Điểm Báo Pháp – 7-7-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 7-7-2015

Một sạp bán cá ở Athens. Dân Hy Lạp có sẽ mua sắm bằng đồng tiền quốc gia trước đây? – Reuters

Theo RFI  – Thu Hằng – 07-07-2015

Phe «Chống» thắng, khiến Hy Lạp lún sâu vào khủng hoảng

Khủng hoảng Hy Lạp, khủng hoảng Châu Âu vẫn là chủ đề chính trên toàn bộ trang nhất các mặt báo Pháp trong số ra ngày hôm nay. Báo Le Monde nhận định: «Châu Âu vẫn kiên định sau lá phiếu «Chống» của Hy Lạp».

Rất nhiều câu hỏi và kịch bản khác nhau được đặt ra trên trang nhất: Trước thắng lợi của 61,3% phiếu bầu «Chống» chính sách khắc khổ do bộ ba chủ nợ đề ra, liệu Châu Âu có chấp nhận tiếp tục hỗ trợ tài chính cho Hy Lạp mà không cần nước này thực hiện các biện pháp cải cách? Liệu Liên Hiệp Châu Âu có để Hy Lạp rời khỏi eurozone? Tờ báo nhận định, chưa bao giờ giả thiết này lại có thể xảy ra như hiện nay.

Trang nhất của tờ Le Figaro nhấn mạnh rằng: «Châu Âu sẵn sàng để Hy Lạp rời khỏi khối đồng euro». Tuy nhiên, vẫn tiếp tục chơi chữ khi đăng trên trang nhất dòng tựa: «Euro phiêu lưu ký» (l’Eurodyssée), báo Libération lại đưa ra nhận định: «Chiến thắng của phe «Chống» các biện pháp khắc khổ tại cuộc trưng cầu dân ý đã trang bị thêm cho thủ tướng Aléxis Tsipras vũ khí mới để đàm phán với các chủ nợ» và cho rằng: «Aléxis Tsipras là anh hùng của người Hy Lạp».

Chủ đề thời sự này cũng phản ánh rõ nét khuynh hướng chính trị của các nhật báo Pháp. «Nhanh nhanh kết thúc!» là tựa đề của bài xã luận trên nhật báo cánh hữu Le Figaro. Theo bài báo, bị các nhà lãnh đạo của mình lôi kéo, người dân Hy Lạp đã bỏ chạy trước. Trước kết quả «Chống» chính sách khắc khổ tại cuộc trưng cầu dân ý, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải đối mặt với lựa chọn: cứu Hy Lạp hay cứu khu vực đồng euro. Tại thời điểm này, không phải viễn cảnh «Grexit» phá hỏng nền tảng của cơ cấu Châu Âu, mà đó là liều thuốc độc cho sự thiếu vững chắc của tổ chức này.

Đã tới lúc phải chấm dứt chuyện, không có khả năng trả nợ, người đi vay lại ra điều kiện cho các nhà vay vốn. Số nợ 240 tỉ euro của Hy Lạp có thể bị coi là mất trắng. Đây chính là lý do không nên tiếp tục đầu tư vào «cái giếng không đáy». Bài xã luận nhận định chẳng cần tới các nước thành viên của Liên Hiệp Châu Âu loại bỏ Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng tiền chung, chính người dân nước này đã quyết định như vậy.

Nếu không nhận được sự trợ giúp của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (BCE), Athens sẽ buộc phải in đồng drachme trước đây để cung cấp cho các ngân hàng. Như vậy, việc ra khỏi eurozone sẽ trở thành một thực tế. Đây không phải là ngày tận thế của Châu Âu, cũng chẳng phải của Hy Lạp, song từ chối nguyên tắc của eurozone gần như dẫn tới việc Athens tự rút khỏi khối này.

Bài xã luận của báo Le Monde đặt câu hỏi thủ tướng Tsipras sẽ làm gì với chiến thắng của 61,3% người dân Hy Lạp đã hưởng ứng lời kêu gọi của ông nói «không» với yêu cầu cải cách của bộ ba chủ nợ ? Kết quả này gần như là bước đầu đưa Hy Lạp ra khỏi eurozone, tuy nhiên đây không phải là mong muốn của người dân nước này. Thủ tướng Tsipras muốn sử dụng kết quả trưng cầu dân ý như sự ủy quyền có trọng lượng nhằm đạt được những điều kiện thuận lợi hơn trước những chủ nợ.

Song vấn đề ở chỗ 18 nước thành viên của khối đồng tiền chung Châu Âu, không phải là không tôn trọng ý kiến của người dân Hy Lạp, mà không có cùng quan điểm này. Với họ, đây là một hành động thể hiện sự ngờ vực khiến các cuộc thương lượng sẽ trở nên vô cùng khó khăn.

