Điểm báo Pháp ngày 7-11-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm báo Pháp ngày 7-11-2015

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamed chuẩn bị tham gia biểu tình tại Kualar Lumpur, 30/08/2015.REUTERS/Athit Perawongmetha

Theo RFI

Thu Hằng

Đăng ngày 07-11-2015 


Người dân Malaysia mất dần kiên nhẫn vì chính phủ trì trệ

Từ khi Thủ tướng Najib Razak bị cáo buộc tham nhũng, làn sóng phản đối người đứng đầu chính phủ của người dân Malaysia ngày càng gia tăng. Thái độ trì trệ của chính quyền đang có nguy cơ đánh thức những mâu thuẫn tôn giáo và dân tộc đã ngủ yên tại đất nước Hồi giáo Đông Nam Á từ 50 năm nay. Tuần báo Le Courrier International trích dịch một bài phân tích được đăng trên tờ Southeast Asia Globe tại Phnom Penh trong số ra ngày 19/10/2015.

Tháng Tám vừa qua, hàng chục nghìn người Malaysia, mà phần lớn là người gốc Hoa và Ấn Độ, xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ cải cách chế độ bầu cử. Qua cuộc biểu tình này, người dân cũng thể hiện sự bất bình đối với chính phủ đang gặp nhiều tai tiếng : một Thủ tướng bị cáo buộc tham nhũng, một nền kinh tế đang rơi tự do và một loại thuế mới đang bị công luận phản đối.

Hơn nữa, việc cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, hiện đã 90 tuổi nhưng vẫn có sức ảnh hưởng tới chính trường, cũng xuống đường với đoàn người biểu tình càng gây thêm sức ép đối với đòi hỏi “thay đổi” của người dân. Ông Mahathir chỉ trích gay gắt người kế nghiệp từng được ông dìu dắt và trực tiếp kêu gọi lật đổ người đứng đầu chính phủ hiện nay.

Thế hệ trẻ Malaysia, những người sẽ phải gánh chịu hệ quả từ cách làm việc của chính quyền, tỏ ra rất quan tâm tới tương lai của đất nước. Nhà báo trẻ 28 tuổi Liew Jia Teng nhận xét : « Chính phủ hiện nay luôn né tránh giải thích mọi vấn đề. Có hàng tá câu hỏi liên quan tới quỹ đầu tư Nhà nước 1MDB (1 Malaysia Development Berhad) hay khoản tiền 630 triệu euro trong tài khoản riêng của Thủ tướng Najib ».

Trước đó, chính phủ Malaysia từng bị chỉ trích gay gắt vì cách quản lý khủng hoảng chậm chạp và cung cấp thông tin một cách nhỏ giọt sau ba vụ rơi máy bay vào năm 2014 – năm đại hạn cho ngành hàng không Malaysia. Ngoài ra, còn phải kể tới những trận lụt lội nghiêm trọng nhất từ năm 1972 tới nay, hay đồng ringgit bị mất 7% giá trị so với đô la Mỹ và giá dầu thô bị rớt tới 40% khiến thị trường chứng khoán Kuala Lumpur mất 5%.

Tình hình chung năm 2015 cũng không có vẻ khả quan hơn. Theo nhiều người biểu tình, chính phủ hiện nay và đảng cầm quyền là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại Malaysia : « Hiện nay, chúng tôi không buồn (như năm 2014), mà chúng tôi đang tức giận ». Họ nhận xét nghi án Thủ tướng Najib tham nhũng là giọt nước làm tràn ly.

Thế nhưng, công cuộc thay đổi cần nhiều thời gian hơn họ nghĩ. Hơn nữa, Malaysia lại đang nằm trong tay một đảng lâu đời và dường như chưa hề muốn chuyển giao quyền lực. Chính vì vậy, những cuộc biểu tình đòi cải cách chế độ bầu cử vẫn nằm ở điểm chết từ vài thập kỷ nay. Tammy Chan, một nhà phụ trách về quan hệ công chúng, thuộc vào số người lo ngại rằng “thay đổi còn lâu mới tới”. Cô nhận xét : “Chính phủ Malaysia nói thì nhiều nhưng chẳng làm gì cả” và cho rằng, hoặc chính phủ thiếu nhiệt huyết, hoặc thiếu người tài. Cô nói : “Họ chỉ giữ những người vô dụng và tham lam, chứ không phải là người tài. Họ công bố những kế hoạch có vẻ tuyệt vời cho đất nước và chi rất nhiều tiền, nhưng vì lý do này hay lý do khác, chẳng ai làm gì ra hồn ».

Thế nhưng, bên cạnh những người Malaysia mong mỏi sự thay đổi, đa số người dân, đặc biệt là cộng đồng người Mã Lai, vẫn muốn duy trì tình hình hiện nay. « Giới trẻ không có thiện cảm với phe đối lập », đây là nhận xét của Ahmed Kamal Nava, nhà sáng lập Poliweet, một trung tâm nghiên cứu về tình hình sử dụng mạng xã hội. Theo ông, phe đối lập còn rất yếu và bị chia rẽ. Kể cả ngay trong bối cảnh căng thẳng như hiện nay, phe này sẽ không có cơ may giành chiến thắng nếu như các cuộc bầu cử được tiến hành ngay thời điểm này (lần bầu cử sắp tới tại Malaysia sẽ diễn ra vào năm 2018).

