Điểm Báo Pháp – 8-7-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 8-7-2015
Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Eclid Tsakalotos nhậm chức sau cuộc trưng cầu dân ý 05/07/2015. – REUTERS/Yannis Behrakis

Theo RFI – Tú Anh – 08-07-2015

Tsipras:  anh lính cứu hỏa câu giờ

Mê lộ Hy Lạp, dầu hỏa trượt giá, chiến tranh cân não và «phi cộng sản hóa» tại Ukraina, tôn giáo dấn thân vào cuộc chiến chống thay đổi khí  hậu là những chủ đề chính của báo chí Pháp hôm nay 08/07/2015.

Trong khi châu Âu bất đồng chiến lược đối phó với khủng hoảng Hy lạp, tại Đức, hai phe tả hữu dần dần thống nhất lập trường chung để Athens ra khỏi vùng euro. Nếu giả thuyết «chia tay gấp rút» xảy ra, cái giá  phải trả sẽ nặng nề như thế nào?

Nếu Libération nhận định trên trang nhất «Pháp bao dung với Athens vì quá đam mê thần thoại Hy Lạp», thì Le Monde cũng giải thích «Đức lạnh lùng vì Hy Lạp tự lao vào bế tắc».

Theo Le Monde, các nhà kinh tế phân tích: tuy Hy Lạp chỉ nợ bằng euro nên được bảo vệ không lọt vào tay các quỹ cho vay thuộc dạng «kên kên» chuyên chờ cơ hội làm thịt con mồi ngã gục, nhưng trở lại đồng tiền cũ drachma đồng nghĩa với bất ổn định.  Chuyên gia kinh tế Đức Hans-Werner Sinn và cựu tổng thống Pháp Giscard d’Estaing đề nghị cho Hy Lạp «giã từ euro» để hai bên cùng khỏe: kinh tế Hy Lạp sẽ có cơ may phục hồi. Thế nhưng theo giáo sư kinh tế Pháp Antonio Fatas, giải pháp này sẽ đưa Hy Lạp vào bất ổn vì đương đầu với nhiều thử thách và bất trắc. Những trải nghiệm  trong quá khứ như khi châu Âu chọn đồng tiền mới euro, như Croatia in tiền kuna sau khi Nam Tư tan vỡ, như Séc và Slovakia khi chia tay năm 1993. Kinh nghiệm cho thấy là chỉ khi nào có chuẩn bị lâu dài như đồng euro hay đồng kuna thì mọi việc êm đẹp, còn trái lại  nếu Hy Lạp khẩn cấp đổi tiền trong tình trạng «kinh tế hấp hối» thì sẽ rất phức tạp và  làm  đất nước rối loạn: ai dám tin tưởng vào đồng tiền mới, Hy lạp trả nợ quốc tế ra sao?  Giải pháp khả thi nhất là bắt chước Montenegro và Kosovo sử dụng đồng tiền euro mà không là thành viên của khối sử dụng đồng tiền chung. Vấn đề là nếu Liên Hiệp Châu Âu «rộng lượng» với  hai nền kinh tế hạng «lông»  này thì chưa chắc sẽ bỏ qua cho Hy Lạp.

Trong chiều hướng này, nước Đức của Angela Merkel từ chính giới đến công luận, kể cả những người ôn hòa nhất muốn Hy Lạp chia tay.

Theo Le Monde, ngay một người thận trọng như Angela Merkel cũng phải than thở: Alexis Tsipras  cố tình đưa đất nước của ông ta vào chân tường mặc dù quán triệt tình thế.

