ĐIỂM BÁO PHÁP NGÀY 5/8/2014
Pháp : Báo động về nhập cư trái phép tăng vọt
Chủ đề được báo giới Pháp quan tâm trên trang nhất khá phong phú. Nhật báo Le Monde quan tâm đến tình hình chiến sự tại Gaza qua dòng tựa : « Liên Hiệp Quốc kêu gọi chấm dứt sự điên loạn này », nêu bật vụ quân đội Israel lại phá hủy một trường học của Liên Hiệp Quốc và gây thiệt mạng cho biết bao thường dân.
Nhật báo thiên tả Libération đăng tít lớn : « Nỗi thống khổ của người Thiên Chúa Giáo tại Irak» nói về sự kiện cộng đồng này bị tổ chức Nhà nước Hồi giáo và Trung Đông truy bức, buộc họ phải bỏ xứ ra đi. Nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi qua dòng tựa : « Obama muốn mở ra một kỷ nguyên mới với Châu Phi ». Riêng về nước Pháp, báo thiên hữu Le Figaro chạy tựa : « Nhập cư trái phép : báo cáo đáng báo động của cảnh sát biên giới ».
Vấn nạn người nhập cư trái phép
Theo Le Figaro, thành phần nhập cư trái phép thông qua biên giới giữa Ý và Pháp đa số là người Erythréa, thuộc một quốc gia nhỏ cạnh Ethiopia. Một cuộc họp đã được tổ chức tại Nice, miền Nam nước Pháp vào ngày 09/07/2014 sau khi một văn bản mật của cảnh sát vùng biên giới (PAF) báo động về tình trạng này.
Báo cáo sau buổi họp cho biết : Đa số người nhập cư trái phép đến Ý rồi tìm cách chạy sang Pháp. Bản báo cáo lên đến văn phòng Bộ trưởng Nội vụ. Ông Bernard Cazeneuve nhận định : Nhập cư lan tràn tại biên giới Ý-Pháp tăng mạnh từ đầu tháng 4/2014. 694 người Erythréa bị bắt giữ so với 68 người Erythréa vào từ tháng giêng đến tháng ba. Con số này cao chưa từng thấy kể từ mùa xuân Ả rập.
Theo một nhân viên làm việc tại vùng Provence- Alpes- Côte d’Azur, « những người nhập cư trái phép chủ yếu đi bằng tàu cao tốc TGV đến Pháp, với vé tàu hợp lệ». Cảnh sát nhận thấy, vài ngày gần đây, trong số đó có đa số phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, cảnh sát cũng không phát hiện được hết các trường hợp. Nhiều người nhập cư trái phép tìm cách vượt biên sang Đức. Chưa hết, một số bị bắt giữ rồi lại được thả tự do. Do đó, Le Figaro nhận định, trên phương diện hành chính và pháp lý, các biện pháp hành động của Pháp vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Xã luận trên Le Figaro cũng bình luận sự việc này dưới ngòi bút sắc bén. Le Figaro trích lại tuyên bố của Tổng thống Pháp François Hollande vào hôm qua : « cần phải hành động » khi ông nêu lên chiến tranh và các thảm kịch đang diễn ra trên thế giới. Do đó, xã luận mới mỉa mai, vậy sao Tổng thống Hollande không làm gì đi để thúc đẩy kinh tế Pháp, chống lại nạn nhập cư trái phép mà con số đó liên tục tăng chóng mặt theo báo cáo của Cảnh sát biên giới (PAF). Nhập cư là một hồ sơ gây chia rẽ nội bộ Pháp. Hơn nữa, ngày nay, Pháp có ít phương tiện hơn so với trước kia, để đón nhận tất cả cái nghèo của cả thế giới.
Các số liệu thống kê cho thấy, từ khi cánh tả lên cầm quyền, hợp pháp hoá giấy tờ cho người nhập cư tăng rõ rệt (+28% từ năm 2012 đến 2013) và số lượng trục xuất người nhập cư trái phép không ngừng giảm (-9000 trong cùng kỳ). Tệ hơn nữa, Thủ tướng Manuel Valls đã rút ngắn tiến trình xin tỵ nạn. Đây là một thời cơ tốt cho người không giấy tờ : sau 5 năm sống trên đất Pháp, họ chắc chắn được ở lại. Trong lúc chờ đợi, họ sẽ được nhà nước hỗ trợ về mặt y tế (mỗi địa phương phải chi hàng năm 500 triệu euro), được có nhà ở tạm thời, trẻ em của những người nhập cư trái phép được đi học miễn phí. Họ nhận được sự hỗ trợ pháp lý để chuẩn bị hồ sơ xin hợp thức hóa giấy tờ.
