Điểm báo Pháp ngày 28-12-2015
Các trường đại học Trung Quốc có dạy tiếng Anh, nhưng chất lượng của một số giáo trình và trình độ giảng viên vẫn chưa đạt tiêu chuẩnREUTERS /Jason Lee
Đăng ngày 28-12-2015
Trung Quốc, điểm đến mới của sinh viên Pháp
Trên báo Les Echos, số ra ngày hôm nay, 28/12/2015, có bài viết « Trung Quốc, điểm đến mới của sinh viên Pháp ». Theo một cuộc điều tra gần đây của các trường đại học Trung Quốc, Hoa lục ngày càng thu hút nhiều du học sinh Pháp.
Có đến 2.513 sinh viên Pháp tại Trung Quốc trong năm học 2013-2014, tăng gần 90% trong một năm. Trung Quốc đang vượt qua Anh Quốc trong tốp đầu những điểm đến du học lý tưởng. Tuy nhiên, theo Les Echos, chất lượng của các giáo trình cũng như trình độ của các giảng viên chưa chắc gì đã tương xứng với tầm vóc và uy tín của các trường nổi tiếng của Trung Quốc.
Tờ báo đơn cử một vài ví dụ, trong đó có trường hợp của Lauriane, năm nay 26 tuổi. Từ khi còn nhỏ, cô đã muốn đến Trung Quốc. Trước khi đến Bắc Kinh, cô theo học ngành kinh doanh châu Á tại trường Sciences Po thành phố Lyon. Cô đã đặt chân đến Trung Quốc vào năm 2009 để học ngôn ngữ, và hiện nay cô hoàn toàn vững tiếng Hoa (Quan thoại). Romain, 23 tuổi cũng đến Thượng Hải để tham gia các khóa học kiến trúc tại trường Đại học Đồng Tế, trong chương trình hợp tác với trường đại học tại thành phố Toulouse.
Các trường đại học Trung Quốc thường tuyển giáo viên nước ngoài về giảng dạy, nhiều chương trình được dạy bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, theo cô Sylvie, sinh viên ngành kinh doanh, ngoại trừ một số môn, thì các môn còn lại giống như những gì cô đã học tại Pháp. Đó cũng là nhận xét của hai bạn Marion và Edouard, họ có cảm tưởng như họ « ở lại lớp », học lại cùng một giáo trình nhưng bằng tiếng Hoa. Ngược lại, các sinh viên đều cho rằng họ trau dồi thêm ngoại ngữ, và tích lũy thêm kinh nghiệm.
Hiện tượng du học sinh Pháp sang Trung Quốc vẫn có chiều hướng gia tăng, nhất là sau khi nước Pháp ký thỏa thuận với Trung Quốc vào tháng 11/2015, tạo 2.000 khoá thực tập trong các công ty và doanh nghiệp cho sinh viên hai nước. Mỗi bên một ngàn khóa.
Tuy Hoa lục ngày càng thu hút nhiều du học sinh Pháp, nhưng giáo trình vẫn còn nhiều điều bất cập. Tờ báo đơn cử ví dụ của trường đại học ‘’Bắc Hàng’’ nổi tiếng là hàng đầu trong việc đào tạo kỹ sư ngành hàng không không gian, tuy các giáo trình đều được giảng bằng tiếng Anh, nhưng sinh viên có cảm tưởng là giáo viên vẫn còn thiếu kinh nghiệm cũng như sự chuẩn bị.
Tham nhũng tại Nga
Báo Liberation số ra ngày hôm nay, 28/12/2015, có bài dài với tựa « Tham nhũng tại Nga, thoảng một bầu không khí bỉ ổi, đê tiện », nói về bộ phim tài liệu của nhà đối lập Nga Alexei Navalny, tố cáo Viện trưởng Viện Kiểm sát Nga Iouri Tchaika và những người thân của nhân vật này, tham nhũng, cấu kết với mafia để làm giàu. Tổng thống Vladimir Putin và chính quyền Matxcơva không thể phủi tay trong vụ này.
Bộ phim tài liệu « Tchaika » do Quỹ chống tham nhũng (FAC) của nhà đối lập Nga Alexei Navalny thực hiện. Qua nghiên cứu các tài liệu đăng ký bất động sản, tài liệu hải quan, giao dịch ngân hàng, phỏng vấn người thân của những người bị ám sát, hoặc những người có doanh nghiệp bị tịch thu với sự đồng lõa của các chưởng lý vùng, bộ phim đã phác họa ra một mạng lưới cấu kết, tham nhũng rộng lớn, trải rộng trên toàn nước Nga, từ đông sang tây. Những trường hợp mà FAC nêu ra trong bộ phim, đó là sự làm giàu của hai người con trai ông Viện trưởng Viện Kiểm sát Iouri Tchaika, của bà vợ cũ một ông Phó Viện trưởng, cấu kết với vợ của một số trùm mafia.
