Điểm Báo Pháp – 22-1-2015
Việt Nam: ngành tâm thần học vẫn còn đang mò mẫm
Thời sự quốc tế trên các mặt báo Pháp sáng nay 22/01/2015 khá tản mạn trải dài từ Đông sang Tây. Riêng về Châu Á, tuần san Courrier International trích dịch lại một bài viết đăng trên tờ Southeast Asia Globe tại Phnom Penh, liên quan đến vấn đề y tế qua hàng tựa “Việt Nam: ngành tâm thần học vẫn từng bước mò mẫm”. Theo ghi nhận của tác giả Amanda Saxton, rất nhiều bệnh nhân tâm thần được gởi đến chăm sóc tại các trại tư nhân. Một dấu hiệu cho thấy ngành y học trong nước vẫn chưa đủ khả năng chăm lo cho căn bệnh này.
Tác giả bài viết lấy trường hợp trại chăm sóc người tâm thần do ông Hà Từ Phước, chủ nhân một đồn điền cà phê nhỏ tại Pleiku làm ví dụ điển hình. Sự việc bắt đầu từ một ngày cách đây 10 năm, khi ông tình cờ nhìn thấy con trai của một khách hàng của ông bị nhốt trong một chiếc cũi. Hỏi qua mới biết rằng cậu bé đó đôi khi bùng phát những hành động bạo lực, điều này làm gia đình rất lo lắng. Vì con họ quá “điên” nên họ cũng không dám để con lang thang bên ngoài. Từ những cảnh được chứng kiến đó, ông Phước quyết định làm mọi cách để giúp đỡ người nghèo. Và ông đã quyết định dẫn “cậu bé điên” về Pleiku.
Tuy gia cảnh cũng không mấy khá giả nhưng mà ba năm sau ông đã quyết định xây dựng một trại bệnh rộng lớn, bên trong được kê nhiều dãy giường có đệm dành cho nam và một phòng riêng biệt cho một nữ bệnh nhân tại chỗ. Theo giải thích của bà Huỳnh, vợ của ông Phước và kém hơn ông đến một chục tuổi, một số bệnh nhân phải bị xích chân để “không cho họ chạy thoát và tránh những phiền toái”. Chẳng hạn như bị lạc giữa những khu đồi xung quanh như đã từng xảy ra, hay bị những người trong khu vực có những hành động đối xử tệ.
Dựa vào sự thiện nguyện là chính
Theo tác giả, mặc dù chứng tâm thần phân lập ít nhiều cũng được biết đến, nhưng nhiều chứng bệnh rối loạn tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực hay rối loạn lo âu vẫn còn là những thuật ngữ khá lạ lẫm đối với phần đông người Việt. Đa số những người bệnh đó đơn giản chỉ bị xem như là những “kẻ tâm thần” – những “ kẻ điên khùng”. Về mặt tâm linh, rất nhiều người Việt vẫn nhìn bệnh “điên” như là một nghiệp chướng phải trả của một thành viên trong gia đình cho những hành động đáng quở trách từ trong kiếp trước, chứ không hẳn là của chính bản thân người bệnh.
Về phần trại bệnh của ông Phước, tác giả cho hay bà Huỳnh sớm tối chăm sóc người bệnh, còn ông Phước phải làm việc cật lực trên đồng từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối để có tiền trang trải cho trại bệnh của ông. Hai vợ chồng cũng nhận được sự trợ giúp đó đây chủ yếu dưới hình thức cung cấp lương thực từ các nhà hảo tâm địa phương. Và theo một chương trình y tế chính phủ phát thuốc miễn phí cho nhiều trại bệnh tâm thần nằm rải rác khắp cả nước, các bệnh nhân tại cơ sở của ông Phước cũng được nhận mỗi buổi sáng một viên thuốc.
Vấn đề đặt ra là cả hai vợ chồng ông Phước – bà Huỳnh đều không được đào tạo y khoa. Theo như giải thích của bác sĩ Lâm Từ Trung, giám đốc bệnh viện tâm thần Đà Nẵng: “Những người quản lý các cơ sở kiểu vậy không biết cách sử dụng thuốc và tuyệt đối không được đào tạo cách chăm sóc những người mắc các chứng bệnh rối loạn phức tạp. Và như vậy họ có thể làm cho người bệnh càng trở nên nguy hiểm hơn”.
Nhưng sự thiếu hiểu biết về phân tâm học đó dường như cũng không làm cho người bệnh lẫn gia đình cảm thấy phải bận tâm đến. Chính phủ còn ít hơn nữa, thậm chí là các cơ quan báo đài, không những không nhìn thấy tình hình đó có điều gì đó đáng lo mà còn tung hô ông Phước như là một anh hùng.
Tích lũy kinh nghiệm
Dù vậy tác giả cũng ghi nhận có những bước tiến dè dặt trong ngành tâm thần học ở Việt Nam. Với sự trợ giúp của Hiệp hội hỗ trợ phát triển BasicNeeds, tỉnh Thừa Thiên-Huế bắt đầu xúc tiến nhiều chương trình về dịch vụ sức khỏe tâm thần như phổ biến liệu pháp tâm lý, hội nhập cộng đồng và đào tạo nghề nghiệp cho các bệnh nhân.
