Điểm Báo Pháp – 29-2-2016
Cô bò sữa 8 tuổi – mang biệt danh “Cerise” – của nhà nông Joël Sillac, được lấy làm biểu tượng của Triển Lãm Nông Nghiệp năm nay, Paris, 27/02/2016. – REUTERS/ Jacky Naegelen
Theo RFI – Thu Hằng – 29-02-2016
Pháp: Nông dân bất mãn, tổng thống bất lực
Triển Lãm Nông Nghiệp Pháp được khai mạc ngày 27/02/2016. Có mặt từ 7 giờ 30 sáng như mọi năm, tổng thống Pháp François Hollande đọc diễn văn và cắt băng khai mạc «trang trại lớn nhất nước Pháp» trong tiếng la ó của người nông dân, bất mãn vì cuộc khủng hoảng nông nghiệp vẫn chưa có lối thoát. Còn tổng thống thì tỏ ra bất lực!
Trong số ra ngày 29/02, nhật báo Le Monde, dưới dòng tựa «Triển lãm nông nghiệp mở cửa trong bầu không khí khủng hoảng sâu sắc» và Libération, với bài viết «Chăn nuôi: Phạm vi hành động có hạn của Hollande », đều mở đầu bằng những tiếng la ó của người nông dân: «Từ chức đi!», «Biến đi!», «Vô tích sự!», thậm chí là cả «Tên khốn!».
Cuộc khủng hoảng «niềm tin» giữa chính phủ và giới nông dân kéo dài từ mùa hè năm 2015. Một nhà chăn nuôi và sản xuất sữa bày tỏ bức xúc với phóng viên viên của Libération: «Ngành nông nghiệp đang chết dần. Nhà nước phải giúp đỡ chúng tôi. Không phải chỉ mỗi trợ giúp tài chính là có thể giải quyết mọi khó khăn. Điều mà chúng tôi cần là «giá»».
Những «biện pháp nhỏ » mà giới chăn nuôi phản đối là khoản tiền trợ cấp 825 triệu euro giành riêng cho ngành chăn nuôi. Ngoài ra còn phải kể tới biện pháp giảm các khoản đóng góp xã hội và một năm miễn đóng góp đối với những nông dân đang gặp khó khăn.
Chính phủ Pháp không thể vượt quá các biện pháp tài chính trên, trừ phi chấp nhận vi phạm quy tắc về cạnh tranh của Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, theo Libération, tổng thống Pháp vẫn còn lá bài cuối cùng: đó là « luật hiện đại hóa nền kinh tế » (LME), được thông qua vào năm 2008 dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy.
Song đạo luật này lại bị nông dân Pháp đánh giá là càng góp phần làm giá thu mua nông sản giảm một cách thê thảm. Vì các trung tâm thu mua của các nhà phân phối được phép tự do thương lượng giá mua/bán với nhà cung cấp. Dĩ nhiên, điểm tích cực của đạo luật này là kích thích sức mua của người tiêu dùng nhờ giảm giá bán các mặt hàng, nhưng điểm tiêu cực là gây ra tình trạng «ép giá » các nhà sản xuất nông nghiệp.
Chính phủ muốn xem xét «luật hiện đại hóa nền kinh tế » trước mùa hè để có thể đáp ứng đòi hỏi của người nông dân. Tuy nhiên, các nhà sản xuất nông nghiệp Pháp lại tỏ ra phẫn nộ vì họ không được mời tham gia vào các cuộc thương lượng, thường chỉ có hai bên: các doanh nghiệp chế biến nông phẩm và các hệ thống phân phối và bán lẻ. Họ kêu gọi Nhà nước phải cân bằng lại mối quan hệ thương mại giữa khu vực chế biến và khu vực phân phối, sao cho có lợi cho người nông dân.