Rất nhiều người Malaysia còn tiếc nhớ thời hoàng kim cả về kinh tế lẫn thống nhất dân tộc, khi ông Mahathir điều hành chính phủ. Nhà báo Liew Jia Teng cho rằng Malaysia cần một gương mặt có tầm nhìn xa trông rộng như cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Thế nhưng, theo như nhận xét của Chan Ooi Leng, các nhà lãnh đạo hiện nay còn lâu mới đạt đến trình độ đó.

Bầu cử Miến Điện : « Người theo Phật giáo không bình tĩnh được »

Cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 08/11 tại Miến Điện đều được các báo đưa tin. Cả hai nhật báo Les Echos và Le Figaro nhấn mạnh tới “tính tự do” của cuộc bầu cử với tựa đề lần lượt « Cuộc bỏ phiếu tự do đầu tiên tại Miến Điện từ 25 năm nay » trên Les Echos hay « Miến Điện nối lại các cuộc bầu cử tự do » trên Le Figaro. Còn tờ Libération đánh giá sự kiện này như « Thời khắc thay đổi đã tới ».

Tuy nhiên, dù đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi được cho là sẽ giành thắng lợi, nhiều người dân Miến Điện vẫn tỏ ra e ngại vì các tướng lĩnh quân đội “vẫn có mặt với những đạo luật và bạn bè của họ”, theo như lời tường thuật trong bài phóng sự của Libération.

Ngoài ra, lãnh tụ đối lập sẽ tiếp tục phải đối mặt với một mối đe dọa khác từ giới sư bài Hồi giáo Miến Điện. Đặc phái viên Bruno Philip của nhật báo Le Monde đã có mặt tại một trong những cuộc biểu tình của các nhà sư tại Mandalay hồi đầu tháng 11 và nhận xét những bài diễn văn của giới sư sãi bài Hồi giáo ngày càng trở nên cực đoan hơn. Để miêu tả một phần của cuộc biểu tình, ông trích một khẩu hiệu biểu tình của các nhà sư : « Miến Điện là đất của chúng ta, họ tới uống nước của chúng ta, ăn thức ăn của chúng ta và ở trong những ngôi nhà của chúng ta. Họ là những con người bạc bẽo ».

Những nhà sư mà phóng viên của Le Monde phỏng vấn tỏ ra hiểu rõ thời sự quốc tế. Họ hỏi ngược lại nhà báo Pháp rằng mọi người ủng hộ Paris khi toà soạn tờ báo trào phúng Charlie Hebdo bị những kẻ khủng bố Hồi giáo cực đoan tấn công hồi tháng 01/2015, vậy tại sao phương Tây lại quay sang kết tội giới sư sãi Miến Điện là những nhà sư bạo lực, thậm chí là những kẻ khủng bố.

Nhà sư Wirathu, người đứng đầu phong bài Hồi giáo, không ngần ngại trả lời mọi cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài và tỏ ra khéo léo, thận trọng trong từng lời nói. Theo vị sư này, « tại Miến Điện có ba nhóm người Hồi giáo: nhóm người thứ nhất sống bình thường và kín tiếng, họ tôn trọng phong tục của người Miến Điện. Nhóm người thứ hai để râu dài, bắt vợ trùm khăn nhưng vẫn tỏ ra khoan dung với Phật giáo. Thế nhưng, họ vẫn hoàn toàn có thể trở thành kẻ thù. Nhóm người thứ ba là những người nguy hiểm nhất : Họ kết hôn với phụ nữ Miến Điện và chịu ảnh hưởng của Hồi giáo ở nước ngoài. Họ có cả một kế hoạch là nhấn chìm người theo Phật giáo ».

Thông điệp cuối cùng này mang đậm màu sắc chính trị và nhằm chống lại bà Aung San Suu Kyi. Sau một thời gian ủng hộ lãnh tụ đối lập, các nhà sư cực đoan tẩy chay bà và quay sang liên minh với chính phủ cầm quyền hiện nay, gồm nhiều cựu sĩ quan quân đội mà trước đây từng là kẻ thù của giới sư sãi Miến Điện. Các nhà sư Miến Điện không được phép đi bầu cử, nhưng không vì thế mà họ không làm chính trị.

Tổng thống Thein Sein cũng tận dụng những vụ xung đột tôn giáo để đưa ra một số đạo luật, dù không nhắm cụ thể vào tôn giáo nào. Bốn đạo luật mới được Nghị viện thông qua vào năm nay. Các luật này hạn chế quyền tự do đàm thoại, buộc các cặp vợ chồng tương lai có tôn giáo khác nhau phải xin phép chính quyền địa phương và có thể buộc phụ nữ, tại một số khu vực, sinh con thưa.

