Điểm Báo Pháp – 23-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 23-2-2015

Người Kokang từ bang Shan đến tỵ nạn tại một đô thị thuộc tỉnh Vân Nam, miền nam Trung Hoa.- Ảnh: Reuters

Theo RFI – 23-02-2015 – Trọng Thành

Miến Điện: Xung đột Kokang làm sôi sục dân mạng Trung Hoa

Về Châu Á, Le Monde chú ý tới xung đột vũ trang ở miền bắc Miến Điện tại vùng biên giới giáp với TC, với bài «Kết thúc cuộc hưu chiến chống người Hán ở Miến Điện». Bài tổng thuật nhấn mạnh đến lá thư ngỏ của một thủ lĩnh gốc Hoa, kêu gọi Bắc Kinh can thiệp và những ảnh hưởng của  không khí bạo động miền Bắc Miến Điện tới các nhóm dân tộc chủ nghĩa tại TC. Hiện chưa có lời giải thỏa đáng về lý do xung đột bùng  phát.

Bài «Kết thúc cuộc hưu chiến chống người Hán ở Miến Điện» do nhóm thông tín viên của Le Monde tại Bắc Kinh và Bangkok thực hiện.

Đụng độ bùng phát sau sáu năm tạm lắng giữa quân chính phủ và lực lượng ly khai người Kokang nói tiếng Hoa, khiến cả trăm ngàn người Kokang di tản sang TC, làm sôi sục giới dân tộc chủ nghĩa ở TC, khiến một tờ báo chính thức của chính quyền nước này vừa phải lên tiếng.

«Hoàn cầu thời báo» – một tờ báo đươc coi là chuyển tải quan điểm chính thức của chính quyền – đã phải đưa ra lời nhắc nhở: «Chúng ta đang đối mặt với một thách thức ngoại giao và các thành phần khác nhau trong xã hội Trung Quốc cần phải biết kiềm chế». Trước việc nhiều người dân tộc chủ nghĩa so sánh tình hình Kokang ở Miến Điện với bán đảo Crimée, tờ báo nhấn mạnh quan điểm chính thống: «cần giải thích rõ là không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Miến Điện», vùng Kokang «đã gia nhập vào lãnh thổ Ấn Độ dưới thời Anh vào năm 1897» và «người Hoa Kokang là một sắc tộc thiểu số ở Miến Điện và không phải là công dân Trung Quốc».

Thông báo định hướng dư luận của Hoàn cầu thời báo được đưa ra tiếp theo thư ngỏ của thủ lĩnh lịch sử của phe nổi dậy Kokang, Peng Jiasheng (Bành Gia Thanh), 83 tuổi, mới trở về Kokang ít lâu. Bức thư lên án tình trạng kỳ thị mà người Kokang phải chịu và tố cáo thái độ của chính quyền Bắc Kinh, để mặc cho Hoa Kỳ giành thế thượng phong trong thế cờ Miến Điện. Theo một phân tích trên trang mạng độc lập Miến Điện «The Irrawaddy», chọn thời điểm trước ngày Năm Mới cổ truyền, để khuấy động chiến tranh và buộc người dân tỵ nạn sang TC, ông Peng hy vọng Bắc Kinh sẽ can thiệp.

Xung đột với người Kokang: Lý do còn bí ẩn

Về chủ đề này, Libération có bài «Thùng thuốc súng Kokang đe dọa ‘‘hòa bình dân tộc’’ tại Miến Điện».  Theo Libération, khó biết được chính xác điều gì đã dẫn tới sự trở lại của chiến tranh tại khu vực này, tuy nhiên biến cố mới này rõ ràng đã làm chậm lại quá trình thương thuyết giữa chính quyền với các nhóm sắc tộc thiểu số nói chung – chiếm khoảng 40% dân số Miến Điện -, vốn đã rất khó khăn.

Hồi tuần trước, một giới chức của văn phòng Tổng thống Miến Điện lên tiếng báo động với chính quyền TC về khả năng phe nổi dậy vũ trang Kokang sử dụng lãnh thổ TC làm hậu cứ.

