Điểm Báo Pháp – 28-10-2015
Nhà cao tầng chinh phục thế giới và bầu trời
Chưa bao giờ nhà chọc trời lại được xây nhiều như trong những năm vừa qua trên toàn thế giới. Hầu hết các tòa nhà nổi tiếng về độ cao nằm ở các nước đang phát triển. Nhật báo Le Figaro ngày 28/10/2015 đưa ra con số 76% các tòa nhà cao trên 200 mét được xây dựng tại Châu Á.
Là một trong hai kiến trúc sư đồng thiết kế khoảng 10 tòa nhà tại TC, kiến trúc sư Jean Pistre nhận xét «các nước đang phát triển sử dụng hình ảnh những tòa nhà chọc trời để thể hiện tiềm lực mới». Năm 2014 là một năm kỉ lục với 97 tòa tháp cao trên 200 mét được bàn giao. Thế nhưng, dường như năm nay, cơn sốt nhà chọc trời không hề hạ nhiệt và cuộc đua vẫn còn tiếp tục trên toàn thế giới.
Được bàn giao vào năm 2010, tòa tháp Burj Khakifa tại Dubai, cao 828 mét, trở thành công trình cao nhất thế giới. Song kỉ lục này sắp bị phá vào năm 2020 với tòa tháp Kingdom Tower cao tới 1010 mét, đang được xây tại Djedda (Ả Rập Xê Út).
Vậy tại sao luôn phải xây cao hơn, đắt hơn? Theo phân tích của một chuyên gia, đó chính là tâm lý thích vượt trội: «Dù là nhà thờ hay kim tự tháp, con người luôn bị ám ảnh phải cao hơn nữa, vì đó là cách tiến lên phía trước. Và họ tiếp tục khẳng định điều đó với những tòa nhà chọc trời». Hơn nữa, «không có giới hạn về mặt vật lý đối với các tòa tháp. Chẳng có gì có thể cản trở con người, một ngày nào đó, xây được một tòa tháp cao 2.000 mét».
Để thực hiện giấc mơ «cao hơn và ấn tượng hơn», các chủ đầu tư không ngần ngại chi ra những khoản tiền khổng lồ. Như tòa tháp One World Trade Center (New York, Mỹ), được khánh thành vào năm 2014, hiện là tòa tháp đắt nhất thế giới, với kinh phí xây dựng lên tới 3,9 tỉ đô la. Tòa tháp tương lai cao nhất thế giới Kingdom Town tại Ả Rập Xê Út cũng ‘chỉ tiêu tốn’ có 1,2 tỉ đô la.
Ngoài ra, tính hợp lý cũng giải thích tại sao các chủ đầu tư ưu tiên xây nhà cao tầng. Thực vậy, với tốc độ đô thị hóa chóng mặt như hiện nay thì quỹ đất ngày một hiếm và giá đất trở nên đắt hơn. Vì vậy, theo giải thích của kiến trúc sư Jean-Paul Viguier, ‘tác giả’ của sáu tòa nhà cao tầng, trong đó có một tòa nhà tại Chicago, «các tòa nhà chọc trời cho phép tránh quá trình đô thị hóa theo chiều rộng và kéo dài đường giao thông» cũng như thời gian đi lại.
Thế nhưng, tùy theo mỗi nước, các tòa nhà chọc trời có những tính năng khác nhau. Như tại Pháp, hầu hết chúng đều được dùng làm văn phòng, vì những tòa nhà cao tầng giành làm chỗ ở cho người dân được xây trong thập niên 1970 không được đánh giá cao về mặt kiến trúc, thẩm mỹ cũng như tính năng thuận tiện. Thế nhưng, lần đầu tiên vào năm 2020, tháp Triangle tại cửa ô Versailles (phía nam Paris) sẽ được đưa vào sử dụng gồm cả một khách sạn hạng sang.
