Điểm báo Pháp – 22/2/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm báo Pháp – 22/2/2014
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 chụp ảnh trước nhà hát opera thành phố Sydney – REUTERS
Lê Vy- Thứ bảy 22 Tháng Hai 2014

Rất xa Kiev và Sotchi, cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc các ngân hàng trung ương của nhóm nước G20 đã chính thức bắt đầu vào hôm nay ngày 22/2/2014 tại Sydney, Úc. Trong hai ngày cuối tuần này, các bộ trưởng sẽ trải qua một hình thức đối đầu khác mà cuộc khủng hoảng tại các nước mới trỗi dậy chính là tâm điểm tranh luận tại Hội nghị G20.

Nhật báo Le Figaro chuyên mục kinh tế quan tâm đến sự kiện này qua bài viết : « Bất ổn tại các quốc gia mới trỗi dậy gây quan ngại tại Hội nghị G20 ». Từ đó tờ báo đặt câu hỏi : Liệu khủng hoảng tại các quốc gia này có nguy hại đến sự phục hồi kinh tế thế giới hay không ?

Theo tờ Le Figaro, đồng tiền của các nước mới trỗi dậy trượt giá nghiêm trọng như đồng peso của Argentina và mới đây là đồng rúp của Nga hạ giá thấp nhất trong lịch sử so với đồng đô la Mỹ.

Các quốc gia mới trỗi dậy cáo buộc Hoa Kỳ đã gây khó khăn cho họ, sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định siết chặt lại chính sách tiền tệ vào cuối năm ngoái. Hậu quả là các nhà đầu tư đã ồ ạt rút vốn khỏi các thị trường mới trỗi dậy.

Cuối tháng Giêng vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), ông Raghuram Rajan đã phát biểu rằng: “Mỹ cần quan tâm đến những ảnh hưởng của chính sách của họ đến phần còn lại của thế giới”. Các quốc gia trong nhóm G20 đều nhất trí phấn đấu cho mục tiêu tăng trưởng là 5,5% vào năm 2014 và 5,7% vào năm 2015.

Vừa đặt chân đến Úc vào hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew đã ra lệnh : « Các thị trường mới trỗi dậy phải có những sáng kiến để ổn định nền tài chính công và thi hành những cải cách hệ thống ». Trong vai trò trọng tài, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng khuyên các quốc gia này nên áp dụng một tỷ lệ hối đoái linh hoạt để có thể chống chọi tốt hơn trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Quỹ tiền tệ quốc tế ghi nhận : « Nền kinh tế các quốc gia mới trỗi dậy có một tỷ lệ lạm phát tương đối cao và thâm hụt do nhập siêu, nên khiến cho vốn đầu tư bị giảm nghiêm trọng ».

Năm quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất là Ấn Độ, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Indonesia. Theo chuyên gia kinh tế của ngân hàng Natixis, các nước này sẽ phải giảm 10% nhập khẩu và điều đó dẫn đến việc giảm 0,5% thương mại quốc tế. Đồng tiền của các quốc gia mới trỗi dậy bị mất giá, cũng làm cho các nhà đầu tư nước ngoài thất thu 30 tỷ đô la.

Vì sao cảnh chết chóc nổ ra tại Kiev ?

Tình hình tại Kiev vẫn tiếp tục thu hút các nhật báo ra ngày hôm nay. Riêng tờ Le Monde đăng bài xã luận giải thích đề tựa : « Vì sao cảnh chết chóc diễn ra tại Kiev ? ». Bài xã luận cho rằng, đây là lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Balkans, một bể máu đã xảy ra tại cửa ngõ Châu Âu, lần đầu tiên kể từ khi bức tường Berlin bị đổ vào năm 1989, một cảm giác đối đầu giữa Đông và Tây lại khơi dậy.

Ngày thứ Năm vừa qua (20/02/2014), hàng chục người biểu tình đã ngã xuống vì trúng đạn cảnh sát. Đây chính là một thảm kịch. Thế nhưng, thái độ hung bạo của chính phủ Ianoukovitch có nguy cơ mở đường cho nhiều tấn bi kịch khác. Tổng thống Ianoukovitch chịu trách nhiệm nặng nề về những sự kiện xảy ra trong vòng 48 giờ qua. Từ khi ông ký hiệp định tài chính với Nga vào giữa tháng 12 vừa qua, ông liên tục gia tăng khiêu khích đối với phe đối lập.

Trước hết là việc Quốc hội thông qua các đạo luật hạn chế biểu tình, tiêu diệt quyền tự do vào giữa tháng Giêng vừa qua, và sau đó là ngưng đàm phán về các cải cách của Hiến pháp tại Quốc hội. Mọi chuyện xảy ra cứ như phải chiều theo điều kiện từ điện Kremlin, do Ukraina nhận tài trợ của Nga. Chính phủ Kiev vẫn đối đầu với người biểu tình trên quảng trường Maidan và dập tắt phong trào nổi dậy chống lại một chế độ độc tài và tham nhũng.

