Điểm Báo Pháp – 5-2-2014
Ảnh chân dung Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông được bày bán tại sạp sách trên hè phố tỉnh Sơn Đông ngày 30/01/2015 – REUTERS/Stringer
Trung Cộng: Tập Cận Bình, hoàng đế đỏ cai trị bằng chủ nghĩa mác-xít
Theo RFI – Thụy My – 05-02-2015
Theo nhận định của thông tín viên Le Figaro tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Cộng đang đề cao ý thức hệ mác-xít để nắm trọn quyền lực và bịt miệng những người có tư tưởng tự do.
Vị tân hoàng đế đỏ cai trị Trung Cộng (TC) với bàn tay sắt, với nụ cười bề ngoài dễ mến. Theo người đồng nhiệm và là địch thủ Mỹ, ông Barack Obama, không có nguyên thủ nào trước đó lại tập trung nhiều quyền lực một cách nhanh chóng đến thế kể từ nhiều thập kỷ qua. Phương pháp của Tập Cận Bình đơn giản thấy rõ: Ông ta dựa vào chủ nghĩa mao-ít cổ lỗ, đề cao ý thức hệ mác-xít thuần túy cứng rắn, và không hề phải đối phó với phong trào phản kháng nào vì tất cả đều đã bị dập tắt không thương tiếc.
Xã hội dân sự non trẻ bị đè bẹp
Tổng thống Mỹ mới đây nhấn mạnh: «Điều này hàm chứa sự nguy hiểm, nhất là về vấn đề nhân quyền và đàn áp đối lập». Trên thực tế, dưới thời Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh tăng cường chiến dịch dập tắt tiếng nói của tất cả những ai công khai chỉ trích chế độ. Nạn nhân bị đàn áp chủ yếu là các nhà đấu tranh cho quyền lợi các dân tộc thiểu số và quyền dân sinh, luật sư, nhà báo, giảng viên đại học. Họ bị giam ở đâu, là bí mật hoàn toàn.
Theo Ủy ban bảo vệ các nhà báo có trụ sở tại New York, TC đứng đầu về đàn áp báo chí, trên cả Iran, với 44 phóng viên đang phải ngồi tù. Cơ quan an ninh chính trị chưa bao giờ hung hăng như thế từ nhiều thập kỷ. Năm 2013, TC đã đưa ra tòa gần 1.400 người vì lý do chính trị, hầu hết bằng những phiên tòa qua loa – theo Quỹ Đối Thoại Trung-Mỹ (Dui Hua) đặt tại Hoa Kỳ. Các sự kiện ở Hồng Kông đóng vai trò ngòi nổ giúp chính quyền trấn áp những người ủng hộ phong trào đòi dân chủ tại Hoa lục.
Số 1.384 người này bị kết tội «gây nguy hiểm cho an ninh Nhà nước», một tội danh mơ hồ, nhờ đó chính quyền cộng sản có thể đàn áp các nhà ly khai, nhất là các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ ở Tây Cương và người Tây Tạng.
Luật sư đấu tranh nhân quyền Đằng Bưu (Teng Biao) cho biết: «Các nhà hoạt động nhân quyền, người thiểu số, tổ chức phi chính phủ, cư dân mạng, giáo hội không chính thức, giáo sư đại học, nhà báo, nhà văn thường bị kiểm soát chặt chẽ và bị đàn áp». Chính quyền nâng chính sách «duy trì ổn định» lên một bậc, để diệt trừ toàn bộ «xã hội dân sự mới được khai sinh từ mười năm qua».
Chủ nghĩa mác-xít để chống lại «thế lực thù địch»
Trong khi thế giới đặt câu hỏi về sự nguy hiểm của tình trạng tăng trưởng TC đang chậm lại, Tập Cận Bình đã đảo ngược cơ chế của chính sách mở cửa kinh tế do Đặng Tiểu Bình đưa ra vào cuối thập niên 70. Ý thức hệ được nêu bật trở lại trên cơ sở thực dụng, vốn đã mở đường cho tự do hóa kinh tế và sự xuất hiện của tự do ngôn luận tương đối trên mạng.
Tập đã chọn lựa việc dựa vào lực lượng cánh tả bảo thủ nhất trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để củng cố quyền lực, bịt miệng những người có tư tưởng tự do. Ông ta cũng tuyên chiến với «các giá trị phương Tây», mà theo Tập Cận Bình là làm hại cho «Giấc mơ Trung Hoa» vĩ đại. Và đề cao sự cần thiết áp đặt các giá trị xã hội chủ nghĩa ở mọi nơi.
