Điểm Báo Pháp 5/12/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp 5/12/2014

Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng BTT Choe Ryong Hae tại Nga 18/11/2014 – REUTERS /KCNA

Vì sao Nga – Bắc Hàn xích lại gần nhau?

Theo RFI – Minh Anh – 05-12-2014  16:37
Trung Cộng (TC) chưa hẳn là đồng minh duy nhất của Bắc Hàn. Bình Nhưỡng muốn thoát dần vòng kềm tỏa của Bắc Kinh. Hồ sơ Ukraina làm cho quan hệ giữa Matxcơva với Hoa Kỳ và Phương Tây xuống cấp. Từ một năm nay, quan hệ Nga – Bắc Hàn hâm nóng một cách nhanh chóng. Trên đây là những nhận định của Le Monde (số ra ngày 05/12/2014) trong bài viết đề tựa «Matxcơva và Bình Nhưỡng vội vã xích lại gần nhau».
Theo đánh giá của Le Monde, Nga và Bắc Triều Tiên xích lại gần nhau không hẳn là không có những hệ quả quốc tế. Từ bấy lâu nay, hồ sơ Bắc Hàn là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà Hoa Kỳ và các đồng minh của mình có cùng chung quan điểm với điện Kremli. Nhưng dù có phản đối các tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, nhưng cũng chưa chắc là Nga sẽ ủng hộ chính sách «cô lập» quốc gia khép kín nhất hành tinh này do Hoa Kỳ chủ xướng. Tờ báo lưu ý vào thời điểm Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết theo đề xuất của Liên Hiệp Châu Âu và Nhật Bản đưa Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên ra Tòa án Quốc tế về tội ác chống nhân loại, Ngoại trưởng Bắc Hàn – Choe Ryong-hae đang công du tại Nga và đã hội kiến Tổng thống Nga. Ngay sau buổi hội kiến, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov đã đánh giá Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc là «phản tác dụng». Ông còn cho rằng các cơ quan trực thuộc Liên Hiệp Quốc không nên trở thành một «công cụ pháp lý». Quan hệ song phương thắt chặt Theo quan sát của tờ báo, Bắc Hàn đang tìm cách thoát khỏi sự kềm tỏa của TC và sự cô lập. Do 80% trao đổi mậu dịch của Bắc Hàn đều lệ thuộc vào anh láng giềng khổng lồ. Dù luôn khẳng định tình hữu nghị không phai nhạt, nhưng giữa hai quốc gia vẫn có sự nghi kỵ lẫn nhau. Bắc Kinh tỏ ra khá bực bội về những tham vọng hạt nhân, các vụ thử tên lửa đạn đạo… của Bình Nhưỡng. Bắc Hàncũng không tin tưởng vào người hàng xóm khổng lồ. Tập Cận Bình, kể từ khi lên nắm quyền, cho đến giờ cũng chưa một lần chính thức đến thăm Bình Nhưỡng mà đã thực hiện chuyến công du đến Seoul – người anh em thù địch của Bắc Hàn vào tháng Bảy năm 2004. Trong quá khứ, Bắc Hàn được hưởng sự bảo trợ của hai người anh lớn TC và Nga, để tiến hành một chính sách đối trọng mềm dẻo. Nhưng cục diện hiện nay đã thay đổi. Kể từ giờ Bình Nhưỡng tìm thấy ở Matxcova như là những đối tác biết lắng nghe hơn. Về phần Nga, hồ sơ Ukraina đã làm cho quan hệ giữa Matxcova với Washington và Liên Hiệp Châu Âu ngày càng tồi tệ. Điện Kremly bắt đầu nhận thấy «tầm quan trọng chiến lược của Bắc Hàn», theo như nhận định của giáo sư Park Byung-in, trường đại học Kyungnam tại Seoul. Do bị chống đối ở phía Tây, nên Nga chuyển sang Đông và có thể sẽ sử dụng Bắc Hàn như là một con át chủ bài làm đối trọng với Washington. Chính vì vậy, trong những tháng gần đây, Nga và Bắc Hàn đã dồn dập ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác, trong lúc Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đưa ra những lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Thật ra quan hệ Nga-Triều đã được hâm nóng vào đầu