Đàm phán giữa chính quyền Miến Điện với các sắc tộc thiểu số, kể từ khi Tổng thống Thein Sein lên nắm quyền, thoạt tiên gây hy vọng, nhưng sau đó tình hình trở nên tồi tệ đi, đặc biệt với vụ quân đội Miến Điện không kích vào căn cứ của người Kachin ngay sau ngày đàm phán giữa quân Kachin và các đại diện của chính quyền dân sự. Cuối năm ngoái, đã từng có hy vọng thỏa thuận đạt được nhanh chóng với các nhóm vũ trang, tuy nhiên ngày 12/02 vừa qua, chính phủ Miến Điện chỉ gặp được bốn nhóm (trên tổng số 13 nhóm dự kiến) để ký thỏa thuận cam kết hòa bình và hòa giải. Cùng lúc đó, xung đột bùng nổ tại Kokang. Lực lượng vũ trang của một số sắc tộc đã đứng về phía người Kokang chống lại quân đội.

Ukraina: Bản sắc dân tộc ra đời trong chiến tranh

Liên quan đến điểm nóng Ukraina, nơi chiến sự vẫn tiếp diễn tại miền Đông sau thỏa thuận ngừng bắn lần 2, dù với quy mô nhỏ hơn nhiều, báo Le Monde có hồ sơ «Ukraina: sự ra đời của một bản sắc trong chiến tranh», nhân một năm kỷ niệm «cuộc cách mạng Maidan».

Bài «Gương mặt mới của bản sắc Ukraina» do đặc phái viên Le Monde gửi về từ Kiev mở đầu với thông điệp của Andrei Kourkov, nhà văn Ukraina, viết tiếng Nga, sinh trưởng tại Leningrad: «Tinh thần dân tộc (Ukraina) có bản chất cao hơn một ngôn ngữ (chung)», hay nói cách khác, một công dân Ukraina không nhất thiết phải là người thuộc sắc tộc Ukraina, nói tiếng Ukraina.

Trong một thời gian dài, bản sắc Ukraina là độc quyền của giới dân tộc chủ nghĩa, theo đó, ngôn ngữ Ukraina và sắc tộc Ukraina là hạt nhân của bản sắc quốc gia. Quan điểm này dựa trên một sự khác biệt lớn mang tính lịch sử giữa miền Đông nằm trong quỹ đạo của Nga và miền Tây nói tiếng Ukraina, từng là phiên thuộc của Áo và Ba Lan, không kể những vùng miền Trung, nơi ảnh hưởng của hai miền pha trộn.

Tuy nhiên, chính biến Maidan và cuộc can thiệp của Nga tại bán đảo Crimée, cùng chiến sự tại vùng Donbass đã mang lại nhiều thay đổi. Rất nhiều người nói tiếng Nga đã tham gia phong trào phản kháng chống chính quyền Yanukovytch, nhiều người nói tiếng Nga tham gia đơn vị vũ trang chiến đấu tại Donbass, vốn do các thủ lĩnh dân tộc chủ nghĩa miền Tây lãnh đạo. Chủ tịch cộng đồng người Do Thái ở Ukraina nhận xét: «Maidan và chiến tranh là các xung đột ở tầm cỡ của các văn minh nhân loại, hơn là ở cấp độ giữa các cộng đồng sắc tộc. Đó là sự đụng độ giữa một quan điểm bảo thủ của cựu lục địa Á-Âu và một quan điểm của Châu Âu». Mẫu số chung của bản sắc mới Ukraina được nhiều người nhìn nhận, đó là «sự từ chối một chế độ độc đoán và nạn tham nhũng». Đông đảo thành viên cộng đồng Do Thái đã tham gia vào phong trào Maidan, với ý thức họ thuộc về một dân tộc Ukraina mang một ý thức chính trị mới, trong khi người Do Thái vốn thường là đối tượng kỳ thị của thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan Ukraina.

Câu hỏi mà Le Monde đặt ra là: liệu các phong trào này có tiếp tục kéo dài hay không?

Một trong những cản trở lớn nhất hiện nay là Ukraina chưa có được một Nhà nước mạnh, không bị các tập đoàn lợi ích chi phối. Vấn đề ngôn ngữ hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Vị trí của tiếng Ukraina tại các vùng đất đa số cư dân nói tiếng Nga hay song ngữ vẫn chưa có giải pháp chính thức. Kiev vẫn chưa quyết định chọn giải pháp phát triển mạnh tiếng Ukraina tại các vùng nói tiếng Nga hay chỉ để tiếng này có một vị trí mang tính biểu tượng ở những khu vực tiếng Nga hay song ngữ.

Bài học lịch sử vẫn còn đó: Quyết định – dù chưa được Tổng thống phê chuẩn – của Quốc hội Ukraina đầu năm ngoái bác bỏ quy chế khu vực của tiếng Nga tại miền Đông đã để lại những hậu quả kinh hoàng, đặc biệt tại vùng Donbass.