Nhà đối lập Navalny giải thích : « Chúng tôi không phải là cơ quan mật vụ. Chúng tôi không có bằng chứng cụ thể về việc phạm tội của ông Tchaika. Nhưng chúng tôi thu thập được rất nhiều thông tin và chúng tôi cho rằng tất cả những âm mưu mà chúng tôi đã phát hiện, không thể được thực hiện nếu không có sự chấp thuận từ trước của ông ta ».
Vẫn theo nhà đối lập Nga, Viện trưởng Viện Kiểm sát Tchaika đã sắp xếp bạn bè thân hữu của ông vào những vị trí chủ chốt, qua đó, giúp cho con cái ông ta làm giàu. Đi xa hơn nữa, ông ta còn tìm cách làm mất uy tín các cơ quan tư pháp với sự hỗ trợ của cơ quan mật vụ Mỹ.
Tổng thống Nga có đặc quyền bổ nhiệm Viện trưởng Viện Kiểm sát. Và do vậy, vụ việc này đụng chạm trực tiếp đến điện Kremlin. Nhà đối lập Navalny tố cáo : “Không thể thắng thầu các hợp đồng lớn, nếu không có sự đồng ý trực tiếp của Putin“. Loại tham nhũng này được chấp nhận trong hệ thống lãnh đạo tại Nga. Ông Tchaika và các người con có quyền hối lộ tất cả mọi người. Tuy nhiên, thật là quá thể khi ông Viện trưởng Viện Kiểm sát lại có quan hệ với những tên trùm tội phạm. Bộ phim chắc chắn làm cho điện Kremlin tức giận vì những cáo buộc này vượt qua ngưỡng chấp nhận của Matxcơva và gây thiệt hại lớn về mặt chính trị cho điện Kremlin.
Thế nhưng, theo nhà đối lập Navalny, trong những vụ bê bối, khẩu hiệu của điện Kremlin là «không tố cáo các đồng đội của mình ». Các quan chức cao cấp tham nhũng, một khi bị lộ diện, không bao giờ bị trừng trị một cách công khai, nhất là dưới áp lực của công luận.
Cho đến lúc này, điện Kremlin vẫn chỉ đưa ra những phản ứng quen thuộc, coi đây là những cáo buộc đã từng nghe thấy nhiều lần và không quan tâm đến…bởi vì những cáo buộc này chỉ liên quan đến con cái ông Viện trưởng Viện Kiểm Sát và họ đã trưởng thành, có quyền làm ăn… Ông Navalny cho rằng Viện trưởng Viện Kiểm sát Tchaika đã bị cô lập. Không ai dám công khai đứng ra bảo vệ ông ta.
Bộ phim tài liệu « Tchaika » dài 43 phút đã có tới 3,5 triệu lượt người xem trên mạng internet. Nhà đối lập Navalny nhấn mạnh mục đích làm bộ phim tài liệu này : « Điều chúng tôi quan tâm là công luận, đó là điều duy nhất mà giới lãnh đạo Nga lo sợ. Ngày nay, tại Nga, không có luật và cũng chẳng có công lý. Chúng tôi chỉ muốn cho thấy là cái giá chính trị phải trả khi giữ ông Iouri Tchaika tại chức, cao hơn các giá sa thải ông ta. Cuối cùng thì giới lãnh đạo Nga cũng sẽ gạt bỏ ông Tchaika ».
Anh ở lại hay rời khỏi Liên hiệp Châu Âu
Trên trang quốc tế của báo Le Figaro, có bài viết về chủ đề : Cuộc trưng câu dân ý về việc nước Anh có nên ở lại trong Liên hiệp Châu Âu đang đe dọa chính phủ của ông David Cameron.
Các thành viên nội các Cameron đang trong tư thế lườm nhau trước khi nước Anh lấy quyết định mang tính « lịch sử » về việc ở lại hay rời khỏi Liên hiệp Châu Âu. Cuộc trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào khoảng mùa hè năm 2016. Chiến dịch vận động bỏ phiếu sẽ khởi động vào tháng Giêng.
Kẻ binh, người chống. Cuộc đối đầu giữa hai phe càng lúc càng trở nên căng thẳng trước khi ông David Camaron hoàn tất các cuộc thương lượng với Bruxelles về quan hệ trong tương lai giữa Anh và Liên hiệp Châu Âu. Tại Hội nghị thượng đỉnh 28 nước thành viên Liên hiệp Châu Âu, vào ngày 17 và 18/12 vừa qua, ông đã không nhận được sự ủng hộ nào về yêu sách của mình.
Ngược lại, ông đă nhận được sự hậu thuẫn trên nguyên tắc của các đối tác. Họ hứa làm tất cả để tránh kịch bản : nước Anh phải rời khỏi Châu Âu.
