Điểm Báo Pháp – 7/12/2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 7/12/2015

Marechal-Le Pen, ứng viên đảng FN tại vùng Provence-Alpes-Cote d’Azur, bỏ xa hai đối thủ cánh hữu LR và cánh tả PS. – REUTERS/ Jean-Paul Pelissier

Theo RFI – Minh Anh

Bầu cử cấp vùng: Khủng hoảng niềm tin cử tri Pháp

Đăng ngày 07-12-2015 Kết quả bầu cử vòng một là chủ đề thời sự nóng nhất trên các mặt báo Pháp ngày 07/12/2015. Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia đã dẫn đầu vòng một tại 6 trên tổng số 13 vùng và sẽ hiện diện trong vòng hai tại hầu hết các vùng. Gần như 1/3 cử tri tại Pháp đã bỏ phiếu cho đảng FN với tỷ lệ trên 28%, trong khi hai đảng chính trị truyền thống cánh hữu Les Republicains và cánh tả Xã hội lần lượt thu được 27,5% và 23,5% phiếu ủng hộ. Thắng lợi của đảng cực hữu cho thấy người dân Pháp đang mất dần niềm tin vào các chính đảng truyền thống.

Một cú chấn động chính trị đến mức mà hai tờ báo có hai quan điểm đối lập nhau hoàn toàn, tờ thiên hữu Le Figaro và tờ nhật báo cộng sản L’Humanité không hẹn mà gặp cùng đưa tít lớn trên trang nhất «Cú sốc». Nhật báo Le Parisien hốt hoảng la to «FN trước cửa quyền lực». Libération thở dài ngao ngán: «FN: Mối họa hàng đầu của nước Pháp».

Với kết quả ngày 06/12, đấy rõ là «Một cú sét đánh từ FN» dành cho hai đảng chính trị truyền thống Les Republicains của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và đảng Xã hội cầm quyền của Tổng thống François Hollande. Hầu hết, các báo đều có chung nhận định, «đà đi lên mạnh mẽ của Mặt trận Quốc gia, đã đặt đảng Xã hội PS cầm quyền vào thế khó khăn lớn, và đảng cánh hữu LR trong thế chật vật hơn».

Đối với xã luận của Le Figaro, kết quả trên đã đưa đảng FN lên thành «đảng chính trị hàng đầu tại Pháp», công nhận thất bại ê chề của hai đảng truyền thống tả và hữu, chấm dứt thời kỳ luân phiên thống trị hai cực. Kể từ giờ nền chính trị nước Pháp sẽ được phân xẻ làm ba, với sự hiện diện của ba chính đảng lớn.

Bài xã luận trên Les Echos thì cho rằng, việc chỉ có 50% cử tri đi bỏ phiếu phản ảnh một thái độ «mặc kệ» của người dân Pháp sau nhiều năm ngao ngán. Chính sự tuyệt vọng xã hội, khủng hoảng di dân, và mối đe dọa các vụ khủng bố mới đang dung dưỡng đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia. Làm thế nào giải thích vì sao cử tri cánh tả và cánh hữu lại không sốt sắng đi bỏ phiếu? Dường như họ cho rằng “mặc kệ đó là FN“, những người khác cũng đâu có tốt gì hơn hay là quá tệ để mà họ phải nhấc chân ra khỏi cửa và nhét phiếu bầu vào trong thùng phiếu.

Đối với tờ báo kinh tế, những lời tổng động viên cử tri với những lời lẽ sáo mòn của hai chính đảng trong hai tuần vừa qua chẳng hề có chút hiệu quả nào. Cứ như là hơn một nửa người dân Pháp không còn muốn nghe, và lắng nghe họ nữa vậy.

Khủng hoảng niềm tin cử tri Pháp

Một quan điểm cũng được tờ báo thiên tả Libération đồng chia sẻ. Hai chính đảng truyền thống, nhất là các đảng cánh tả đã không nhìn vào thực tế. Đầu tiên hết là phải đấu tranh chống lại những nỗi đau đang nảy sinh: sự bất lực của chính quyền, nỗi tuyệt vọng của người dân, không có khả năng thuyết phục những người ủng hộ đảng Mặt trận Quốc gia rằng chính sách tiếp nhận di dân là một chính sách nhân đạo và đáng tin cậy.