Vào giữa tháng Giêng, 25 ủy viên Bộ Chính trị cho rằng tình hình đang «nguy ngập», đã thông qua một chỉ thị với mục đích «bảo vệ đất nước khỏi các mối nguy từ bên trong và bên ngoài». Tân Hoa Xã cho biết: «Sự phát triển quốc tế hiện nay đầy xáo động, đất nước chúng ta đang trải qua những thay đổi kinh tế xã hội sâu sắc. Các xung đột xã hội thường xuyên diễn ra, va chạm lẫn nhau, nguy cơ về an ninh cao chưa từng thấy».
Các nhà đối lập ý thức hệ bị do là mối nguy lớn nhất của Đảng. Tuân lệnh Tập Cận Bình, nhiều lời kêu gọi được đưa ra nhằm «đối phó với ảnh hưởng tai hại của các thế lực thù địch» – như tờ Cầu Thị (Qiushi), tờ báo đầy uy lực của ĐCSTQ mới đây đã hô hào.
Thay vì khuyến khích các trường đại học trở thành đầu tàu sáng tạo để tạo đà mới cho tăng trưởng, Tập Cận Bình và Đảng lại tiến hành cuộc chiến để tái lập việc kiểm soát tư tưởng. Tân Hoa Xã nhấn mạnh: «Giáo dục đại học ở tuyến đầu trên mặt trận ý thức hệ, cần phải hỗ trợ nhiệm vụ mấu chốt là nghiên cứu và xúc tiến chủ nghĩa mác-xít nhằm phát triển các giá trị xã hội chủ nghĩa».
Kết quả là các giảng viên đại học bị thu hút bởi tư tưởng tự do và các giá trị dân chủ bị truy lùng. Lên án một giáo sư luật của trường đại học Bắc Kinh nổi tiếng là Hạ Vệ Phương (He Weifang), tờ Cầu Thị nghiêm khắc kết tội các giáo sư đã «sử dụng vị trí của mình để làm mất uy tín Trung Quốc». Còn Nhân dân Nhật báo kêu gọi « kỷ luật chính trị » trong các trường đại học.
Hạ Vệ Phương phản đối: «Liệu vài giáo sư đại học và tiểu blog có thể thực sự làm mất uy tín Trung Quốc? Chính các bài diễn văn và thái độ hung hăng mới làm tổn hại cho tên tuổi đất nước!»
Vũ Hán: Phải học thuộc lòng các giá trị xã hội chủ nghĩa
Cũng theo Le Figaro, co rúm lại trước chiến dịch chống tham nhũng rầm rộ của Tập Cận Bình, các cán bộ đảng ra sức đóng góp vào việc «củng cố ý thức hệ» tại Trung Cộng. Tại thành phố Vũ Hán kể từ giữa tháng Giêng, chính quyền yêu cầu dân chúng phải học thuộc lòng cẩm nang về «các giá trị chủ yếu của chủ nghĩa xã hội», với các buổi trả bài bắt buộc.
Đô thị 8 triệu dân này đã đạt được danh hiệu «thành phố văn minh cấp quốc gia» trong cuộc thi giữa 95 thành phố do ĐCSTQ đưa ra, có tính đến «môi trường đạo đức».
Ý tưởng này không phải là không nguy hiểm đối với các lãnh đạo đảng địa phương. Wang Li, một lãnh đạo cấp ủy ở Vũ Hán đã hết sức lúng túng khi xuất hiện trong một chương trình truyền hình nổi tiếng, bị đề nghị nêu ra «12 giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản». Ông ta chỉ kể ra được 6 giá trị rồi tịt ngòi, sau đó mới lắp bắp nêu tiếp như «phú cường», «ái quốc», «hài hòa», «dân chủ», «tự do», «pháp quyền».
Một sinh viên sư phạm ở Vũ Hán cho biết: «Tất cả các sinh viên trường tôi đều phải nhớ thuộc lòng các giá trị xã hội chủ nghĩa căn bản, các ý nghĩa đa dạng của Giấc mơ Trung Hoa, tinh thần Hội nghị trung ương IV, tên các nhân vật và câu chuyện 8 anh hùng thời đại».
Ai đã giết cựu điệp viên Nga Litvinenko?
«Ai đã giết cựu điệp viên Nga Litvinenko?». Đó là câu hỏi được nhật báo Les Echos đặt ra hôm nay, dẫn lời người vợ góa của Alexandre Litvinenko, cho biết gia đình bà tiếp tục bị tình báo Nga quấy nhiễu.
