Ðiểm Báo Pháp – 4-4-2015
Ngày 2/4/2015 Tổng thống Mỹ Barack Obama từ Vườn hồng của Nhà Trắng đã có bài phát biểu ca ngợi thắng lợi của thỏa thuận khung về hạt nhân Iran vừa đạt được tại Lausanne. – REUTERS/Mike Theiler
Theo RFI – Thu Hằng – 04-04-2015
Thỏa thuận hạt nhân Iran: Thắng lợi của Obama?
Năm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đạt được một thỏa thuận nguyên tử với Iran vào hôm qua, ngày 03/04/2015, vẫn là chủ đề chính trên mặt báo Pháp số cuối tuần.
Trên trang nhất, báo Le Monde đưa tin: «Barack Obama kí một thỏa thuận lịch sử về nguyên tử với Iran». Tờ báo khẳng định: «Barack Obama đã thắng cuộc», đồng thời cho rằng thỏa thuận khung tại Lausanne cho thấy chiến lược của tổng thống Mỹ về hồ sơ hạt nhân Iran đã giành thắng lợi.
Từ khi nhậm chức, ông Obama luôn trung thành với chiến lược giải quyết vấn đề hạt nhân tại Iran bằng đường ngoại giao. Lần đầu ông đề cập tới vấn đề này vào tháng 07/2007, trong cuộc tranh luận với các ứng viên khác của Đảng Dân chủ trong cuộc đua ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ông cho rằng con đường đàm phán luôn mang lại những kết quả tốt hơn là «ngăn chặn» hay can thiệp quân sự.
Đây không phải là chiến thắng đầu tiên của ông Obama bằng đàm phán ngoại giao. Gần đây, các cuộc thương lượng với chế độ của chủ tịch Cuba, Raul Castro cũng đạt được những kết quả tốt, mở ra triển vọng chấm dứt hơn 50 năm chiến tranh lạnh. Nhưng thỏa thuận với Iran lại khác, vì đây là khu vực chiến lược, đang trở thành miếng mồi cho các bất ổn triền miên.
Từ khi lên nắm quyền, tổng thống Obama đã duy trì đường lối ngoại giao kiên định. Sau thất bại của kế hoạch «bắt tay» vào năm 2009, ông tập trung vào chính sách đối thoại. Một năm sau, ông thực hiện chiến lược cô lập Iran khỏi Nga và Trung Quốc để dễ thông qua các biện pháp cấm vận quốc tế. Ngày 09/06/2010, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu trừng phạt Iran, ngày càng gắt gao hơn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí và ngân hàng.
Với việc ông Hassan Rohani trở thành tổng thống Iran kể từ tháng 06/2013, chiến lược của ông Obama bắt đầu có những dấu hiệu khả quan. Ngay tháng 11 năm đó, 5 nước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc và Đức đã đề ra với Iran một kế hoạch hành động và ấn định ngày 31/03/2015 là hạn chót để đưa ra một thỏa thuận chung. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục bàn bạc chi tiết nội dung trong vòng ba tháng sau đó. Hạn định này cũng nhằm xoa dịu những căng thẳng trong Quốc hội Mỹ, mà đa số là phe Cộng hòa, luôn nghi ngờ các cuộc thương lượng này.
Thế nhưng, Đảng Cộng hòa vẫn không hài lòng với kết quả đạt được và cho rằng nó quá lợi cho phía Iran. Tổng thống Obama tuyên bố sẵn sàng tranh luận với các nghị sĩ đảng đối lập. Ông cũng nhấn mạnh rằng các trừng phạt với Iran chỉ được từ từ xóa bỏ tùy theo việc nước này áp dụng các điều khoản của thỏa hiệp đến đâu. Ngoài ra, ông vẫn cam đoan duy trì các trừng phạt liên quan tới việc Iran ủng hộ khủng bố và chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Trong bài phát biểu ngày 02/04, ông cũng không ngại đe dọa rằng: «Nếu Quốc Hội giết chết thỏa thuận trên mà không có giải pháp thay thế hợp lý, Hoa Kỳ sẽ bị khiển trách về thất bại này. Sự đoàn kết quốc tế sẽ biến mất và nguy cơ chiến tranh sẽ lớn hơn». Tổng thống Mỹ cũng trấn an các đồng minh của mình trong khu vực, như tổng thống Israel Nétanyahou, song không đạt được kết quả.
