự nhiên và rừng trồng lại) giảm mỗi theo nhiệp độ 0,08% mỗi năm so với thập kỷ 1990-2000 là 0,18%.
Nghiên cứu của FAO, công bố 5 năm một lần, ghi nhận: «Cho dù trên toàn thế giới; diện tích rừng tiếp tục giảm trong lúc mức gia tăng dân số cùng nhu cầu lương thực và đất đai cũng tiếp tục tăng, thì tỷ lệ phá rừng đã giảm 50%». Chủ yếu rừng bị co hẹp lại ở trong các vùng nhiệt đới, đặc biệt là Nam Mỹ, Châu Phi. Brazil là nước bị mất rừng nhiều nhất (984.000 ha), đứng trên các nước như Indonesia, Miến Điện, Nigeria và Tanzania. Trái lại TC, Úc và Chile là những nước mở rộng diện tích rừng.
Các chuyên gia thống kê được là 80% diện tích rừng bị phá hiện nay là để phục vụ cho nhu cầu nông nghiệp, trong đó chủ yếu để trồng cây cọ dầu, đậu tương. Báo cáo của cơ quan Liên Hiệp Quốc cũng ghi nhận rừng trồng không ngừng được mở rộng, hiện đang chiếm tới 7 % diện tích rừng của thế giới; có 1,7% lực lượng lao động của thế giới đang làm việc trong ngành lâm nghiệp, đóng góp khoảng 8% thu nhập nội địa của cả hành tinh.
Theo một tài liệu của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc UNDP công bố năm 2014, đầu tư mỗi năm 30 tỷ đô la là có thể đủ để bảo tồn được các cánh rừng nhiệt đới của trái đất. Trong khi đó từ nay đến năm 2030, các cánh rừng ở Nam Mỹ và Châu Phi vẫn đang co hẹp lại, trong khi các vùng khác trên thế giới có xu hướng mở rộng. Có được kết quả trên, báo cáo của FAO ghi nhận những tiến bộ «về chất» trong lĩnh vực quản lý bền vững rừng trong vòng 25 năm qua.
Đón nhận tị nạn: Thách thức cho nước Pháp
Các báo Pháp ra hôm nay đều tập trung mổ xẻ nội dung các thông báo của Tổng thống François Hollande trong cuộc họp báo ngày hôm qua (07/09/2015). Chủ đề được quan tâm nhất vẫn liên quan đến cuộc khủng hoảng người tị nạn và quyết định mở rộng tấn công quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo sang Syria.
Lướt qua trang nhất các tờ báo chính, độc giả có thể thấy ngay các hàng tựa lớn: «Bruxelles đề nghị Pháp nhận 24 nghìn người tị nạn» của Le Monde. Đề nghị đã được chấp thuận ngay. Nhật báo Le Figaro ghi nhận: đáp lại đề nghị của Bruxelles Pháp sẽ nhận thêm 24 nghìn người tị nạn trong hai năm. Với Tổng thống François Hollande thì đó là «bổn phận» của nước Pháp. Trong khi đó, La Croix đặt vấn đề: “Khủng hoảng tị nạn: Những gì nước Pháp có thể làm“.
Trên một tấm hình lớn gần kín trang bìa ghi lại cảnh những gia đình người tị nạn lếch thếch dắt nhau đi trên đường, tờ Libération nhận xét bằng hàng tựa: «Khởi đầu của một cuộc trường chinh». Tờ báo ghi nhận: Những dấu hiệu mở cửa của Châu Âu (với người nạn) đã lan đến tận Syria. Các nước phương Tây giờ đây đang chuẩn bị chờ đón một cuộc di dân còn lớn hơn nữa.
Trang trong của Libération đăng bài phóng sự với tiêu đề: «Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tiếng gọi từ Châu Âu». Bài báo cho biết tại thành phố Gaziantep, phía nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi đang tập trung những người Syria lánh nạn chiến tranh, thông tin nước Đức mở cửa đã thôi thúc người tỵ nạn tìm đường đến Châu Âu. Bài phóng sự dẫn lời một nhân chứng nói: «Những người trước đây chưa hề rời khỏi khu làng của họ ở miền bắc Syria thì nay đã bắt đầu nói đến chuyện đi tới Thụy Điển hay Hà Lan».
