Ðiểm Báo Pháp 30-10-2014
Các tập đoàn mạng Trung Cộng được cho là trả lương khá hào phóng cho các kỹ sư nước ngoài – REUTERS
Tương lai “Trung Hoa” của các siêu sao thung lũng Silicon
Theo RFI – Thu Hằng
Một mặt trận công nghệ mới đã mở ra tại Trung Cộng (TC). Ông chủ của các tập đoàn công nghệ cao và mạng internet không ngần ngại thu hút những «bộ óc» uyên thâm đang làm việc cho những đối thủ Mỹ. Báo Le Monde (30/10/2014) phản ánh sự kiện trên dưới tựa đề: «Tương lai Trung Hoa của các siêu sao thung lũng Silicon».
Công cụ tìm kiếm Baidu của TC, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Google của Mỹ, gần đây đã «săn» được ba nhân vật quan trọng: một tiến sĩ người Anh đứng đầu dự án Google Brain và hai người Trung Quốc, một người từng làm việc cho Facebook và người kia là cựu giám đốc nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á.
Le Monde phân tích một số lý do giải thích tại sao các tập đoàn công nghệ của TC có thể thu hút được những kỹ sư hay nhà khoa học nổi tiếng. Lý do đầu tiên khiến họ quyết định về đầu quân tại TC là chế độ lương bổng.
Báo Le Monde nhận định, với vốn trên thị trường khoảng 72 tỉ đô la của Baidu hay khoảng 215 tỉ đô la của nhà thương mại điện tử khổng lồ Alibaba, các doanh nghiệp TC hoàn toàn có khả năng trả lương hào phóng cho các «tân binh» của họ. Ngoài lý do trên, điều kiện cơ sở hạ tầng cũng là một trong những yếu tố quyết định, như mạng lưới dữ liệu khổng lồ và đội ngũ hàng nghìn kỹ sư.
Theo ý kiến của nhiều người trong ngành, một mặt trận mới đã được mở ra tại TC với tương lai phát triển sáng lạng. Cụ thể, nếu như quốc gia này có thể đi chậm hơn Mỹ về mặt công nghệ, nhưng ở một số lĩnh vực, người TC vượt trội hơn các quốc nước phương Tây.
Tác giả bài báo nêu lên một số dẫn chứng để mình họa cho sự vượt trội này. Thứ nhất, dẫn lại lời của kỹ sư người Anh mới đầu quân cho Baidu, tờ báo cho biết, phương pháp nghiên cứu hình ảnh tại TC tiến bộ hơn nhiều so với những đối thủ cạnh tranh của họ.
Đây chính là trường hợp của ứng dụng chat WeChat do Tencent phát triển, cho phép ghi âm lại lời nhắn, do tại TC không có dịch vụ hộp tin thoại khi người nghe không nhấc máy như tại các nước phương Tây. Đây có lẽ là lý do chính giải thích sự thất bại của các ứng dụng như Facebook, Twitter, hay YouTube tại đất nước đông dân nhất này, thay vì lý do kiểm duyệt mà các tập đoàn phương Tây luôn lên án.
Dẫn chứng thứ hai, chính là khả năng tìm ra được một cải cách mới có ích. Như hình ảnh của Mã Vân (Jack Ma), ông chủ của Alibaba hay trường hợp tập đoàn Xiaomi. Dù chỉ đưa ra thị trường điện thoại thông minh cách đây ba năm, nhưng ngay mùa hè năm đó, Xiaomi đã trở thành nhà sản xuất điện thoại lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ với mỗi thị phần tại TC.
Thành công của họ nhờ vào chiến lược mẫu mã đẹp nhưng bán với giá rẻ và cách marketing theo kiểu hết hàng như của Apple. Nhà cựu phụ trách về phát triển Android tại Google, hiện đang phụ trách mảng phát triển Xiaomi ra nước ngoài, có lời giải thích cho sự thành công của Xiaomi. Theo ông, đó chính là nhờ môi trường làm việc của tập đoàn TC, được pha trộn giữa tinh hoa của thung lũng Silicon với sự cạnh tranh và năng suất của các tập đoàn internet Trung Quốc.
