Pháp bị Trung Cộng nghe trộm ngay gần Paris
Theo RFI – Mai Vân – 4.12.2014
Trong dòng thời sự quốc tế ngày 04/12/2014, bên cạnh hồ sơ Trung Đông với việc Iran cho máy bay oanh kích quân thánh chiến ở Irak, Thủ tướng Israel giải tán Quốc hội, tình hình châu Á thì khá được chú ý với Trung Cộng (TC). Đáng lưu ý nhất có lẽ là vụ mà L’Obs – nguyệt san đầu tiên của tuần báo Le Nouvel Observateur – nêu bật ngay trang bìa: «Trung Quốc theo dõi chúng ta (Pháp) như thế nào», dòng tựa bên cạnh một bức ảnh lớn của Tập Cận Bình tai chụp ống nghe.
Sự kiện được L’Obs nêu bật là việc trung tâm nghe trộm của TC được đặt cách Paris vỏn vẹn 9 cây số! Ở trang trong, dưới tựa đề: «’Tai lớn’ của Bắc Kinh tại Pháp», L’Obs cho là đã khám phá ở Chavilly – Larue, vùng ngoại ô Paris, một trung tâm bí mật nghe trộm qua vệ tinh của TC. Trung tâm này nằm trong một cơ sở thuộc Đại sứ quán TC và theo dõi các trao đổi liên lạc giữa Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông. L’Obs mô tả kỹ lưỡng nơi này : Diện tích hơn một hécta, có một sân quần vợt, một bãi đậu xe, 2 tòa nhà 3 tầng, trên nóc một tòa nhà có 3 ăng ten parabol, trong đó một ăng ten cao 5 mét, mới toanh. Ở cửa vào có caméra theo dõi, nhưng không có bảng ghi gì cả. Bấm chuông thì chuông hư. Gọi điện thoại đến số ghi trong danh bạ, thì không ai trả lời cả. Phóng viên của L’Obs, đến hỏi Tòa thị chính, thì được nhân vật số hai tại đây, Cyrille Bernardin, trả lời một cách thành thật: «Tôi thật sự không biết họ làm gì». Một cư dân thì giải thích: Đó là «những láng giềng rất kỳ bí, nhưng với thời gian chúng tôi cũng đã quen rồi, không để ý nữa.» Quả là đã rất lâu rồi. Theo L’Obs, cơ sở này đã nằm ở số 148 đường Lieutenant Petit-Leroy, Chavilly – Larue, từ hơn 40 năm nay. Trong những năm 1970-80, văn phòng cố vấn thương mại TC được đặt tại đây. Đây cũng là nơi ở của nhân viên sứ quán TC. Hiện nay thì hàng chục nhân viên ngoại giao TC vẫn còn ở đấy. Tác giả bài báo mỉa mai: Rõ ràng là cơ sở mà cơ quan tình báo Pháp DGSI theo dõi sát, không phải chỉ là một nơi để nhân viên ngủ mà thôi, và các ăng ten to lớn lắp đặt cách đây 3 – 4 năm không phải chỉ để nhận tín hiệu truyền hình China-TV! Tùy viên báo chí Đại sứ quán TC tại Paris, giải thích vắn tắt: Đấy là ‘cơ sở hậu cần’ của Đại sứ quán, còn ăng ten là để ‘sử dụng cho việc liên lạc’. Bà không nói gì thêm, và điều này, theo tạp chí, cũng dễ hiểu: Theo các cơ quan tình báo Pháp, tại nơi này, gần đây đã có một trung tâm nghe trộm qua vệ tinh được thiết lập. L’Obs trích một nguồn tin ‘đáng tin cậy’, cho biết là trung tâm nghe trôm này trực thuộc cơ quan APL-3 của Bộ Tham mưu Quân đội TC mà trụ sở nằm ở ngoại ô Bắc Kinh, Trung tâm này có lẽ gắn với đơn vị 61046 