Điểm Báo Pháp – 8-5-2015
Một đơn vị pháo tự hành của Nga diễn tập tại Quảng trường Đỏ trước lễ mừng chiến thắng, ngày 07/05/2015. REUTERS/Grigory Dukor
70 năm chiến thắng phát-xít và nỗi đắng cay của các nước Đông Âu
Theo RFI – Thụy My – 08-05-2015
Ngày 8 tháng Năm, nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng của đồng minh trước phát-xít Đức, báo chí Pháp tập trung cho đề tài này, với những góc nhìn đa dạng.
Trên trang ý kiến của Le Figaro, nhà nghiên cứu Pierre Rigoulot, Viện trưởng Viện Lịch sử Xã hội không quên nhắc đến «Nỗi đắng cay về ngày 8 tháng Năm năm 1945 đối với người Ba Lan, Tiệp, Hung, Rumani và các nước vùng Bantich». Đó là vì người dân Trung Âu và Đông Âu được giải phóng khỏi chế độ quốc xã, nhưng lại bị rơi vào một cái ách khác của chế độ Stalin.
Nhà sử học nhắc nhở, Stalin từng là người bạn tốt nhất của Hitler từ tháng 8/1939. Ông ta đã cung ứng nguyên vật liệu cho nước Đức quốc xã, rồi chia sẻ nước Ba Lan với Hitler, đồng lõa với nhà độc tài Đức trong việc xâm chiếm các nước vùng Bantich. Quá tin tưởng nơi tình bạn với Hitler, nên Stalin hoàn toàn sững sờ kinh ngạc khi nghe tin quân Đức tấn công ngày 22/06/1941.
Như vậy, kể từ năm 1941, «Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại» thật ra chỉ là cuộc chiến chống lại một đồng minh đã phản bội. Chính là sự trở mặt của Hitler đã khiến Stalin tham gia phe đồng minh chiến đấu chống lại Đức quốc xã, chứ không phải do có cùng niềm tin chính trị. Việc «chống chủ nghĩa phát-xít» của những người cộng sản Nga không phải là «chống chủ nghĩa độc tài toàn trị».
Sau chiến thắng, các gu-lắc xô-viết đã giam cầm hai triệu người, các trại tập trung Buchenwald và Sáchenhausen được tái sử dụng tại khu vực do Liên Xô kiểm soát trên đất Đức. Tại Tiệp Khắc, 120.000 người đã phải vào trại cải tạo hay vào tù, còn tại Ba Lan, từ 1945 đến 1947, trên 7.000 đã chết trong trại lao động khổ sai ở Jaworzno. Ngoài ra có thể kể nhiều trại tập trung khác ở Hungary, Nam Tư, Rumani, Bulgari và Rumani. Bên cạnh sự thiếu vắng tự do về chính trị, còn là nạn nghèo đói tại các nước bị Liên Xô thống trị.
Lễ mừng chiến thắng hoành tráng cho Putin
Matxcơva chuẩn bị mừng 70 năm chiến thắng trước quốc xã vào năm 1945, trong khi rất nhiều nguyên thủ quốc gia được mời lại vắng mặt. Nhật báo Le Monde mô tả «Một ngày lễ 9 tháng Năm hoành tráng cho Putin».
Những chiếc máy bay phun chất hóa học vào những đám mây vũ tích – một kỹ thuật hiệu quả của Nga để tránh những trận mưa làm ảnh hưởng đến lễ hội, theo thông tín viên Le Monde tại Matxcơva, có lẽ không cần thiết, vì các cuộc diễn tập đang diễn ra dưới ánh nắng ấm áp.
Thủ đô nước Nga đầy dẫy những áp-phích «Pobieda» (chiến thắng), những chiếc mũ ca-lô quân đội có ngôi sao đỏ được bày bán trên đường phố, các chiến đấu cơ bay phía trên mái vòm lấp lánh của các giáo đường, và trên Quảng trường Đỏ, những khẩu đại bác và xe bọc thép bắt đầu diễu hành. Cuộc diễu binh ngày 9 tháng Năm này nhất định sẽ hoành tráng nhất trong lịch sử, theo ý muốn của Vladimir Putin.
