Điểm Báo Pháp – 3-9-2015
Xe quân sự chở hỏa tiễn Đông Phong tham gia diễn binh, 03/09/2015. REUTERS/Andy Wong/Pool
Anh Vũ – 03-09-2015
TC sẽ cải cách quân đội theo mô hình phương Tây
Thời sự châu Á thu hút sự chú của các báo Pháp hôm nay là Bắc Kinh lấy cớ lễ kỷ niệm 70 năm ngày quân Nhật đầu hàng đồng minh, chấm dứt chiến tranh thế giới thứ 2 tại châu Á để tổ chức một cuộc diễu binh hoành tráng phô trương sức mạnh quân sự. Nhân sự kiện này nhật báo kinh tế Les Echos có bài: «Tập Cận Bình muốn có một quân đội cơ động hơn để can thiệp ở bên ngoài».
Bài viết mở đầu bằng việc nhắc lại hai sự cố lớn gần đây nhất ở TC đó là cuộc khủng hoảng chứng khoán và vụ nổ nhà kho cảng Thiên Tân làm 159 người chết. Trong cả hai sự kiện này người đứng đầu nhà nước TC, Chủ tịch Tập Cận Bình đều không xuất hiện trước công chúng mà chỉ lên tiếng qua một thông cáo có nội dung cứng rắn của Ban chấp hành Trung ương đảng. Thế nhưng, hôm nay, Chủ tịch Tập Cận Bình đã xuất hiện trong một cuộc diễu binh lớn chưa từng có ở TC để cho thấy ông là tổng tư lệnh một đội quân hùng mạnh như thế nào.
Les Echos cho biết: «Chủ tịch TC đang chuẩn bị tiến hành một cuộc cải các quân đội về chiều sâu tiếp cận với mô hình của phương Tây , đặt trọng tâm vào khả năng tác chiến bên ngoài biên giới». Theo tờ báo, «Cụ thể là, các binh chủng hải, lục không quân và lực lượng răn đe hạt nhân sẽ được tập hợp dưới một quyền chỉ huy duy nhất».
Tác động trực tiếp của cải cách này là việc tổ chức các quân khu cũng sẽ được điều chỉnh lại. Đặc biệt là quân số sẽ phải giảm mạnh, chủ yếu trong các đơn vị không chiến đấu và sĩ quan lục quân. Hiện tại quân đội TC có phiên chế khoảng 2,3 triệu người. Trong khi đó hải và không quân thì lại được tăng cường sức mạnh nhằm phục vụ khả năng tác chiến ngoài xa.
Theo Les Echos, cuộc cải cách này đã được Tập Cận Bình chuẩn bị từ nhiều tháng qua. Nhưng để có thể khởi sự, trước đó Tập đã tiến hành thanh lọc khỏi quân đội một loạt những thành phần được cho là tham nhũng và tất nhiên đó cũng là những đối tượng luôn chống lại cải cách hay thay đổi.
Hàng chục tướng lĩnh, đang tại vị cũng như đã nghỉ hưu, đã lần lượt rơi vào vòng điều tra hay kỷ luật. Nhân vật chóp bu bị thanh lọc gần đây nhất là tướng Quách Bá Hùng, Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Kết thúc bài viết, les Echos dẫn lời một cựu đại tá quân đội TC có tên là Lạc Cương (Yue Gang), được hãng tin Bloomberg dẫn lời, nhận định: «Chủ tịch Trung Quốc chủ yếu sử dụng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội để rèn rũa thêm quyền lực tuyệt đối trong quân đội … Bây giờ uy quyền của ông ta trong quân đội đã dủ mạnh để áp đặt quan điểm của mình tức là xây dựng một đồi quân gần giống với mô hình (quân đội) Mỹ».
Pháp: Khi người nông dân nổi giận
Nỗi phẫn nộ của nông dân Pháp là chủ đề nóng hôm nay của các báo. Người ta có thể dễ dàng thấy trên trang nhất của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay hình ảnh từng đoàn máy cày, máy kéo của nông dân Pháp chạy trên xa lộ cao tốc kéo về thủ đô Paris từ tối qua đến sáng nay.
