Điểm Báo Pháp – 27-7-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 27-7-2015

Căn cứ không quân Incirlik, ở vùng Adana. Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép  máy bay Mỹ từ cắn cứ đi oanh kích lực lượng Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Ảnh ngày 24/07/2015. Reuter

Theo RFI – Anh Vũ – 27-07-2015

Thổ Nhĩ Kỳ: Một cuộc chiến nhắm hai mục tiêu

Việc Thổ Nhĩ Kỳ mở tấn công trên quy mô lớn vào tổ chức thánh chiến Nhà nước Hồi giáo và lực lượng Kurdistan của đảng PKK là sự kiện được các báo Pháp ra hôm nay 27/07/2015 chú ý đặc biệt. Dư luận đặt câu hỏi mục tiêu của chính quyền Ankara trong cuộc chiến này có thực sự là khủng bố ? Hầu hết các báo đều nhìn thấy chiến lược mới của Thổ Nhĩ Kỳ là một “mũi tên nhắm hai con nhạn“.

Nhật báo L’Humanité chạy tựa lớn trang nhất khẳng định: «Cú chơi đúp của Erdogan nhằm đánh vào người Kurdistan». Tờ báo của Cộng sản Pháp ghi nhận: Từ nhiều tháng qua vẫn bị nhiều chỉ trích vì thái độ mập mờ đối với tổ chức «Nhà nước Hồi giáo» và vì từ chối tham gia vào các cuộc không kích của liên quân phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo, Thổ Nhĩ Kỳ giờ bỗng thay đổi chiến thuật. Lấy cớ là vụ khủng bố ở thành phố Suruç làm 32 người thiệt mạng, Ankara đã quyết định mở các cuộc không kích vào các vị trí của quân thánh chiến và cho Mỹ sử dụng căn cứ quân sự trên đất Thổ để tấn công IS.

Thế nhưng, cùng lúc, Ankara cũng mở chiến dịch tấn công mạnh vào lực lượng người Kurdistan của đảng PKK tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng như ở miền bắc Irak. L’Humanité nhận định, như vậy là “Tổng thống Erdogan hy vọng bắn một mũi tên trúng hai đích trong đó chủ yếu làm suy yếu đảng PKK, ngăn chặn người Kurdistan ở Syria mở rộng vùng lãnh thổ họ kiểm soát ở Syria qua Thổ Nhĩ Kỳ“. Tờ báo phân tích, chiến dịch quân sự như vậy chỉ làm cho các lực lượng thánh chiến hồi sức lại trong lúc đang bị người Kurdistan đẩy lùi trên chiến trường.

Trên mục «Quan điểm» của báo Libération, tác giải Marc Simon nhận định: «Ngày càng cho thấy rõ ràng là chính quyền Ankara tiếp tục coi đảng PKK cũng nguy hiểm như IS, thậm chí là còn hơn». Theo tờ báo việc «làm dấy lên trở lại cuộc xung đột với người Kurdistan ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây hậu quả mất ổn định trên toàn vùng vốn dĩ đang ở trong hỗn loạn».

Le Figaro cũng cùng nhận định qua hàng tựa: «Sau IS, Thổ Nhĩ Kỳ tập trung hỏa lực nhằm vào PKK».  Theo tờ báo, mục tiêu chính của của các cuộc không kích của Thổ Nhĩ Kỳ là «PKK hơn là IS». Trong khi đó, nhật báo La Croix nhận thấy chiến dịch quân sự mới của Ankara bắt đầu từ một tuần nay là một «canh bạc rủi ro của Thổ Nhĩ Kỳ».

Theo La Croix, song song với các cuộc không kích vào các vị trí của tổ chức Nhà nước Hồi giáo cũng như của người Kurdistan, chính quyền Ankara tuần qua đã mở một chiến dịch «chống khủng bố» trên quy mô rộng lớn ở trong nước, bắt giữ hơn 600 người  bị tình nghi ủng hộ IS cũng như PKK, những nhà hoạt động cánh tả hay đối lập. Thế nhưng, trong số người bị bắt chỉ có một thiểu số rất nhỏ có dính líu đến IS.Ngoài ra, chính quyền còn cho khóa hàng loạt địa chỉ internet của người Kurdistan hay phe tả.