Mười sáu ngàn quân nhân, 194 đơn vị thiết giáp, trong số đó lần đầu tiên kiểu xe tăng mới Armata T-14 có tháp pháo cơ động sẽ được trình làng, 143 phi cơ tiêm kích và trực thăng sẽ tham gia cuộc diễu binh trước điện Kremli. Pháo hoa được bắn ở hơn một chục địa điểm để kết thúc buổi lễ hội với nhiều sự kiện ấn tượng, chẳng hạn cuộc tuần hành của «đạo binh bất tử» – các gia đình mang theo chân dung của cha ông đã hy sinh nơi tuyến đầu, hay lễ hội ẩm thực với các bếp ăn thời chiến.
Tuy nhiên mục tiêu tái khẳng định vai trò cường quốc thế giới của nước Nga, xem chừng khó đạt được, khi nhiều nguyên thủ từ chối tham gia buổi lễ, do Nga đứng phía sau cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraina. Dù Matxcơva đã gởi giấy mời đi nhiều nơi, kể cả quân đội các nước, nhưng chỉ có quân đội Trung Quốc, Ấn Độ và Serbia nhận lời tham dự.
Nguyên thủ phương Tây bối rối
Đi dự hay không đi dự? Câu hỏi này, đã gây chia rẽ các nguyên thủ cho đến nỗi phản ứng mỗi người mỗi khác, trước lời mời của Vladimir Putin. Le Monde ghi nhận như trên trong bài «Giới ngoại giao lúng túng quanh Quảng trường Đỏ».
Có ít nhất 68 vị nguyên thủ đã được Kremli mời mọc, nhưng chỉ khoảng hai mươi vị đáp lời. Mỗi người phản ứng một kiểu khác nhau: người thì từ chối thẳng, người do dự, người thì tham gia một cách tối thiểu, thậm chí giữ im lặng không chịu hồi âm.
Hầu như không có lãnh đạo phương Tây nào sẽ có mặt trên Quảng trường Đỏ. Quan hệ giữa Nga với các nước phương Tây đang ở mức tệ hại nhất kể từ sau chiến tranh lạnh, sau khi Nga chiếm Crimée và hỗ trợ cho phe nổi dậy Ukraina, dẫn đến việc bị quốc tế trừng phạt.
Còn những nhân vật tỏ ra tích cực nhất có thể kể Chủ tịch TC Tập Cận Bình, Thủ tướng Ân Độ Narendra Modi, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al Sissi, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro. Người đầu tiên đến Matxcơva từ hôm thứ Tư 6/5, Chủ tịch Cuba Raul Castro mong muốn củng cố quan hệ với Nga, sau khi đã xích lại gần Hoa Kỳ.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cùng với Tổng giám đốc Unesco là Irina Bokova tuy cũng đến tham dự, nhưng trước đó không quên đi một vòng Gdansk (Ba Lan) và Kiev (Ukraina). Zimbabwe, Mông Cổ, Nam Phi, Chypre cũng nằm trong danh sách các nước đến công du, kể cả Abkhazia và Nam Ossetia, hai lãnh thổ ly khai của Gruzia không được quốc tế công nhận.
Một số nguyên thủ chọn lựa thái độ lửng lơ: đến Nga nhưng không tham gia buổi lễ. Đó là trường hợp của Tổng thống Cộng hòa Sec Milos Zerman, hay Thủ tướng Slovakia Robert Fico. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius đại diện cho nước Pháp thì đặt vòng hoa trước đài chiến sĩ vô danh, dự tiếp tân ở điện Kremli nhưng không xem duyệt binh. Thủ tướng Đức Angela Merkel thì độc đáo hơn: hôm sau mới tới! Chủ nhật 10/5, bà sẽ thảo luận với ông Putin về vấn đề Ukraina. Thỏa hiệp tế nhị này không ngăn trở các hãng thông tấn Nga đưa tên bà Merkel vào danh sách các nguyên thủ tham dự lễ hội.
Không đến Matxcơva, nhưng Kim Jong Un vẫn thân thiết với Nga
Trong số những lãnh tụ được mời, có một gương mặt rất được chú ý, đó là người đứng đầu Bắc Triều Tiên. Theo phân tích của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh và Tokyo trong bài «Chiến lược Nga của Kim Jong Un», thì lãnh tụ Bắc Triều Tiên tuy không đến Matxcơva dự lễ mừng chiến thắng ngày 9 tháng Năm, nhưng vẫn trông cậy vào Nga để mong thoát khỏi thế bị cô lập.