năm 2000, sau một thời gia lạnh nhạt kể từ khi Liên bang Xô viết tan rã. Một hiệp ước hữu nghị, láng giềng tốt và hợp tác đã được ký kết vào tháng 02/2000 trong chuyến công du Bình Nhưỡng của Putin. Tháng 08/2011, tại Oulan-Oude (Nga) Kim Chính Nhật (Kim Jong-il) và cựu Tổng thống Nga Dimitri Medvedev đã đưa ra hai dự án lớn: đường ống dẫn khí đốt nối liền Nga với Hàn Quốc thông qua Bắc Hàn và nối lại tuyến đường sắt giữa biên giới Nga với đặc khu kinh tế Rason. Trong dự án thứ hai, cả hai bên mong muốn một ngày nào đó sẽ đấu nối tuyến hệ thống đường sắt Bắc-Nam vào tuyến xuyên Siberia (cho phép Nga rút ngắn nửa thời gian vận chuyển hàng hóa từ bán đảo Triều Tiên đến Châu Âu qua ngả kênh đào Suez). Thế nhưng, trước thái độ ngập ngừng của Seoul, dự án đường ống dẫn khí bị đình lại. Nhưng việc hồi phục 54 km tuyến đường sắt đã được hoàn tất vào tháng 09/2013. Điều này cho phép Nga sử dụng Rason như là một cảng conteneur nhằm hỗ trợ cho cảng Vladivostok đang trong tình trạng quá tải. Quan hệ song phương giữa hai nước đã tăng mạnh trong năm 2014. Vào tháng Tư năm nay, Nga tuyên bố xóa 90% nợ cho Bắc Hàn (tương đương với 10,9 tỷ đô-la được vay từ thời Xô viết). Cả hai bên cũng quyết định sử dụng đồng rúp trong trao đổi mậu dịch nhằm giúp Bắc Hàn giảm lệ thuộc vào đồng đô-la. Tuy nhiên, mức trao đổi mậu dịch giữa hai bên cũng khá khiêm tốn (100 triệu đô-la trong năm 2013). Ước tính mức trao đổi có thể đạt 1 tỷ đô-la vào năm 2020. Nga chưa đủ khả năng bảo hộ Bắc Hàn Trong năm 2013, xuất khẩu dầu Nga sang Bắc Hàn tăng 58,5% so với năm 2012. Hiện Matxcơva dự tính hiện đại hóa 7.000km tuyến đường sắt Bắc Hàn để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản. Dù vậy, Nga cũng nhận thức được những khó khăn trong mối hợp tác này. Nhưng có thể Matxcova hy vọng sẽ đi trước một bước trước khi Bình Nhưỡng mở cửa cho các đối tác khác như (Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên Hiệp Châu Âu), theo như nhận định của một chuyên gia Nga, trường Đại học Matxcova, trên trang mạng vĩ tuyến 38 Bắc. Để kết luận, Le Monde trích dẫn lưu ý của ông Andrei Lankov, đại học Kookmin tại Seoul cho rằng, “Nga không có thiện chí cũng như là phương tiện để thay thế TC làm người bảo hộ Bắc Hàn. Nhưng sự xích lại gần đó không giải thích rõ một sự thay đổi mới khó hiểu trong ván cờ ngoại giao bị «chiến lược kiên nhẫn» của Hoa Kỳ chặn đứng nhắm vào Bắc Hàn“.
Nga: Putin lại lên án «kẻ thù» phương Tây Sự rạn nứt trong quan hệ giữa Nga với Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ ngày càng lớn. Le Figaro cho biết trong bài diễn văn thường niên «Putin lên án ‘kẻ thù’ của Nga». Giọng điệu chua chát, thậm chí có vẻ đe dọa nhằm bảo vệ chính sách Ukraina, Tổng thống Putin tố cáo phương Tây tìm cách hạ gục nước Nga: «Cho dù không có vụ Crimee và Ukraina, Hoa Kỳ và các đồng minh cũng có thể sẽ sáng tác ra chuyện khác nhằm cản trở mọi cơ hội của Nga». Khi nhắc lại chiến thắng của Xô Viết trước kẻ xâm lược Đức Quốc Xã, chủ nhân điện Kremli đã có lời cảnh cáo phương Tây. Ông Putin nhấn mạnh rằng Nga sở hữu cả một «đội quân hiện đại, đáng gờm, sẵn sàng chiến đấu», khi cảnh cáo các kẻ thù đừng hy vọng chạm đến «ưu thế quân sự» của Nga. Cuối cùng, do phải hứng chịu lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin hứa ân xá cho những triệu phú Nga nào chịu thu hồi tài sản cất giấu tại các thiên đường thuế.