Duy trì Hy Lạp trong eurozone không chỉ là một quyết định bao hàm ý nghĩa kinh tế, mà còn là quyết định về mặt chiến lược và chính trị. Quay lại sử dụng đồng tiền quốc gia drachme trước đây sẽ buộc Hy Lạp rời khu vực đồng euro và chắc chắn nền kinh tế nước này sẽ suy sụp trong thời gian dài. Dù vẫn tiếp tục là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, Hy Lạp sẽ trở thành một quốc gia yếu kém, theo gót chân các nước khu vực Balkan thiếu ổn định. Hơn nữa, giải quyết khủng hoảng Hy Lạp còn gây bất đồng giữa hai nước Pháp và Đức.

Bài xã luận nhận định chỉ còn cách đàm phán. Và việc những chủ nợ đặt điều kiện cho Hy Lạp là chuyện bình thường. Vấn đề ở chỗ là liệu thủ tướng Tsipras có đưa ra những bằng chứng cụ thể rằng Hy Lạp muốn ở lại eurozone hay không. Những phản đối của Athens về chính sách khắc khổ có lẽ mang tính chính đáng nếu Hy Lạp thực hiện những cải cách cơ cấu thật sự. Hiện nước này vẫn chưa thực hiện thu thuế đúng theo yêu cầu của một nước Châu Âu : giới nhà giàu vẫn được hưởng những chính sách thuế ưu đãi, ngân sách giành cho quốc phòng vẫn cao một cách vô lý, hay Giáo hội chính thống giáo vẫn không đóng thuế, mà theo thẩm định, tài sản của của tổ chức này tương đương với tổng số nợ của Hy Lạp…

Còn theo nhận định trong bài xã luận của Libération, Châu Âu cần phải giảm bớt nợ cho Hy Lạp để có thể thoát khỏi mê cung từ nhiều năm nay. Thế nhưng, cánh hữu của Châu Âu lại từ chối. Bài báo không ngại so sánh những nhân vật tài chính «cứng nhắc» chẳng khác gì quân «taliban» mặc complet và thắt cà vạt. Họ lo ngại sẽ tạo ra một tiền lệ và đẩy Hy Lạp ra khỏi eurozone. Vậy, một khi rời khỏi khối đồng tiền chung, tại sao Athens lại phải lo trả nợ?

Bài xã luận dẫn lại ví dụ của Achentina khi rơi vào hoàn cảnh tương tự, quốc gia này đã buộc các chủ nợ phải xóa bớt 50% tổng số nợ. Vì vậy, theo bài báo, giảm nợ cho Hy Lạp là giải pháp cần thiết vì ba lý do. Thứ nhất, để có thể trả nợ, Athens phải tập trưng sức lực trong nhiều thập kỷ tới để thúc đẩy tăng trưởng. Thứ hai, lời kêu gọi bỏ phiếu «chống» chính sách khắc khổ của thủ tướng Tsipras được người dân hưởng ứng, vì vậy, ông không thể chấp nhận bất cứ giải pháp nào, nếu ý kiến này bị gạt sang một bên. Cuối cùng, các món nợ của Hy Lạp đè nặng nền kinh tế Châu Âu. Giờ chỉ chờ xem các đối tác của Athens đưa ra những giải pháp nhân nhượng nào.

Ba kịch bản cho khủng hoảng Hy Lạp

Hai tờ Le Monde và Libération nêu bật ba kịch bản cho cuộc khủng hoảng Hy Lạp: nối lại đàm phán, chia tay êm thấm hay rời khối eurozone do mất khả năng thanh toán nợ. Với hai tờ báo, mọi tình huống đều được tính đến.

Giả thuyết thứ nhất, đàm phán để đi đến một thỏa thuận mới. Con đường này có vẻ rắc rối nhưng không phải là không thể được. Cả Paris và Roma thiên về hướng này và lên tiếng kêu gọi bắt đầu lại việc đàm phán. Vậy dựa trên cơ sở nào ? Cuối tháng Sáu vừa qua, thủ tướng Tsipras đã sẵn sàng chấp nhận danh sách các biện pháp cải cách (tăng thuế VAT, cải cách hệ thống hưu trí…), đổi lại ông yêu cầu giảm nhẹ các điều kiện trả khoản nợ công khổng lồ lên tới 322 tỉ euro.

Giả thuyết thứ hai, Hy Lạp rời khối eurozone một cách êm thấm, «Grexit». Đối với các nước thành viên, tỉ lệ nói «không» với các đề xuất cải cách của Liên Hiệp là bằng chứng Athens không tuân thủ luật chơi của khối này. Các nhà lãnh đạo Châu Âu có thể chấp thuận xu hướng Hy Lạp rời eurozone nếu Athens cho rằng có thể phục hồi tốt hơn một khi rời khu vực đồng tiền chung, song vẫn ở lại Liên Hiệp và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của khối này.