Ban đầu, tin Kim Jong Un sẽ đến Nga được Kremli lớn tiếng khoe khoang, nhưng đến ngày 28/4, phát ngôn viên của ông Vladimir Putin loan báo lãnh tụ trẻ tuổi không đến được «vì lý do nội bộ». Nhưng đối với Bình Nhưỡng, đây không phải là việc hủy bỏ chuyến đi, vì thật ra chuyến công du này chưa bao giờ được chính thức thông báo.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, việc Kim Jong Un không đến Matxcơva không phải do nguyên nhân nội bộ, mà do nhiều yếu tố. Trước hết, lãnh tụ Bắc Triều Tiên không thích thú gì trước cặp mắt tò mò và các câu hỏi của nhiều nguyên thủ khác hiện diện tại đây. Vả lại Bình Nhưỡng không muốn làm mích lòng đàn anh TC, khi chuyến công du nước ngoài đầu tiên lại là đến Matxcơva chứ không phải Bắc Kinh.
Chuyên gia Andrei Lankov, trường đại học Kookmin ở Seoul nhận định, sự vắng mặt của Kim Jong Un không ảnh hưởng gì đến tiến trình xích lại gần nhau giữa Nga và Bắc Triều Tiên. Bình Nhưỡng tìm cách ra khỏi tình trạng cô lập qua việc đa dạng hóa đối tác, cố thoát ra khỏi sự lệ thuộc nặng nề về chính trị và kinh tế với Bắc Kinh. Còn Matxcơva muốn hướng về phương Đông để bù lại những khó khăn đang vấp phải với phương Tây. Sự thân thiện với Bắc Triều Tiên cho thấy Nga đang muốn quay lại với Đông Á, hầu nắm được một quân bài mới trong việc đối đầu với Mỹ.
Từ năm 2014 đã có nhiều chuyến viếng thăm của các quan chức cấp cao đôi bên để chuẩn bị cho nhiều dự án lớn, và năm 2015 được chọn là «Năm hữu nghị» của hai nước. Một ngày trước khi loan báo việc Kim Jong Un không đến Matxcơva ngày 9 tháng Năm, hai bên đã ký kết tuyên bố thỏa thuận hợp tác kinh tế, cho phép các công ty Nga khai thác mỏ tại Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng không thể trông mong nơi Nga một sự viện trợ hào phóng như Liên Xô trước kia.
Đồng minh xưa ngoảnh mặt
«Tại Matxcơva, ngày Chiến Thắng không còn tập hợp được các đồng minh», đó là tựa đề bài phân tích trên Le Figaro. Việc tẩy chay lễ kỷ niệm 70 năm đã phơi bày công khai khoảng cách hiện nay giữa đôi bên.
Nếu năm 2005 từ cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush cho đến cựu Tổng thống Pháp Jacques Chirac cũng như nhiều lãnh đạo khác trên hành tinh đều đến Matxcơva tham dự lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng phát-xít Đức, thì nay những người đồng minh cũ đã quay mặt với Nga. Barack Obama là người đầu tiên từ chối, rồi đến Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu cho biết không muốn xuất hiện «tay trong tay với những kẻ hiếu chiến hiện nay».
Từ năm 1945 đến nay, Ngày Chiến Thắng luôn là một ngày lễ lớn của Nga, khi 20 triệu người xô-viết đã thiệt mạng trong Đệ nhị Thế chiến. Chuyên gia Dimitri Trenin nhận xét: «Ngay cả trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chiến thắng chung trước quốc xã được Liên Xô và phương Tây coi là một lãnh vực hợp tác và hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn».
Việc tẩy chay ngày lễ lớn kỷ niệm 70 năm chiến thắng chứng tỏ sự cô lập của Nga trên trường quốc tế – nay chỉ có được sự ủng hộ của các nước thiếu dân chủ hay ít ảnh hưởng; đồng thời cho thấy khoảng cách xa vời vợi giữa đôi bên. Ông Trenin bình luận: «Sự đổ vỡ này vừa mang tính biểu tượng lại vừa thực tế. Trong suốt 25 năm qua, người Nga đã cố gắng xích lại gần phương Tây, nhưng nay thời kỳ đó đã qua rồi».