đặc trách Châu Âu. L’Obs tham khảo ý kiến một chuỵên gia về kỹ thuật nghe trộm, được giải thích là 2 ăng ten dùng để nghe, chiếc thứ 3 là để chuyển ‘sản phẩm’ (tiếng lóng sử dụng trong ngành) thu lượm được về TC. Hai ăng ten để nghe được hướng về Châu Phi và Trung Đông. Đây không phải là một sự ngẫu nhiên, vì hai vùng này là 2 vùng ưu tiên trong cuộc chiến kinh tế giữa TC và phương Tây, đặc biệt là Pháp. Dựa theo độ nghiêng của một ăng ten ‘nghe’ thì nó thu sóng từ một vệ tinh nằm bên trên vùng Sừng Châu Phi, có lẽ là vệ tinh Thuraya 2. Qua đó, TC có thể theo dõi trao đổi của các doanh nhân qua lại các vùng Châu Phi và Trung Đông, sử dụng hệ thống điện thoại qua vệ tinh, đặc biệt là nhũng thông tin trong lãnh vực hầm mỏ, dầu hỏa. Ăng ten nghe thứ hai, hướng về phía Tây, theo dõi vùng Tây Phi và một phần lớn Châu Mỹ La tinh, một vùng chiến lược khác đối với kinh tế TC. Câu hỏi L’Obs nêu lên, là tại sao Pháp lại chấp nhận tình trạng như thế? Phải chăng là Pháp quá hời hợt, dễ dãi trong cuộc chiến chống gián điệp TC? Tạp chí trích lời một chuyên gia giải thích là vì «hy vọng giành được những hợp đồng to lớn, cho nên thường khi người ta nhắm mắt làm ngơ.» Mặt khác, theo L’Obs, cơ quan DGSI cũng công nhận là giới phản gián Pháp, trong một thời gian dài, đã đánh giá thấp tình báo TC và «cho đến những năm gần đây, họ không phải là một ‘ưu tiên’». TC săn chồn «tham nhũng» Cũng liên quan đến quan hệ Pháp Trung, Le Monde dành nguyên một trang mục Điều tra nói đến «Bài toán hóc búa của TC», bên trên hình vẽ một con rồng đỏ phun ra không phải chỉ là lửa mà là một con chồn tóe lửa. Tờ báo giải thích là Bắc Kinh đang tung ra một chiến dịch toàn cầu để truy nã các viên chức tham ô của mình. Các quốc gia đón họ được kêu gọi phải hợp tác trong chiến dịch ‘săn chồn’ này, và ở hàng đầu là nước Pháp. Bài báo trước tiên mô tả nơi làm việc của các ‘thợ săn’ tại Bắc Kinh: một số ngồi gõ trên bàn phím máy tinh, một số khác dò xem trên một bảng rất to đầy tên và một tấm bản đồ thế giới. Ở trên tường có bức phù hiệu của cảnh sát và dòng chữ lớn: «cuộc săn chồn 2014». Bài báo giải thích rõ nhiệm vụ của họ: Truy lùng những kẻ tham ô TC đã chạy ra thế giới. Chiến dịch được Bộ Công an tung ra vào hạ tuần tháng 7 vừa qua, đã thành công đáng kể: chỉ trong vòng 100 ngày là đã nhận dạng được 180 trường hợp, thực hiện 104 vụ bắt giữ, 76 ca tự nguyên trở về. Theo bài báo hơn ¾ các vụ câu lưu là tại Đông Nam Á. Cho đến đầu tháng 12 này, chiến dịch truy lùng nhắm vào 335 ca khả nghi, trong đó 46% được thuyết phục tình nguyện trở về nước.Trong chiến dịch này, có nhiều phụ nữ tham gia vì họ rất hữu hiệu với khả năng quan sát nhạy bén, tinh tế, nhất là trên mặt tâm lý, cho nên