Cuộc «chiến tranh kép» này của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bị tố cáo là lợi dụng tình hình phục vụ ý đồ chính trị nội bộ sau  khi đảng của ông vừa bị thất bại nặng nề trong bầu cử Quốc hội hồi tháng 6/2015 vừa qua.  Mở mặt trận chống thánh chiến để lấy cớ tấn công vào người Kurdistan chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và Tổng thống Erdogan thì bị tố cáo là đẩy đất nước vào vòng khói lửa chết chóc để giành giật quyền lực.

TC chuẩn bị hủy chính sách con độc nhất

Chuyển qua báo Le Monde, liên quan đến châu Á. Trang quốc tế của tờ báo dành cho chủ đề, TC đang sửa soạn hủy bỏ chủ trương mỗi gia đình chỉ cho sinh một con để chống lại hiện tượng lão hóa dân số.

Theo Le Monde, TC sắp sửa làm một cuộc cách mạng nho nhỏ. Từ nay đến cuối năm chính quyền Bắc Kinh sẽ phải thông báo bỏ chính sách một con duy nhất được áp dụng từ năm 1979 tuy đã có sửa đổi đôi chút từ đó đến giờ. Theo quy định mới, mọi cặp vợ chồng TC từ nay được phép sinh hai con. Sự thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt này là một cấp bách trên phương diện kinh tế cũng như xã hội.

Le Monde cho biết, hiện nay tỷ lệ sinh con trung bình của các  phụ nữ Trung Hoa ở tuổi sinh nở là 1,7 con. Tức là dưới ngưỡng để có thể bảo đảm tiếp nối chuyển tiếp thế hệ. Tỷ lệ này thấp hơn so với các nước có nền kinh tế đang trỗi dậy, như Ấn Độ chẳng hạn. Le Monde cũng nhận thấy, chính sách một con của TC vẫn được áp dụng theo cách cưỡng chế thế nhưng chưa chắc gì việc hủy bỏ chủ trương này có thể kích thích các gia đình Trung Hoa ngày nay có thêm con. Điều kiện kinh tế xã hội, giá cả cuộc sống đắt đỏ khiến phần đông các cặp vợ chồng ở TC không dám nghĩ đến chuyện có nhiều con.

Cũng trong khuôn khổ đề tài cải cách chính sách sinh đẻ ở TC, Le Monde có một bài viết  ngắn đề cập đến sự thay đổi dần dần vai trò của những «nhân viên kế hoạch hóa gia đình». Họ  từng một thời gian dài là nỗi kinh hoàng ám ảnh các hộ gia đình ở TC. Với những cặp vợ chồng vi phạm chính sách một con, các nhân viên kế hoạch hóa gia đình là những người ra lệnh phạt nặng, thường tương đương với khoảng một năm thu nhập của gia đình, hoặc cưỡng chế họ phải phá thai. Cách hành nghề thô bạo đến mức vô nhân tính của các nhân viên kế hoạch hóa gia đình, chỉ vì mục tiêu con số, đã từng gây ra không ít thảm cảnh cho các cặp vợ chồng chót nhỡ vi phạm chính sách.

Theo Le Monde, giờ đây  trước tình hình mới, các nhân viên đó đang cố gắng tìm cách lấy lại cảm tình của người dân bằng cách chuyển hướng hoạt động sang thành những nhân viên tư vấn về vấn đề giáo dục, chăm sóc trẻ em ở những vùng sâu vùng xa.  Đây là một sự chuyển đổi cần thiết vì cái nghề giám sát sinh nở của họ đang bị đe dọa bởi những thay đổi tới đây trong chính sách dân số.

