Điểm báo Pháp ngày 5-12-2015
Một cuộc biểu tình cho đảng cực hữu FN tổ chức tại Paris, 01/5/2014REUTERS/Charles Platiau
Theo RFI
Đăng ngày 05-12-2015
Pháp bầu cử cấp vùng : Đảng cực hữu FN thắng lớn ?
Bầu cử cấp vùng vòng đầu vào ngày mai, 06/12/2015 tại Pháp, là hồ sơ lớn mà báo Pháp đã dành tựa trang đầu, nhiều trang trong và xã luận, bên cạnh chiến dịch quân sự ở Syria. Về bầu cử Pháp, nhận định chung là đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia FN – Front National – được dự đoán ở thế thắng trong vòng đầu.
Phải nói như có một làn gió hốt hoảng : Libération như đã tung ra lời kêu gọi « Tổng động viên », trong hàng tít trang nhất. Tờ báo nhìn thấy là trong bối cảnh giới chính trị bị mất lòng tin, và bối cảnh hậu–khủng bố, đảng cực hữu FN có thể « thống trị » trong vòng đầu ngày mai, Chủ nhật. Hy vọng duy nhất để cản đường là cử tri phải tham gia đông đảo.
Tờ báo đã dành cả 11 trang để lược qua tình hình. Dưới hàng tựa lớn trang trong : « Thùng phiếu của sự lo âu », tờ báo ghi nhận là đảng cực hữu được cho là sẽ về đầu ở nhiều nơi, làn sóng chấn động sau khủng bố, không khí an ninh nặng trĩu, khiến cuộc bỏ phiếu ngày mai trở thành cuộc bỏ phiếu của nỗi lo sợ.
Báo Le Figaro cũng dành cả 9 trang phân tích tình hình. Dưới tựa đề : « Bầu cử cấp vùng : Cuộc bỏ phiếu then chốt », dưới ảnh 3 nhân vật tiêu biểu Tổng thống Pháp Hollande, cựu Tổng thống Sarkozy và bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng FN, tờ báo ghi chú : Đảng Xã hội bị đe dọa thảm bại lần thứ 5 kể từ 2012. Trước năm 2017 (năm bầu lại tổng thống), cánh hữu hy vọng chinh phục lại cử tri, còn đảng FN thì muốn khẳng định chỗ đứng là đảng đứng đầu nước Pháp.
Trong phần phân tích, tờ báo giải thích tầm quan trong cuộc bầu cử này vì đây là ‘’ga cuối cùng trước năm 2017”, và cho thấy tương quan lực lượng trước cuộc bầu lại Tổng thống, giữa một đảng Xã hội khổ nhọc, cánh hữu mơ ước phục hận, và FN trên đường ‘chinh phục’.
Tại sao FN lại như diều gặp gió ?
Le Figaro nhìn thấy trước là người không đi bỏ phiếu vào ngày mai có thể rất đông, nhất là trong giới trẻ. Trong mắt Le Figaro thì sự phân chia (clivage) tả, hữu đang mất dần ý nghĩa đối với người Pháp. Họ mất tin tưởng đối với các đảng phái, tả cũng như hữu, bị cho là không còn tính đại diện về mặt ý thức hệ, xã hội đa dạng của dân chúng.
Nhưng bối cảnh hiện nay, từ vấn đề nhập cư ồ ạt, an ninh, khủng bố, đã tạo điều kiện cho đảng cực hữu vươn lên.
Báo Le Monde hôm nay cũng có đánh giá tương tự, tỏ ra gay gắt với cánh cực hữu mà tờ báo cho là đã làm nhiễu cuộc vận động tranh cử. Tờ báo ghi nhận từ 4 năm qua đảng FN không ngừng củng cố thế đứng qua các cuộc bầu cử. Từ cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu năm ngoái 2014, 1 cử tri trên 4 đã bỏ phiếu cho FN ; và lần này đảng cực hữu hy vọng đạt thành tích tốt hơn.
Không chỉ các nhật báo ra hôm nay, các tuần báo như l’Express hay L’Obs cũng tập trung trên cuộc bầu cử ngày mai và cũng với giọng điệu lo ngại ; như tựa trang bìa của L’Obs : « Một tình trạng khẩn cấp khác », bên dưới là ảnh của bà Marine Le Pen. L’Express cũng bên dưới bức ảnh trang bìa nói đến « Thủy triều FN ». Tạp chí cũng nêu câu hỏi là có thật sự đổi hướng hay không.
