Điểm Báo Pháp – 7-8-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 7-8-2015

Mây nguyên tử trên bầu trời Hiroshima, ngày 06/08/1945. REUTERS/U.S. Army/Hiroshima Peace Memorial Museum

Theo RFI – 07-08-2015 – Minh Anh

Hiroshima: Vì sao Hoa Kỳ vẫn giữ im lặng?

Nhật Bản tưởng niệm 70 năm Hiroshima bị dội bom A, Tiến triển của điều tra MH370, và Pháp – Nga đạt thỏa thuận không giao chiến hạm là những chủ đề chính trên các mặt báo Pháp số ra ngày 07/08/2015.
Hôm qua, 06/08/2015, người dân thành phố Hiroshima đã tụ về công viên Hòa Bình làm lễ tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử. Vào ngày đó, cách đây đúng 70 năm, vào 8 giờ 15 phút, chiếc máy bay ném bom của Hoa Kỳ Enola Gay đã thả quả bom mang tên «Little Boy» đánh dấu «ngày tận thế» tại Hiroshima, và ba ngày sau đó là Nagasaki. Ngay sau khi trái bom đầu tiên được thả và phát nổ, 75.000 người đã bị thiệt mạng tại chỗ và hàng chục ngàn người chết dần chết mòn những tháng sau đó, chưa kể đến những người sống sót nhưng phải chịu đựng những đớn đau dai dẳng về thể xác lẫn tinh thần.
Trước các phái đoàn đến từ 100 quốc gia, để tưởng nhớ đến 140.000 nạn nhân, bao gồm Nhật Bản, lao động cưỡng bức người Trung Hoa và Triều Tiên và các tù binh Mỹ, thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui mong muốn mỗi người «nghiêng mình kính cẩn tinh thần các ‘hibakusha’», những người sống sót trong trận bom nguyên tử đó.
Đối với L’Humanité, «Cả thế giới đều nhớ đến Hiroshima» nhưng ngoại trừ Hoa Kỳ. Bởi vì cho đến giờ «Nước Mỹ vẫn giữ im lặng về Hiroshima» như nhận xét của Le Monde. 70 năm trôi qua nhưng Washington không dự trù một lễ kỷ niệm nào vụ thả quả bom A đầu tiên. Đối mặt với giai đoạn bi thảm đó của Lịch sử, hơn bao giờ hết sự im lặng vẫn đang ngự trị tại Mỹ.
Sự im lặng đó được nhận thấy nhân chuyến công du Washington của Thủ tướng Shinzo Abe vào cuối tháng 4 vừa qua. Khi nhắc đến cuộc xung đột quá khứ giữa hai bên, Thủ tướng Nhật Bản chỉ nói về những cuộc chiến quy ước như trận Trân Châu Cảng, trận chiến biển San hô (Coral) và trận Iwo Jima mà không hề nghe nhắc đến hai thành phố thảm họa Hiroshima và Nagasaki.
Bản thân người dân Hoa Kỳ cho đến giờ vẫn cho rằng việc sử dụng bom ngưyên tử năm 1945 là điều tất yếu, thậm chí cần thiết nữa, bất chấp những khoản chi phí oằn lưng người dân Nhật Bản. Các sử gia Mỹ vẫn có những cách nhìn trái ngược nhau về thời điểm tang thương đó của Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra vì sao cho đến giờ Hoa Kỳ vẫn giữ thái độ im lặng về hai sự kiện đó? Theo phân tích của Le Monde, đương nhiên sự im lặng bị áp đặt do bởi một có một sự đồng thuận lớn đang chiếm ưu thế tại Hoa Kỳ liên quan đến vũ khí hạt nhân, hiện đang trở thành một yếu tố trọng yếu về vị thế địa chính trị của Hoa Kỳ.
