Điểm Báo Pháp – 29-10-2015
Đội quân ảo của Bắc Kinh
Đó là tựa đề bài phóng sự dài trên Le Figaro hôm nay với ghi nhận: «Hôm 25/09/2015 Obama và Tập Cận Bình đã ký một thỏa thuận bất tương xâm về tin học, nhưng hàng nghìn tin tặc (hacker) đỏ, hay còn gọi là những «hồng khách» ( Honker) vẫn rất tích cực trên tuyến đầu. Họ là những kẻ thù ảo của Mỹ và Nhật Bản. Cuộc chiến trong bóng tối được tiến hành nhân danh tinh thân yêu nước!».
Thông tín viên của le Figaro tại Bắc Kinh Patrick Saint-Paul mô tả về những chiến binh mạng của TC: «Không cần đợi được chỉ huy, họ lao vào cuộc tấn công mỗi khi có một chút căng thẳng ở trên biển Trung Hoa. Dán mặt vào màn hình máy tính, những chiến binh ái quốc với tinh thần dân tộc chủ nghĩa thực sự là một lực lượng «hồng quân ảo», sẵn sàng tấn công kẻ thù của TC bất cứ lúc nào. Đội quân này có hàng nghìn «lính» và được đặt tên là những «hồng khách» tức hacker đỏ».
Theo Le Figaro, «về mặt chính thức những người này không thuộc sự quản lý của chính phủ TC,họ vẫn nói là không hề nhận bất kỳ mệnh lệnh hay hỗ trợ tài chính nào từ chính quyền, «nhưng, họ lại là nhưng người trên tuyến đầu mỗi khi tình hình quan hệ giữa Bắc Kinh với các đối thủ trở nên tồi tệ».
Bài báo dẫn lời Vương Tử (Wang Zi) một chuyên viên tin học khoảng 30 tuổi, chủ tịch hội Hồng khách TC (Honker’s Union of China) nói: «Khi chủ quyền đất nước chúng tôi bị đe dọa, thậm chí bị xâm phạm, chúng tôi tổ chức phản công, nhất là để chống lại Mỹ và Nhật ».
Anh ta coi sự kiện chiến hạm USS Lassen của Mỹ vào tuần tra trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do TC bồi đắp trong khu vực Trường Sa hôm thứ Ba (26/10) là một hành vi xâm lược. Vương Tử nhận định: «Là người Trung Quốc, không thể không hành động. Chúng tôi sử dụng các công nghệ bày tỏ tình cảm của mình qua internet để ủng hộ đất nước, đó là điều bình thường. Chúng tôi bỏ qua những khiêu khích vụn vặt, nhưng khi căng thẳng lên cao độ, chúng tôi phải đáp trả».
Bài phóng sự nhắc lại, hồi mùa hè này, chính phủ Mỹ đã thông báo phát hiện vụ tin tặc lấy trộm dữ liệu cá nhân của 4 triệu nhân viên chính quyền Hoa Kỳ và tác giả của vụ này có thể là những tin tặc TC. Như thường lệ, bộ Ngoại giao TC coi các cáo buộc như vậy là «vô trách nhiệm và không có cơ sở khoa học».
Rồi đến tháng 8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng tố TC và Nga có thể đã xâm nhập hộp thư điện tử của ông. Ngược về một năm trước, tư pháp Mỹ đã truy tố 5 quân nhân TC vì những nghi vấn hoạt động gián điệp mạng nhằm vào nhiều doanh nghiệp Mỹ. Theo hồ sơ vụ này thì 5 quân nhân nói trên thuộc biên chế của một đơn vị bí mật có tên «đơn vị 61398», đặt tại Thượng Hải.
Vương Tử phủ nhận Hội hồng khách của anh tham gia vào các vụ đánh cắp thông tin của các doanh nghiệp. Anh ta khẳng định các hồng khách không thuộc chính phủ TC, họ chỉ «là những hacker yêu nước».
