Điểm Báo Pháp – 4-9-2015
Một người biểu tình tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) với tấm biển vẽ hình cậu bé Aylan Kurdi, người Syria, bị chết đuối trên đường vượt biển qua Châu Âu. – REUTERS/Osman Orsal
Di dân: Châu Âu từ chấn động đến hành động
Bức ảnh đứa bé Kurdistan-Syria ba tuổi nằm chết như ngủ trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ đã gây chấn động mạnh trong công luận . Các chính phủ châu Âu bị đặt trước trách nhiệm buộc phải hành động đón tiếp làn sóng di dân, theo nhận định của tất cả báo chí Pháp hôm nay.
Cuộc biểu tình của nông dân Pháp huy động hàng trăm máy cày kéo về Paris gây sức ép với chính phủ Pháp hay kết quả thăm dò ý kiến hơn 70% dân Pháp muốn cải cách thời lượng làm việc 35 giờ mỗi tuần, hoặc cuộc biểu dương sức mạnh của TC vẫn được phân tích trên một số nhật báo nhưng bị nhấn chìm trước thảm cảnh di dân và thuyền nhân mà số phận không may của cậu bé tên Aylan, chết đuối trên đường vượt biển sang Hy Lạp chiếm nhiều trang báo.
Bị chấn động, Châu Âu phải mở mắt. Kèm với tựa này, Le Monde đưa lên trang nhất bức ảnh xác đứa bé con, mặc quần đùi xanh, áo thun đỏ nằm sấp trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, khi chiếc thuyền đưa người vượt biển bị sóng đánh lật trong đêm làm một chục người chết đuối trong đó có mẹ và anh trai 5 tuổi.
Khác với Le Monde và các đồng nghiệp châu Âu, nhật báo công giáo La Croix cũng như hầu hết báo chí Pháp không đăng bức ảnh gây chấn động này, nhận định: Vì ký ức một đứa bé, chúng tôi không đăng ảnh này cho dù một số nhà bình luận xem đây là dấu hiệu của tâm lý vô cảm hay bị tê liệt vì xu hướng bài ngoại tại Pháp. «Không phải thế». La Croix khẳng định luôn đánh động công luận về thảm nạn di dân và thuyền nhân mà một phần công luận cho đến nay vẫn lần tưởng là một hiện tượng nhất thời.
Nhật báo Công giáo khẳng định, hơn bao giờ hết, chúng ta phải thông tin nhiều hơn, phải «hành động» nhiều hơn nữa. Công dân châu Âu đã thức tỉnh. Xác chết của một đứa bé ngăn cấm chúng ta dựng lên «bức tường vô cảm». Ngay người Anh, có tiếng do dự, cũng «hành động», chỉ trong vòng một ngày, 100 ngàn người ký kiến nghị kêu gọi chính phủ Anh đón tiếp thêm người tỵ nạn. Một tổ chức thiện nguyện đặt câu hỏi: không cho người ta vào nước mình thì làm sau kết luận trước được họ là người tỵ nạn chính trị hay di dân vì lý do kinh tế?
Cũng trong chiều hướng này, Le Monde nhắc lại đã nhiều lần đăng ảnh xác chết trẻ con, đặc biệt là những nạn nhân của bom hóa học do quân đội của nhà độc tài Bachar al Assad ở Syria sử dụng năm 2013 để cho công luận thấy thực tế chuyện gì đang xảy ra. Bức ảnh xác cậu bé Aylan, theo Le Monde, minh chứng một thực tế là một phần Trung Đông đang phân rã, nhất là Irak và Syria. Các nước láng giềng như Liban, Jordanie, đang oằn lưng gánh vác hàng triệu người tỵ nạn Syria, cũng bắt đầu lung lay nếu châu Âu không cảnh giác. Mỗi ngày, hàng ngàn người Syria, Irak, Afghanistan và nhiều dân tộc khác chạy trốn đất nước của họ.