Tổng thống Pháp «lực bất tòng tâm »
Đáp lại những tiếng la ó, tổng thống François Hollande phát biểu: «Những lời kêu tuyệt vọng, tôi đều nghe thấy » hay hứa hẹn: «Chúng ta sẽ làm tất cả». Trên thực tế, cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng hơn từ mùa hè năm 2015, đặc biệt đối với các nhà chăn nuôi. Một mặt, Nga ban hành lệnh cấm vận thực phẩm châu Âu từ tháng 02/2014 để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp. Tiếp theo là việc xóa bỏ hạn ngạch sữa đối với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu dẫn tới tình trạng châu Âu tràn ngập sữa và Trung Quốc cũng phải tạm ngừng nhập khẩu. Kết quả là giá sữa và giá thịt heo tụt giảm trầm trọng.
Còn tại Pháp, từ tháng 01/2016, căng thẳng giữa chính phủ và người nông dân tăng thêm một bậc. Nhật báo Le Monde nhận định, nông dân Pháp đều hiểu rằng đa số những quyết định «bất lợi cho họ » và dẫn đến tình trạng khủng hoảng hiện nay đều được thông qua dưới thời những chính phủ trước.
Tổng thống François Hollande muốn tìm ra được một thỏa thuận nhất trí giữa các bên, song «lực bất tòng tâm ». Các nhà phân phối vẫn theo đuổi cuộc chiến « giá cả»; còn các nhà chế biến – luôn ủng hộ chính sách tự do hóa của Bruxelles và xóa bỏ hạn ngạch – thì muốn thu mua nguyên liệu với giá thành rẻ nhất, đồng thời họ cũng không muốn ghi xuất xứ nguồn của sữa và thịt trên bao bì. Đây là một chi tiết luôn được người tiêu dùng Pháp chú ý.
Hiện nay, các nhà chăn nuôi vùng Bretagne là những người chịu ảnh hưởng nhiều nhất do thực hiện lời kêu gọi tăng năng suất của Liên Đoàn Quốc Gia các Nghiệp Đoàn Nông Dân (FNSEA). Điều này cũng giải thích các cuộc biểu tình thường bắt nguồn từ vùng Bretagne.
Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối?
Chủ đề thời sự châu Á được quan tâm là hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ngày 26 và 27/02 tại Thượng Hải (TC). Trong hai ngày làm việc, bộ trưởng Tài Chính khối G20 đã không thống nhất được các biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng của thế giới.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhận định: «Các bộ trưởng Tài Chính khối G20 lúng túng giải thích về tăng trưởng yếu ớt ». Họ biết triệu chứng của tình trạng hiện nay song không đưa ra được biện pháp giải quyết.
Còn nhật báo Le Monde, thông qua hội nghị G20, lại có một bài nhận định về vai trò của chủ tịch TC Tập Cận Bình với câu hỏi lớn: «Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo có quyền lực tuyệt đối?» Thực vậy, vị thế của người đứng đầu TC ngày càng được củng cố. Ngoài can thiệp vào đời sống chính trị và xã hội, «chủ tịch Tập Cận Bình muốn kiểm soát nền kinh tế», như lời tựa của bài báo.
Từ hơn một năm nay, dấu hiệu cho thấy Tập Cận Bình «lấn sân » ngày càng nhiều: từ lĩnh vực năng lượng tới cải cách, rồi chuyển sang lĩnh vực tài chính. Ông là người đứng đầu nhiều ủy ban mang tính quyết định. Ông giám sát quá trình soạn thảo bản kế hoạch 5 năm lần thứ 13, thường do thủ tướng phụ trách. Hay gần đây, ông Lý Hạ (Liu He), một người thân cận của chủ tịch TC, đã làm việc với bộ trưởng Tài Chính Mỹ Jacob Lew, trong khi đây là vai trò của phó thủ tướng.