Trung Cộng: nữ tướng cũng tham nhũng Phim truyền hình nhiều tập «chống tham nhũng» do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng vẫn chưa có hồi kết. Mỗi ngày lại có một vụ mới nổ ra cho thấy quyết tâm của Tập … nhưng đồng thời đưa ra ánh sáng cả một mạng lưới tham nhũng lớn chưa từng có. Le Figaro cho hay «Tại Trung Cộng: Bà Cao là một vị tướng tham nhũng». Tờ báo dẫn nguồn tin từ tờ Tài Kinh Trung Cộng (TC) cho hay tướng Cao Tiếu Tổng (Cao Xiaoyan), Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ Thông tin, thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân bị kết tội nhận hối lộ, liên quan đến các dự án xây dựng. Như vậy, bà Cao, thư ký Ủy ban thanh tra kỷ luật là phụ nữ mang hàm tướng đầu tiên bị nhắm đến trong chiến dịch chống tham nhũng của chính phủ. Tham gia Quân đội giải phóng Nhân dân năm 17 tuổi, bà Cao chuyên trách những công trình xây dựng quan trọng tại Bệnh viện 309 của Bắc Kinh như khu lưu trú bệnh và bãi đỗ xe 1000 chỗ. Tướng Cao cũng là một trong số phụ nữ hiếm hoi leo lên được đến cấp hàm cao như vậy trong quân đội TC. Cuộc chiến chống tham nhũng trong quân đội, với quân số đông đảo 2,3 quân nhân trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng bí thư đảng Tập Cận Bình, và cũng là Chủ tịch Quân ủy. Vào tháng Sáu năm 2014, tướng Từ Cái Hậu (Xu Caihou), cựu phó chủ tịch quân ủy cũng đã bị hạ bệ do tội «không tuân thủ kỷ luật đảng». Ông này thú nhận đã nhận nhiều khoản hối lộ lớn để phong chức tước cho  nhiều người trong quân đội. Các nhà điều tra đã phát hiện ra một tấn tiền mặt bằng đô-la và euro, được cất giấu trong căn hầm rộng 2000m² trong nhà của ông tại Bắc Kinh. Ông Từ còn cất giấu nhiều tượng ngọc hay vàng quý hiếm cũng như nhiều loại đá quý  và các cổ vật trong căn hầm kho báu «Alibaba» của mình. Le Figaro nhắc lại trong một báo cáo được công bố trên mạng của tờ Tân Hoa Xã, nhưng ngay sau đó đã bị rút xuống tiết lộ tầm mức và cơ chế hoạt động của mạng lưới tham nhũng trong quân đội và đảng Cộng sản TC. Theo đó, bốn quan chức chủ chốt trong mỗi cấp bậc trong quân đội và đảng của mỗi nhánh có thể nhận hối lộ để phong quan tước. Tùy theo mỗi cấp bậc mức hối lộ dao động từ 200 ngàn đến 10 triệu nhân dân tệ. Theo con số thống kê mới đây, gần 270 ngàn công chức đã bị trừng phạt về tội tham nhũng. Nhưng điều đó cũng không cản trở việc TC bị xếp hạng thứ 80/100 trong tổng số 175 nước theo chỉ số tham nhũng do Tổ chức Minh bạch thế giới đưa ra.