Theo nhật báo này, các đảng chính trị truyền thống, nhất là cánh tả phải xem xét các chính sách tổng thể, nguyên nhân mọi sự bất bình của cử tri. Chính việc không đạt được kết quả trong bầu cử sẽ mở rộng đường cho thái độ không bao dung. Và như thế thì, «FN sẽ trở thành mối họa đầu tiên cho nước Pháp», như tựa đề bài nhận định trên trang hai của Libération.

Nhưng đó cũng là «một đợt tổng dợt trước năm 2017 cho một nước Pháp bệnh hoạn», tựa bài phân tích của Libération trên trang ba. Cuộc bầu cử hôm qua là đợt bầu cử cuối cùng trước khi diễn ra đợt bầu cử Tổng thống năm 2017. Bầu cử cấp vùng đã làm lộ rõ những thất bại của cánh hữu và một cánh tả phân tán.

Kết quả trên cho thấy rõ khủng hoảng niềm tin ở cử tri Pháp. Những kết quả thăm dò báo động hiểm họa đảng FN có thể dẫn đầu tại nhiều vùng, lẫn lời kêu gọi chính phủ xem lá phiếu như là một vũ khí chống «khủng bố», đã không đủ thúc đẩy người dân đến các phòng phiếu, nhất là những người ủng hộ cánh tả.

Trong khi mà tinh thần dân chủ người Pháp đã bám rễ sâu. Nếu so sánh tương quan lực lượng, giữa một bên là hoàn toàn theo «hữu» và một bên là «tả», thì cán cân có vẻ hơi nghiêng về bên tả với tỷ lệ 35% so với 30% bên hữu.

Theo Libération, điều đó cũng cho thấy cánh hữu đã không hoàn toàn thắng lợi. Nhưng cũng không vì thế mà cánh tả vội mừng. Đương nhiên, cánh tả kháng cự tốt tại một số vùng. Nhưng nếu như ta thử đặt kết quả ngày hôm nay vào bối cảnh bầu cử tổng thống sắp tới, chẳng còn chút nghi ngờ gì nữa ứng viên cánh tả sẽ khó mà vô được vòng hai.

Tổng thống Pháp Hollande giờ là ứng viên tương lai cho một cánh tả phân tán, đang ngày càng tỏ ra bất lực trong việc tập hợp cả cánh tả. Ông chỉ còn có đúng một năm ở vai trò Tổng thống để cố mà tái lập những gì ông đã gây chia rẽ trong suốt nhiệm kỳ năm năm : đó là phải chứng tỏ rằng tập hợp cánh tả tạo ra một hiệu năng bầu cử và một ý nghĩa chính trị.

Hoa Kỳ: cánh cổng kế tiếp của quân khủng bố

Ngày 02/12/2015, một cặp vợ chồng người Hồi giáo đã xả súng tại một trung tâm xã hội ở San Bernardino, California, làm thiệt mạng 14 người và hơn hai chục người khác bị thương. Báo chí ngày hôm nay đều có bài nhận định cho rằng Hoa Kỳ có lẽ đã trở thành một mục tiêu mới của Daech. «Quân khủng bố: Hoa Kỳ, next door» (Hoa Kỳ, cánh cửa kế tiếp), «Tại Hoa Kỳ, mối đe dọa khủng bố mới», «Bóng của IS trong vụ xả súng tại California» lần lượt là các tựa đề bài viết trên Libération, La Croix và Le Monde.

Kể từ giờ, «Hoa Kỳ phải đối dầu với nỗi kinh hoàng thánh chiến». Vụ xả súng đó có lẽ không phải do Daech điều khiển, nhưng được IS gợi ý. Đây quả là một cú sốc mới đối với người dân Mỹ, kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001. Sự việc cũng cho thấy «Vụ xả súng tại California, một biểu tượng cho hình thức khủng bố mới tại Hoa Kỳ» như nhận định của Les Echos.

Nó cho thấy «mối đe dọa khủng bố đang đi vào một giai đoạn hoàn toàn mới». Các báo Pháp đều trích dẫn nhận xét của Bộ trưởng Nội vụ Jeh Johnson, cho rằng «Quân khủng bố dựa vào những người thứ ba để tấn công ngay trên chính lãnh thổ Hoa Kỳ. Điều đó đòi hỏi là chúng ta buộc phải xem lại hoàn toàn cách tiếp cận vấn đề».