Năm 2015 đánh dấu mức tăng trưởng kém nhất từ 25 năm nay của TC. Không rõ chủ tịch Tập Cận Bình có nghi ngờ về chương trình cải cách của thủ tướng Lý Khắc Cường hay không, nhưng hiện nay, Tập Cận Bình đang nắm nhiều quyền điều hành. Hơn nữa, trái ngược với mong muốn cải tổ các tập đoàn quốc doanh của thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Tập Cận Bình lại nhấn mạnh «cần phải củng cố và phát triển lĩnh vực công. Và lĩnh vực này phải giữ vị thế trung tâm».
Theo một kinh tế gia chuyên về TC tại Ngân hàng Thế giới, «điều này cho thấy rằng cải cách thị trường là một biện pháp để củng cố cho hệ thống cầm quyền hiện hành tại Trung Quốc, trong đó chính phủ và lĩnh vực công đóng một vai trò quan trọng».
Thỏa thuận đình chiến Syria, mong manh và bất trắc
Có hiệu lực từ 0 giờ (giờ địa phương) ngày 27/02 vừa qua, thỏa thuận đình chiến tại Syria được Nga và Mỹ hậu thuẫn dường như đã bị vi phạm. Nhật báo Libération nhận định: «Một thỏa thuận đình chiến vừa mong manh vừa bất trắc», cũng như quá trình đàm phán hòa bình được ấn định ngày 07/03 tại Geneve còn rất bấp bênh.
Còn nhật báo La Croix quan tâm tới cuộc sống của người dân Syria trong hai ngày đầu không tiếng bom đạn dưới dòng tựa trên trang nhất: «Syria, thời khắc ngừng bắn». Hình ảnh bốn bé trai chơi đá bóng bên cạnh những tòa tan hoang, lỗ chỗ vết đạn tại thành phố Bosra, chiếm gọn trang nhất của La Croix.
«Xung đột tại Syria nhìn từ nơi khác » là chủ đề mục «Sự kiện » bên trong tờ báo. Tờ báo Công Giáo phỏng vấn người dân của các quốc gia lân cận về cuộc chiến tại Syria, cũng như cảm nghĩ của họ về thỏa thuận ngưng chiến. Tại Beyrouth (Liban), một người lái taxi cho rằng đó là cuộc thế chiến thứ 3. «Tại chiến trường Syria, người ta buôn bán đủ thứ: vũ khí, tài nguyên thiên nhiên, đồ cổ, thuốc phiện…». Còn tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), một sinh viên chỉ trích chính phủ tham chiến để đánh lạc hướng công luận. Hay tại Teheran, các đài truyền hình hàng ngày vẫn chiếu những phóng sự về điều kiện sống của người dân Syria trong cuộc chiến. Còn tại Matxcơva xen lẫn giữa lòng tự hào là lo ngại sa lầy vào một «Afghanistan mới».
Bầu cử tại Iran: Phe cải cách trên đà chiến thắng
Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 28/02, phe cải cách của tổng thống Iran Rohani giành được toàn bộ tổng số 30 ghế tại thủ đô Teheran. Liên minh cải cách và ôn hòa có thể hài lòng về kết quả trên toàn lãnh thổ.
Cuộc bầu cử tại Iran đều được các nhật báo Pháp đề cập. Trên trang nhất của Le Figaro là hàng tựa: «Phe cải cách được củng cố nhờ cuộc bầu cử lập pháp tại Iran». Đây cũng là nhận định của Les Echos: «Thúc đẩy cải cách củng cố phe của tổng thống Rohani». Tổng thống Iran hoàn toàn có thể hài lòng vì đồng minh của ông Akbar Hachemir Rafsandjani, từng giữ chức tổng thống Iran, được bầu vào Hội Đồng Các Giáo Sĩ – cơ quan có trách nhiệm chỉ định lãnh tụ Tối cao Iran.
