Điểm Báo Pháp – 29-3-2016
Phế tích ngôi đền cổ Bel ở Palmyra, Syria còn lại sau các trận đánh. Ảnh chụp ngày 24/03/2016. Social Media
Theo RFI – Thụy My – 29-03-2016
Trung Đông: Mỹ do dự, Nga thủ lợ
«Chiến lược không rõ ràng của Mỹ» là tựa đề một bài báo trên Le Figaro hôm nay 29/03/2016. Thông tín viên của tờ báo tại Washington so sánh sự tương phản rõ rệt giữa thành công quân sự mà nước Nga của Putin vừa giúp chế độ Assad làm nên, với sự mơ hồ tiếp tục đè nặng lên chính sách của Hoa Kỳ ở Syria và Irak.
Tác giả ghi nhận, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã nói đến «một giai đoạn mới » về quân sự chống lại IS, đó là tấn công vào các doanh trại của chúng ở Syria lẫn Irak, với những trận không kích liên tục suốt đêm. Nhờ đó, thủ lãnh số 2 của IS là Ralman Mustafa Qaduli đã bị tiểu diệt. Một hướng chiến lược khác là chuẩn bị trận địa để tiến công vào Mossoul, thành phố lớn của Irak đang trong tay IS. Dù thận trọng, tổng thống Barack Obama vẫn duyệt kế hoạch mới cho phép vũ trang phe nổi dậy Syria.
Nhưng theo tướng Michael Barbero, nguyên là phó của tướng Petraeus: «Chưa có nỗ lực nào thực sự nghiêm túc. Nói về một cuộc tấn công vào Mossoul là ảo tưởng, vì quân đội Irak chưa sẵn sàng». Theo ông, kế hoạch hiện nay có liên hệ với «ý định hoàn toàn mang tính chính trị» của ông Obama: rời chức vụ vào tháng 11 cùng với việc loan báo một chiến thắng trước IS.
Tướng Barbero không hề thấy ở Washington ý định giúp phe Sunni Irak tái cấu trúc để chống lại IS. «Tương tự, ở Syria. Không có bộ binh mạnh, thì vài vụ không kích có chủ đích khó thể thay đổi thế cờ. IS vẫn trụ được, và phải chờ đến khi có tân tổng thống mới có được chiến lược mới».Ông cũng bi quan trước việc thương lượng với Nga về hồ sơ Syria, phải chạy theo đuôi Nga.
Một nguồn tin tình báo cho biết ngoại trưởng John Kerry đã không thành công trong việc thuyết phục Matxcơva để cho Assad ra đi, vì người Nga muốn gắn với điều kiện dỡ bỏ trừng phạt Nga do hồ sơ Crimée và Ukraina.
Theo tác giả, thông tin này cho thấy gút mắc chủ yếu trong chiến lược Mỹ, so sánh với Nga. Putin không có ý định giải quyết hồ sơ Syria, chỉ nhằm thủ lợi. Còn Washington ngây thơ tìm kiếm một «giải pháp tổng thể» để chấm dứt làn sóng nhập cư sang châu Âu và dập tắt thùng thuốc súng Trung Đông. «Độ vênh» này đã giải thích vì sao một bên thành công, còn bên kia thất bại.
Syria, cuộc chiến dài hơi
Cũng tại Trung Đông, Le Figaro khi nhắc đến chiến thắng mới đây của quân đội Syria ở Palmyra trong bài xã luận mang tên «Cuộc chiến lâu dài», cho rằng đã đến lúc áp dụng luật của kẻ mạnh đối với những kẻ đã chọn lựa bạo lực.
Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech, IS) không phải là bất khả chiến bại. Việc quân đội Assad với sự yểm trợ của Không quân Nga tái chiếm được Palmyra nhắc nhở rằng IS vẫn có thể bị một lực lượng mạnh hơn tiêu diệt.