Chương trình này đã có những thành công đầu tiên. Theo ông Bùi Minh Bảo, bác sĩ tổng quát của Trung tâm sức khỏe có tham gia vào chương trình này, “Việc người dân trong cộng đồng không còn thấy xấu hổ khi phải đi điều trị bản thân nó đã là một tiến bộ vượt bậc. Về phần tôi, tôi cũng học được nhiều điều vì cho tới giờ, chứng bệnh tâm thần duy nhất mà tôi biết đến là tâm thần phân liệt”.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Vicky Ngo, người giám sát chương trình BasicNeeds thì Việt Nam cần phải đến 10 năm nữa để mô hình chăm sóc đó có thể được nhân rộng. Theo bà, “Hiện tại, những căn bệnh duy nhất được điều trị trong nước là tâm thần phân lập và động kinh và cách điều trị tập trung chủ yếu là cô lập người bệnh trong các bệnh viện tâm thần và dùng thuốc là chính, điều này rất có thể gây ra nhiều tổn hại”.
Đó là chưa kể đến việc do thiếu kinh nghiệm, nên thường xuyên cũng có những chẩn đoán sai lầm. Sau vài tháng nhập viện, nhiều bệnh nhân đã được trả về với gia đình, mà không ai nói cho họ biết cách phải chăm sóc người bệnh tâm thần như thế nào là đúng. Cũng theo bà Vicky Ngo, “Chính phủ Việt Nam không nên lãng phí tiền bạc chỉ để tống những viên thuốc an thần cho các bệnh nhân và cách ly họ ra ngoài xã hội như những gì đang làm hiện nay tại các bệnh viện cũng như tại gia đình và trong các trại tư nhân như ở Pleiku chẳng hạn”.
Cuối cùng, bài kết luận, trại tiếp đón bệnh nhân tâm thần của ông Phước ít ra đưa ra ánh sáng một trong những khe hở lớn về chính sách y tế của Việt Nam hiện nay.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đe dọa Nhật Bản
Liên quan đến vụ hai con tin Nhật Bản bị bắt cóc tại Syria, Le Monde trong bài viết có tựa đề “Nhật Bản dưới sự đe dọa của IS” cho biết Tổ chức Nhà nước Hồi giáo đòi Tokyo một khoản tiền chuộc lên đến 200 triệu đô-la. Đang công du các nước Cận Đông, Thủ tướng Shinzo Abe đã quyết định quay về nước gấp và kêu gọi quốc tế, nhất là Hoa Kỳ và Pháp giúp giải cứu hai con tin Nhật.
Hai con tin bị bắt có một người là phóng viên độc lập của hãng Independant Press, được thành lập vào năm 1996, chuyên cung cấp hình ảnh Cận Đông cho các đài truyền hình Nhật Bản. Còn người thứ hai bị rơi vào tay của IS khi đang tìm cách gia nhập Mặt trận Hồi giáo, một phong trào nổi dậy Syria đối thủ. Tờ báo nhận định đoạn video này được đưa ra không đúng thời điểm. Ông Shinzo Abe đang muốn biến chính sách ngoại giao của ông tại Cận Đông thành một trong những chính sách có tầm nhìn lớn. Vụ việc xảy ra trong khi Thủ tướng Nhật đang thực hiện chuyến công du các nước Ai Cập, Jordani, Israel và lãnh thổ Palestine.
Trong sáu ngày công du tại đây, ông Shinzo Abe đã đưa ra một loạt cam kết về hợp tác kinh tế và hỗ trợ phát triển. Ông còn hứa viện trợ 200 triệu đô-la để hỗ trợ các nước thành viên trong liên minh chống IS. Cũng chính vì quyết định này mà những kẻ bắt cóc đã biện minh cho việc đòi tiền chuộc. Một khoản tiền bằng với số tiền Thủ tướng Nhật cam kết và phải được thanh toán trong vòng 72 tiếng.
Khi tung đoạn video cho thấy hai con tin Nhật, quân thánh chiến Hồi giáo cực đoan trách Tokyo đã chọn gia nhập “cuộc thập tự chinh” và cung cấp tài chính để giết hại vợ con của họ, và tàn phá nhà cửa của người Hồi giáo. Về phần mình, Nhật Bản nhắc lại rằng sự hỗ trợ đó chỉ nhằm mục đích “nhân đạo và phát triển cơ sở hạ tầng” và không mang “tính chất quân sự”.