Thượng đỉnh Trung-Đài : Cái bắt tay lịch sử làm lay chuyển Đài Loan

Vẫn liên quan tới thời sự Châu Á, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu được nhật báo Le Monde đánh giá là « Cái bắt tay lịch sử làm lay chuyển Đài Loan ».

Cuộc gặp gỡ diễn ra hôm nay tại Singapore được cho là kết quả tự nhiên của quá trình “từng bước bình thường hóa quan hệ” giữa hai bờ eo biển Đài Loan dù cả hai bên sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố hay thỏa thuận chung nào.

Thực vậy, khát vọng “độc lập” của phe đối lập đã khiến Quốc dân đảng đang cầm quyền và đảng Cộng sản Trung Quốc phải lên kế hoạch “xích lại gần nhau” được bắt đầu bằng cuộc gặp vào năm 2005 giữa Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và ông Liên Chiến, Chủ tịch danh dự Quốc dân đảng, tiếp theo là hàng loạt các cuộc đàm phán giữa “các hiệp hội” hay giữa các bộ trưởng từ năm 2008, khi ông Mã Anh Cửu trở thành Tổng thống Đài Loan.

Thượng đỉnh Trung-Đài ngày hôm nay được đánh giá là để nhằm cứu vãn uy tín của Quốc dân đảng và Tổng thống Đài Loan đang xuống rất thấp, chưa tới 20%. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích sự kiện này còn mang ý nghĩa lịch sử và tạo một tiền lệ, đồng thời cũng tượng trưng cho những nỗ lực của ông Mã Anh Cửu.

Về phía Trung Quốc, nếu Quốc dân đảng thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống và nghị viện vào năm 2016, thì một giai đoạn mới, không mấy thuận lợi, sẽ mở ra cho “quá trình bình thường hóa quan hệ”. Theo nhà nghiên cứu Stéphane Corcuff, làm việc tại chi nhánh Đài Bắc của Trung tâm nghiên cứu Trung Hoa đương đại của Pháp, “quân bài” Mã Anh Cửu được đưa ra để cứu vãn hình ảnh ngày càng xấu đi của chính quyền Trung Quốc trong con mắt người dân Đài Loan. Hơn nữa, khi đưa ra thông báo gặp Tổng thống Mã Anh Cửu tại Singapore, Bắc Kinh muốn gửi tới cử tri Đài Loan một thông điệp là chỉ coi Quốc dân đảng là người đối thoại duy nhất. Thế nhưng, quyết định này lại mâu thuẫn với chính sách “cô lập Đài Loan” mà Bắc Kinh luôn theo đuổi.

Ngoại trưởng Đài Loan nhanh chóng thanh minh rằng thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ Trung-Đài không nhằm gây ảnh hưởng cho cuộc bầu cử sắp tới, mà sẽ mang lại lợi ích cho các thế hệ sau này. Đồng thời, ông cũng tái khẳng định nguyên tắc « Ba Không » liên quan tới bang giao với Trung Quốc : « Không thống nhất, không độc lập, không dùng vũ lực ».

Nhận xét của trẻ em về biến đổi khí hậu

Chỉ vài tuần trước khi khai mạc Thượng đỉnh về khí hậu COP 21 tại Paris, nhật báo Libération đặt câu hỏi « Làm thế nào để giải thích cho trẻ em về biến đổi khí hậu ? », vì các em là những người đầu tiên bị ảnh hưởng về số phận của Trái Đất. Vậy các em hiểu gì và nói gì về khí hậu ?

Ngoài sáu trang báo giành để nói về những hoạt động giúp trẻ em Pháp tìm hiểu và bảo vệ môi trường, cũng như vấn đề biến đổi khí hậu, Libération đăng một số lời nhận xét của các em về vấn đề này.

Biến đổi khí hậu được Touss, 13 tuổi, Pháp, so sánh như « một con tầu, nhưng con tầu bị lật và bị chìm. Xin các vị ra tay vớt nó ». Còn Nathanael ở Haïti thì lo ngại về « Khói thải từ các nhà máy, các vụ cháy rừng. Thế giới ngày mai sẽ thuộc về thế hệ trẻ, thuộc về con cháu của chúng ta…», hay Keven và Yanny ở Haïti thổ lộ: « Lo ngại lớn nhất của chúng cháu là vấn đề khai thác bất hợp lý tại khu vực rừng Amazone ».

Một số em khác đề nghị các nhà lãnh đạo quốc tế tham dự họp COP 21 đưa ra chương trình hành động, như Nour, 11 tuổi, sống tại Tunisia viết : « Hãy nghĩ tới các thế hệ sau với những thảm họa do biến đổi khí hậu mà họ sẽ phải gánh chịu nếu chúng ta tiếp tục làm như hiện nay ». Và Louise 9 tuổi, viết : « Kính thưa các ngài Tổng thống, kính thưa Nữ hoàng, cháu muốn môi trường bớt bị ô nhiễm. Cháu mong quý vị cố gắng thêm ».