Thân nhân của người điệp viên FSB (KGB cũ) qua đời vì bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium năm 2006 không ngừng bị quấy rối, đe dọa từ khi đến Luân Đôn sinh sống. Trong cuộc điều tra công khai mở ra từ hôm 27/01/2015, bà Marina Litvinenko, người vợ góa thậm chí khẳng định nhà bà còn bị phóng hỏa. Ngoài ra, một đồng nghiệp cũ của Alexandre Litvinenko còn đề nghị bà tham gia ám sát Vladimir Putin – «một sự khiêu khích» để người Anh tin rằng chồng bà là một «tên tội phạm».
Trong lá thư đọc trên giường bệnh trước khi nhắm mắt, Litvinenko tố cáo Putin đã đầu độc mình. Bà Marina khẳng định, chồng bà đã từng gặp gỡ Putin, người đứng đầu FSB vào cuối thập niên 90 để nói về âm mưu ám sát doanh nhân Boris Berezovski. Doanh nhân này, đối lập với ông Putin, cũng đã chết một cách đáng ngờ tại Luân Đôn tháng 3/2013.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo: Chiến lược gieo rắc sợ hãi
Còn tại Trung Đông, trong bài phân tích mang tựa đề «Tổ chức Nhà nước Hồi giáo: Chiến lược gieo rắc sợ hãi» đăng trên báo Le Figaro, tác giả nhận định, việc liên tục công bố những cảnh giết người rùng rợn giúp nhóm thánh chiến này đẩy những nhóm khác ra bên lề, và thu hút được vũ khí, tiền bạc cũng như những người tình nguyện.
Sau các vụ thảm sát tập thể tù nhân, các cảnh chặt đầu con tin rùng rợn, quăng người từ trên tầng cao xuống, ném đá, hành hình trên thập giá, mới đây là vụ thiêu sống viên phi công người Jordani.
Tác giả bài viết cho rằng không phải là tình cờ mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (EI) các hình ảnh tàn bạo này, mà nhằm khủng bố tinh thần các đối thủ. Trước mỗi trận đánh với quân thánh chiến, người chiến binh ý thức được số phận tàn khốc sẽ dành cho mình – một cuộc chiến tranh cân não, và mỗi vụ hành quyết dã man con tin lại gây chấn động trên toàn thế giới.
Tựa chính báo Pháp: Chống thánh chiến, tái lập các giá trị xã hội
Các bài viết trên báo chí Pháp hôm nay chủ yếu nói về tâm trạng căng thẳng trong quân đội, các biện pháp chống ô nhiễm của chính phủ và cuộc họp báo quan trọng thứ năm trong nhiệm kỳ của Tổng thống François Hollande.
Le Monde chạy tựa «Quân đội căng thẳng cao độ trước mối đe dọa khủng bố», cho biết «để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo, quân đội Pháp đã lập một đơn vị phản tuyên truyền trên internet, chủ yếu nhắm vào giới trẻ, những ứng viên tiềm năng của thánh chiến».
Trên lãnh vực xã hội, Le Figaro đặt câu hỏi: «Làm thế nào tái lập trật tự ở trường học?» khi nhận định: «Từ sau các vụ khủng bố tháng Giêng, đã có nhiều đề xuất được đưa ra nhằm giúp nhà trường quay lại với những giá trị nền tảng». Cũng về chủ đề này, Libération đặt vấn đề «Làm thế nào tiêu diệt ‘chủ nghĩa apartheid’ tại Pháp?». Tờ báo cánh tả viết: «Từ việc làm, tư pháp cho đến quy hoạch đô thị… rõ ràng là có sự phân biệt đối xử. Một thực tế mà ông François Hollande phải đối mặt hôm nay trong cuộc họp báo».
Về phía nhật báo công giáo La Croix thì chọn lựa đề tài «Giáo hội và gia đình, một cuộc tranh luận rộng mở», tiết lộ rằng các nhà thần học đang tiến hành một cuộc suy nghiệm quy mô về việc đạo của các gia đình.
Nhật báo kinh tế Les Echos vui mừng trước «Nguy cơ bị trừng phạt vì thâm hụt ngân sách xa dần đối với nước Pháp», mà Tổng thống Hollande sẽ không bỏ lỡ cơ hội trong cuộc họp báo hôm nay để nhấn mạnh lòng tin đang quay trở lại. Cũng về kinh tế, nhật báo cộng sản L’Humanité nhận định tại Hy Lạp «Ông Tsipras muốn lay động châu Âu, trong khi Hollande chần chừ», nhấn mạnh rằng tân Thủ tướng Hy Lạp muốn có một giải pháp lâu dài cho châu lục.