Theo CrowdStrike, một công ty chuyên về an ninh mạng của Mỹ, mặc dù Bắc Kinh và Washington hồi cuối tháng 9 đã thỏa thuận không làm gián điệp thương mại lẫn nhau nhưng từ đó đến nay vẫn có ít nhất 7 công ty Mỹ bị các hacker có liên quan với chính phủ TC xâm nhập đánh cắp thông tin.
Trở lại với vị chủ tịch Hội hồng khách TC, Vương Tử khoe: «vì lòng yêu nước, tôi đã tổ chức một cuộc tấn công mạnh vào các địa chỉ internet chính thức của cảnh sát Nhật vào đúng ngày kỷ niệm 18/9 (ngày quân Nhật chiếm Trung Quốc năm 1931) và trang mạng của cảnh sát Nhật đã bị tê liệt rong ba ngày».
Le Figaro cho biết, các Hồng khách đã tấn công nhiều mục tiêu chính thức ở Nhật Bản, Philippines và Việt Nam vì những căng thẳng tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Tác giả bài phóng sự cho biết, vào thời thịnh nhất, các hồng khách quy tụ được tới 80 000 thành viên, luôn sẵn sàng mở các cuộc tấn công tin học ồ ạt vào kẻ thù của TC. Năm 2003 chính phủ TC có gặp các lãnh đạo của Hội hồng khách, nói là để răn đe họ trong các hoạt động… nhưng thực chất là để tuyển dụng những thành phần tài năng vào đơn vị chính thống của Nhà nước.
Giờ đây hội tin tặc này đã tan rã dần chỉ còn không quá 8000 nghìn thành viên nhưng vẫn rất tích cực tiến hành các cuộc tấn công mỗi khi quan hệ của TC với đối thủ căng thẳng và không không hề bị chính quyền Bắc Kinh cấm đoán hay trấn áp.
Biển Đông: Mỹ nhập cuộc thách thức TC
Nhật báo Le Monde trở lại sự kiện Hải quân Mỹ đưa tàu tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo do TC bồi đắp trong quần đảo Trường Sa- Biển Đông. Tờ báo nhận định: «Người Mỹ thách thức Bắc Kinh trên biển Trung Hoa (tức Biển Đông)».
Le Monde ghi nhận sau một thời gian dài «chần chừ, do dự, chuẩn bị sân bãi, để lọt ra các thông báo ý định theo nhiều cách khác nhau, cuối cùng thì Hoa Kỳ hôm 26/10 này đã cho tàu xâm nhập vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo mà Bắc Kinh mới dựng lên trong vài tháng gần đây».
Tờ báo nhắc lại đây là lần đâu tiên từ năm 2012 hải quân Mỹ mới vào khu vực quần đảo Trường Sa, nơi các nước như TC, Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei đều đòi chủ quyền. Khu vực này trở nên nóng thực sự từ khi TC cho bồi đắp các đảo đang tranh chấp, nghiễm nhiên coi đó thuộc chủ quyền của mình.
Dựa trên lập luận bảo vệ quyền tự do lưu thông hàng hải, Mỹ đã can dự vào cuộc cờ ở khu vực Đông Nam Á này. Tờ báo ghi nhận sự kiện này «diễn ra vài tuần trước cuộc họp thượng đỉnh các nước ASEAN tại Malaysia và diễn đàn Hợp tác Châu Á- Thái Bình Dương APEC sẽ được tổ chức vào cuối năm với sự tham dự của Tổng thống Barack Obama. Hoa Kỳ phải trấn an các đồng minh trong khu vực, vì chính quyền Obama đã chậm phản ứng về vụ đảo nhân tạo này».
Tương lai nào cho đảo Đài Loan với Hoa Lục
Chuyển qua với nhật báo Les Echos, vẫn là đề tài châu Á, tờ báo nhìn về đảo Đài Loan với bài viết «khao khát của Đài Loan muốn thoát ra khỏi số phận lục địa».
Bài viết dài điểm lại tiến trình quan hệ Đài Loan với Hoa Lục từ trước tới nay và rút ra một nhận xét: «Ba tháng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Giêng tới, «hòn đảo nổi dậy» đang ngày càng gắn bó với TC. Vấn đề giải thoát của hòn đảo càng ngày càng chỉ là lý thuyết, trước thực tế sự xích lại gần (với Hoa lục) dường như là tất yếu».