Ngược lại, tại nhiều thành phố lớn khác trên thế giới, các tòa nhà cao tầng hầu hết có chức năng hỗn hợp: vừa có văn phòng, trung tâm mua sắm, vừa có khách sạn và nhà ở, như tòa tháp The Shard tại Luân Đôn cao nhất Châu Âu (310 mét). Còn tại một số thành phố lớn khác trên thế giới, phải là người rất giàu mới có thể sở hữu một căn hộ cao cấp trên các tháp chọc trời; ví dụ một căn hộ hai tầng rộng 1.000 mét nằm trên tòa tháp One mới xây xong tại New York, có giá tới 86,7 triệu euro.
Những tòa tháp ngày càng ấn tượng hơn nhờ các tập đoàn xây dựng lớn ngày càng giầu kinh nghiệm và thời gian thi công được rút ngắn nhờ áp dụng công nghệ cao. Tại Pháp, cách đây 30 năm, phải mất tới 7 tới 8 ngày mới xây xong một tầng tháp, giờ chỉ cần 4 ngày là đủ.
Tháp cao tầng «bán chạy như tôm tươi»
Tại Châu Âu, cũng như tại Pháp, các tòa tháp cao tầng được «bán chạy như tôm tươi» vì nhiều lý do. Thứ nhất, đầu tư vào bất động sản cho thuê văn phòng luôn mang lại nguồn lợi lớn. Hơn nữa, tòa tháp càng cao, thì sẽ càng có nhiều công ty thuê làm văn phòng. Vì vậy, chủ sở hữu không bị ảnh hưởng nặng nếu chẳng may một người thuê ‘rũ áo’ bỏ đi.
Thứ hai, tại Châu Âu không có nhiều tòa tháp cao nên hiếm khi có cơ hội chuyển nhượng. Chính vì vậy, các tòa tháp tại đây luôn được ra giá cao và thường thu hút các nhà đầu tư Châu Á và Trung Đông. Những tỉ phú này quen với việc đầu tư vào các tòa nhà cao tầng nên họ thích đặt cả một khoản tiền khổng lồ vào một tài sản, hơn là mua nhiều tòa nhà cổ tại Paris, vì càng nhiều tài sản, chi phí quản lý càng lớn.
Lính Nga «kín đáo» hiện diện tại Latakia, Syria
Từ hơn một tháng nay, hơn 3.000 lính Nga được triển khai tại một số căn cứ quân sự tại Latakia, Syria, bên bờ biển Địa Trung Hải. Nhật báo Le Figaro nhận xét họ «thoắt ẩn thoắt hiện» trong giai đoạn mới của cuộc xung đột tại Syria: Nga công khai can thiệp quân sự nhằm hỗ trợ Damas «chống khủng bố Hồi giáo cực đoan».
Những quân nhân này xuất hiện công khai trên đường phố Latakia. Dường như, các tiểu thương địa phương hiểu được cơ hội kiếm lời nhờ sự hiện diện của lực lượng quân đội Nga, trong khi công việc kinh doanh của họ bị ảnh hưởng nặng nề từ khi cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011. Một quán bar đã xuất hiện ngay cạnh căn cứ quân sự của Nga. Thậm chí, một số tiểu thương còn tăng giá bán gấp 5 lần đối với quân nhân Nga và nhận tiền euro hay đô la của những quân nhân này.
Người dân Syria thở phào chào đón những người lính Nga. Họ là những giảng viên hướng dẫn, cố vấn và có thể là cả lực lượng đặc biệt được huy động để tấn công những mục tiêu nổi dậy cụ thể, thậm chí là cả quân nhân của sư đoàn 58 nổi tiếng từng tham gia chiến đấu tại Ossetia vào năm 2008. Nói tóm lại, đó là những người lính tinh nhuệ, khác hẳn với những nhóm quân Liên Xô cũ tại Afghanistan.
Rất nhiều người trong số họ bắt đầu học tiếng Ả Rập. Điều này cho thấy có khả năng quân đội Nga sẽ ở lại Latakia lâu dài. Hơn nữa, Nga cũng đã bắt đầu mở rộng căn cứ hải quân tại Tartus, cách Latakia chừng 90 km về phía nam, cùng với trang thiết bị quân sự liên tục được chuyển tới đây, trong đó có nhiều chiến xa T-72B. Người Nga còn lên kế hoạch xây dựng một khu căn cứ quân sự mới tại Jableh.