họ đã giải quyết được những trường hợp bất ngờ. Theo bài báo các nhóm truy bắt này được cử đi khắp thế giới: một khi có lệnh thì họ tập hợp thành một ê kíp, mua vé máy bay đi ngay. Họ chỉ mất 12 tiếng đồng hồ để hoàn tất nhiệm vụ ở Nam Hàn chẳng hạn, 24 tiếng đồng hồ ở Việt Nam. Đương nhiên là các ‘con chồn’ không chỉ chạy sang các nước láng giềng Châu Á: Hoa Kỳ, Canada, Úc là những nước đón tiếp rất nhiều người mà Bắc Kinh muốn bắt giữ, nhưng không dễ dàng câu lưu như ở Đông Nam Á. Pháp cũng nằm trong những quốc gia mà phía TC than phiền là không tích cực hợp tác. Bắc Kinh bắt nghệ sĩ đi «thực tế» Le Figaro hôm nay cũng quan tâm đến TC, nhưng trở lại chủ trương của Tập Cận Bình mà tờ báo nêu bật trong hàng tựa trang quốc tế: «Bắc Kinh gởi nghệ sĩ của mình về nông thôn». Tờ báo mỉa mai là cũng như Mao, Tập Cận Bình hy vọng làm cho họ có được ‘một quan điểm đúng đắn’ về nghệ thuật. Bài báo tỏ ra gay gắt với chủ trương của đương kim chủ tịch TC muốn đưa văn nghệ sĩ về nông thôn – tìm nguồn cảm hứng và được sự giáo dục của quần chúng. Tờ báo cho là Tập Cận Bình đã lấy cảm hứng – không giới hạn – từ ‘tác phẩm’ của Mao Trạch Đông, chủ trương mới của ông như thể xuất ra từ cuộc Cách mạng Văn hóa. Trong mắt của lãnh đạo nền kinh tế thứ nhì thế giới, văn nghệ sĩ TC dễ chạy theo sự cám dỗ của ý hướng ly khai hay tính chất phương tây. Ông cũng kêu gọi họ không nên trở thành ‘những kẻ nô lệ của thị trường’, ‘Nghệ thuật phải phục vụ quần chúng…’ . Le Figaro nhận thấy là nghe Tập Cận Binh không khác gì nghe Mao tại Diên An năm 1942. Bài báo nhắc lại là Mao đã gởi 17 triệu thanh niên về nông thôn, trong đó có thanh niên Tập Cận Bình. Và theo tuyên truyền chính thức, thì Tập Cận Bình đã được tôi luyện để phục vụ nhân dân từ đó. Le Figaro nhìn lại bây giờ, thấy là không ai hứng thú gì trước cách rèn luyện này. Trong các phản ứng gay gắt về chủ trương của Tập Cận Bình, tờ báo trong phần cuối bài trích lời nam ca sĩ trẻ Sun Dou’er, cho là chính ‘các viên chức cao cấp chính quyền cần được gởi đi nông thôn hơn là nghệ sĩ.’ Hồng Kông: Phong trào dân chủ hụt hơi Le Monde hôm nay một mặt nhìn Hồng Kông, một lần nữa ghi nhận «phong trào đấu tranh mất hơi sức». Tác giả bài báo tỏ vẻ không vui khi nhận thấy tinh thần xuống ở mức thấp nhất trong hàng ngũ thưa thớt của những người kiên quyết không muốn thối lui, và trích lời một nữ sinh 15 tuổi đã tham gia các cuộc biểu tình cho thấy một tình hình không lối thoát, các lãnh đạo phong trào không còn biết xoay xở ra sao, đưa nó đi vào hướng nào. Le Monde nhận thấy trong tình hình này – phong trào bi chia rẽ, không được hậu thuẫn dân chúng thì lãnh đạo Hồng Kông, Lương Chấn Anh có lẽ muốn dùng biện pháp mạnh để dẹp hẳn.