Trung Quốc tại Châu Phi : Vỡ mộng
Liên quan đến Châu Á, chỉ Le Monde theo dõi chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Châu Phi từ ngày mùng 2/12 và tham dự Diễn đàn hợp tác Trung Phi lần thứ 6, khai mạc hôm qua tại Joannesburg, Nam Phi. Nhân dịp này Le Monde nhìn lại công cuộc hợp tác này, ghi nhận « sự vỡ mộng » hiện nay.
Tác giả bài báo không quên nhắc lại hợp tác hai bên đã có thời kỳ huy hoàng : từ 2000 đến 2011, đầu tư nhà nước Trung Quốc ở Châu Phi là 75 tỷ đô la,nhưng giờ đây đã tuột dốc hẳn : vào sáu tháng đầu năm này đã giảm đi hơn 40%.
Diễn đàn hợp tác Trung-Phi mở ra trong bối cảnh khó khăn này và đã khiến cho hầu như lãnh đạo của 54 quốc gia Châu Phi đã đến để gặp ông Tập Cận Bình và phái đoàn bộ trưởng, doanh nhân, lãnh đạo ngân hàng của ông. Lúc thời buổi khó khăn, không một lãnh đạo Châu Phi nào muốn bỏ lỡ cơ hội.
Le Monde nêu lại quá trình chen chân của Trung Quốc vào lục địa này : Từ lúc khởi đầu năm 2000, với sự hiện diện khiêm tốn, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Châu Phi vào năm 2009. Năm 2013 đã chiếm vị trí nhà đầu tư thứ 4 ở Châu Phi sau Pháp, Mỹ, Anh. Mục tiêu của Trung Quốc hiện nay là tăng trao đổi thương mai với Châu Phi lên 400 tỷ đô la từ đây đến năm 2020.
Le Monde trích dẫn giới phân tích, thì nhìn từ Bắc Kinh, công cuộc họp tác này mang tính chất hai bên cùng có lợi : Trung Quốc đảm bảo được nguồn cung ứng tài nguyên, tìm được thị trường mới cho công ty Trung Quốc, gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh ở những vùng đất mới, có được đồng minh mới. Nhưng trên bình diện kinh tế thì công cuộc hợp tác có lợi nhiều hơn cho các nước Châu Phi.
Châu Phi oằn mình dưới gánh nặng Trung Quốc
Tuy nhiên, theo Le Monde các nước Châu Phi cũng đang cảm thấy gánh nặng tài trợ của Trung Quốc. Nếu tài trợ của Trung Quốc có những điều kiện dễ dãi ban đầu, thì về lâu về dài là một gánh nặng khó chịu nổi với lãi suất rất cao. Trong thời buổi khó khăn, ngân sách eo hẹp, nhiều quốc gia Châu Phi cảm thấy lo ngại trước nợ cao đối với Trung Quốc.
Mặt khác, hợp tác với Trung Quốc cũng đặt ra những vấn đề xã hội : tiền Trung Quốc đưa ra là cũng để chi vào những lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Lời chỉ trích thường nghe thấy ở đây là Trung Quốc không thuê lao động tại chỗ, mà đưa người của mình đến đây. Còn nếu mướn nhân công Châu Phi thì quản lý với bàn tay sắt.
Hàng hóa Trung Quốc cạnh tranh mạnh mẽ với hàng bản xứ, người Trung Quốc mang hàng bán tận vùng nông thôn, tạo ra không khí bất bình bài Trung Quốc ngày gia tăng, và khiến một số lãnh đạo Châu Phi phản ứng. Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma, theo Le Monde đã từng gây chấn động, năm 2012 ở Bác Kinh khi cho là « hợp tác với Trung Quốc có vấn đề ».
Le Monde kết luận : Ông Tập Cận Bình biết là ông được chờ đợi trên vấn đề này : tăng mức tài trợ, xóa nợ và 600 đề án phát triển có lẽ không đủ để mang lại nụ cười cho người Châu Phi.