Thuốc trừ sâu giả: Mạng lưới buôn lậu xuyên quốc gia khổng lồ

Nhìn về môi trường, Le Monde có bài rất đáng chú ý «Thuốc trừ sâu, những mối liên kết». Phóng sự công phu nói trên là bài thứ năm trong loạt bài về chủ đề «Tội phạm môi trường». Phóng sự do tập thể phóng viên tại Thượng Hải, Nam Kinh (TC) và nhiều thành phố tại Ukraina, Tây Ban Nha và Pháp thực hiện.

Le Monde mô tả đường dây nối kết các phòng bào chế thuốc trừ sâu giả ở ngoại ô Thượng Hải với các hệ thống phân phối tại nhiều khu vực trên thế giới. Các đối tượng nhắm tới của ngành công nghiệp đồ giả Trung Quốc là các nước Đông Âu, Nga, Ukraina, Châu Phi, Brazil, Việt Nam hay Nhật Bản. Theo Le Monde, trong tổng số doanh thu toàn cầu 50 tỷ euro/năm của thị trường thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hàng lậu chiếm tới 10%, tức 5 tỷ euro.

Phóng sự của Le Monde đưa độc giả tới Triển lãm AgroChemex tại Thượng Hải, được coi là triển lãm lớn nhất Châu Á của ngành công nghiệp «bảo vệ thực vật». Tại đây, phóng viên đã liên lạc được dễ dàng những người môi giới hàng thuốc trừ sâu giả. Cho dù, vụ việc được báo công an, nhưng lực lượng an ninh tại «vương quốc hàng giả» đã không làm gì để truy tận gốc cơ sở sản xuất.

Thuốc trừ sâu, diệt cỏ giả mạo không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, tệ nạn này mới chỉ thực sự chú ý rất gần đây, đặc biệt sau vụ hải quan Đức bắt được các container thuốc trừ sâu giả từ TC. Năm 2012, một hội nghị quốc tế về chủ đề này tại Alicante (Tây Ban Nha) được tổ chức dưới sự bảo trợ của Europol và Cơ quan điều hòa thị trường nội địa OHIM Châu Âu. Kể từ hội nghị này, các đại diện của 27 quốc gia Liên Âu gia tăng trao đổi thông tin về nạn thuốc «bảo vệ thực vật» giả mạo.

Phóng sự điều tra của Le Monde cũng đưa độc giả đến với Odessa, hải cảng lớn nam Ukraina, được coi là «cửa ngõ dễ xâm nhập đối với hàng thuốc trừ sâu giả vào Châu Âu». Dù được trang bị nhiều thiết bị hiện đại và với các quy định hải quan chặt chẽ, Odessa vẫn không ngăn nổi làn sóng hàng lậu, do việc thực thi pháp luật trên thực tế diễn ra lỏng lẻo, ở mỗi giai đoạn kiểm soát, hối lộ đều có thể xảy ra.

Cảnh sát Pháp tấn công các mạng buôn lậu nhỏ của Hồi giáo cực đoan 

Cũng về hàng giả nhưng liên quan đến các tổ chức Hồi giáo cực đoan, «Hàng giả: nguồn thu mới của quân thánh chiến Hồi giáo» là một hàng tựa trang nhất của Le Figaro. Từ trước đến nay, đây là lĩnh vực vốn rất ít được chú ý. Theo Le Figaro, lực lượng thánh chiến đã tìm thấy nguồn thu từ việc kinh doanh rất nhiều hàng hóa mang mác giả: từ thuốc lá, thuốc bệnh, đến nước hoa, quần áo hay phụ tùng xe cộ. Các vụ khủng bố hồi đầu tháng 1/2015 tại Pháp cho thấy, không cần quỹ lớn, với việc buôn hàng giả, lực lượng khủng bố vẫn có thể tự trang bị được nhiều vũ khí đủ sức reo rắc kinh hoàng. Theo một số giới chức cảnh sát Pháp, nhiều hoạt động điều tra đang được tiến hành để phá vỡ các đường dây buôn lậu một cách hệ thống, nhưng chiến dịch này được tiến hành rất kín đáo.