Trong bài xã luận «Mở mắt», Le Monde không đòi hỏi những lý tưởng tuyệt đối nhưng khuyến cáo các chính phủ châu Âu phải hành động ngay bây giờ vì chỉ vài năm sau, các sử gia sẽ phê phán những người lãnh đạo hôm nay về cung cách đối xử của châu Âu đối với người tỵ nạn.
Câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào? Nhật báo cánh tả Libération đưa ảnh hai thuyền nhân sống sót đeo phao lên trang nhất, trả lời: cứu người và hành động theo lương tâm, mở cửa các trung tâm tạm trú, tổ chức đón tiếp, xử lý nhanh đơn xin tỵ nạn để sự hy sinh của bé Aylan không trở thành vô nghĩa. Nhưng muốn được như vậy thì các nỗ lực cá nhân hiện nay không đủ mà phải cần có sự dấn thân cấp nhà nước. Libération kết luận: 28 nước châu Âu bị đặt vào chân tường, hình ảnh bé Aylan sẽ là bước ngoặt thay đổi tình hình.
Nói đến nhà nước, Le Figaro nhấn mạnh thông tin mới nhất, chính phủ Đức tính đến bước thứ hai trong chiến dịch cứu thuyền nhân. Giai đoạn hai là sử dụng quân đội truy bắt các tổ chức buôn người, chận bắt tầu thuyền trong hải phận quốc tế. Trong khi chờ đợi, Paris và Berlin, đưa ra sáng kiến đầu tiên bắt buộc 28 thành viên chia nhau đón tiếp 120 ngàn người tỵ nạn.
Về phần nhật báo Les Echos, qua góc nhìn kinh tế, đón tiếp di dân một cách đàng hoàng không phải là gánh nặng mà là để hỗ trợ kinh tế quốc gia của nước tiếp cư và cũng là biện pháp hiệu quả nhất để chống nạn di dân. Nhận định này dường như là để nhắn gửi phe cực đoan bài ngoại.
Nhà phân tích Eric Boucher giải thích nghịch lý này: một là các nước dân chủ tây phương, do dân số già nua cho nên di dân trẻ là cơ may cho kinh tế và củng cố hệ thống an sinh xã hội. Lợi ích thứ hai là di dân nhập cư, mỗi năm gửi về quê hương giúp gia đình ở lại khoảng 550 tỷ đô la. Số tiền này nhiều gấp 2,5 lần tiền viện trợ phát triển dưới mọi hình thức của các nước giàu giúp các nước nghèo. Hệ quả, là nếu thân nhân ở lại có đời sống tốt đẹp, được học hành thì ít nhất 1 tỷ người không cần phải bỏ làng tìm đường vượt biên.
TC: «Mùa Hè đen» và «vũ khí mới» của Tập Cận Bình
Chủ tịch TC phô trương vũ khí mới. Với tên lửa mới, oanh tạc cơ mới, Tập Cận Bình muốn cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ. Trên đây là nhận định của Le Figaro về cuộc diễn binh của TC gọi là ghi dấu «chiến thắng» Nhật Bản. Tuy nhiên, tham vọng của chủ tịch TC gặp phải sự do dự của lục quân vì để cân bằng sức mạnh với Mỹ ở Thái Bình dương, Tập Cận Bình phải hy sinh lục quân, cắt giảm quân số trong bối cảnh chính sách bài trừ tham nhũng trong quân đội đang dây ra xáo trộn trong hàng ngũ. Tăng cường hải quân còn làm các nước chung quanh lo lắng hơn trước tham vọng biển đảo càng ngày càng lộ rõ của Bắc Kinh.
Trong loạt bài phân tích tình hình chính trị và kinh tế 6 nước lớn trên Les Echos, TC được xem là đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng. Tập cận Bình có thể an tâm vì đã thành công phô trương gân bắp cho dù đại đa số các nhà lãnh đạo thế giới từ chối tham dự lễ duyệt binh ngày 03/09. Thủ tướng Nhật Bản cũng như tổng thống Đài Loan không thể tham gia vào buổi lễ mà Bắc Kinh gọi là «toàn quốc kháng chiến chống Nhật dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản» trong khi thực tế lịch sử ghi nhận cuộc chiến tranh vệ quốc này là do thống chế Tưởng Giới Thạch của Trung Hoa Dân Quốc chỉ huy như Le Monde cùng ngày cũng nhấn mạnh.
