Điểm báo Pháp ngày 6-11-2015
Đảng đối lập của bà Aung San Suu Kyi được dự báo sẽ thắng cử trong cuộc bầu cử ngày 08/11/2015.Reuters
Theo RFI
Đăng ngày 06-11-2015
Aung San Suu Kyi trước ngưỡng cửa quyền lực
Đối lập Miến Điện sẽ chiếm đa số trong cuộc bầu cử 08/11/2015, giả thuyết máy bay Nga bị đặt bom được củng cố, kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng đáng kể, nhưng đón tiếp ít nhất 3 triệu tị nạn trong hai năm tới, trên đây là những chủ đề chính trên báo Pháp hôm nay.
Dưới bức chân dung của bà Aung San Suu Kyi, lớn hơn người thật trong bộ quốc phục màu sắc rực rở, được sử dụng trong cuộc vận động tranh cử, nhật báo Le Monde đề tựa : lãnh đạo đối lập bước đến cửa quyền lực trong cuộc bầu cử vào chủ nhật tới. Cho dù không tránh khỏi những gian lận xuất phát từ một chính phủ hậu thân của quân phiệt, nhưng bầu cử 08/11 được xem là tự do nhất từ năm 1990. Hình ảnh của lãnh đạo đối lập kiên cường tranh đấu trong suốt 25 năm qua bất chấp 15 năm tù đày và quản chế chiếm trang nhất báo chí Miến Điện mỗi ngày.
« Trên cả Tổng thống »
Nếu chiến thắng của đối lập được dự báo thì vẫn còn hai ẩn số : một là giành được bao nhiêu ghế và hai là bà sẽ làm gì để « lách » chốt chận của bản Hiến Pháp cấm phụ nữ có chồng nước ngoại lãnh đạo quốc gia. Về điểm thứ hai này, Le Monde cho rằng Nobel Hòa bình 1991 « bất cần ». Ngày 05/11 vừa qua, bà tuyên bố « có phương án » lãnh đạo chính phủ và « đứng trên cả tổng thống » nhưng giữ bí mật đến phút cuối. Chưa rõ bà sẽ đề cử ai làm tổng thống để có thể « chỉ đạo » nhưng lời tuyên bố tự tin này đã gây ra nhiều bình luận lẫn tin đồn « khó tin » nhất : bác sĩ riêng của bà.
Linh cảm sẽ bị mất ghế nguyên thủ quốc gia, đương kim tổng thống Thein Sein tung lá bài cuối cùng, mang hàm ý đe dọa đất nước mất ổn định nếu đối lập lên cầm quyền : Tại sao dân chúng muốn thay đổi hơn nữa trong khi chế độ đang thay đổi và dân chủ hóa ? Phải chăng quý vị muốn « chế độ cộng sản » hay sao ? Thời đại này còn ai muốn theo cộng sản.
Dưới góc nhìn kinh tế, nhật báo Les Echos cũng nhấn mạnh đến yếu tố « tự do » của cuộc bầu cử ngày 08/11. Phe chính quyền tuy tự cho là xứng đáng tiếp tục lãnh đạo, nhưng đông đảo dân chúng không quên chính quyền quân phiệt đã gian lận và cướp đoạt chiến thắng của đối lập trong những lần bầu cử trước.
Kịch bản hợp lý nhất, theo dự báo của Les Echos, là phe thân chính quyền và đối lập hợp tác trong một chính phủ liên minh. Quốc gia Đông nam Á này cần phải canh tân môi trường doanh nghiệp để thu hút đầu tư và để tiềm năng kinh tế dồi dào, đừng bị mai một. Giới doanh nghiệp quốc tế đang thất vọng, vì môi trường làm ăn ở Trung Quốc sẽ đỗ về Miến Điện như họ đã sang Cam Bốt và Việt Nam. Nếu bầu cử không đưa đến ổn định chính trị thì thật là hoang phí. Tỷ lệ tăng trưởng được dự báo sẽ lên đến 7% mỗi năm trong những năm tới.