Le Monde nhắc lại đây không phải là lần đầu tiên Nhật Bản đối diện với nạn bắt giữ con tin thảm hại. Vào tháng Giêng năm 2013, 10 kỹ sư Nhật đã thiệt mạng trong vụ tấn công khu phức hợp khai thác khí ga tại In Amenas, Algeri cách đây một năm. Năm 2004, một người Nhật đã bị phong trào Abou Moussab Al-Zakaroui, tiền thân IS tại Irak hạ sát. Cũng trong năm này, ba công dân Nhật cũng bị bắt cóc tại Irak và bị đe dọa tính mạng nếu Tokyo không rút hết 550 quân nhân thuộc Lực lượng tự vệ được triển khai vào thời điểm đó. Cuối cùng sau một tuần bị giam giữ, những con tin này đã được thả, phía Nhật Bản khẳng định không trả một xu tiền chuộc.
Nga chi 1000 tỷ rúp để cứu vãn kinh tế
Vẫn trên báo Le Monde nhưng liên quan đến tình hình kinh tế – tài chính của Nga. Tờ báo cho hay Bộ Tài chính Nga thông báo sẽ bơm “một ngàn tỷ rúp cho các ngân hàng Nga”. Kế hoạch tái cấp vốn này chỉ sẽ liên quan đến khoảng “30 ngân hàng” đang bị tác động bởi các lệnh trừng phạt quốc tế do cuộc khủng hoảng tại Ukraina.
Thế nhưng, nhật báo cho rằng kế hoạch tăng vốn có thể sẽ không đủ và có tính chất chọn lọc. Vì kế hoạch này chủ yếu chỉ liên quan đến những ngân hàng nào có số vốn trên 25 tỷ rúp (số này rất nhiều tại Nga) và cam kết tăng tín dụng trong những lãnh vực kinh tế trọng điểm như ngành chế biến thực phẩm, công nghiệp chuyển hóa, giao thông và thông tin. Bên cạnh đó, việc tăng lương hay tăng phân chia cổ tức cũng sẽ bị hạn chế. Trước mắt hai ngân hàng chính VTB và Gazprombank mỗi ngân hàng đã lần lượt được cấp 100 tỷ và 40 tỷ rúp.
Khủng hoảng tiền tệ tại Nga cũng đã có những tác động trực tiếp lên các quốc gia láng giềng. Các chuyên gia quan ngại hiệu ứng dây chuyền trong khu vực. Vào thứ Ba vừa qua, Tadjikistan – quốc gia Trung Á nghèo và rất lệ thuộc vào nguồn kiều hối chiếm phân nửa Tổng thu nhập nội địa cho hay là đã chi tiêu hết phân nửa nguồn dự trữ ngoại tệ và vàng nhằm hạn chế đồng nội tệ rớt giá. Thống đốc Ngân hàng trung ương Tadjikistan trả lời giới báo chí dự báo: “Chừng nào tình hình kinh tế Nga và giá dầu vẫn chưa ổn định, thì sự biến động tỷ giá hối đoái vẫn sẽ tiếp diễn”.
Về phần Kirghiztan, Le Monde ghi nhận giá trị đồng nội tệ đã bị sụt giảm đến 17%, trong khi đó giao dịch kiều hối cũng bị giảm đến 70%.
Iphone – iPad giấc mơ còn xa đối với người Cuba
“Mỹ và Cuba, lần đầu tiên mặt đối mặt” là tựa đề thông báo của Les Echos. Trong vòng hai ngày, La Habana trở thành thủ đô của sự hòa giải khi đón tiếp vòng thương thảo đầu tiên với Hoa Kỳ. Người dân Cuba trông chờ một lệnh cấm vận được tháo dỡ đang đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Phía doanh nghiệp Mỹ hy vọng sẽ xuất khẩu được nhiều hàng hóa hơn vào Cuba.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn nhật báo, ông John Kavulich, Chủ tịch danh dự Hội đồng Kinh tế và Thương mại Mỹ – Cuba nhận xét rằng việc Washington nới lỏng cấm vận La Habana cũng chưa thể nào làm thay đổi nền kinh tế đất nước trong một sớm một chiều. Chính quyền ông Raul Castro sẽ không cho phép bất kỳ cải cách nào có thể dẫn đến việc làm mất quyền kiểm soát tình thế.
Sắp tới, các doanh nghiệp Mỹ chỉ có thể được phép cung cấp thiết bị cho những doanh nghiệp nào ít nhiều do nhà nước quản lý. Về phía các nhà xuất khẩu Hoa Kỳ, ông Kavulich cho rằng cũng không nên quá kỳ vọng. Với mức lương dao động từ 20-60 USD/ tháng, người dân Cuba cũng chưa thể cho phép mình mua các loại sản phẩm cao cấp như iPad và các loại điện thoại thông minh.
Sức mua của người dân chỉ thật sự tăng lên khi nền kinh tế được phục hưng, nhưng để có được điều này cần phải có những cải cách từ bên trong. Nhưng trong ngắn hạn, duy chỉ có các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và ngân hàng là có thể hưởng lợi từ việc mở cửa này. Những người sống lưu vong sẽ được phép chuyển tiền về Cuba với mức cao gấp 4 lần so với quy định trước đây. Du khách có thể rút tiền mặt ngay trên đảo. Dẫu sao thì đây cũng là một tin tốt lành cho các ngân hàng Mỹ.