Không truy tố viên cảnh sát thứ hai, nước Mỹ dưới cú sốc Sau phán quyết không truy tố viên cảnh sát da trắng bắn gục thanh niên Mỹ gốc Phi tại Ferguson, lần này là một viên cảnh sát khác tại New York, cũng sẽ không bị truy tố sau cái chết của Eric Garner, cũng gốc Phi vào ngày 17/07/2014. Sự việc gây chấn động nước Mỹ. Hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại New York. Chủ đề này được ba tờ nhật báo Le Figaro, Les Echos và Libération phản ảnh lại. «Căng thẳng chủng tộc mới tại Hoa Kỳ» và «New York chấn động do căng thẳng chủng tộc» lần lượt là những tựa đề nhận định trên Les Echos và Le Figaro. Đây là lần thứ hai ngành tư pháp Hoa Kỳ bênh vực lực lượng an ninh. Ngoài việc tường thuật cặn kẽ nguyên nhân sự việc, Le Figaro trích giải thích của một cựu thẩm phán trả lời phỏng vấn trên đài CNN cho rằng «Staten Island là một nơi đặc biệt. Ở đó có đông người da trắng nhất trong số 5 quận của New York, và có rất đông cảnh sát sinh sống ở đó». Còn đối với quả phụ của nạn nhân xấu số thì niềm tin của bà vào công lý và cảnh sát là không còn nữa. Tờ Libération có vẻ chua xót hơn khi chạy tựa «Người Mỹ da đen mệt mỏi vì những vụ cảnh sát giết người không bị trừng phạt». Giận dữ, chán nản và nhất là mất niềm tin, là những nhận định của thông tín viên nhật báo tại New York. Đối với một bộ phận dân cư Mỹ, nhất là cộng đồng người Phi, phán quyết của tòa án Mỹ không truy tố cảnh sát da trắng – người đã gây ra cái chết cho Eric Garner quả là một cú sốc mạnh. Mười ngày sau một vụ việc tương tự tại Ferguson, phán quyết mới lần này có lợi cho lực lượng an ninh làm bùng lên ngọn lửa căng thẳng chủng tộc vẫn còn nóng bỏng. Cảm giác bất công còn mạnh hơn trong vụ Ferguson vì cái chết của Eric Garner đã được quay phim lại. Đoạn video là một bằng chứng không thể chối cãi về nạn lạm dụng của cảnh sát.
Trung Cộng tấn công vào nghệ thuật thứ 7 «Lãnh vực nghe nhìn, miền đất hứa mới cho Trung Cộng» Les Echos cho hay. Nhiều tập đoàn công nghệ lớn của Trung Cộng (TC) ngắm nghía đến những hãng làm phim và mạng trò chơi điện tử, nhất là kỹ nghệ điện ảnh của Mỹ nhằm đa dạng hóa nguồn thu và đảm bảo vị thế thống trị. Đứng đầu là ba tập đoàn lớn Dalian Wanda Group (bất động sản), Alibaba (chuyên bán hàng qua mạng) và Tencent (nhà phát hành các trò chơi qua mạng xã hội trên điện thoại di động) hiện đang nhắm vào lĩnh vực điện ảnh tại Hoa Kỳ như AMC – hệ thống rạp chiếu bóng lớn thứ hai, hãng làm phim Lions Gate hay HBO kênh phát hành phim trên mạng. Tuy nhiên theo Les Echos, chính các nội dung các bộ phim Mỹ mới khêu gợi sự thèm muốn của các tập đoàn TC. Sự thèm muốn đó cũng phản ảnh một phần nào yếu tố chính trị. Bắc Kinh muốn thông qua điện ảnh để phát huy «quyền lực mềm» của TC. Nhưng đối với các tập đoàn TC, khía cạnh kinh tế mới là điều đáng chú ý. Nhằm đa dạng hóa nguồn thu nhập và để củng cố vị trí thống trị của mình, rõ ràng điện ảnh là một đích ngắm đầy cám dỗ. Tăng trưởng bình quân hằng năm của lãnh vực này lên đến 30% từ 10 năm qua. Thị trường TC chỉ đứng hàng thứ hai sau Hoa Kỳ. Theo đánh giá của một chuyên gia, đằng sau điện ảnh là cả «khả năng bán trên mạng phân phối của mình, tất cả các sản phẩm phái sinh từ phim ảnh, mà cho đến giờ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát» của các hãng lớn TC.
Trang nhất các báo Pháp Trang nhất các báo Pháp sáng nay tập trung chủ yếu vào tình hình trong nước. Nhật báo kinh tế Les Echos và nhật báo công giáo La Croix quan tâm đến cuộc đình công của giới bác sĩ lần lượt qua hai tít lớn «Bác sĩ: chính phủ xuống nước trước làn sóng bất bình» và «Giới bác sĩ nổi giận và đình công vào ngày lễ Noel». Lĩnh vực điện ảnh là mối bận tâm của nhật báo thiên tả Libération. Trung tâm điện ảnh quốc gia Pháp sẽ hủy phần tài trợ cho những nhà sản xuất phim nào trả tiền cát-xê quá hậu hĩnh cho diễn viên. Tờ báo mỉa mai đăng tít lớn «Ấn định mức trần lương diễn viên: Tội nghiệp cho các Sao». Riêng hai nhật báo Le Monde và Le Figaro chú ý đến thời sự quốc tế, lần lượt quá các tít «Lời cáo buộc của Putin chống lại phương Tây» và «Tại Kobané, ngay lòng cuộc chiến».