Nhật báo Le Parisien chạy tựa lớn trang nhất: «Hàng nghìn nông dân, trên máy kéo sẽ phong tỏa Paris hôm nay» để đòi được trợ giúp tài chính và giảm nhẹ chuẩn mực sản phẩm. Libération ghi nhận: Bằng máy kéo, ngày thứ Năm này nông dân biểu tình chống lại khủng hoảng nông nghiệp theo lời kêu gọi của Liên hiệp công đoàn toàn quốc những người khai thác nông nghiệp ( FNSEA)». Tờ Le Monde thì chạy tựa chính: «Các nhà chăn nuôi muốn phong tỏa Paris để được thêm trợ giúp mới» . «Giới nông dân đến Paris kêu lên nỗi phẫn nộ của họ» ghi nhận của Le Figaro. Trong khi đó tựa lớn của La Croix triển khai rộng hơn chủ đề với hàng tựa: «Nông nghiệp : những hướng cải cách».
Xã luận nhật báo Công giáo đặt câu hỏi: «Làm sao để các địa phương trên toàn quốc giờ đây có thể hỗ trợ cho nhà nông?». Liberation cũng chung quan điểm, nhận thấy nước Pháp cần phải thay đổi mô hình nông nghiệp, sao cho nông dân không bị thiệt thòi «trên đe dưới búa» giữa giá cả nông sản giảm và thuế cao.
Vấn đề quan trọng nhất mà các báo đều đặt ra đó là làm sao để người làm nông nghiệp Pháp đối mặt được với cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đối mặt được với quá trình toàn cầu hóa, với những chuẩn mực sản phẩm chung, với giá thành lao động nông nghiệp? Đó cũng là những vấn đề đang làm đau đầu chính phủ Pháp. Từ nhiều tháng qua, lĩnh vực khai thác nông nghiệp của Pháp phải đối mặt với giá bán sản phẩm hạ trước sự cạnh tranh của hàng nhập từ nước ngoài. Nông dân khắp nơi đã liên tục đấu tranh từ hồi tháng 7 đòi chính phủ phải giảm thuế, tăng giá thu mua nông phẩm và trợ giúp hơn nữa cho nông nghiệp, một khu vực kinh tế mà trong quá khứ nước Pháp đã rất tự hào. Đây không phải lần đầu tiên trong năm nay người nông dân Pháp tỏ bất bình. Lần này cuộc đấu tranh của họ có vẻ kiên quyết hơn trước.
Dân nhập cư đóng góp nhiều hơn là hưởng lợi
Trong khi chính phủ nhiều nước đang lúng túng không biết xử lý thế nào với làn sóng người xin tị nạn và di cư đang ùn ùn đổ về cửa ngõ Liên hiệp châu Âu, thì các nhà kinh tế lại quả quyết cho rằng hiện tượng dân nhập cư hiện nay không có gì đáng lo ngại cho nền kinh tế châu Âu, ngay cả vào thời kỳ tăng trưởng yếu và thất nghiệp cao. Đó là nội dung bài viết trên báo Le Monde với tiêu đề: «Người di cư? Một cơ hội và không nguy hiểm cho kinh tế».
Tờ báo dẫn lời ông Thibault Gajdos, nhà nghiên cứu Viện khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) khẳng định: «Không có nhà kinh tế nào chứng minh được mối liên hệ giữa nhập cư và thất nghiệp và nếu có mối liên quan nào đó thì cũng là tích cực cho thị trường lao động».
Le Monde khẳng định thêm: Trong một thời kỳ dài, nhập cư được coi là một nhân tố tích cực cho tăng trưởng kinh tế và tài chính công, hiện tượng này độc lập với tình trạng dân số.
Còn theo ông Jean Christophe Dumont, lãnh đạo bộ phận di cư quốc tế thuộc Tổ chức Hợp tác Phát triển Kinh tế (OCDE), tổ chức của các nước giàu, thì những người nhập cư đóng góp cho nền kinh tế nhiều hơn những gì họ nhận lại dưới hình thức trợ cấp xã hội hay chi phí của Nhà nước cho họ. Le Monde cho biết, OCDE đã phân tích trường hợp của Anh Quốc. Sau khi Liên hiệp châu Âu mở rộng năm 2004, nhất là cho Ba Lan, nước Anh trong vòng vài năm đã đón tới một triệu người nhập cư. Thế nhưng các chuyên gia kinh tế của OCDE ghi nhận là thực tế đó đã không hề làm tăng thêm tỉ lệ thất nghiệp hay làm giảm mức lương trung bình của người dân Anh xuống.