Giới chuyên gia kinh tế Đức dự đoán trong vài tháng tới «kinh tế Hy Lạp sẽ bị khủng hoảng nghiêm trọng hơn nữa, thất nghiệp tăng thêm, xã hội khủng hoảng, thuốc men và  xăng dầu leo thang, hệ thống ngân hàng sụp đổ hoàn toàn, chính phủ ban hành đồng tiền mới song hành với euro. Nhưng do sợ đồng tiền mất giá, người dân sẽ đổ xô mua euro càng làm tiền mất giá thêm». Sử gia Heinrich August Winkler, một nhà trí thức có tiếng ôn hòa  được vinh dự đọc bài tham luận  tại quốc hội Đức nhân kỷ niệm 70 năm Thế chiến thứ hai kết thúc, cũng phải nhận định:  Hy Lạp gia nhập vùng euro bằng cách gian lận và tiếp tục bất tuân các nguyên tắc chung.  Hy Lạp phải ra khỏi vùng euro để các thành viên còn lại được ổn định. Đối với sử gia có tiếng chừng mực này «người dân Hy Lạp gieo gió thì gặt bão»

Trong khi Les Echos vẫn hy vọng  Châu Âu sẽ tìm được thỏa thuận với Hy Lạp bằng ngõ ra «chật hẹp», trong khi La Croix liệt kê danh sách lợi hại khi Hy Lạp đi hay ở thì Le Figaro thẳng thừng: Hy Lạp khiêu khích «lòng kiên nhẫn» của châu Âu. Nhật báo cánh hữu không vòng vo: thủ tướng Tsipras là anh lính chữa lửa nhưng cũng là kẻ phóng lửa, kéo châu Âu vào một canh bạc bịp. Căn nhà Hy Lạp bốc cháy mà ông Tsipras không «khẩn trương». Ông ta cứ tìm cách câu giờ. Nếu thật sự mục đích của ông là ra khỏi vùng euro thì cứ nói toẹt ra cho rồi, kéo dài đàm phán để làm gì?

Dầu hỏa trượt giá, hoảng hốt tại Luân Đôn và New York

Trong vòng hai ngày giá dầu hỏa bị mất đến 8%.  52,5 đô la một thùng tại New York, 56,43 đôla tại Luân Đôn.Les Echos đưa ra  nhiều lý do hỗ tương nhau kéo giá dầu đi xuống:  khủng hoảng Hy Lạp và bất ổn trên thị trường chứng khoán TC đã gây một hiện tượng hoảng hốt đầu tiên.  Bên cạnh đó, giới đầu cơ đánh cược Iran sắp được bỏ cấm vận  xuất khẩu dầu hỏa. Trong khi đó thì các quốc gia dầu hỏa tiếp tục giữ mức độ sản xuất cao và  cuối cùng vì  sức dẻo dai  bất ngờ của Mỹ. Ở điểm này, giới phân tích không ngờ sau 30 tháng ngưng trệ, các hãng dầu Hoa Kỳ tăng tốc khoan giếng.

Biến đổi khí hậu, tôn giáo nhập cuộc

Đợt nóng dữ dội trong tuần qua đã «tấn công đỉnh núi châu Âu», ngọn Mont Blanc, quanh năm tuyết phủ bị  rơi xuống 0°C. Nhiệt độ  tiếp tục làm tan lớp băng đá trên «nóc nhà châu Âu». Trên đây là thông tin báo động của Le Figaro.

Trong bối cảnh  tương lai địa cầu và  sự tồn vong của nhân loại gây lo âu cho những người quan tâm thì để đánh động thành phần công luận còn vô tâm vô tình nhật báo Công giáo La Croix đưa lên trang nhất thông tin Hội nghị các nhà lãnh đạo tôn giáo và tinh thần vào hai ngày 21 và 22 tháng 7 tại Paris chuẩn bị cho thượng đỉnh khí hậu vào tháng 12.

Trong bài xã luận «Chất vấn lương tâm», nhật báo La Croix cho biết tham gia vào chiến dịch bảo vệ hành tinh.  Tác giả giải thich: Đức Giáo hoàng không ngần ngại dấn thân vào cuộc thảo luận vấn đề đe dọa trái đất. Tháng 9 này, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ đọc diễn văn tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Giới lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là Công giáo đã lắng nghe tiếng gọi của nội tâm: “bảo vệ căn nhà chung” đang bị  khí thải ô nhiễm đe dọa. Giáo hội kêu gọi tất cả mọi người từ cá nhân cho đến lãnh đạo chính trị «hãy theo đạo», đạo trách nhiệm. Mỗi người hãy tự vấn lương tâm phải làm gì để bảo vệ trái đất.