La Croix cũng dành một trang lớn cho bầu cử Miến Điện , nhưng không để dự báo chiến thắng của đối lập. Nhật báo Công giáo tập trung tìm hiểu vì sao Nobel Hòa bình 1991, nhân vật duy nhất có khả năng đánh bại phe quân đội, lại không quan tâm đến số phận hẩm hiu của sắc dân thiểu số Rohingya theo đạo Hồi, hay tham gia trực tiếp giải quyết chiến tranh sắc tộc ?
« Nữ nhi Miến Điện »
Theo La Croix, trước hết là sáng kiến hòa giải dân tộc của bà không được chính phủ ủng hộ. Thứ hai, là cần phải tập hợp lực lượng để giành thắng lợi bầu cử trước đã. Trong bối cảnh đại đa số cử tri theo đạo Phật bị tác động vì lập luận chống đạo Hồi của một số nhà sư kỳ thị tôn giáo, bà Aung San Suu Kyi phải « tính toán lợi hại ». Trong danh sách ứng cử viên của đối lập, tât cả tín đồ đạo Hồi đều bị loại để tránh bị phe Phật tử cực đoan công kích.
Tuy nhiên, theo La Croix, thành viên đối lập thông cảm cho bà Aung San Suu Kyi. Tuy bị loại, nhưng cựu ứng cử viên Sithu Maung tâm sự : tôi chấp nhận. Vì đây là phương án tốt nhất để đối lập lên nắm chính quyền. Aung San Suu Kyi muốn đối phó một cách ôn hòa và hữu hiệu những đòn tấn công hung bạo của phong trào tôn giáo cực đoan. Một khi đối lập thành công thì mới cải cách thật sự cho đất nước.
Khác với các đồng nghiệp, Libération, chọn cô Zin Mar Aung, một khuôn mặt trẻ của đối lập để giới thiệu. Sau 10 năm tù dưới chế độ quân phiệt, Zin Mar Aung ra tranh cử với « năng lượng và nhiệt tâm » vô bờ bến. Chính cô là người viết thư cho tổng thống Thein Sein và mang bức thư này đến tận phủ tổng thống lên án xu hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan của một số nhà sư Miến Điện cũng như đạo luật cấm hôn nhân của những người khác tôn giáo. Bị hăm dọa giết chết, nhưng Zin Mar Aung không sợ, chỉ nực cười chính quyền tuyên bố « không biết » thủ phạm đe dọa là ai.
Nga trả thù tổ chức Nhà nước Hồi giáo
Nhật báo Libération đưa lên trang nhất tấm ảnh đuôi chiếc máy bay hành khách giá rẻ của Nga bị rơi tại sa mạc Sinai với hàng tựa : « Nhà nước Hồi giáo trong tầm ngắm ».
Giả thuyết máy bay Nga bị khủng bố được xác nhận. Paris kêu gọi dân chúng đừng sang Ai Cập, Luân Đôn di tản du khách về nước và Matxcơva trả thù bằng những đợt oanh kích vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Theo Libération, thì cho dù Matxcơva vẫn không nhìn nhận máy bay Metrojet bị đặt bom, nhưng không quân Nga bắt đầu oanh kích thủ phủ Raqa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thay vì chỉ tập trung tấn công lực lượng đối lập Syria thân Tây phương. Tại sao chính quyền Putin lại có thái độ mâu thuẫn ?
Theo nhật báo cảnh tả khai phóng, chiến lược của Nga lúc ban đầu là để yên cho Daesh và chỉ đánh vào đối lập thân Tây phương để biện minh cho lập luận tuyên truyền: ở Syria chỉ có hai lực lượng xung đột một là quân đội chính phủ và hai là thánh chiến khủng bố. Thứ hai, nếu nhìn nhận Daesh là tác giả làm rơi máy bay Nga, thì chẳng khác nào ông Putin tự phủ nhận lập luận Nga thừa sức mạnh biểu dương lực lượng tham chiến tại Syria mà không bị tổn hại, không bị trả thù.