Nhận định này còn được củng cố bởi một thăm dò do Đại học Quinnipiac, Connecticut, thực hiện sau loạt khủng bố tại Paris, cho thấy 83% số người được hỏi nghĩ là có thể hoặc rất có thể một vụ tấn công khủng bố sẽ xảy ra tại Hoa Kỳ trong một tương lai không xa.

Tuy phải «đối mặt với một mối đe dọa mới», nhưng Tổng thống Mỹ Obama cũng đã tìm cách trấn an người dân, đồng thời cũng cố thuyết phục họ rằng chính phủ đề ra các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho họ và chống lại mối đe dọa khủng bố nhất là từ quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS.

COP21: Tài chính khúc mắt chính trong hội nghị khí hậu?

Một nội dung khác vẫn chiếm lĩnh nhiều trang báo Pháp: Hội nghị thế giới về khí hậu COP 21. Ngày hôm nay, hội nghị chính thức bước sang tuần đàm phán thứ hai. 195 Bộ trưởng Môi trường các nước sẽ nhận được bản phác thảo thỏa thuận Paris. Nếu như «Thỏa thuận tương lai vẫn còn nhiều trắc tro» theo như nhận định của Les Echos, thì tại Nga người dân vẫn chưa thật sự quan tâm đến biến đổi khí hậu, hay như tại Pháp có ý kiến lo lắng túi tiền bị thủng.

Theo Les Echos, phần khó khăn nhất của thỏa thuận chính là mục tài chính. Các quốc gia phía Bắc bán cầu không muốn một mình đơn độc chi trả và cố lôi kéo những quốc gia trỗi dậy, nhất là Trung Quốc tham gia vào khoản ngân sách 100 tỷ đô-la/năm như đã hứa cho các nước phía Nam từ đây đến năm 2020.

Đây cũng là «một tuần lễ chạy nước rút» như nhận xét của Libération. Nhật báo dành hai trang để giải mã những điểm cần làm sáng tỏ trong thỏa thuận chung cuộc, bao gồm : Sự cách biệt giữa các quốc gia, Nguồn tài chính cho việc chống biến đổi khí hậu, Các mất mát và thiệt hại, Mục tiêu dài hạn và cuối cùng là vấn đề Nhân quyền.

Thế nhưng đó là chuyện bàn bạc giữa các nhà lãnh đạo. Câu hỏi đặt ra liệu trong tất cả các nước cùng tham dự, mối bận tâm về biến đổi khí hậu có như nhau? Câu trả lời có lẽ là không, mà điển hình là tại Nga, theo như khẳng định của ông Anatoli Tchoubais, chủ tịch hãng Rusnano, với báo Les Echos.

Theo quan điểm của ông Tchoubais, chống biến đổi khí hậu chưa phải là mối bận tâm hàng đầu của chính phủ Nga. Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Nga có cam kết giảm mức thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính từ đây đến năm 2030 xuống từ 25% đến 30%.

Tuyên bố trên tuy cũng gây ra nhiều tranh luận. Nhưng công luận Nga và tầng lớp lãnh đạo nước này vẫn chưa mấy thật sự bận tâm. Vấn đề môi trường đương nhiên có đánh động công luận, thể hiện qua sự quan tâm đến môi trường tại một số vùng. Nhưng việc đặt biến đổi khí hậu như là một vấn đề tổng thể vẫn còn ít được chú trọng.

Trong khi đó, tại Pháp, một số ý kiến lo lắng về thỏa thuận chống biến đổi khí hậu sẽ đè nặng lên ngân sách các hộ gia đình. Ông Hervé Mariton, đại biểu vùng Drome, thuộc đảng Những người Cộng hòa, trên mục ý kiến độc giả khẳng định rằng «đằng sau các bài diễn văn là các khoản thuế».

Theo ý kiến vị đại biểu này, thì nguồn ngân sách thì hạn hẹp, nhưng chính phủ lại muốn tập trung đầu tư ồ ạt vào lãnh vực năng lượng tái tạo điện, một lãnh vực chưa được chứng minh. Các phương tiện có lẽ sẽ được sử dụng để khuyến khích đầu tư những nguồn năng lượng tái tạo nhiệt, khí ga tự nhiên và nhiều loại nhiên liệu khác.