Theo phân tích của tờ La Croix trong bài: «Phe ôn hòa được củng cố tại nghị viện Iran », dù «phải chờ kết quả kiểm phiếu cuối cùng, thì nghị viện mới sẽ mang khuynh hướng ôn hòa hơn so với nghị viện cũ do phe bảo thủ chiếm đa số ». Một điểm tiến bộ khác là sẽ có nhiều nữ đại biểu quốc hội hơn. Một chuyên gia về Iran hy vọng: «Những nữ đại biểu này sẽ tác động để có nhiều đạo luật bình đẳng giữa nam giới và nữ giới hơn». Thế nhưng, ưu tiên trước mắt của Iran chắc chắn vẫn là phát triển kinh tế.
Guantanamo : Bên trong con quái vật của Mỹ
Phóng viên của nhật báo Le Monde là một trong số những nhà báo hiếm hoi được phép thăm quan và đưa tin về điều kiện giam giữ từ nhân tại nhà tù Guantanamo của Mỹ. Đóng cửa «Guantanamo, con quái vật của Mỹ» là ưu tiên của ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Chỉ còn vài tháng trước khi hết nhiệm kỳ, dường như người đứng đầu Nhà Trắng vẫn chưa thể thực hiện được lời hứa.
Tại «Gitmo », theo cách người Mỹ gọi Guantanamo, hiện vẫn còn 91 tù nhân. Trại số 6 giam giữ những tù nhân được đánh giá là «có hợp tác » (highly compliant). Cách đó chứng 20 mét là trại số 5, nơi giam giữ tù nhân «không hợp tác » được canh phòng cẩn mật với hàng rào dây kẽm chằng chịt. 91 tù nhân cuối cùng tại «Gitmo » bị quân đội Mỹ bắt và bị gắn với mác «chiến binh bất hợp pháp » (combattant illégal/ennemy combatant) để tránh các ràng buộc của công ước Geneve.
Hiện tại, nhà tù vẫn hoạt động như bình thường và tiêu tốn khoảng 400 triệu đô la hàng năm, trung bình khoảng 4 triệu đô la/tù nhân. Khoảng 100 bác sĩ, y tá và điều dưỡng viên vẫn thay nhau làm việc cả ngày và cả tuần. 2.000 quản trại vẫn làm việc dù số lượng tù nhân đã giảm, để có thể đảm bảo an ninh toàn bộ khu vực nhà tù.
Phóng viên của Le Monde miêu tả trại số 6 nơi giam giữ khoảng 40 tù nhân được coi là «hợp tác ». Khoảng 20 phòng giam được xây thành 2 tầng bao quanh một gian phòng lớn chừng 60 m2, ở giữa phòng có ba chiếc bàn bằng thép. Ở hai đầu phòng sinh hoạt chung là hai màn hình TV được gắn trên tường, với 300 kênh truyền hình.
Mỗi xà lim có một cửa sổ nhỏ trổ ra sân, một chỗ để nằm cùng với một chiếc đệm, một bệ xí, một chiếc gương, một chiếc bàn nhỏ, một tai nghe tránh ồn, 5 quyển sách trong đó có một quyển kinh Coran, một chiếc thảm để cầu nguyện và một mũi tên sơn đen trên nền chỉ về hướng thánh địa Mecca.
Mỗi tù nhân có thể cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, mỗi lần kéo dài 20 phút. Một số người theo học các ngoại ngữ, tiếng Anh hoặc tiếng Tây Ban Nha, học tin học hay nghệ thuật tạo hình. Họ cũng có một thư viện với khoảng 3.500 đầu sách, tạp chí, đĩa DVD-CD và trò chơi điện tử…
Họ được phép ra ngoài sân chơi trong khoảng thời gian từ 2 giờ tới 22 giờ, tùy theo vị trí và thái độ của họ. Một quản giáo nhận xét: «Họ chơi bóng đá rất cừ». Thế nhưng, đôi khi vẫn có một cú sút bóng thẳng lên phía các trạm gác trên cao, như « một hành động thách thức», theo nhận xét của một nhà báo trong đoàn.