Giai đoạn sắp tới sẽ nhắm đến hai thành trì của IS là Mossoul ở Irak và Raqqa ở Syria. Một liên minh khá lỏng lẻo gồm quân đội Bagdad, các chiến binh Kurdistan, dân quân Ả Rập với sự hỗ trợ của Mỹ, đang hình thành tại Ninive để chuẩn bị tiến công. Cuộc chiến sẽ còn kéo dài, như người ta đã nhận ra cách đây một năm ở Kobané. Tuy nhiên các quan chức quốc phòng cao cấp khi nói riêng với nhau cho rằng IS sẽ bị đẩy lùi khỏi các vị trí chính ngay trong năm 2016.
Nhưng cuộc chiến lâu dài này lại diễn ra trên nhiều mặt trận. Bốn vụ khủng bố chỉ trong vòng một năm tại châu Âu, năm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, rồi đến vụ thảm sát trong ngày lễ Phục Sinh ở Lahore mới đây…Tờ báo cho rằng cần phải chuyển từ thế thủ sang thế công đối với ngành cảnh sát và tình báo, chưa kể đến đối đầu về ý thức hệ. Và việc cứu vãn thành cổ Palmyra quý giá mới chỉ là khởi đầu trận chiến.
Liên minh với «đao phủ» Assad?
Cũng về Syria, nhật báo cánh tả Libération nhận định «Palmyra và Mariani, những món quà đẹp đẽ tặng cho al Assad».
Nói đến các phương tiện và lực lượng hùng hậu để giành được chiến thắng ở Palmyra, tờ báo nhắc nhở đừng quên rằng thành phố vốn có một trong những nhà tù tệ hại nhất của chế độ Bachar Al Assad, từng nổi dậy vào năm 2011. Một năm sau khi quân Assad tái chiếm, quân lính đã cướp bóc những cổ vật tại đây. Mùa xuân 2015 khi IS tiến đánh, quân đội Damas đã bỏ chạy mà không chiến đấu, không sử dụng đến các chiến đấu cơ và trực thăng.
Libération chỉ trích, nay nhân danh chủ nghĩa thực dụng, một số người lại kêu gào cần phải liên minh với Assad để chống IS, như đã liên minh với Stalin để đối phó với Hitler. Năm dân biểu đảng cánh hữu Pháp, trong đó có ông Thierry Mariani đã đến Damas, kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu dỡ bỏ cấm vận với Syria. Họ quên rằng hầu như số 260.000 người chết tại Syria, thậm chí có thể lên đến 400.000 người, là dưới tay của Assad.
TC, đất nước của những đứa trẻ lạc loài
Liên quan đến châu Á, Le Monde hôm nay có bài điều tra mang tựa đề «TC, đất nước của những đứa trẻ lạc loài». Đặc phái viên của tờ báo tại huyện Nạp Ung (Nayong) tỉnh Quý Châu (Guizhou) cho biết, do cha mẹ phải đi ra các thành phố lớn làm việc, hiện nay hàng triệu trẻ em TC bị bỏ rơi tại các vùng nông thôn xa xôi.
Mưu sinh nơi các đô thị, họ bỏ lại con cái cho ông bà, thậm chí có những em phải sống một mình, tự đi học ở những ngôi trường nhỏ hẻo lánh. Căn bệnh xã hội này phổ biến đến nỗi đã nảy sinh ra cụm từ «liushou ertong» (lưu thu nhi đồng) để chỉ những trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi như thế.
Hiện nay có đến 61 triệu trẻ em lạc loài tại các vùng nông thôn TC, chiếm đến 40% trẻ em nông thôn dưới 16 tuổi. Tại huyện Nạp Ung, phóng viên gặp phải sự dè dặt của người dân khi nói đến vấn đề này, và chính quyền thì có thái độ cảnh giác. Đó là vì tại đây đã xảy ra hai thảm kịch gây ấn tượng trên toàn quốc. Năm 2012, năm bé trai đã chết ngạt trong một container rác thải sau khi đốt lửa sưởi ấm. Đó là năm anh em họ, có cha đi lao động ở Thâm Quyến. Đến tháng 6/2015, một bé trai 13 tuổi đã đầu độc ba em gái của mình trước khi uống thuồc diệt cỏ để tự tử. Cha mẹ các em đã ly thân, đang đi làm việc ở xa, và bé trai trở nên bị trầm cảm nặng.