Sự trỗi dậy của Sư tử Phi Châu: Những nghịch lý

Về thời sự quốc tế, có một tổng thuật đáng chú ý trên Les Echos, mang tựa đề «Những nghịch lý của Châu Phi: tăng trưởng, các cuộc bầu cử và xung đột», của cây bút xã luận Jacques Hubert-Rodier. Theo Les Echos, sau các con rồng Châu Á, giờ đến lượt các sư tử Phi Châu cất lên tiếng rống.

Cùng với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao, quá trình dân chủ hóa tại lục địa đen cũng đang tăng tốc. Ba mươi sáu quốc gia trên tổng số 54 nước Châu Phi, sẽ có bầu cử, từ nay đến cuối năm, trong đó 16 cuộc bầu cử tổng thống.

Tuy nhiên, Les Echos ghi nhận bối cảnh hiện nay của Châu Phi, mặc dù, số lượng các xung đột đã giảm xuống, nhưng quy mô xung đột lại gia tăng, với việc các lực lượng nổi dậy có được nhiều vũ khí hiện đại. Bên cạnh đó, sự tăng trưởng kinh tế mang lại quyền lợi chủ yếu cho các thiểu số, bất bình đẳng gia tăng. Theo một nhà nghiên cứu viện Brookings, được Les Echos trích dẫn, đa số các nước Châu Phi hiện vẫn chưa hoàn tất tiến trình quá độ dân chủ, được khởi sự từ giữa những năm 1980.

Một trong những trở lực của tiến trình này là sự bám giữ quyền lực của nhiều lãnh đạo Châu Phi già nua, bất tài. Tiêu điểm của nghịch lý là ông Robert Mugabe, cựu Tổng thống Zimbabwe, người từng làm tan hoang chính đất nước mình, vừa đắc cử chủ tịch Liên hiệp Châu Phi ở tuổi 91. «Thật khác xa với tấm gương của lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela», tờ báo nhận xét.

Trang nhất các báo Pháp

Khủng hoảng nợ Hy Lạp, sau thỏa thuận gia hạn bốn tháng với Châu Âu, tiếp tục là một chủ đề lớn của báo chí Pháp. Le Monde chạy tựa «Giữa Bruxelles và Hy Lạp, thỏa thuận nhưng không tin nhau».  Báo kinh tế Les Echos có hồ sơ trang nhất «Hy Lạp hơn bao giờ hết bị đặt dưới sự giám sát của Châu Âu».

Đà ảnh hưởng gia tăng của đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu (FN) tại Pháp trước các cuộc bầu cử địa phương cuối tháng ba là chủ đề lớn của Le Figaro: «Bầu cử hàng tỉnh: FN đang dẫn đầu». Thông tin chính được Le Figaro đưa ra là kết quả thăm dò dư luận mới nhất của IFOP, theo đó đảng của bà Marine Le Pen có khả năng giành được 30% phiếu bầu vòng một, vượt đảng đối lập UMP (28%) và vượt xa đảng Xã hội cầm quyền (20%). La Croix chạy tựa lớn trên trang nhất: «Đối mặt với FN: các đảng phái mất phương hướng».

Nhiều chủ đề thời sự trong nước khác cũng là mối quan tâm hàng đầu của báo chí Pháp hôm nay. Tựa đầu của Les Echos là «Cải cách đối thoại xã hội: (Thủ tướng) Valls vào cuộc». Nội dung của cuộc cải cách nhằm hiện đại hóa các phương thức tổ chức đối thoại xã hội trong doanh nghiệp sẽ được chính phủ công bố vào thứ Tư tới. Một trong những nội dung chủ yếu được các bên quan tâm là vai trò của các tổ chức đại diện cho quyền lợi của người làm công (như CE, tạm dịch là «Ủy ban doanh nghiệp»). «Các quyền lợi của người làm công trong tầm ngắm của giới chủ và chính phủ» là tựa đề chính của báo l’Humanité.

Trong khi đó, hồ sơ lớn của Libération dành cho vấn đề «Tin học. Sửa lỗi cho nhà trường» (Numérique. Débuguer l’école), nhân chủ trương của chính phủ Pháp phát triển mạnh giảng dạy tin học trong trường phổ thông. Việc «cách mạng các phương pháp giảng dạy» mang lại hy vọng thúc đẩy một nhà trường, «nơi học sinh ham muốn học tập và tưởng tượng», nơi ươm mầm «các nhà lập trình tương lai»… «và đặc biệt là để các công dân có khả năng hiểu được một thế giới đầy ắp các mã số tin học», «đó sẽ là một cuộc cách mạng dân chủ thực sự», xã luận Libération kết luận.