Quyết định đón nhận 24 nghìn người tỵ nạn vào Pháp hôm nay cũng được các báo bình luận trái ngược nhau. Có báo thì nói con số này chẳng thấm vào đâu như muối bỏ bể, một số tờ khác lại cho rằng Pháp sẽ bị quá tải. Xã luận Le Figaro cảnh báo: «Không ai muốn là người không có lương tâm, nhất là sau bức ảnh em bé Aylan nắm sấp mặt chết trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng về sau này sẽ ra sao? Bốn triệu người đang chen chúc nhau trong các trại lánh nạn ở Trung Đông, 350 nghìn người khác đã đến được châu Âu từ đầu năm đến nay, và con số này sẽ còn lớn gấp ba lần nữa từ nay đến cuối năm…. Ngày mai sẽ có bao nhiêu người tỵ nạn? Chắc chắn là hàng triệu người đang muốn thoát khỏi nỗi kinh hoàng của Hồi giáo cực đoan.»
Trái lại, báo L’Humanité của Cộng sản Pháp thì lại thấy con số 24 nghìn là ít và tờ báo nhận định: “Trong cuộc họp báo hôm qua, Tổng thống Pháp đành phải đưa ra một vài lời đại ngôn cho một hành động nhỏ nhoi là đón nhận 24 nghìn người tị nạn. Tại sao? Con số đó rõ ràng là một bước lùi trên những nguyên tắc quyền được tị nạn của Pháp và trên những khả năng đón nhận của đất nước chúng ta?”
Với nhật báo Libération, dù sau cũng có thể nói «đây là những bước đầu tiên… Thà có muộn vẫn còn hơn! … Đó là một hành động biểu tượng cần phải hoan nghênh…. Chúng ta đang đi đúng hướng. Nhưng chúng ta mới chỉ ở điểm đầu của một tiến trình và sẽ còn phải cố gắng nhiều».
Pháp không kích IS tại Syria: Một hành động biểu tượng chính trị
Một thông báo khác của Tổng thống François Hollande được các báo đặc biệt chú ý đó là quyết định mở rộng chiến dịch không kích lực lượng thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ( IS) tại Syria. Sự chuyển hướng chiến lược này bắt nguồn từ kết quả thất vọng của liên quân Ả Rập – phương Tây trong cuộc chiến chống thánh chiến cũng như đe dọa khủng bố tại Pháp ngày càng gia tăng. Bài viết «Sự quay ngoắt chiến lược của Hollande tại Syria» của Le Figaro cố gắng giải thích lý do cho sự thay đổi chiến lược này.
Theo bài viết, khi quyết định tham gia vào liên quân phương Tây không kích tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak, Pháp vẫn từ chối mở rộng mặt trận sang Syria, nước láng giềng Irak, cho dù vùng đất do lực lượng Nhà nước Hồi giáo chiếm được nằm vắt liền qua hai nước trên, không còn đường biên nào phân định. Thế nhưng Paris vẫn coi IS và Tổng thống Syria Bachar al Assad là hai mặt của một đồng tiền. Paris vẫn lo ngại các cuộc không kích vào IS sẽ làm cho chế độ Damas được củng cố. Giờ đây Pháp đã phải nghĩ lại. Theo Le Figarro, có nhiều lý do để giải thích cho sự thay đổi chiến lược này.
Trên thực địa chiến trường, liên quân đã thất bại trong việc ngăn chặn đà tiến của lực lượng thánh chiến IS, nay đang ở trước cửa ngõ Damas. Trong khi đó cuộc khủng hoảng tại Syria là nơi nuôi dưỡng các đe dọa khủng bố nhiều nhất. Phần lớn tác giả của các vụ tấn công hay âm mưu khủng bố đều dính líu đến quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Ngoài ra chính tình hình hỗn loạn ở Syria là một trong những nguyên nhân tạo nên cuộc khủng hoảng di dân, đang trở thành một thách thức lớn cho các nước trong Liên Hiệp Châu Âu.