Xã luận nhắc lại câu nói của người cha của cô Leonarda, một gia đình nhập cư trái phép từng bị chính phủ Pháp trục xuất vào năm ngoái : « Chúng tôi sẽ cho Hollande và Valls thấy ai mới là sếp ! ». Gia đình này sẽ cố gắng quay lại Pháp sau khi Tổng thống Hollande cho phép Leonarda quay trở lại Pháp mà không có gia đình. Le Figaro gọi đây là một trò cười của tổng thống đã diễn trên truyền hình. Vụ việc này cho thấy, cánh tả cứ mạo xưng nhân đạo để rồi nó biến thành một điểm yếu của phe này.
Xã luận cho rằng, hãy thôi ca ngợi Pháp là một vùng đất đón tiếp mọi dân, đất nước của nhân quyền bởi vì, rất nhiều người nhập cư trái phép không chọn nước Pháp vì sự vĩ đại của các nguyên tắc này. Họ cũng không ngần ngại lên án nước Pháp. Đã đến lúc Tổng thống Pháp phải hành động.
Obama quyến rũ Châu Phi
Đề tài nhận được sự quan tâm bình luận của các nhật báo Pháp là Thượng đỉnh giữa Hoa Kỳ và Châu Phi đang diễn ra tại Washington. Nhật báo Le Monde có bài viết : « Obama đang ve vãn Châu Phi đang trỗi dậy ». Thông tín viên báo Le Monde không quên nhắc lại câu nói của Tổng thống Obama vào năm 2013 : « Chúng tôi cần những những người tiêu thụ mới để mua Ipad và máy bay Boeing của chúng tôi ».
Theo Le Monde, hiện tại, điều mà Mỹ đang quan tâm nhất tại châu lục da đen là nguồn nguyên vật liệu. Các tập đoàn dầu khí Hoa Kỳ hiện đã thâm nhập vào thị trường Châu Phi. Nigeria và Angola xuất khẩu hơn 50% dầu hỏa sang Hoa Kỳ.
Một số công ty trong các lĩnh vực khác còn chần chừ, chưa muốn đầu tư vào những đất nước mà họ cho là thường bất ổn và pháp luật bị mua chuộc.
Le Monde có bài phỏng vấn rất lý thú với Mamadou Diouf, nhà sử học và giám đốc Viện nghiên cứu về Châu Phi tại đại học Columbia, New York. Theo ông Diouf, « người Châu Phi nghĩ rằng Mỹ nói nhiều hơn làm » trong khi « đối với Tổng thống Obama, người Châu Phi phải tự phát triển châu lục của họ. Trong một mức độ nào đó, Châu Phi là gánh nặng hơn là cơ hội ».
Trung Quốc trong cuộc chạy đua đầu tư vào Châu Phi
Trong loạt bài bình luận về Thượng đỉnh Mỹ-Châu Phi, nhật báo kinh tế Les Echos có bài viết : « Trung Quốc chạy đua đầu tư vào Châu Phi ». Theo nhật báo, đầu tư nước ngoài vào Châu Phi tăng mạnh dần. Trong số đó, có vẻ như Trung Quốc chiếm vị trí quan trọng nhất tại châu lục này.
Theo kinh tế gia Sylvie Broyer thuộc ngân hàng Natixis, « Trung Quốc cần nguồn nguyên vật liệu của Châu Phi. Đổi lại, Trung Quốc bán cho Châu Phi những sản phầm có giá thành rẻ và xây dựng các cơ sở hạ tầng cho các nước ở lục địa đen ».
Trao đổi mậu dịch giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng gấp 20 lần từ năm 2000, đạt đến gần 200 tỷ đô la vào năm 2013, tức gần gấp đôi so với trao đổi mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Châu Phi (100 tỷ đô la). Nhiều công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng có tầm cỡ như : xây dựng đập lớn nhất Châu Phi tại Ethiopia, ống dẫn dầu tại Soudan và Tchad, một cảng lớn tại Kenya, một đường tàu dài tại Đông Phi. Cả trụ sở mới của Liên hiệp Châu Phi cũng do Trung Quốc xây dựng tại Addis-Abeba.
Tuy nhiên, theo Les Echos, chiến dich thâu tóm của Trung Quốc cũng gặp phải nhiều hạn chế. Càng ngày càng nhiều tiếng nói phản đối hành động sai trái của Bắc Kinh. Công ty truyền thông ZTE đang là tâm điểm của hai vụ tham nhũng tại Nigeria và Zambia. Căng thẳng giữa người lao động bản địa và người Trung Quốc cũng bắt đầu lộ rõ. Gần một triệu người Trung Quốc giữ các vị trí quan trọng.