Sự vắng mặt lâu ngày của các bậc phụ huynh gây ảnh hưởng nặng nề về tâm lý lên đứa trẻ, nhưng tình trạng này lâu nay không được đánh giá đúng mức tại TC. Một nghiên cứu về «Tình trạng tâm thần của các trẻ em bị bỏ rơi» được công bố vào mùa hè 2015 cho biết, 15% trong số đó, tức 9 triệu em chỉ được gặp cha mẹ mỗi năm một lần.
Vấn đề an ninh cũng rất đáng ngại tại Nạp Ung, các xe cảnh sát phải túc trực ban đêm. Khi lớn lên, những trẻ em có liên hệ gia đình lỏng lẻo dế trở thành tội phạm, và «băng nhóm Quý Châu» trong những năm gần đây còn tung hoành tại Quảng Đông, Hồng Kông. Tháng 9/2015, chính quyền Quý Châu đã kêu gọi các huyện giảm số lượng «lưu thu nhi đồng» 10% một năm, nhưng từ ý đồ đến thực hiện còn một khoảng cách rất xa.
Thiện nguyện chữa bệnh lao ở Bắc Triều Tiên
Nhìn sang quốc gia châu Á khép kín nhất thế giới, La Croix chú ý đến việc «Chữa trị bệnh lao tại Bắc Triều Tiên». Quỹ Eugene-Bell đã cứu được nhiều mạng sống tại đây từ hai thập kỷ qua – một thành tích đáng nể, trong lúc Bình Nhưỡng ngày càng bị cô lập.
Mỗi năm hai lần, ê-kíp Eugene-Bell đến Bắc Triều Tiên để khám bệnh và phát thuốc cho những người bị bệnh lao đa kháng thuốc. Căn bệnh lây lan khi ho, sổ mũi hay nói hàng năm giết hại hàng triệu người trên thế giới. Bác sĩ Stephen Linton, chủ tịch và là người sáng lập tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Seoul cho biết: «Bệnh lao là vấn đề y tế trầm trọng nhất tại Bắc Triều Tiên. Bệnh này lây truyền qua đường không khí. Hàng năm, có 100.000 người Bắc Triều Tiên được chữa trị bệnh lao, trong đó có 4% bị nhiễm các loại vi trùng rất mạnh, kháng được các loại thuốc thông thường».
Chính là số 4% này mà bác sĩ Stephen Linton, xuất thân từ một gia đình truyền giáo Tin Lành từ nhiều đời ở Hàn Quốc, đã dành mọi công sức để giúp đỡ. Tuy rất ít tổ chức phi chính phủ được cho phép hoạt động tại Bắc Triều Tiên, ê-kíp của ông cứ mỗi sáu tháng lại đến thăm 12 trung tâm y tế tại nhiều tỉnh khác nhau. Ông nói: «Chúng tôi là một đội ngũ đa tôn giáo, có Tin Lành, Công giáo lẫn những người vô thần, cùng làm việc để giúp đỡ người nghèo».
Khởi hành từ Bình Nhưỡng vào 5 giờ sáng, đến đêm mới trở về, cộng với nguy cơ bị lây nhiễm; những chuyến đi kéo dài nhiều tuần lễ rất vất vả và nguy hiểm. Ông Bérard, người phụ trách xét nghiệm tại chỗ cho biết: «Nếu không có Eugene-Bell, bệnh nhân không được chạy chữa và sẽ chết. Chúng tôi đã cứu được nhiều mạng người».