Tây Tạng hoang mạc hóa, nguồn nước cạn kiệt vì biến đổi khí hậu

Vẫn liên quan đến TC nhưng về chủ đề môi trường, báo Le Monde đăng bài phóng sự dài mang tiêu đề: «Ở cội nguồn sông Dương Tử, «trường giang» bị đe dọa».

Đặc phái viên của Le Monde đã làm một hành trình dài ngược dòng  sông dài nhất Trung Hoa (6300 km) để đến tận nơi đầu nguồn là vùng cao nguyên Tây Tạng. Tác giả nhận thấy nơi vốn được coi là «tháp nước» của Châu Á này đang thay đổi nhanh chóng bởi sự tấn công của hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như của con người. Nguồn nước cho con sông dài nhất TC này đang cạn kiệt dần vì các núi băng tuyết trên Tây Tạng trong nhiều thập kỷ qua đã bị tan chảy quá mức.

Là nơi bắt nguồn của dòng sông, nhưng cao nguyên Tây Tạng giờ đây đang xuất hiện ngày càng nhiều khu vực bị hoang mạc hóa.  Trước thực trạng đó, Bắc Kinh cho rằng nguyên nhân là do các hoạt động của dân địa phương như mở mang các khu chăn thả gia súc bừa bãi vì thế đã ra quyết định bắt buộc định cư đối với dân địa phương, một chủ trương đang gây nhiều tranh cãi.

Tour de France  2015: Bao giờ có nhà vô địch người Pháp?

Thời sự được báo chí Pháp chú ý nhiều nhất là sự kiện thể thao, cuộc đua xe đạp Tour de France 2015 vừa kết thúc ngày hôm qua với chiến thắng chung cuộc thuộc về tay đua người Anh Christopher Froom.

Tâm điểm chú ý của báo Libération không phải là người giành chiến thắng. Trang nhất của Libération đăng hình cận cảnh tay đua người Pháp Thibault Pinot mắt đang hướng xa về phía trước với câu hỏi đặt ra: Không một người chiến thắng giải từ 30 năm qua : Phải chăng người Pháp không thể thắng được vòng đua của mình?

Tờ báo dành bốn trang cho cuộc đua xe đạp vòng quanh nước Pháp Tour de France 2015 và để bàn về «sự kiên nhẫn của Pháp»  trong suốt 3 thập kỷ nay danh hiệu vô địch của cuộc đua vẫn chỉ dành cho người nước ngoài. Libération điểm lại những thất bại và cố gắng đưa ra những lý giải cho thất bại của các tay đua Pháp từ 30 năm qua trên đường đua nhà. Trong khi người Pháp nóng lòng chờ đợi có được nhà vô địch trên đường đua do chính mình khởi xướng thì các báo Pháp cũng ghi nhận một thái độ thiếu thiện cảm đến mức thiếu văn hóa, có phần bắt nguồn từ sự ghen tỵ, của một số khán giả Pháp đối với tay đua thắng cuộc người Anh.

Để có được chiến thắng chung cuộc ngày hôm qua, trong suốt ba tuần thi đấu, Chris Froom và đội Sky của anh đã không chỉ vượt qua thách thức lớn về mặt thể thao mà họ còn phải đối mặt những nghi ngờ, đố kỵ rất lớn. Báo le Figaro ghi nhận: Chris Froom: Chiến thắng của một người bị hắt hủi ở Tour de France.

Tờ báo ghi nhận để đăng quang ngôi vô địch lần thứ hai tại cuộc đua xe đạp lớn nhất thế giới, đội trưởng của đội đua Sky đã phải hứng chịu mọi điều: Nghi ngờ sử dụng doping, bị phỉ nhổ, la ó thậm chí còn bị hắt nước tiểu vào mặt trên đường đua. Nhưng Froom vẫn phớt lờ tất cả chỉ chú tâm đến đích để trở thành nhà vô địch. Báo L’Humanité khẳng định: «Chris Froom đã chiến thắng sự hận thù nhưng hoài nghi thì không».