Tuy nhiên, đầu tư vào Châu Phi chiếm chưa đến 4% tổng vốn đầu tư trên thế giới, thua xa Châu Á (29,4%) và Châu Mỹ La Tinh (20,1%). Vẫn theo giải thích của kinh tế gia Sylvain Broyer, “nếu như Châu Phi được giới đầu tư để ý đến là nhờ nguyên vật liệu thì khuynh hướng đầu tư những năm gần đây cũng không thay đổi nhiều. Hơn nữa, nhà đầu tư chính là Trung Quốc và Brazil gần đây có sự tăng trưởng không ổn định cho lắm so với trước kia. Do đó, không thể dự đoán được trong tương lai, đầu tư vào Châu Phi sẽ tăng ».
Động đất nghiêm trọng tại Trung Quốc
Liên quan đến thời sự tại Châu Á, báo Le Monde quan tâm đến trận động đất vừa xảy ra vào ngày 03/08/2014 tại vùng núi tỉnh Vân Nam Trung Quốc đã làm thiệt mạng gần 400 người. Theo Le Monde, cũng tại vùng này, 81 người đã thiệt mạng sau một trận động đất với cường độ 5,7 vào tháng 9/2012. Tỉnh bên cạnh là Tứ Xuyên cũng đã bị một cơn động đất mạnh nhất từ ba thập niên nay tàn phá, làm thiệt mạng 87 000 người.
Le Monde bình luận, ngoài nguyên nhân động đất, yếu tố chất lượng của các tòa nhà trong vùng cũng giải thích vì sao số người thiệt mạng cao đến vậy. Theo các truyền thông chính thức và một số bức ảnh nghiệp dư được đăng trên các trang mạng xã hội, các ngôi nhà bị sập trong trận động đất hôm chủ nhật vừa qua được xây bằng gạch rẻ tiền. Sau trận động đất, nhiều gia đình đặt câu hỏi về con số tử vong khá cao tại các trường học, được xây dựng bằng vật liệu kém chất lượng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh buộc họ phải im lặng, bởi vì Bắc Kinh từ lâu đã đầu tư vào việc nỗ lực tái xây dựng cơ sở hạ tầng và mở một bảo tàng lớn tưởng niệm các nạn nhân này.
Dân Trung Quốc tìm về đồng quê
Cũng liên quan đến Trung Quốc, trong loạt bài mùa hè trên nhật báo Les Echos, có bài viết nói về một hiện tượng mới trong xã hội Trung Quốc. Đó là đồng quê Trung Quốc đang rất thu hút du khách. Nếu như thế hệ cha mẹ tìm cách ra đi lên thành phố để kiếm sống thì giờ đây họ lại thấy nhớ cảnh bình yên của nông thôn, thèm được hít bầu khí trong lành và khám phá lại những nét đặc trưng truyền thống của Trung Quốc.
Theo Les Echos, ban đầu, một chương trình truyền hình thực tế mang tên : « Bố ơi, chúng ta sẽ đi đâu », được quay tại nông thôn Trung Quốc và khi công chiếu trên truyền hình vào cuối năm 2013 đã gặt hái được nhiều thành công. Công chúng bắt đầu yêu mến làng quê và các địa danh trong chương trình bắt đầu thu hút hàng triệu du khách.
Kịch bản của chương trình huy động các ông bố trẻ, là ngôi sao màn bạc dắt con cái về quê sinh sống. Mục tiêu là trắc nghiệm năng lực chống chọi với môi trường khắc nghiệt và khả năng sinh tồn. Chương trình đề cao các giá trị như sự tương trợ và khả năng xoay sở.
Tại một ngôi làng cách Bắc Kinh chừng 120 km về phía Tây, nơi diễn ra số đầu tiên của chương trình truyền hình thực tế, người dân đã bắt đầu chuẩn bị để đón một lượng du khách lớn đến từ thủ đô Bắc Kinh. Một người dân trạc tứ tuần mở quán bán cháo, thức uống lạnh, cây nhan. Bà muốn cám ơn chương trình đã mang du khách đến vùng quê hẻo lánh của bà và cuộc sống bà đang dần thay đổi nhờ vào hoạt động buôn bán. Bà cho biết, đa số dân chúng tại đây đã bỏ xứ lên thành phố làm ăn. Một người hàng xóm của bà khoe mở một nhà nghỉ cho du khách. Công việc có vẻ trôi chảy. Một người dân cho biết, trước đây, họ phải bỏ lên Bắc Kinh kiếm sống. Ngày nay, họ về lại làng quê để sinh sống.
Les Echos đặt câu hỏi : Phải chăng đây là hiện tượng xã hội ? Bằng chứng là, ngôi làng bên cạnh cũng đón rất nhiều du khách hàng tuần. Ngoài lý do là sự thành công của chương trình truyền hình còn là sự thay đổi cái nhìn về nông thôn. Một số phụ huynh dắt con em về quê để cho con cái thấy cuộc sống khó khăn thế nào. Một số tìm lại thời ấu thơ của họ. Chính phủ xem trào lưu này là sự quay về cội nguồn. Do đó, chính quyền trung ương đã chi 1,2 tỷ euro cho việc trùng tu 1500 ngôi làng