Ông cũng biết là có 1 triệu người Trung Quốc hiện diện ở lục địa này và chờ đợi an ninh của họ được đảm bảo. Le Monde cũng ghi nhận là có lẽ Trung Quốc đã có nhận thức về một số thực tế, vì sau vụ 3 cán bộ Trung Quốc bị bắt làm con tin ở Bamako ngày 20/11, Bắc Kinh đã xích lại gần Paris vì Pháp quen thuộc hiện trường Châu Phi, và một kế hoạch đối tác kinh tế Pháp Trung ở Châu Phi đang được nghiên cứu.
Pháp tại Syria : Vấn đề hiệu quả chiến dịch không kích
Như nói trên, về quốc tế chiến dịch quân sự Pháp ở Syria vẫn rất được Le Figaro và Le Monde chú ý hôm nay. Le Figaro dành gần một trang ở mục quốc tế mô tả : « Một ngày của Tổng thống Pháp Hollande trên chiếc hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle ».
Tờ báo nêu bối cảnh : Trước cuộc bầu cử cấp vùng, Tổng thống Pháp hôm qua đã lên viếng chiếc hàng không mẫu hạm ở ngoài khơi Syria. Tờ báo cũng trích lời ông Hollande cho biết là từ khi chiếc tàu được triển khai thì đã có 120 phi vụ được thực hiện và tất cả đều thành công. Theo Le Figaro, chiến đấu cơ Pháp đã bay trên những vùng quân thánh chiến kiểm soát ở Libya.
Tờ Le Monde hôm nay tỏ vẻ thận trọng trước hiệu quả các cuộc oanh kích này, và nói đến « Giới hạn của chiến dịch oanh kích ồ ạt », tựa trang nhất. Theo tờ báo, Pháp đã thả 680 quả bom xuống Irak và Syria từ đầu năm 2014 và tăng tốc đố oanh tạc sau các vụ khủng bố ở Paris.
Hiện nay thì Pháp đã không còn thông báo về thiệt hại nhân mạng các cuộc oanh kích, dường như đã giết chết cả ngàn quân thánh chiến.
Việc gia tăng oanh kích đặt vấn đề quân sự cũng như chính trị : Quân đội Pháp có thể thiếu đạn dược, và lãnh đạo quân sự cũng e ngại Paris giảm sự hiện diện ở Mali để dồn sức vào Trung Đông. Ngoài ra theo tờ báo, cả bộ Quốc phòng và Ngoại giao Pháp đều khá dè dặt trước sự phối hợp với Nga ở Syria.
Thủ phạm vụ thảm sát ở California theo Hồi giáo
Le Figaro và Les Echos trên mạng hôm nay cũng quan tâm đến vụ bắn chết người ở San Bernardino, California, mà theo giới điều tra, thủ phạm là một cặp vợ chồng theo Daech.
Le Figaro trích lời những người quen với họ mô tả một cặp vợ chồng ‘rất ngoan đạo và kín đáo’. Một người Ai Cập Gasser, cho biết thêm là từ sau vụ khủng bố tháng 11 ở Paris, họ không đi lễ nữa và không ai thắc mắc về điều này.
Theo Le Figaro, thị cặp vợ chồng Tashfeen và Syed kín đáo đến nỗi mà những người láng giềng không ai thấy họ ra vào gì cả. Hành động của họ đã gây ngạc nhiên. Một người láng giềng Michael, không hiểu làm sao họ có thể lao vào giết chóc như thế khi có một đứa con mới 6 tháng.
Les Echos trích một bản nghiên cứu công bố ngay trước khi xẩy ra vụ khủng bố ở San Bernarrdino của Đại học George Washington, theo đó có hàng trăm người trên đất Mỹ tuyên truyền cho tổ chức thánh chiến qua các mạng xã hội. Vụ giết hại ở San Bernarrdino như là một bằng chứng cụ thể.
Theo bản nghiên cứu thì có khoảng 300 cảm tình viên Daech, – công dân Mỹ có, người nhập cư có – hoạt động trên đất Mỹ và ảnh hưởng trên hàng ngàn người qua Twitter và Facebook, Google +…
Les Echos cho là nếu họ bị phát hiện và tài khoản bị đóng thì cũng chẳng có hệ quả gì, vì họ nhanh chóng mở tài khoản khác. Ngay sau vụ giết hại ở California thì trên Twitter đã xuất hiện nhiều phản ứng đồng tình.