Điểm Báo Pháp – 5-5-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 5-5-2015

Một đường phố La Habana. Doanh nghiệp Mỹ đang chờ bỏ cấm vận để ồ ạt đổ bộ vào Cuba.- Getty Images/Danita Delimont

Theo RFI – 05-05-2015 – Anh Vũ

Người Mỹ chuẩn bị đổ bộ kinh tế vào Cuba

Tiến trình bình thường hóa quan hệ Mỹ -Cuba mới bắt đầu nhưng đã hứa hẹn mang lại nhiều biến chuyển lớn trong thời gian tới. Ở Mỹ, nhiều doanh nghiệp đang trông đợi một cuộc đổ bộ vào hòn đảo nhỏ Cuba, nhưng là trên lĩnh vực kinh tế. Nhật báo Les Echos nhìn sang Cuba với bài phóng sự điều tra mang tiêu đề: «Nước Mỹ định tràn sang Cuba thế nào».

Ngay từ lúc này, khi mà tiến trình hòa hợp Mỹ – Cuba mới chỉ có thể gọi là hé mở, Les Echos nhận thấy lĩnh vực Internet đã đi tiên phong đổ bộ lên hòn đảo tự do. Nhiều công ty du lịch, ngân hàng đã chuẩn bị tấn công vào Cuba, mặc dù cấm vận vẫn còn là rào cản lớn cho hoạt động đầu tư của các công ty này.

Tác giả bài báo dẫn trường hợp của Frank Del Rio, một kiều dân Cuba rời khỏi quê hương khi mới 7 tuổi, hiện là chủ một công ty tàu biển lữ hành lớn hàng đầu thế giới Norwegian Cruise Line tại Miami. Ông này cho biết: «Cái ngày mà Washington thông báo gỡ bỏ cấm vận, ông sẽ lấy chuyến bay đầu tiên tới La Habana đề về thăm quê và ngay buổi chiều đó ông sẽ tới gặp chính quyền để hỏi xem vấn đề thuế má ra sao đối với các chuyến tàu lữ hành của ông trong tương lai».

Les Echos nhận xét: Suy nghĩ của doanh nhân này cho thấy một thực tế hiện nay các chủ danh nghiệp ở Mỹ đang sẵn sàng tất cả để được đầu tư vào mảnh đất Cuba duy nhất còn hoang sơ trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.

Vào thời điểm quan hệ hai nước mới chỉ ở mức độ hâm nóng như lúc này thì  người Mỹ vẫn chưa được quyền trải khăn nằm tắm nắng trên các bãi biển thần tiên của Cuba. Những chuyến bay đến La Habana hiện giờ vẫn chỉ giới hạn cho các kiều dân Cuba và những người đi vì mục đích công vụ. Các du khách thực thụ vẫn phải đợi đến khi lệnh cấm vận được gỡ bỏ hoàn toàn, mà muốn thế thì phải đợi Quốc hội thông qua, sự kiện này không thể diễn ra ngay trong ngày một ngày hai được.

Les Echos trích dẫn đánh giá của ông Fran Del Rio cho rằng, «nếu bỏ cấm vận, ngành du lịch Cuba sẽ tiếp thêm mỗi năm 3 triệu khách Mỹ. Trong khi đó cơ sở hạ tầng của Cuba không thể đáp ứng ngay được».

Nhảy vào sớm qua đường Internet

Không chờ đợi, các nhà kinh doanh từ nước Mỹ đã tận dụng công cụ Internet để có thể nhảy vào Cuba sớm. Internet giúp cho họ tiếp cận thị trường mà không phải bỏ một đồng xu trực tiếp nào vào Cuba. Các địa chỉ về dịch vụ du lịch như Airbnb đã bắt đầu hoạt động quảng bá tiếp cận khách hàng. Amazon đang tính những tháng tới sẽ mở dịch vụ chuyển hàng về Cuba. Ngay từ giờ, người Cuba lướt trên mạng khi chọn một sản phẩm nào đó có thể đã bắt gặp đi kèm theo mục «Gửi đến Cuba». Chức năng này chưa hoạt động nhưng nó cho thấy các doanh nghiệp đã khởi động công đoạn thử nghiệm và đã sẵn sàng tràn vào Cuba một khi rào cản được gỡ bỏ.