Ukraina: phi cộng sản hóa và cuộc chiến miền Đông

“Donbass: giữa hưu chiến và chiến tranh cân não”, tựa của Libération. “Mặt trận ký ức” là phóng sự của Le Figaro.  Nhật báo cánh tả  đưa độc giả đến vùng lửa đạn nơi mà người lính Ukraina nằm trong chiến hào chờ phe thân Nga tấn công. Đồng nhiệp cánh hữu thì dẫn người đọc vào hiện trường thi hành đạo luật «phi độc tài hóa, phi cộng sản hóa và phi phát-xít hóa» ban hành từ gần hai tháng nay.

Tại chiến trường Donbass, theo mô tả của Libération, những người lính trấn biên là những thanh niên Ukraina bị động viên. Dù dễ thương hay ngạo mạn, tất cả đều nghiêm túc, kể cả lo lắng khi được cấp chỉ huy giao nhiệm vụ hành quân. Họ tỏ ra không tin cậy vào thanh tra của tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE vì «trong số này có người Nga» làm gián điệp. Một người lính cho biết một lần họ bị phe thân Nga tấn công chỉ 20 phút sau khi được thanh tra OSCE viếng thăm.

Để dứt khoát xóa bỏ tàng tích chủ nghĩa độc tài của Liên Xô và của Phát-xít Đức mà Ukraina từng là nạn nhân, chính quyền thân tây phương đã ban hành chính sách phi cộng sản hóa và phi phát xít hóa, đặt «chế độ độc tài cộng sản ngang hàng với quốc xã» theo nhận định của Le Figaro. Hệ quả là hàng loạt kiến trúc, tượng đài và tác phẩm nghệ thuật mang màu sắc tuyên truyền thời Liên Xô bị tháo gỡ. Tuy nhiên, không phải người dân Ukraina nào cũng đồng ý với đạo luật được biểu quyết khẩn cấp, không qua thủ tục tham khảo ý kiến và tranh luận. Do vậy, không ít công trình «nghệ thuật xã hội hiện thực» trên tường, trong đường xe điện ngầm có giá trị thật sự có nguy cơ bị phá hủy, theo như giải thích của một nghệ sĩ, thành viên một hiệp hội bảo vệ ký ức của quá khứ xô-viết. Evguenia Moliar cho rằng bà không chủ trương «duy trì tất cả những gì của Liên Xô», nhưng cần phải thành lập một ủy ban chuyên gia để thẩm định công khai cái nào phải dẹp, cái nào phải giữ.

Trước phản ứng của một bộ phận công luận, chính quyền Kiev tạm ngưng chương trình «phi cộng sản hóa» trong đường xe điện ngầm.

Tại sao hoa hồng thơm và… hết thơm

Trong lãnh vực sinh học thực vật, các nhà khoa học khám phá bí mật hoa hồng, biết  được «gen» tạo ra mùi thơm thiên nhiên. Nói cách khác, nếu các bụi hoa hồng trong khu vườn do ông bà để lại không thơm như ngày xưa thì chỉ vì «gen» này ngủ yên, hiên tượng này thường xảy ra trong nhiều loại hồng canh tác. Chỉ cần được «đánh thức» thì «gen» hoạt động lại, và hoa hồng sẽ lại ngát hương.

Trong lãnh vực khoa học, Le Monde cho biết phi thuyền thám hiểm không gian New Horizon của NASA phóng đi từ năm 2006, sau 9 năm du hành, đã đến Pluton, hành tinh xa xôi nhất trong thái dương hệ.

Hôm nay ngày thứ tư là ngày các rạp chiếu phim ở Pháp trình chiếu phim mới. Nhật báo nghiêm túc Le Monde dành một góc trang nhất giới thiệu bộ phim hài, hoạt hình dành cho trẻ con: Les Minions, những đứa bé hình nộm dễ thương nhưng luôn có hành động rất hung dữ. Sỡ dĩ có sự «khuyến mại» vì bộ phim giải trí này là kết quả của “câu chuyện hợp tác tốt đẹp giữa hai cơ sở làm phim Pháp-Mỹ”, theo giới thiệu của Le Monde.