Với cái nhìn chính trị, Les Echos cho rằng Tập Cận Bình cần khoe vũ khí để xoa bớt phần nào những biến cố trong mùa «hè đen»: từ vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân cho đến thị trường chứng khoán Thượng Hải lao dốc. Hình ảnh của chế độ độc đoán hoàn toàn kiểm soát tình hình đã bị sứt mẻ. Biểu dương sức mạnh quân đội kích động tinh thần dân tộc chủ nghĩa là liều thuốc mà Tập Cận Bình phải sử dụng để duy trì ổn định xã hội, ưu tiên mới của TC trong bối cảnh kinh tế đình trệ và một tháng 8 nhiều hung tin.
Vấn đề là những biện pháp che giấu thông tin, chế biến thống kê cố ý làm công luận tin vào tỷ lệ tăng trưởng 7% nhưng thực tế thấp hơn. Hình ảnh và uy tín của TC đã bị tác hại mà còn có nguy cơ làm cho Bắc Kinh phải lãnh trách nhiệm nếu kinh tế thế giới bị trì trệ trong tương lai. Chưa chi mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2015 này sẽ thấp hơn mức dự kiến.
Thế mà theo Les Echos, chính quyền TC vẫn tiếp tục khẳng định tỷ lệ tăng trưởng là 7% vì nếu dưới ngưỡng này, nạn thất nghiệp sẽ tăng vọt. Cho nên, ngoài lo âu vì nạn tham nhũng, chế độ Bắc Kinh còn bận tâm đối phó với bất ổn xã hội. Trong những tháng tới đây, sẽ có nhiều công ty phá sản, sẽ có nhiều địa phương nợ nần chồng chất thêm.
Iran: áp lực hành lang giảm tại Mỹ
Quốc Hội Mỹ không đủ đa số để đối đầu với tổng thống Obama chống thỏa thuận hạt nhân với Iran. Theo giải thích của Le Monde, các nhóm áp lực thân Israel đã thất bại nặng nề và đây cũng là một thất bại của cá nhân thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu. Chiến dịch động viên, quảng cáo, chi phí tốn kém mời hàng loạt dân biểu Mỹ sang thăm Israel, vận động các cựu tướng lãnh, viên chức trách nhiệm an ninh quốc phòng ký kiến nghị cảnh cáo hiểm họa Iran không mang lại kết quả mà còn gây chia rẽ cộng đồng dân Do Thái tại Mỹ.
Sau khi nữ Thượng nghị sĩ Dân Chủ Barbara Milkulski, nghe theo lập luận của các nhà ngoại giao Tây Âu, những nước cùng ký vào thỏa thuận hạt nhân, lo ngại Hoa Kỳ bị đứng bên lề nếu Quốc hội không phê chuẩn, thay đổi lập trường, phe chống Iran bị thua một phiếu.
Theo phân tích của Le Monde, lực lượng kiên quyết chống thỏa thuận hạt nhân vẫn là những người thuộc xu hướng tân bảo thủ. Trong quá khứ, họ đã chống lại hai vị tổng thống Cộng Hòa là Richard Nixon và Ronald Reagan đàm phán với Liên Xô. Dù đã thấy vũ lực không phải là biện pháp hiệu quả, từ Việt Nam cho đến Irak, phe tân bảo thủ vẫn tin vào «chính nghĩa» và «sức mạnh» bất chấp hệ quả cho các nước liên hệ.
Còn theo Le Figaro, tuy biết trước phe Cộng Hòa sẽ thua một phiếu, chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner khuyên phe Dân Chủ khoan giương cờ chiến thắng vì theo ông, áp đặt một thỏa thuận quốc tế mà đa số dân chúng cho là «tồi» chẳng mang lại chiến thắng cho ai cả trừ bản thân tổng thống Obama.