Ngoài Amazon, Netflix, chuyên về phim ảnh trên mạng, cũng đã bắt đầu khởi động các dịch vụ cho Cuba. Theo Les Echos, Facebook còn có tham vọng lớn và xa hơn. Ông «Vua mạng xã hội» này đã mở một cuộc thi mã hóa tin học để tìm cách tốt nhất xâm nhập vào hòn đảo, mời các chuyên gia tin học hàng đầu tham gia cuộc thi của Facebook để nghiên cứu làm thế nào để triển khai các ứng dụng đơn giản, phù hợp với tốc độ đường truyền Internet chậm chạp như ở Cuba.

Tờ báo nhận thấy chưa bao giờ hòn đảo Cuba lại được các doanh nghiệp và các nhà chính trị Mỹ quan tâm đổ xô đến như bây giờ.

Ông chủ của Google cách đây không lâu cũng đã tới Cuba. Không muốn là kẻ chậm chân, Hoa Vi, tập đoàn tin học hàng đầu TC, đang thương lượng với chính quyền La Habana để mở mạng lưới thương mại đầu tiên của họ trên hòn đảo.  Hàng loạt các ông chủ như của hãng hàng không Jet Blue, dược phẩm Pfizer, tài chính có MasterCard hay thực phẩm… lần lượt theo chân các nhà chính trị đã đến Cuba thăm dò, tìm hiều. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định là Mỹ không phải là giấc mơ duy nhất của Cuba. Người Mỹ phải chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh với nhiều đối thủ khác, trong đó đáng kể là Liên hiệp châu Âu.

Vì thế mà người Mỹ đang nóng lòng trông mong những tháo gỡ về mặt chính trị từ Washington, trong đó có việc đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố. Khi đó các ngân hàng Mỹ sẽ có toàn quyền đặt chân vào Cuba. Tờ báo kết luận: Giấc mơ một nước «Cuba tự do» dường như chưa bao giờ gần như bây giờ.

Hillary Clinton bắt đầu hứng đòn tấn công

Vẫn liên quan đến nước Mỹ, trang thế giới của tờ Libérationđề cập đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với diễn biến mới: Sóng gió bắt đầu nổi lên trên đường đua vào Nhà trắng của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton.

Một cuốn sách vừa tung ra các cáo buộc ứng cử viên đảng Dân chủ lợi dụng quyền chức để thu lợi. Cho dù nội dung cáo giác không có bằng chứng cụ thể, nhưng thông tin được tung ra cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chiến dịch vận động tranh cử của bà Hillary Clinton.

Khi còn đương chức Ngoại trưởng Mỹ từ 2009-2013, phải chăng Hillary Clinton đã sử dụng ảnh hưởng chính trị để tạo điều kiện thuận lợi cho những nhà tài trợ giàu có đã đóng góp vào Quỹ Clinton? Đó là vấn đề đặt ra trong cuốn sách có tên Clinton Cash (Tiền nhà Clinton), ra mắt độc giả hôm nay (5/5) tại Mỹ.

Thế nhưng theo Libération, dường như không một ai, kể cả tác giả cuốn sách cũng như báo chí, không phát hiện được một bằng chứng nhỏ nào về việc hối mại quyền thế ở đây. Thế nhưng, tính chất nghiêm trọng của cáo buộc này đã kéo gia đình nhà Clinton, mà đầu tiên là bà Hillary Clinton, ứng cử viên của đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ 2016,  vào vòng xoáy chính trị – truyền thông.

Libération nhắc lại: «Được ông Bill lập ra năm 2001, Quỹ Clinton nhanh chóng khẳng định như là một trong những tổ chức phi chính phủ lớn mạnh nhất thế giới. Quỹ Clinton cung cấp tài chính cho hàng chục chương trình dự án lớn trên khắp thế giới từ các lĩnh vực  sức khỏe cộng đồng đến bảo vệ môi trường. Trong vòng 15 năm Quỹ đã quyên góp được gần 2 tỷ đô la, chủ yếu từ các nhà tài trợ giàu có và chính phủ nước ngoài. Giờ đây chính những nhà tài trợ này là tâm điểm của các cáo giác mâu thuẫn quyền lợi nhắm vào bà Hillary Clinton.

Tài sản của nhà Clinton cũng rơi vào tầm ngắm của đối thủ

Trong một bài viết khác mang tựa đề: «Ứng viên Dân chủ bị tấn công vào túi tiền». Libération nhận xét: Tài sản cá nhân của nhà Clinton và sự gần gũi với giới tài chính đang và sẽ  là vấn đề gây phiền toái cho ứng cử viên Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà trắng.