Thỏa thuận hạt nhân đạt được vào ngày 14/07 vừa qua giữa Hoa Kỳ và các cường quốc khác với Iran không ngoài mục tiêu nào khác là duy trì hiện trạng mà các thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng như một số quốc gia hiếm hoi khác (Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Israel, Pakistan) đang có. Bốn quốc gia sau đã có thể phá vỡ sự cảnh giác của câu lạc bộ lớn kép kín và tránh né được những rào cản ngoại giao được dựng lên để chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân.
Thậm chí lợi ích chung đó còn cho phép những tháng gần đây một có sự hợp tác với Matxcơva. Bởi vì, theo phân tích của nhật báo, cho dù giữa Mỹ và Nga vẫn còn tồn tại nhiều điểm tranh chấp, từ hồ sơ Syria cho đến Ukraina, nhưng cả hai bên vẫn có thể dẹp qua một bên những bất đồng để đạt một thỏa thuận hòng cùng giữ vị thế cường quốc hạt nhân. Và sự đồng thuận đó không chỉ có trong lãnh vực vũ khí hạt nhân mà cả trong hạt nhân dân sự.
Pháp rao bán chiến hạm như rao hàng
Paris và Matxcơva đạt được thỏa thuận về việc không giao chiến hạm, đương nhiên phải là chủ đề nổi bật nhất trên các trang báo Pháp. «Mistral: Paris bồi thường cho Matxcơva và thu lại quyền sở hữu», Le Monde chạy tít thông báo.
Le Parisien mỉa mai trên trang nhất: «Cần bán: Hai chiến hạm mới nguyên». Như vậy là Pháp quyết định không bán hai chiến hạm cho Nga, do tình hình tại Ukraina. Một hiện tượng «hiếm có», tờ báo nhận xét. Một kỹ sư than với nhật báo rằng «về mặt tâm lý, điều đó không dễ chịu chút nào cho công nhân». Từ đây cho đến khi tìm được đối tác mua, họ sẽ phải ngắm nhìn thành phẩm của họ bị hoen rỉ. Thành phẩm mà người công nhân đã «phải mất không biết bao nhiêu triệu giờ» để làm nên.
«Mistral: cái giá thật của về thỏa thuận với Nga» là mối quan tâm chính của Le Figaro. Trong bài viết «Trong hậu trường của thỏa thuận Pháp – Nga», nhật báo cho biết để có thể đạt được thỏa thuận đó, Paris và Matxcơva đã phải mất hết 8 tháng với ba vòng thương lượng căng thẳng và gian nan.
Nhưng Le Figaro cho rằng sở dĩ cả hai bên đã nhanh chóng tìm được đồng thuận với mức bồi thường thấp hơn đề xuất ban đầu của Nga đến 5 lần ( Matxcơva yêu cầu đến 5 tỷ) là do bởi hai bên cùng có một lợi ích chung. Phía Nga gặp khó khăn trong kinh tế nên rất cần tiền mặt. Trong khi đó, về phía Pháp các hồ sơ nóng bỏng như Ukraina và chiến sự tại vùng Trung Cận Đông lại là những điểm gây bất đồng giữa Nga và Pháp nói riêng, và Nga – phương Tây nói chung.
Nói tóm lại, giờ thì «Nước Nga thở phào khi dứt bỏ được hồ sơ này», theo như tựa đề bài viết khác của Le Figaro. Riêng nước Pháp sau khi đúc kết được thỏa thuận phải lo tìm một đối tác mua khác, nếu không «Tiền của và công sức coi như đổ sông đổ bể». Đó cũng lời càu nhàu của cô công nhân tham gia vào việc đóng tàu Mistral được tờ Le Parisien trích dẫn.
MH370: Khi các thám tử tư nhập cuộc
Các tình tiết mới nảy sinh liên quan đến chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airline tiếp tục làm hao tốn giấy mực một số báo Pháp. Nhật báo Công giáo La Croix trình bày vụ việc dưới dạng Câu hỏi trong ngày: «Người ta có thể trông đợi được gì từ việc giám định mảnh vỡ chiếc Boeing của hãng Malaysia Airlines?».