Tại các tập đoàn tin học lớn, như Baidu, không có chính sách cụ thể với mục đích thu hút các nhân tài của thung lũng Silicon, mà tham vọng hơn chính là những người giỏi nhất trên toàn thế giới. Các nhà tuyển dụng khá ngạc nhiên khi rất nhiều kỹ sư nhiệt tình gia nhập đội ngũ của họ một cách dễ dàng.
Ebola: «Không có việc tổng động viên tại Liên Hiệp Châu Âu»
Lật lại vấn đề virus Ebola, trả lời phỏng vấn báo Le Monde, giám đốc Viện vi trùng học và các bệnh lây nhiễm Aviesan, cho biết: «Không có việc tổng động viên tại Liên Hiệp Châu Âu đối với virus Ebola». Những nhận định và phân tích tình hình phòng chống virus của ông được báo Le Monde đăng trên trang «Quốc tế».
Giám đốc Viện Vi trùng học và các bệnh lây nhiễm cho biết khoản tiền mà chính phủ Pháp hứa cho việc phòng chống virus Ebola bị chậm trễ do một vài khó khăn. Tuy nhiên, ngoài 6,3 triệu mới được giải ngân, 20 triệu euro sẽ sẵn sàng trong tuần tới và sẽ được đưa thẳng cho các dự án phía Nam.
Hoạt động của Pháp tại Guinea sẽ ưu tiên cho việc mở một trung tâm điều trị cho những y tá, hộ lý địa phương vì họ chỉ được chăm sóc với những bệnh nhân khác. Trong khi đó, các y tá hay hộ lý người Pháp thì được đưa về các bệnh viện đầu ngành. Ngoài một trung tâm đào tạo cho các chuyên viên y tế sẽ được mở tại Nogent-le-Rotrou để đào tạo khoảng 30 người mỗi tháng tại Pháp, một trung tâm khác sẽ được thành lập vào đầu tháng 12/2014 tại Guinea, dự tính đào tạo mỗi tháng khoảng 200 nhân viên y tế và hành chính.
Vấn đề hợp tác quốc tế sẽ xoay quanh việc nghiên cứu và chăm sóc. Ba quốc gia đứng đầu công việc này là Mỹ, Anh và Pháp. Ông giám đốc lấy làm tiếc là không còn nước nào khác tham gia. Thậm chí, ngay cả việc một «ngài Ebola» đã được chỉ định tại Liên Hiệp Châu Âu, nhưng không có chuyện tổng động viên tại cơ quan này.
Theo nhận định của ông, sẽ không có dịch Ebola tại Pháp, nhờ việc theo dõi số lượng người đi và về từ Châu Phi. Thách thức không phải ở phía Bắc mà chính là ở phía Nam. Hiện tại, Pháp trực tiếp tham gia phòng chống tại Guinea, đồng thời cũng chú ý theo dõi các nước Bờ Biển Ngà, nơi có rất nhiều người Pháp sinh sống.
Tranh cãi xung quanh vụ nổ hỏa tiễn của Mỹ sau vài giây cất cánh
Thứ Ba 28/10/2014, hỏa tiễn Antares, có nhiệm vụ đưa tàu Cygnus, không người lái, mang 2,2 tấn hàng tiếp tế, trong đó có lương thực thực phẩm, các thiết bị khoa học và khoảng 30 tiểu vệ tinh, cho Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Tuy nhiên, chỉ sau vài giây cất cánh, hỏa tiễn của Mỹ đã nổ tung. Các báo Libération và Le Figaro phân tích mối quan hệ Nga-Mỹ sau tai nạn này.
Dưới tựa đề «Hỏa tiễn của Mỹ nổ, Mát-xcơ-va vui mừng», tờ Libération nhận định vụ tai nạn vừa qua nhấn mạnh sự phụ thuộc của Trạm vũ trụ quốc tế vào phương tiện vận tải của Nga. Tờ báo đặt câu hỏi liệu vụ tai nạn này có đóng băng mối quan hệ Nga-Mỹ hay không, sau khi căng thẳng xung quanh những sự kiện tại Ukraina vẫn chưa hạ nhiệt?
Từ tháng 4/2014, sau khi Nga sáp nhập bán bảo Crimée vào lãnh thổ, cơ quan hàng không NASA của Mỹ đã ngừng mọi liên lạc với Nga (từ công du tới thăm viếng hay trao đổi thư từ…), trừ hợp tác trong chương trình Trạm vũ trụ quốc tế. Bài báo nhắc lại chương trình này không phải do những lưu luyến bắt nguồn từ mối quan hệ hữu nghị trong thập niên 90, mà do Mỹ đã phá cam kết sau khi nước này rút các tàu con thoi về.