Trên phương diện địa chính trị, khu vực này cũng đang có nhiều biến chuyển thuận lợi, bài báo phân tích thêm, thời gian qua mối quan hệ giữa Pháp và một số quốc gia vùng Vịnh cũng đã tốt hơn đặc biệt từ khi ký được thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong lúc chế độ Bachar al Assad suy yếu dần, các cường quốc khu vực, như Iran hay Nga đang gia tăng sự hiện diện tại Syria, Paris cũng muốn có một ảnh hưởng nhất định trong các giải pháp chính trị cho xung đột Syria về sau này.
Tờ báo nhận định, động thái của Pháp mở mặt trận không kích sang Syria chỉ mang tính biểu tượng chính trị nhiều hơn là hiệu quả thực sự trên chiến trường. Chiến dịch quân sự không kích cho đến giờ vẫn chủ yếu do quân Mỹ đảm nhiệm với 6500 đợt. Không quân Pháp mới chỉ thực hiện 200 đợt không kích ở Irak. Trong khi đó các nhà chiến lược đều nói rằng: Chiến dịch quân sự giới hạn bởi không quân thì không thể tiêu diệt được tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Chiến thắng chỉ có được khi tung quân trên bộ. Các nước phương Tây không muốn lặp lại bãi lầy Afghanistan.
Chấp nhận kiểm duyệt Google tìm đường trở lại TC
Báo Le Monde trên phụ trang kinh tế, nhắc lại sự kiện «Google đang thương lượng với Bắc Kinh để trở lại TC».Tập đoàn hàng đầu cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên internet muốn mở lại mạng cung cấp ứng dụng cho điện thoại di động, phiên bản tiếng Trung.
Để đạt được mục đích Google phải chấp nhận các điều kiện kiểm duyệt của Bắc Kinh, một trong những nguyên nhân đã khiến tập đoàn rời bỏ mảnh đất màu mỡ này này hồi năm 2010. Le Monde trích dẫn thông tin của nhật báo Mỹ Wall Street Journal cho biết nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm trên mạng của Mỹ này từ nhiều tháng nay đang thương lượng với chính quyền TC để mở phiên bản dịch vụ Google Play, một mạng cung cấp ứng dụng điện thoại di động, hiện vẫn bị cấm tại nước này. Mục tiêu là để Google có thể bán hệ khai thác Android, tại thị trường lớn nhất thế giới về điện thoại thông minh này.
Theo Le Monde, để được Bắc Kinh chấp nhận, Google sẽ phải chấp nhận hầu hết các quy định kiểm duyệt của nước sở tại. Chỉ những ứng dụng và trò chơi được chính quyền đồng ý mới được đưa vào trong danh mục dịch vụ cung cấp. Như thế có nghĩa là các ứng dụng Facebook, YouTube, Twiter hay Snapchat, sẽ không được giới thiệu trên «cửa hiệu» của Google. Ngoài ra công ty còn phải lưu các dữ liệu của cửa hiệu cung cấp dịch vụ tại các máy chủ đặt ở TC.
Ngược lại thời gian không lâu, hồi tháng 3 năm 2010, Google đã tuyên bố rút khỏi TC, sau khi nhà cung cấp dịch vụ tin học Mỹ này tố cáo chính phủ TC kiểm duyệt dịch vụ của họ. Rời TC sang Hồng Kông, tất cả các dịch vụ của Google từ Gmail đến Google Play đều bị chặn ở TC. Hầu hết các úng dụng của Google liên quan đến kết nối mạng internet đều vắng bóng trên thị trường TC. Không chấp nhận được thua thiệt kinh tế, nhà khổng lồ tin học Mỹ tìm đường trở lại ở TC vào mùa thu năm nay.