Giả thuyết thứ ba, Hy Lạp rời eurozone vì mất khả năng thanh toán, «Grexident». Có nghĩa là Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ chờ tới hết ngày 20/07, hạn trả nợ khoản tiền 3,5 tỉ euro, để hành động. Sau thời hạn này, cơ quan tiền tệ sẽ đưa ra quyết định giảm bớt hay tạm ngừng rót tiền khẩn cấp vào các ngân hàng Hy Lạp. Quyết định của tổ chức trên có thể sẽ khiến các ngân hàng phá sản và sẽ dẫn tới việc quốc hữu hóa để tránh gây lo sợ cho người dân. Đồng thời khả năng quay lại đồng tiền quốc gia drachme cũng có thể xảy ra. Thế nhưng, đồng tiền này sẽ mất giá so với đồng euro. Giá nhập khẩu các sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều và sức mua của người dân Hy Lạp giảm xuống. Tất cả các lý do trên có thể sẽ khiến nền kinh tế Hy Lạp chìm trong khủng hoảng.

Ký ức lịch sử mãnh liệt tại các nước Bắc Á

Chuyển sang tình hình Châu Á, hôm qua, nhiều địa điểm công nghiệp của Nhật Bản thời Minh Trị Thiên Hoàng được Unesco đưa vào danh sách Di sản Nhân loại Thế giới. Quyết định trên đã khiến một số quốc gia láng giềng phẫn nộ và được tờ Le Figaro đề cập dưới tựa đề: «Ký ức mãnh liệt tại các nước Bắc Á».

Theo bài báo, trong số 23 địa điểm được xếp hạng di sản nhân loại, có 7 địa điểm công nghiệp là nơi nhiều người lao động Châu Á bị cưỡng bức tới làm việc trong khoảng thời gian 1910-1945, đặc biệt phải kể tới khu khai thác mỏ than Hashima.

Đây là một thực tế lịch sử mà Nhật Bản chính thức công nhận như sau: «Rất nhiều người Triều Tiên và một số nước khác đã bị đưa tới đây và cưỡng ép làm việc trong điều kiện lao động vô cùng khắc nghiệt vào những năm 1940 tại một số khu vực trên».

Cụm từ «lao động cưỡng bức» đã được được Nhật Bản và Hàn Quốc tranh luận tới phút chót để đưa vào bản tuyên bố chính thức. Cuối cùng, Nhật Bản đã chấp thuận, cùng với việc thành lập một «trung tâm thông tin» để tưởng niệm các nạn nhân và giải thích rõ cho du khách cũng như người dân địa phương về thực tế «tình trạng lao động cưỡng bức».

Theo Seoul, có khoảng 57.000 lao động cưỡng bức Triều Tiên đã bị một số doanh nghiệp Nhật Bản ép buộc làm việc, như tập đoàn Mitsubishi, và đã có 90 người thiệt mạng tại đó. Về phía mình, TC tố cáo chiến dịch «tẩy trắng» lịch sử. Hàng chục ngàn người dân nước này đã bị cưỡng bức làm việc cho Nhật Bản trong khoảng thời gian chiếm đóng từ 1932-1945.

Di tích thời Thiên Hoàng Minh Trị là minh chứng cho thời kỳ chuyển đổi của Nhật Bản thành một cường quốc công nghiệp, đồng thời cũng là nguyên nhân của nhiều xung đột căng thẳng. Đối với Nhật Bản, cũng như Hàn Quốc, việc một di tích được công nhận là di sản của UNESCO mang tầm quan trọng hơn nhiều so với các nước phương Tây.

Tác hại của tắm nắng

Những tác động tiêu cực của Mặt trời còn tiếp tục kéo dài nhiều giờ sau khi phơi nắng. Đây là thông tin được báo Le Figaro đăng dưới tựa đề: «Tắm nắng gây hại nhiều hơn là có ảnh hưởng tích cực».

Các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản và Brazil đã đưa ra những kết luận trên, dưới sự chỉ đạo của giáo sư Douglas Brash tại đại học Yale (Hoa Kỳ). Nghiên cứu chỉ ra rằng việc phơi nắng nguy hiểm hơn nhiều so với mọi người nghĩ, vào bất kỳ thời điểm nào trong cuộc đời. Thói quen này có thể sẽ tăng gấp hai lần nguy cơ ung thư ADN.

Mặc dù ánh nắng Mặt trời có tác động tốt tới việc sản xuất vitamin D, song chỉ cần phơi nắng trong một khoảng thời gian ngắn là đủ. Theo lời khuyên của một bác sĩ, nên tránh phơi nắng trong khoảng thời gian từ 12-16 giờ, vì đây là thời điểm nắng gắt nhất và chứa nhiều tia cực tím.