Việc đánh thuế khí thải carbon cũng là một điều tốt. Chính phủ cam kết thực hiện điều đó mà không tăng thuế. Nhưng việc góp phần vào cải thiện khí hậu năng lượng sẽ làm tăng mức thuế đánh vào các nhiên liệu truyền thống (xăng và dầu diesel) thêm 10 xu/lít từ đây đến năm 2020 và 20 xu đến năm 2030. Do đó, theo ông, kiểu gì thì túi tiền của dân cũng bị thủng.

Tàu ma xuất hiện ngoài khơi Nhật Bản

Bầu cử cấp vùng tại Pháp, vụ khủng bố tại Hoa Kỳ, và hội nghị COP21 hầu như lấn át mọi tin tức thời sự tại các châu lục khác. Riêng nhật báo Le Monde, trong mục Câu chuyện trong ngày có bài liên quan đến vùng Đông Á cho biết Nhật Bản phát hiện “Những con tàu ma chở thây người ở ngoài khơi“. Hiện cảnh sát Nhật đang tiến hành điều tra.

Từ cuối tháng 10/2015, lực lượng tuần duyên Nhật Bản phát hiện tổng cộn 11 chiếc xuồng gỗ, dài chừng chục mét trôi dạt về phía nước này. Trên xuồng, lực lượng an ninh tìm thấy nhiều thi thể trong tình trạng thối rữa, bên cạnh đó là các dụng cụ dùng để đánh bắt và lưới cá. Theo thông tín viên của nhật báo, Philippe Pons tại Tokyo, từ năm năm nay, hiện tượng này được lặp đi lặp lại vào khoảng giữa tháng 10 cho đến tháng Hai sang năm. Tính đến nay, tổng cộng có đến hơn 280 chiếc tàu ma trôi dạt vào bờ biển Nhật Bản.

Cụ thể, ngày 20/11 ngoài khơi vùng Ishikawa , lực lượng tuần duyên phát hiện ba con tàu ma cùng với một chục thi thể. Hai ngày sau đó, một chiếc thuyền khác dạt vào bờ biển vùng Fukui trên đó có 6 bộ xương người. Theo nghi vấn của cảnh sát Nhật, thì có lẽ những người này bị chết vì đói. Trên mạn thuyền, cảnh sát phát hiện ghi chú “Đơn vị 325 Quân đội Nhân dân Triều Tiên“.

Từ những dấu hiệu đó, các nhà điều tra cho rằng rất có thể những chiếc tàu này đến từ Bắc Triều Tiên. Những người chết có thể là ngư dân. Bởi vì, cho đến hiện giờ hiếm có những người tị nạn Bắc Triều Tiên trốn khỏi đất nước bằng đường biển. Hơn nữa, ngành đánh bắt là một nguồn thu ngoại tệ lớn cho Bình Nhưỡng. Đây cũng là một trong những hoạt động kinh tế do quân đội điều hành.

Theo phân tích của ngành tình báo Hàn Quốc, vào tháng 12/2013, đã xảy ra một vụ va chạm súng giữa một đơn vị quân đội với lực lượng bảo vệ tập đoàn thương mại ngư nghiệp Nampo. Đây rất có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ thanh trừng và hành quyết Jang Song-Taek, dượng của nhà lãnh đạo hiện nay Kim Jong-Un.

Ban đầu, doanh nghiệp này nằm dưới sự quản lý của quân đội, nhưng sau đó đã bị sáp nhập vào cơ quan hành chính Đảng theo lệnh của Jang Song-Taek, rút đi một nguồn đáng kể của quân đội, chủ yếu thu được từ nguồn xuất khẩu loài “cua vua” sang Trung Quốc.

Ông Kim Do-Hoon, chuyên gia về đánh bắt thuộc đại học Bukyong, tại Busan, Hàn Quốc, cho rằng do rất cần thu ngoại tệ, chế độ Bình Nhưỡng gây áp lực lên ngành đánh bắt. Vấn đề là “tàu thuyền trong trạng thái tồi tệ và động cơ lực đẩy. Hơn nữa, vì luôn buộc phải đi xa hơn, nên các ngư dân đành mạo hiểm“.

Tháng 10 cũng là mùa đánh bắt cua biển và mực, nhưng do tàu thuyền không được trang bị hệ thống định hướng trên biển tân tiến và các động cơ không đủ mạnh để đi ngược dòng. Bị mất hướng, thiếu nhiên liệu, thủy thủ đoàn hụt lương thực, nhiều thuyền trong số này có lẽ đã lênh đênh trên biển nhiều tuần trước khi dạt vào bờ biển Nhật Bản.