Dù sao sự có mặt của lính Nga tại Latakia khẳng định mức độ của cuộc chiến đang chia cắt Syria từ nhiều năm nay. Hoa Kỳ cho phép các đồng minh Ả Rập Xê Út và Qatar cung cấp tên lửa Tow cho các lực lượng nổi dậy. Còn người Nga lại chuyển xe tăng cho quân đội Syria. Người ta còn đồn rằng Trung Quốc có lẽ cũng giao tên lửa dẫn đường cho Damas.
Ngoài việc cứu vãn chế độ đang kiệt sức từ bốn năm nay, Nga cũng cố bảo vệ lợi ích kinh tế trong khu vực. Cuối năm 2013, Matxcơva đã ký một hợp đồng quan trọng nhằm khai thác khí đốt và dầu lửa ngoài khơi Latakia. Ngoài ra, có khoảng 50.000 người mang hai quốc tịch Nga-Syria sống tại Syria từ lâu, trong đó có nhiều công dân làm việc trong lĩnh vực dầu mỏ. Nga còn có hai căn cứ rada tại Latakia và gần Quneitra mà quân nổi dậy đã phá hủy. Thế nhưng, dù là dân sự hay quân nhân, người Nga luôn tỏ ra kín đáo tại Syria.
Nga không chào đón người tị nạn Syria
Hàng nghìn người tị nạn Syria tưởng rằng sẽ tìm được nơi trú ẩn tại quốc gia đồng minh với Tổng thống Bachar al Assad. Nhưng không. Họ trở thành những người không được hoan nghênh tại Matxcơva và đang phải vật lộn để nhận được quy chế tị nạn. Thực trạng này được đăng trên tờ Le Figaro dưới dòng tựa : « Nhập cư Syria, những con người không được mong chờ tại Nga ».
Theo số liệu thống kê chính thức, hiện chỉ có hai người Syria được cấp quy chế tị nạn vĩnh viễn. Hầu hết 7.650 người Syria ghi danh vẫn chỉ được cấp thẻ cư trú tạm thời và rất ít trong số đó được gia hạn.
Giám đốc tổ chức phi chính phủ Grajdanskoe Sodeistsvye tố cáo : « Sự thật là chính quyền Nga chỉ muốn gạt bỏ người nhập cư. Ông Vladimir Putin quan tâm tới số phận của Assad, nhưng hoàn toàn bỏ mặc người Syria ». Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga lập tức lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên và cho biết : « Từ năm 2011, Nga đã tích cực cấp chỗ ở tạm thời cho người Syria và, người Nga đã phải đối mặt với vấn đề này từ lâu. Khác với Châu Âu, chính phủ Nga hành động dựa trên luật lệ của Nga, trong khi đó, tại Liên Hiệp Châu Âu, luật lệ lại do làn sóng người nhập cư lập ra ».
Ngày 15/10 vừa qua, Tòa án Châu Âu về Nhân quyền đã cáo buộc Nga « vi phạm quyền sống » và « đối xử thiếu nhân đạo » đối với ba công dân Syria bị bắt vì không có giấy tờ, trong khi họ đã nộp hồ sơ xin tị nạn. Nga có ý định trục xuất họ về nguyên quán nơi cuộc sống của họ bị đe dọa vì chiến tranh.
Chính vì vậy, nhiều gia đình Syria phải trốn chui lủi tại Matxcơva, không dám đi ra ngoài vì sợ bị bắt. Khi có hẹn làm giấy tờ, họ lần lượt xuất hiện chứ không dám đưa cả gia đình tới. Nhận và gia hạn thẻ cư trú tạm thời là cả một quá trình căng thẳng, đôi khi phải hối lộ.