«Đối với Benyamin Nétanyahou, các cường quốc đã phản bội Israel». Đây là nhận định trên tờ Le Figaro. Le Monde thì đánh giá thỏa thuận đạt được với Iran là «Một sự thất bại đối với chiến lược của ông Nétanyahou». Còn với Libération, thỏa thuận trên giúp «Téhéran chinh phục lại đế chế của mình». Iran hy vọng sẽ nâng tầm ảnh hưởng về chính trị, tôn giáo và văn hóa trong khu vực Trung Đông, từ Bagdad tới Sanaa.
Tương lai của ngành nguyên tử được viết bằng chữ TC
Cuối tháng 4/2015, có thể hoạt động thiết kế và chế tạo các lò phản ứng nguyên tử của công ty Areva sẽ được nhập vào công ty điện lực Pháp, EDF. Đây là kế hoạch cứu Areva, sau khi thất thu 4,8 tỉ euro vào năm 2014. Sự liên kết EDF-Areva sẽ giúp ngành năng lượng Pháp tăng cường hợp tác với TC. Báo Le Monde nhận định: «Tương lai của ngành nguyên tử được viết bằng chữ Trung Quốc».
Tân chủ tịch tập Hội đồng quản trị Areva phát biểu rằng: «Không thể thiếu người Trung Quốc». Đây gần như là câu cửa miệng của ngành điện nguyên tử. Các nhà lãnh đạo luôn nhắc rằng TC là thị trường lớn nhất thế giới, chiếm tới 1/2 các dự án lò hạt nhân từ giờ tới năm 2030. Đây là «chân trời» không thể bỏ lỡ của một nền công nghiệp Pháp, do thị trường nội địa đã quá tải, trong khi đó lại không thể sinh lợi tại các thị trường đã phát triển mạnh năng lượng hạt nhân (như Hoa Kỳ và Nhật Bản), hay tại cách thị trường không còn chút tương lai nào (như ở Anh, Ý, Thụy Sĩ…).
Sau ba thập niên hợp tác Pháp-Trung được nhà lãnh đạo hai nước thời đó là François Mittérand và Đặng Tiểu Bình kí kết, đã đến lúc hai nước chuyển sang một giai đoạn mới. Bài báo nhận định tương lai của ngành năng lượng nguyên tử đang nằm tại TC. Quốc gia này có thị trường nội địa rộng lớn, có tiềm năng xuất khẩu mạnh và đặc biệt, có vốn cần thiết cho mọi hoạt động đầu tư vào các dự án lên tới vài chục tỉ euro.
Tại TC, từ ba năm nay, Bắc Kinh đã trực tiếp can thiệp vào lĩnh vực năng lượng nguyên tử trong nước để chấm dứt sự cạnh tranh giữa hai công ty lớn, Công ty Điện hạt nhân Quảng Đông TC (China Guangdong Nuclear Power Compagny, CGNPC) và Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (China National Nuclear Corporation, CNNC), đồng thời yêu cầu sản xuất một lò phản ứng 100% TC.
Tuy nhiên, cường quốc này vẫn chưa thể tự xuất khẩu được sản phẩm của mình, mà phải «dựa» vào một số nước có kinh nghiệm như Anh và Pháp. Để đổi lại, công ty điện lực EDF của Pháp sẽ phải yêu cầu đối tác của mình tham gia một dự án Hoa Long 1 (Hualong) đang được tiến hành tại Trung Quốc. Ít nhất, điều này sẽ giúp Pháp duy trì thị trường tại đây trong vài thập kỷ tới, đồng thời đảm bảo sự có mặt của Pháp tại một số nước mà Trung Quốc định xuất khẩu các lò phản ứng của mình, như tại Nam Phi, Đông Nam Á hay Mỹ la tinh.
Thế nhưng, tập đoàn EDF-Areva Pháp sẽ phải lựa chọn giữa hai nước TC hoặc Nhật Bản. Nếu EDF làm dự án Hoa Long 1, Areva phải chấm dứt với hợp tác với Mitsubishi Heavy Industries. Trong lúc chờ đợi, cả hai tập đoàn vẫn tiếp tục những dự án đã được kí kết và đang tiến hành tại đây. Đầu tháng 3 vừa qua, Areva đã đề xuất với CNNC một dự án lên tới 10 tỉ euro và chờ Tổng Giám đốc của tập đoàn này xem xét. Bài báo kết luận, như vậy tương lai của ngành năng lượng nguyên tử Pháp đang được viết tại Bắc Kinh.