Chính vì thế, Mỹ trở thành lệ thuộc vào các phương tiện của Nga. Hỏa tiễn Antares và tàu Cygnus chỉ là những yếu tố giúp NASA không phụ thuộc vào tầu của Nga, vì Nga dọa trả đũa đòn trừng phạt của phương Tây sau sự kiện Ukraina bằng cách từ bỏ trạm này vào năm 2020.
Dưới tựa đề: «Một hỏa tiễn của NASA thất bại: các động cơ của Nga bị nghi ngờ», tờ Le Figaro chỉ rõ ràng Nga dọa ngừng cung cấp các động cơ cho các hoạt động phóng tên lửa quân sự của Mỹ. Bài báo nhận định thất bại lần này khiến Mỹ phải xem lại sự phụ thuộc của hàng không vũ trụ Mỹ vào động cơ hỏa tiễn của Nga.
Nhiều nhà quan sát Mỹ cũng lấy làm tiếc rằng NASA đã gọi thầu các công ty tư nhân như Orbital cho các hoạt động của cơ quan này. Tuy nhiên, một chuyên gia khác không đồng tình với ý kiến trên. Ông ủng hộ việc các công ty tư nhân tham gia vào các dự án như trên vì, với khoảng 17 000 nhân viên và gánh nặng hành chính, những năm gần đây, cơ quan NASA tỏ ra không có khả năng phát triển một hỏa tiễn với ngân sách khá hạn hẹp và theo đúng thời hạn.
Khủng hoảng sau tai tiếng đập nước Sivens
Thời sự nước Pháp nổi bật với hai sự kiện: tai tiếng của dự án đập nước Sivens và công ty dược Sanofi buộc tổng giám đốc từ chức do cách điều hành độc đoán của ông.
Về tai tiếng đập nước Sivens, báo Le Monde nhận định: «Chính phủ Valls bị sập bẫy của thảm kịch tại Sivens». Tờ báo cho rằng sự im lặng của chính phủ và các phản ứng ngắt đoạn đã làm nghiêm trọng thêm thảm kịch trên và biến thành một khủng hoảng chính trị khiến chính phủ và đảng Xanh cấu xé nhau.
Theo quan sát của tờ Le Figaro thì: «Hollande-Valls đang trong cuộc chiến cân não». Tờ báo đăng tin, từ vài tuần nay, quan hệ giữa tổng thống và thủ tướng khá căng thẳng. François Hollande bực tức trước tham vọng tranh cử tổng thống của ông Manuel Valls. Còn thủ tướng thì khó chịu trước sự do dự của tổng thống.
Tờ Libération đánh giá: «Sivens là một đập nước vô ích». Tờ báo lấy làm tiếc là phải chờ tới cái chết của thanh niên Rémi Fraisse mà dự án đâm chồi từ năm 1989 mới chính thức bị đình chỉ. Một thành viên nghiệp đoàn tại đây cho biết vấn đề hạn hán ở đây là có, nhưng cũng như các khu vực khác tại Pháp, và người dân có thể dùng chung những bể chứa với kích thước nhỏ hơn.
Tuy nhiên, một bể trữ tới 1,5 triệu mét khối nước với chi phí lên tới 8 triệu euro là quá đáng và quá tốn kém. Trong khi đó, số tiền này có thể dành vào việc khác. Ngoài ra, việc dự án xây dựng được giao cho một công ty cơ cấu kỹ thuật (Compagnie d’aménagement des coteaux de Gascogne) cũng gây lo lắng cho các nhà hoạt động vì môi trường.
Ngoài các thông tin trên, chủ đề thời sự quốc tế khá đa dạng trên các mặt báo Pháp. Việc các chiến binh người Kurdistan tại Irak tới giúp những người anh em tại Kobané, xung đột tại Burkina Faso, mà nhiều người gọi là «Mùa xuân Châu Phi», phản đối tổng thống đương nhiệm đang yêu cầu sửa đổi Hiến pháp để tranh cử nhiệm kỳ thứ 5, được nhiều báo phản ánh.