Tuy nhiên, Đảng bảo thủ đang nắm quyền, không mấy thích thú cho lắm. Theo ông Steve Baker, đại biểu đứng đầu nhóm chống Liên minh Châu Âu Conservatives for Britain, hiện giờ có hơn một nửa đảng viên trong cánh bảo thủ muốn nước Anh rút khỏi Liên hiệp Châu Âu. Theo phe này, những yêu sách hiện giờ của ông Cameron không đủ để thuyết phục « phe hoài nghi ».
Dự luật tước quốc tịch gây nhiều tranh cãi
Trên trang chính trị của báo Le Figaro, bài viết có tựa đề « Tước quốc tịch : Tranh cãi đang tăng cao tại Đảng Xã hội » cho thấy nhiều nhà lãnh đạo của Đảng xã hội đã bày tỏ chống đối với việc tước quốc tịch. Vấn đề này được đề cập trong một văn bản luật sẽ được trình bày tại Quốc hội vào ngày 03/02/2016. Jean-Marc Ayrault, cho biết : « Nếu hòa bình của nước Pháp đang bị đe dọa, thế thì đừng có chia rẽ nữa. Tất cả công dân Pháp đều bình đẳng trước Pháp luật.»
Ngay cả một bộ phận của cánh tả cũng phản đối dự luật tước quốc tịch của Tổng thống François Hollande. Báo Liberation đăng bức thư của Chủ tịch tổ chức phân biệt chủng tộc SOS Racisme và chất vấn ông Hollande : « Thưa Tổng thống, Ông không xấu hổ à ? ». Lãnh đạo SOS Racisme không ngần ngại tố cáo thái độ vô liêm sỉ của ông Hollande, sử dụng biện pháp này với hy vọng sẽ được tái đắc cử vào năm 2017.
Bên cạnh đó, Liberation điểm lại các phản ứng của một số nhân vật có tên tuổi trong đảng Xã Hội : Cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp, ông Benoit Hamon tố cáo đây là biện pháp của phe cực hữu.
Trong khi đó, ông Julien Dray, đồng sáng lập viên tổ chức SOS Racisme tuyên bố : « nước Pháp có nhiều việc khác phải làm thay vì lao vào tranh cãi về một biện pháp mà ai cũng biết là không có hiệu quả và cũng không mang tính biểu tượng trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn cựu Thủ tướng Jean Marc Ayrault thì nhắc nhở giới lãnh đạo : Nếu hòa bình tại Pháp bị đe dọa, thì không nên làm cho nước Pháp bị chia rẽ hơn. »
Cũng liên quan đến thời sự nước Pháp, tình hình đảo Corse vẫn thu hút sự chú ý của tờ Liberation với bài viết : « Đảo Corse : chỉ cần một tia lửa ». Các vụ bạo động làm rung chuyển đảo Corse từ tối thứ Năm 24/12, đã khởi phát sau khi những người lính cứu hỏa và cảnh sát bị rơi vào bẫy và bị tấn công ngay tại khu Vườn Hoa Hoàng Đế ở trung tâm thành phố Ajaccio. Thế nhưng, đó cũng là hệ quả của tư tưởng bài Hồi giáo, vốn tiềm ẩn từ nhiều tháng qua.
2015 là năm kỷ lục về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp
Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài viết : « 2015 là năm kỷ lục về mua bán và sáp nhập doanh nghiệp ». Đó là dấu hiệu cho thấy thị trường kinh doanh đã khôi phục trở lại sau nhiều năm chìm trong khủng hoảng kinh tế.
Hãng tin Reuters cho biết làn sóng mua bán và sáp nhập doanh nghiệp toàn cầu đã lập kỷ lục mới trong năm 2015. Giá trị các vụ giao dịch đạt khoảng 4.600 tỷ đô la, tăng 41% so với năm 2014 và vượt mức đỉnh năm 2007. François Kayat, quản lý đối tác của Tập đoàn tư vấn tài chính Lazard của Mỹ giải thích : « Thị trường rất sôi động trong năm 2015, như đã từng xảy ra vào năm 2014. Điều này cho thấy sự khôi phục niềm tin đối với các nhà đầu tư ».
Năm 2015, nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập nội bật, đáng kể ra như : Tập đoàn sản xuất bia của Bỉ Anheuser-Bush Inbev đã mua lại công ty SABMiller của Anh với giá 120 tỷ đô la ; Công ty Royal Dutch Sell mua lại công ty năng lượng của Anh BG Group với giá trên 80 tỷ đô la ; Công ty Dell đã thôn tính công ty lưu trữ dữ liệu EMC vói giá 65 tỷ đô la. Năm 2016 cũng dự báo sẽ có nhiều thuận lợi cho việc mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.