Người Hoa ở Pháp đã biết thư giãn
Liên quan tới cộng đồng người Hoa tại Pháp, Le Monde Magazine cuối tuần phản ánh: «Người Hoa biết thư giãn». Tác giả bài báo thực hiện bài phóng sự tại Aubervilliers, nằm ở phía Bắc Paris. Đây là nơi tập trung nhiều kho hàng và một trung tâm bán sỉ của người Trung Quốc. Không còn tập trung vào mỗi công việc, người Hoa tại Pháp đã biết tận hưởng cuộc sống và tham gia các hoạt động của cộng đồng.
Từ lâu, khẩu hiệu: «Làm việc, cần cù và mồ hôi» là câu cửa miệng của một người kinh doanh châu Á. Thế nhưng, theo thời gian, khi đã đủ tích lũy, một tư tưởng mới bắt đầu hình thành. Cụm từ «giải trí» ngày càng song hành với «thành công».
Tự cho mình một đến hai ngày để đi chơi golf hay đi săn, đi lễ chùa hay nhà thờ ngày Chủ nhật, thưởng thức rượu hoặc thậm chí đi trượt tuyết vào mùa đông, cộng đồng người Hoa tại Pháp dần dần tự cho mình hưởng những gì trước kia không được coi là đồng nghĩa với thành công : thư giãn và giải trí. Người ta cũng nhận thấy một sự thay đổi lớn tại các doanh nghiệp gia đình. Các chủ doanh nghiệp trên, thường là người cha, đã dám để con cái của mình quản lý cơ ngơi trong một thời gian để đi nghỉ dưỡng.
Trong cộng đồng nhỏ những doanh nhân thành đạt giàu có, người ta chú ý gắn liền hai khái niệm «lợi ích» và «thư giãn». Có nghĩa là vừa thư giãn, vừa nâng tầm ảnh hưởng của mình trong cộng đồng thông qua các hội thương gia hùng mạnh. Tại khu vực Paris và vùng ngoại ô, có khoảng 50 hội như thế. Người ta có thể mua chức «chủ tịch», như một chiếc thẻ vàng, trong vòng 2-3 năm. Đây là thời hạn lý tưởng để phát triển mạng lưới kinh doanh của họ tại Trung Quốc.
Những ca sĩ Pháp chinh phục thế giới
Chuyên mục «Sự kiện» của trang «Văn hóa» trên tờ Le Figaro phản ánh quá trình chinh phục làng nhạc thế giới của các ca sĩ người Pháp hay trong cộng đồng Pháp ngữ, từ Indochine tới Stromae, từ Zaz tới Christine and the Queen.
Họ hát bằng tiếng Pháp, thành công ghi lại hình ảnh và phong cách âm nhạc của mình trong làng nhạc quốc tế. Lưu diễn tại các nước không nói tiếng Pháp với các bài hát bằng tiếng Pháp, đây là việc không hề dễ dàng. Thế nhưng, một thế hệ nghệ sĩ trẻ đang từng bước khẳng định vị trí của mình.
Hai nữ ca sĩ Christine and the Queen (tên thật là Héloïse Letissier) và Zaz (tên thật là Isabelle Geffroy) được BureauExport, một tổ chức gồm các nhà sản xuất độc lập Pháp, hiện có nhiều kinh nghiệm quốc tế, ủng hộ. Christine and the Queen, từng giành hai giải Chiến thắng Âm nhạc, vừa hoàn thành chiến lưu diễn tại liên hoan South by Southwest, tại Austin (Mỹ). Còn Zaz, vừa trở về sau thành công của các chuyến lưu diễn tại Mêhicô và Nam Mỹ.
Quyến rũ Hoa Kỳ đòi hỏi nhiều nỗ lực. Người Mỹ không quen nghe lời bài hát bằng tiếng nước ngoài. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể. Giám đốc của BureauExport hy vọng: «Tình hình dần dần sẽ thay đổi, với điệu kiện phải có bản sắc, một chương trình được chuẩn bị tốt, một đội ngũ chuyên nghiệp và một chút ‘ngông kiểu Pháp’». Đây cũng chính là trường hợp của ca sĩ người Bỉ Stromae. Với các video clip, các màn vũ đạo, nhiệt huyết của một «showman», phương pháp quản lý hình ảnh và mạng xã hội, Stromae hoàn toàn làm hài lòng khán-thính giả Anh-Mỹ.