Những sự kiện ấy làm nổi bật lên câu hỏi : Vì sao Kiev lại đổ máu vào năm 2014, 23 năm sau khi giành được độc lập trong hòa bình ? Vấn đề là cần phải biết được là các quốc gia chung ranh giới với đế chế Xô viết cũ có tự do hay không khi quyết định ký kết đối tác với Châu Âu, và rộng hơn là các quốc gia này có được tự do quyết định vận mệnh của mình hay không mà không bị ảnh hưởng bởi ý đồ cản trở của Nga.

Theo Le Monde thì không còn nghi ngờ gì nữa, Tổng thống Ianoukovitch chưa từng có ý định ký kết hợp tác với Bruxelles vào năm ngoái. Thế nhưng, trong suốt thời gian thương lượng, Mátxcơva đã tung ra cuộc chiến ‘‘tàn nhẫn’’, dùng thương mại để bắt chẹt Ukraina, để lôi kéo nước này vào guồng máy của Nga.

Tổng thống Nga muốn phục hồi lại sự thống trị của mình đối với các quốc gia ‘‘chư hầu’’, thuộc Liên Xô cũ. Châu Âu đã không đưa ra biện pháp nào từ mấy tháng nay, trước chiến thuật của điện Kremlin, sẵn sàng làm tất cả, kể cả xúi giục chính quyền Kiev, như thể giật dây một con rối, đàn áp nhân dân của mình. Dân thường chết tại Kiev vì Kremlin tìm cách áp đặt chế độ chủ quyền hạn chế lên Ukraina. Châu Âu sẽ phải rút ra những hậu quả một ngày nào đó trong mối quan hệ với người láng giềng khổng lồ phương Đông.

Đức Đạt Lai Lạt Ma: Bắc Kinh muốn Washington phải trả giá

Chuyển sang thời sự tại Châu Á, chuyến thăm của vị lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma vào ngày hôm qua tại Nhà Trắng (Hoa Kỳ) làm cho Bắc Kinh nổi cáu. Nhật báo Libération quan tâm đến chủ đề này qua bài viết : « Đức Đạt Lai Lạt Ma : Bắc Kinh muốn Washington phải trả giá ».

Phóng viên tờ báo tại Bắc Kinh tường trình, chính phủ Trung Quốc theo dõi chi tiết nhất cử nhất động của đức Đạt Lai Lạt Ma mà chính quyền Bắc Kinh gọi là « sói đội lốp cừu ». Bắc Kinh cho biết vô cùng tức giận và mối quan hệ Trung Quốc-Hoa Kỳ bị « tổn hại nghiêm trọng » khi Washington tiếp đón vị lãnh tụ Tây Tạng.

Washington thận trọng nhấn mạnh rằng: «Chúng tôi không ủng hộ độc lập của Tây Tạng, nhưng chúng tôi quan ngại về những căng thẳng vẫn tiếp diễn và tình trạng nhân quyền xấu đi nghiêm trọng tại các vùng của Tây Tạng». Trong khi 127 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối chính sách Hán hóa từ năm 2009 của Trung Quốc, Nhà Trắng khuyên chính phủ Trung Quốc và Đạt Lai Lạt Ma nên mở lại đàm phán nhằm giảm căng thẳng.

Tờ Libération nhận định, Đức Đạt Lại Lạt Ma đã từng được nhiều nguyên thủ quốc gia tiếp đón nhưng đã không gây nên nhiều phản ứng quá lớn và tức giận từ phía Bắc Kinh. Thế nhưng, sự lớn mạnh của tầm ảnh hưởng Trung Quốc cộng với các phong trào đấu tranh của người Tây Tạng liên tục nổ ra làm cho Bắc Kinh cứng rắn hơn trên quan điểm của mình.

Trung Quốc thường có hành động trừng phạt những nước làm phật lòng Bắc Kinh. Ví dụ, việc Na Uy trao giải Nobel hòa bình vào năm 2010 cho ông Lưu Hiểu Ba đã kéo theo hậu quả là Trung Quốc giảm nhập khẩu cá hồi từ Na Uy. Đối với Philippines cũng vậy, Trung Quốc ngưng nhập chuối của nước này khi Manila phản đối Trung Quốc chiếm các bãi đá ngầm trong hải phận của mình.

Bắc Kinh cho biết, cũng có một cái giá phải trả khi quốc gia nào tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Cái giá đó đã được các kinh tế gia Đức thuộc đại học Goettingen đo lường và nghiên cứu đó được công bố vào năm 2010 về các ảnh hưởng của trừng phạt kinh tế Trung Quốc trên các quốc gia tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các giáo sư cho biết, các nước này mất đi 8,1% trung bình tổng xuất khẩu sang Trung Quốc và thời gian có thể kéo dài đến 2 năm. Mục đích của Bắc Kinh, theo các kinh tế gia, là làm suy yếu phong trào đòi độc lập của người Tây Tạng trên thế giới.