Theo chính phủ Nga, dù được cấp giấy cư trú tạm thời, khoảng 10% người Syria đang sống tại Nga, vẫn muốn thử vận may tại Châu Âu. Na Uy trách nước láng giềng muốn trút gánh nặng lên vai họ. Từ giờ tới cuối năm, Na Uy sẽ phải nhận 5.000 người tị nạn Syria, trong khi đó, rất nhiều người đã sinh sống lâu năm tại Nga.
Đông Nam Á vẫn chìm trong khói
Các vụ cháy rừng tại Indonesia từ nhiều tuần nay vẫn tiếp tục nhả khói sang các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á. Cuối cùng Jakarta buộc phải công bố tình trạng khẩn cấp, còn Tổng thống Joko Widodo quyết định rút ngắn chuyến công du tại Mỹ để trở về giám sát việc chống hỏa hoạn.
Trả lời phóng viên của nhật báo công giáo La Croix, một nhà báo Pháp làm việc tại Singapore từ sáu năm nay nhận xét : « ‘Mùa khói’ chưa bao giờ kéo dài như năm nay vì hạn hán… Mọi người chỉ mong mưa tới ».
Dù sân bay Changi (Singapore) chưa bị đóng cửa, nhưng các trường học tại nước này đã phải đóng cửa nhiều lần. Vẫn theo nhà báo trên, « Mọi người đều đeo khẩu trang. Người dân liên tục truy cập internet để theo dõi mức độ ô nhiễm và độc hại. Thế nhưng, chưa có một nghiên cứu nào được thực hiện về tác động của khói do cháy rừng lên sức khỏe con người ».
Tại Malaysia, rất nhiều trường học phải đóng cửa vì chất lượng không khí kém. Bộ trưởng Môi trường nước này nhận định « không có mưa, thì trong mọi trường hợp, sự can thiệp của con người không đủ để dập tắt các đám cháy đang hoành hành trên nhiều khu vực lớn ».
Cả khu vực Đông Nam Á bị ảnh hưởng và cuộc sống của người dân bị xáo trộn. Khói mù thậm chí đã bay tới cả Philippines. Còn tại thành phố Palangkaraya, Indonesia, 240.000 dân địa phương sống trong cảnh « khói vàng » và thường xuyên tới bệnh viện gần đó để được thở khí sạch.
Ba tầu chiến chở nhiều nhóm y sĩ, lương thực, lều trại và khẩu trang đang trên đường tới đảo Sumatra và Kalimantan, hai khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Còn các tình nguyện viên tại chỗ phàn nàn chính quyền Indonesia không năng nổ can thiệp. Máy bay thả nước của Singapore cũng tới hỗ trợ, song đã quay trở về. Điều này cho thấy quy mô của thảm họa cần có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực.
Cơ quan quản lý thảm họa Indonesia thừa nhận chưa kiểm soát được tình hình. Các dữ liệu thu được từ vệ tinh cho thấy vẫn còn tới 500 «điểm nóng». Song trên thực tế, con số này còn cao hơn vì các vệ tinh không thể cập nhật được nhiều điểm khác do khói mù dày đặc.
Thế nhưng, các nhà lãnh đạo trong khu vực chưa đưa ra những giải pháp cụ thể nào, khiến hỏa hoạn trở thành thảm họa sinh thái thật sự. Khu vực Đông Nam Á sẽ còn phải chịu cảnh khói mù độc hại trong vòng nhiều ngày nữa, vì mùa mưa năm nay tới trễ.
Nhiều con đười ươi tại trung tâm Nyaru Menteng, Indonesia, cũng trở thành nạn nhân của các vụ cháy rừng. Chúng lăn ra ốm, bị đói và bị hoảng loạn vì khói độc và vì những khu vực cư ngụ bị phá hủy. 16 con đười ươi mới sinh đang được điều trị vì bị viêm đường hô hấp do khói. Hiện giờ, mức độ đe dọa tại khu vực bảo tồn rộng 62,5 ha vẫn được xếp ở «cấp độ vàng», nhưng nếu chuyển sang «cấp độ đỏ» thì lần đầu tiên trong lịch sử, trung tâm phải sơ tán 470 con đười ươi.