Le Figaro dành trọn hai trang báo lớn để bàn về chủ đề này. Tờ báo nhận thấy: «Vụ MH370: cuộc điều tra được tiếp tục trong sự mù mờ». Kể từ khi phát hiện mảnh vỡ của MH370 trên đảo Reunion của Pháp, nhiều thông tin trái ngược nhau đã được đưa ra. Chính quyền Malaysia hôm qua còn thông báo tìm thấy thêm nhiều mảnh vỡ khác tại Reunion. Phía Pháp thì khẳng định chưa có phát hiện gì mới, và gia tăng công tác tìm kiếm.
Thông tín viên của Le Figaro tại Thượng Hải cho biết «Tại TC, gia đình các nạn nhân tức giận chống lại hãng Malaysia Airlines». Thân nhân của các nạn nhân giận dữ cho rằng họ đã bị dối gạt trong suốt năm qua. Họ không tin vào lời khẳng định của Thủ tướng Malaysia. Nhiều lời đồn thổi loan truyền tại TC còn cho rằng có «âm mưu». Rằng «500 ngày đủ để tạo ra một mảnh vỡ giả». Theo họ, Malaysia muốn kết thúc sớm hồ sơ này dưới hình thức «tai nạn», vì như vậy, «Malaysia muốn tránh trả những khoản bồi thường lớn và lãi cho các gia đình». Người dân hầu như không tin bất kỳ tuyên bố nào của chính quyền là do «truyền thông không có tự do», như nhận xét của nhân chứng với Le Figaro.
Sự biến mất bí ẩn cùng với sự bất lực của các chính quyền có liên quan đã khiến nhiều người tự đi điều tra tìm hiểu sự việc. «Chuyến bay MH370: Khi các thám tử tư nhập cuộc» là ghi nhận của Libération. Họ là người thân như ông Ghislain Wattrelos có vợ và hai con bị mất tích trong chuyến bay đó. Hay đó là nhà khoa học như ông Duncan Steel hoặc là chuyên gia hàng không Xavier Tytelman.
Điểm chung của ba người này là cố gắng tìm hiểu vì sao chuyến bay MH370 nối Kuala –Lumpur với Bắc Kinh đã biến mất bí ẩn vào ngày 08/03/2014. Họ cũng không phải thành viên của đội điều tra chính thức. Kể từ khi phát hiện mảnh vỡ tại Reunion hồi tuần rồi, họ đã gia tăng nỗ lực tìm kiếm. Libération tường thuật lại phương pháp cũng như động cơ của các nhà điều tra nghiệp dư này.
Các tin khác
Liên quan đến Trung Cận Đông, tờ Libération có bài giải mã đề tựa «Ankara điều chỉnh đường đạn». Theo nhật báo, do bị Hoa Kỳ thúc ép phải nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận giảm áp lực lên lực lượng Kurdistan. Tổng thống Erdogan tuy tỏ vẻ hòa giải nhưng vẫn giám sát các mục tiêu nội địa của mình.
Mục chính trị của Le Figaro chú ý đến kỳ nghỉ hè của các chính khách. Trong bài viết đề tựa «Kỳ nghỉ bí mật của Hollande», tờ báo cho hay đi nghỉ từ hôm qua, nhưng cho đến giờ không ai biết được tổng thống Pháp sẽ đi đâu, làm gì trong 10 ngày nghỉ hè này.
Le Figaro nhắc lại «Những mùa hè chết người của các đời tổng thống trước»; Từ việc ông Jacques Chirac đi nghỉ trong một khu nhà sang trọng tại Canada năm 2003 và toàn bộ nội các đi nghỉ vào lúc nước Pháp đang trải qua một kỳ nóng bức chưa từng có. Mười mấy ngàn người già đã chết trong kỳ đó, do không có ai đứng ra quản lý. Một thảm họa chính trị.
Năm 2007, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa mới trúng cử đi nghỉ hè tại Hoa Kỳ với người vợ trước tại một điểm du lịch du lịch sang trọng, cũng không được người dân Pháp đánh giá cao do đất nước đang trong giai đoạn khó khăn.