Le Monde nhận thấy, tất nhiên việc tiếp đón người tị nạn là tốn kém trong ngắn hạn, nhưng không nên quên là trong trung hạn sẽ thu lợi. Chuyên gia Gajdos cho rằng nói chi phí tốn kém cho việc đón tiếp người tị nạn là không xác đáng, kể cả đối với những nước có tăng trưởng yếu và nợ công cao như nước Pháp. Nhà kinh tế này lập luận: Người nhập cư «chỉ là một số ít so với dân số, đa số họ là những người trẻ tuổi muốn lao động, tạo ra của cải và nâng cao mức sinh hoạt cho con cái». Vì thế họ phải tiêu dùng, ăn ở, tóm lại là góp phần tạo nên sức năng động cho kinh tế.
Le Monde cho biết thêm, một nghiên cứu của OCDE tiến hành từ năm 2001-2011 đã tính được người nhập cư chiếm 15% lao động trong các ngành nghề đang phát triển và 28% trong những nghành nghề lĩnh vực có xu hướng đi xuống. Nói một cách khác là trong lúc người dân bản địa bỏ một số nghề chạy theo những ngành có tương lai hơn thì người nước ngoài đến lấp chỗ trống đó cho thị trường lao động.
Le Monde đưa ra trường hợp của nước Pháp : Dù tỉ lệ thất nghiệp trên 10% nhưng theo số liệu của nghiệp đoàn giới chủ Pháp (MEDEF) thì trong năm 2014, vẫn có 320 nghìn công việc không tuyển được người làm.
Ba Lan: Thực hư đoàn tàu chở kho báu của phát xít Đức vẫn gây tranh cãi
Nhật báo Le Monde trở lại một thời sự đang gây xôn xao trong dư luận nhiều ngày qua ở Ba lan.Đó là câu chuyện bán tín bán nghi về việc phát hiện đoàn tàu lửa chở kho báu của phát-xít Đức. Thực hư thế nào vẫn còn chưa rõ nhưng những người đi tìm kho báu khẳng định đã tìm lại được đoàn tàu. Trong khi giới chuyên gia phản bác.
Le Monde ghi nhận: Một cơn sốt vàng kỳ lạ làm xáo động Ba Lan từ hơn chục ngày qua và đang khơi dậy câu chuyện hoang đường có từ cách đây 70 năm. Đó là kể từ khi hai nhân vật giấu tên, một người Ba Lan, một người Đức, thông báo cho chính quyền thành phố Walbrzych, gần biên giới với Cộng hòa Séc, về phát hiện một đoàn tàu được cho là chở chiến lợi phẩm của Đức Quốc xã thì những lời đàm tiếu đồn thổi xung quanh vụ việc này đã nhanh chóng lan rộng trên quy mô quốc tế. Những những ngày gần đây, nhiều thông tin mâu thuẫn được đưa ra từ các quan chức cao cấp Ba Lan lại càng gây thêm mù mờ cho câu chuyện kho báu của Đức quốc xã.
Hôm 28/8, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề bảo tồn quốc gia, Piotr Zuchowski, đã đưa ra thông tin khá cụ thể mô tả đó là một đoàn tàu dài 100m. Trước các nhà báo, quan chức này còn khẳng định đã thấy ảnh chụp đoàn tàu này qua radar thăm dò địa chất có chất lượng cao và đoàn tàu được bọc thép… ông không ngần ngại khẳng định 99% độ xác thực của các thông tin.
Ngay lập tức những thông tin của vị quan chức văn hóa Ba Lan đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ các nhà sử học cũng như các chuyên gia về bảo tồn di sản. Nhiều lập luận phản bác đã đưa ra nhằm bác bỏ thông tin về phát hiện đoàn tàu chở kho báu.
Theo Le Monde thì câu chuyện về một đoàn tàu chất đầy chiến lợi phẩm của phát-xít Đức đã thêu dệt thêm thành những chuyện hoang đường ở Ba Lan trong nhiều thập kỷ qua. Dường như có một đoàn tàu như vậy đã khởi hành từ Wroclaw đến thành phố Walbrzych trong khoảng cuối năm 1944 đầu năm 1945, khi quân đội Đức thất bại trước Hồng quân liên Xô. Nhưng đoàn tàu này có lẽ không về được nơi đến như dự định. Theo các giả thuyết đưa ra thì, có thể đoàn tàu chở rất nhiều tài sản của ngân hàng thành phố Wroclow, các kiệt tác nghệ thuật, các tài liệu lưu trữ bí mật của Đức Quốc xã…
Đề phòng đòi hỏi chia chác tài sản, Vacxava đã cho biết là nếu không xác định được chủ sở hữu của kho báu có thể tìm được như vậy, thì quyền sở hữu đoàn tàu thuộc về chính quyền Ba Lan.