Người Miến Điện đi học bầu cử
Tiếp tục với một thời sự châu Á đang được chú ý nhiều đó là cuộc bầu cử Quốc hội quan trọng tại Miến Điện dự kiến vào ngày 8/11 tới.
Libération đến với đất nước này trong những ngày trước sự kiện này bằng bài viết: «Những người Miến Điện đi học dân chủ». Đây là cuộc bầu cử hứa hẹn sẽ là dân chủ nhất ở Miến Điện sau nhiều thập kỷ sống dưới chế độ độc tài quân sự, đồng thời cũng là bài trắc nghiệm cho tiến trình dân chủ hóa đất nước kể từ khi chuyển tiếp qua chế độ dân sự. Đặc phái viên của tờ báo tại Miến Điện những ngày này quan sát thấy một thực tế khá thú vị: «Chuẩn bị cho cuộc tuyển cử lịch sử ngày 8/11, các đảng của bà Aung San Suu Kyi cũng như của tập đoàn quân sự cầm quyền đang tập trung để dạy cho nhân dân bỏ phiếu».
Gần đến ngày bầu cử, các công việc chuẩn bị cho sự kiện dân chủ lớn ở đất nước này đang diễn ra nhộn nhịp. Tác giả ghi nhận thấy tại một địa điểm bầu cử ở Rangoon, thủ đô cũ của Miến Điện, các thành viên đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đã tập hợp nhiều người dân dạy cho họ chi tiết thao tác đóng dấu, ghi danh cử tri….ra sao. Người dân bình thường Miến Điện không có thói quen cầm con dấu hay viết gì nhiều, trong đầu họ đó là việc của chính quyền, vì thế phải dạy cho họ.
Trong kỳ bầu cử tới trên lý thuyết có 32 triệu cử tri Miến Điện, nhưng trong số họ có «biết bao nhiêu triệu người mất phản xạ bầu cử, hay có cả triệu người chưa một lần trong đời đi bỏ phiếu. Thậm chí lúc này các đảng phái còn phải tìm cách hướng dẫn cho các cử tri nhớ được lô gô, biểu tượng của đảng mình để khỏi nhầm khi bỏ phiếu».
Kỳ bầu cử này có quá nhiều khác biệt, ít nhất lúc này là về mặt hình thức, so với các kỳ tuyển cử dưới chế độ độc tài quân sự. Chẳng phải đó là điều cho phép để hy vọng một tương lai dân chủ cho đất nước Miến Điện?
Khủng hoảng nhập cư: Châu Âu trở lại rào chắn biên giới
Trở lại với châu Âu: Khủng hoảng di dân tiếp tục nổi lên chiếm trang nhất nhiều tờ báo. Le Figaro chạy tựa lớn trang nhất «Trước người nhập cư, châu Âu ở vào thời kỳ của tường rào».
Bất lực với làn sóng người nhập cư vẫn không ngớt đổ vào lục địa châu Âu, sau Hungary, Serbia nay đến lượt Áo cũng thông báo dựng ba-ri-e ở biên giới với Slovenia nhằm kiểm soát làn sóng người tị nạn. Tuy nhiên quyết định như vậy là vi phạm quy định tự do đi lại trong Liên hiệp châu Âu.
Trong khi đó Libération đưa lên trang nhất vấn đề của nước Đức liên quan đến hồ sơ người nhập cư: «Chủ nghĩa dân tộc cực đoan, Berlin báo động», tựa trang nhất của tờ báo. Libération dẫn đánh giá của nhiều quan chức cao cấp Đức cho rằng : «tư tưởng vị kỷ quốc gia, cuộc khủng hoảng di dân đang làm dấy lên mạnh chưa từng có những thành phần cực đoan trong khắp liên hiệp châu Âu». Trong khi đó các nước đông Âu lại tỏ ra thiếu tinh thần đoàn kết dẫn đến những rạn vỡ trong lòng Liên hiệp