Còn theo Le Monde, điện Kremli tiếp tục tránh né « giả thuyết khủng bố tấn công » nhưng tổ chức Nhà nước Hồi giáo không tha. Trong một video thứ hai, một chiến binh da trắng nói tiếng Nga gọi ông Putin là « con lợn », ỷ mạnh đem bom oanh kích Syria sẽ làm cho nước Nga và dân Nga phải trả giá nặng nề.
Còn theo nhật báo cánh hữu Le Figaro, khả năng can thiệp quân sự của Nga đã lộ « giới hạn ». Trên chiến trường, thành quả đạt được rất ít và rất nhọc nhằn. Không ai có thể thắng chiến tranh bằng sức mạnh không quân. Lực lượng chính phủ thì đã mất hết sinh lực và tinh thần.Làm cách nào để bảo vệ các chiến tuyến ? Liệu Nga sẽ huy động lục quân tham chiến trên bộ ? Hay là phải tìm một giải pháp chính trị hy sinh Bachar al Assad ?
Bộ ngoại gia Mỹ tiên đoán là Nga sẽ trả giá nặng về chính trị vì liên kết với Hezbollah-Liban và Iran, gây oán thù với các vương quốc dầu khí Su-ni.
Theo Le Figaro, một phát ngôn viên bộ Ngoại giao Nga hàm ý sẽ không bảo vệ tổng thống Syria : Chúng tôi không nói là Assad sẽ ra đi hay ngồi lại .
Châu Âu sẽ còn vất vả với làn sóng tị nạn
Chiến sự tại Syria kéo dài sẽ tiếp tục tác động lâu dài đến châu Âu. Liên Hiệp Châu Âu chờ đón 3 triệu người tị nạn trong hai năm tới và dự đoán phải nhận 1 triệu người ngay trong năm nay. Tựa của Le Figaro tóm lược một tài liệu nghiên cứu của Ủy ban châu Âu (hành pháp). Đối với thủ tướng Đức thì khủng hoảng di dân đã trở thành một vấn đề chính trị.
Tuy nhiên, châu Âu vẫn quyền lạc quan vì theo Les Echos, cho dù những nước đang phát triển như Trung Quốc đang bị chao đảo nhưng con tầu kinh tế của Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiến thẳng về phía trước với chỉ tiêu tăng trưởng vững chắc 1,8% trong năm nay và 1 ,9% trong năm 2017.
Điểm xám trong xu hướng lạc quan này là cách biệt tăng trưởng giữa Pháp và Đức, hai đầu tầu của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục dài ra.
Tuy nhiên nếu tin vào thống kê của tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OCDE thì dân Pháp tuy hút thuốc lá nhiều, uống rượu nhiều, nhưng lại sống lâu nhất trong tổng số 34 thành viên của tổ chức : 82,3 tuổi so với 80,5 tuổi trung bình không phân biệt nam nữ.
Người « lột mặt nạ lòng tham » qua đời
Báo chí Pháp cũng dành nhiều trang để vĩnh biệt và vinh danh triết gia, nhân chúng học Pháp René Girard, giáo sư đại học Stanford, Hoa Kỳ vừa qua đời thọ 91 tuổi. Ông là tác giả của công trình nghiên cứu đồ sộ về cội nguồn của chiến tranh, của bạo lực, La Violence et Le Sacré (Bạo lực và Linh thiêng) đặt con người phải suy nghĩ về lòng ham muốn, tham lam. Ham muốn điều mà người khác ham muốn để rồi tranh đoạt bằng bạo lực, chiến tranh, lấy cái chết của người làm lẽ sống cho mình.
Theo Le Monde , giáo sư René Girard là nhân vật bất tử, công trình của ông được cả thế giới tôn vinh. Nhật báo La Croix trong bài xã luận « Sự thông minh hoàn vũ » nhắc lại triết gia vừa qua đời đã có công đưa Kinh thánh Tân ước và Cựu ước vào tư tưởng thế tục, xây dựng một nền tảng trí thức cần thiết cho mọi dự án bất bạo động. Do vậy , René Girard là hiện thân của « thông minh hoàn vũ ».