Bệnh lao đa kháng thuốc cần có thuốc đặc trị rất đắt tiền, khoảng 5.000 đô la một người. Eugene-Bell chữa chạy cho 1.500 bệnh nhân Bắc Triều Tiên một năm. Nhưng bác sĩ Linton cay đắng nói: «Đó chỉ là 20% số bệnh nhân. Tuy về kỹ thuật có thể chữa cho tất cả mọi người, nhưng điều kiện tài chính chỉ cho phép đến thế». Ông nhấn mạnh về hiệu quả : 76% khỏi bệnh so với tỉ lệ trung bình trên thế giới là 48%.
Chi phí chủ yếu do các mạnh thường quân Hàn Quốc đóng góp: giáo hội, cá nhân hay doanh nghiệp. Danh tính người hảo tâm được dán trên mỗi phần thuốc trao tận tay cho bệnh nhân. Đáng ngạc nhiên là xuất xứ tôn giáo không hề là vấn đề, trong khi chế độ Bình Nhưỡng luôn cấm cản việc hành đạo. Bác sĩ Linton nhận xét: «Đó là vì chính quyền hiểu được rằng y tế đang khủng hoảng trầm trọng, và vì chúng tôi tránh đụng đến chính trị. Vai trò của chúng tôi không phải là thay đổi xã hội Bắc Triều Tiên, mà là giúp đỡ những người dễ tổn thương nhất».
Thời trang từ rác thải nhựa
Trên lãnh vực môi trường, bài phóng sự «Các tàu đánh cá Tây Ban Nha thu về cả plastique» cho biết thay vì quăng trở xuống biển, những rác thải nhựa dính trong lưới nay trở thành nguyên liệu cho ngành dệt may.
Từ tháng 9/2015, các thủy thủ ở cảng Villajoyosa thuộc tỉnh Alicante, khi ra khơi không chỉ đánh cá mà còn thu nhặt cả rác thải nhựa. Một doanh nhân Tây Ban Nha đã có sáng kiến tái chế rác ở biển thành các trang phục sinh thái. Vỏ xe cũ, lưới đánh cá hư hỏng, chai nhựa…đã được biến thành những chiếc áo khoác thời trang, túi ba lô…bày bán ở những cửa hàng sang trọng ở Luân Đôn và New York.
Tựa chính báo Pháp
Thời sự nước Pháp được các báo Paris chạy tựa trên trang nhất hôm nay, trước hết về mặt kinh tế, Les Echos nhấn mạnh «Thâm hụt ngân sách, cải cách luật lao động: Nước Pháp trong tầm ngắm». Tuy tỉ lệ thâm hụt đã giảm xuống còn 3,5% GDP, một con số ngoài mong đợi, nhưng Bruxelles vẫn muốn Paris nỗ lực nhiều hơn để đạt mục tiêu trong năm 2017.
Trên lãnh vực y tế, Le Monde tiết lộ «Mối quan hệ mập mờ giữa các hãng dược phẩm và các bác sĩ», khi hàng năm ngành công nghiệp dược phẩm vẫn chi hàng trăm triệu euro cho các y sĩ đi tu nghiệp và cho thử nghiệm.
Nhân mùa Phục Sinh năm nay, nhật báo công giáo La Croix nói về «Phục Sinh và hy vọng».Về mặt chính trị, Libération chạy tít «Mélanchon, người solo trong vô định», nói về ứng cử viên cực tả tham gia cuộc đua vào điện Elysée nhưng không dựa trên đảng phái nào mà trên các ủy ban «bất tuân» để khoác lên tầm vóc xã hội công dân.
Riêng nhật báo Le Figaro nhìn sang Trung Đông với nhận định trên trang nhất: «Syria-Irak: Nhà Nước Hồi Giáo thụt lùi trên mọi mặt trận». Lãnh thổ do quân thánh chiến kiểm soát đang co rút lại, tuy nhiên chưa ảnh hưởng nhiều đến năng lực của tổ chức khủng bố này.