Tờ báo viết: «Tám tháng trước các cuộc bầu cử sơ bộ và một năm rưỡi nữa mới đến bầu cử tổng thống, phe Cộng hòa đang bắt đầu rút vũ khí chống lại phe Dân chủ. Góc tấn công chính giờ đang hình thành, đó là tài sản nhà Clinton.

Ngoài các cáo giác hối mại quyền thế xung quanh chuyện gây quỹ, việc làm giàu cá nhân của cặp vợ chồng chính trị gia Dân chủ nổi tiếng này cũng là đề tài khó chịu. Theo đánh giá của nhật báo Mỹ Washington Post, vợ chồng Clinton đã kiếm được ít nhất 136 triệu đô la trong khoảng từ năm 2001 đến 2012. Nhật báo Mỹ thống kê được từ khi rời nhà trắng năm 2001, Bill Clinton đã có 504 bài diễn thuyết được trả 105 triệu đô la. Sau khi rời khỏi chính quyền Obama năm 2013, cựu Đệ nhất phu nhân, cựu Ngoại trưởng Mỹ cũng không hề bị thất nghiệp. Theo hãng tin Bloomberg, bà Hillary đã kiếm được 12 triệu trong vòng khoảng 18 tháng.

Những thống kê như vậy sẽ có tác dụng như một đòn tấn công vào Hillary Cinton vì từ khi tuyên bố ra tranh cử tổng thống Mỹ, cựu Ngoại trưởng Mỹ cố gắng xây dựng cho mình một hình giản dị hơn, gần gũi như «những người Mỹ bình thường».

Bầu cử ở Anh nhưng lo lắng từ Bruxelles

Trở về khu vực châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội Anh sẽ diễn ra vào thứ Năm tới.  Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất: Nước Anh: Cuộc bỏ phiếu làm châu Âu sợ hãi.

Tại sao lại cuộc bầu cử Quốc hội Anh vào ngày 7/5 tới lại gây lo sợ? Đó là bởi xu thế ly khai khỏi Liên hiệp châu Âu đang nổi cộm trong các tranh cãi tranh cử. Le Figaro nhận định, dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp Anh tới đây là ai, Bruxelles sẽ phải thỏa hiệp với một nhân vật khó đối thoại ở Luân Đôn, nơi mà các nhà chính trị, người thì muốn cải cách, kẻ lại muốn rời khỏi Liên hiệp châu Âu.

Tờ báo dự đoán kết quả bầu cử Anh báo hiệu sẽ rất sát sao giữa đảng bảo thủ và Công đảng. Tương lai của một nước Anh trong châu Âu, cũng như tương lai của chính Liên hiệp châu Âu sẽ phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tới đây.

Đại diện cho phe bảo thủ, David Cameron hứa hẹn nếu thắng lợi sẽ cho tổ chức trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh có còn nằm trong Liên hiệp châu Âu ngay từ năm 2017 hay không. Còn lãnh đạo Công đảng  Ed Miliband, dù không đề cập đến việc Anh rời khỏi con tàu Liên Âu, nhưng ông phản đối mọi dự án mở rộng quyền lực của Bruxelles trong tương lai.

Vì thế mà theo Le Figaro, dù kịch bản nào xảy ra, châu Âu cũng chuẩn bị phải đau đầu với kết quả hậu bầu cử, nhất là nước Đức. Với bà Angela Merkel, việc nước Anh rút khỏi châu Âu sẽ là một kịch bản còn tồi tệ hơn là trường hợp Hy Lạp chia tay châu Âu.

Pháp: Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh HIV được tung ra thị trường

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay dành cho thông tin y khoa.

Libération cho biết, trong một tháng nữa, thiết bị tự xét nghiệm HIV sẽ được đưa ra bán tại các hiệu thuốc. Sau khi đã được các cơ quan y tế Pháp cấp phép lưu hành và bộ thiết bị xét nghiệm HIV nhanh và đơn giản sẽ được bán với giá từ 25 đến 28 euro tại Pháp. Chỉ cần chích một giọt máu ở đầu ngón tay, trong vòng chưa đầy 15 phút bằng những thao tác đơn giản, bộ dụng cụ xét nghiệm này có thể xác định được có hay không virus HIV trong máu với độ tin cậy cao.

Hội đồng quốc gia phòng chống Sida của Pháp thẩm định các thiết bị tự xét nghiệm có thể giúp phát hiện mỗi năm 4000 trường hợp dương tính và tránh được 400 ca lây nhiễm mới. Đây là con số có ý nghĩa, vì trong năm qua, theo thống kê của cơ quan y tế, tại Pháp vẫn còn khoảng 30 nghìn người không biết mình nhiễm HIV.