Điểm Báo Pháp 21/4/2014

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp 21/4/2014

Một nhà máy Gazprom ở Sakhalin: Nga đem dầu hỏa và khí đốt ra để dụ các nước châu Á – REUTERS /Sergei Karpukhin

Nga ve vãn Đông Á

Theo RFI – Thanh Hà – Thứ Hai 21 Tháng Tư 2014

Do là ngày lễ Phục sinh, ngoại trừ Le Monde, nhiều tờ báo quen thuộc với độc giả Paris đều nghỉ phép. Riêng các ấn bản trên mạng tập trung vào sự kiện bốn cựu con tin Pháp vừa trở về với gia đình. Họ bắt đầu kể lại những điều kiện giam giữ khắc nghiệt trong 10 tháng, sau khi bị một nhóm hồi giáo cực đoan Syria bắt giữ. Về châu Á, báo Singapore The Straits Times có một bài phân tích dài mang tựa đề «Nga trở lại ve vãn Đông Á».

Sau Hoa Kỳ, đến lượt Nga « xoay trục » sang khu vực này. Tuần trước, Ngoại trưởng Sergei Lavrov vừa kết thúc một vòng công du châu Á và ông đã dừng lại ở Trung Quốc và Việt Nam. Ngoại trưởng Nga đến Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Putin vào tháng tới. Đây là một trong những động thái của Matxcơva nhằm thúc đẩy trở lại việc mở rộng hợp tác và thắt chặt quan hệ với toàn khu vực châu Á, từ Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam, Malaysia.

Nước cờ này của Matxcơva dễ hiểu trong bối cảnh tại Châu Âu, Nga đang bị cô lập và bị phương Tây đe dọa trừng phạt sau khi đã thôn tính vùng tự trị Crimée của Ukraina. Vấn đề đặt ra là trong quá khứ Nga đã nhiều lần tìm cách hâm nóng quan hệ với các đối tác Á châu, nhưng phần lớn những nỗ lực đó đều thất bại. Chủ yếu là vì Nga vừa kém tinh tế về phương diện ngoại giao, vừa thiếu phương tiện để thiết lập một mối quan hệ lâu bền với châu lục này.

Jonathan Eyal của báo The Straits Times nhắc lại hiềm khích, nghi kỵ giữa các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc ở vào những năm 1980. Trích lời một nhà nghiên cứu, Jonathan Eyal nhắc lại cố lãnh tụ Liên Xô Brejenev vào những năm tháng cuối đời đã bị ám ảnh về mối hiểm họa đến từ Trung Quốc như thế nào và thậm chí Matxcơva khi đó đã sẵn sàng bắt tay với kẻ thù không đội trời chung là « đế quốc Mỹ » để đối phó với một nước láng giềng « xảo quyệt » nằm sát cạnh là Trung Quốc.

Thế rồi, dưới triều đại của các ông Gorbatchev và Eltsine, chính quyền Matxcơva đã tìm cách sưởi ấm quan hệ với Nhật Bản. Bản thân, Tổng thống Putin đã ra lệnh cho ngành ngoại giao Nga chiều lòng hai đối tác thương mại quan trọng ở Châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc.

Dù vậy tại châu Á, Nga vẫn « đứng vòng ngoài » trong lúc hàng loạt các thỏa thuận « hợp tác chiến lược » với Hoa Kỳ đã liên tiếp nối đuôi nhau ra đời. Matxcơva đã bình thường hóa quan hệ với Bắc Kinh và Seoul nhưng không hề có một sự gắn bó với Trung Quốc cũng như Hàn Quốc.

Với Nhật Bản hay Ấn Độ quan hệ cũng chưa bao giờ thực sự nồng thắm. Ấn Độ tuy vẫn mua vũ khí của Nga nhưng New Delhi lúc nào cũng hướng tới việc « mở rộng quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ ». Tóm lại, theo như nhận định của tác giả bài báo, không một quốc gia nào ở Châu Á coi Nga là một điểm tựa, một tấm gương để noi theo hay một đối tác đáng tin cậy.

Những nỗ lực của Putin để đảo ngược thế cờ

Chính vì vậy mà điện Kremli đang đề ra mục tiêu « xoay trục » sang Châu Á. Với Bắc Kinh, trong chuyến công du Trung Quốc vào tháng 5/2014, Tổng thống Putin dùng chiêu bài năng lượng, đem dầu hỏa và khí đốt ra để dụ « công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới này ». Bên cạnh đó, dường như Matxcơva đã chấp nhận bán cho Trung Quốc hệ thống tên lửa phòng không đời mới nhất của mình. Tờ báo Singapore coi đây là một bước đột phá quan trọng bởi vì từ trước tới nay, Nga luôn sợ Trung Quốc sao chép kỹ thuật quân sự hiện đại này.

Với Tokyo, chủ nhân điệm Kremli chủ trương mở rộng cánh cửa đón nhận đầu tư của Nhật vào các vùng ở miền cực Đông của nước Nga, kêu gọi đầu tư vào năng lượng vào lúc mà Nhật Bản đang phải đóng cửa gần như toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân từ tháng 3/2011. Với chính quyền Hà Nội, Nga sẽ cũng cấp lò phản ứng hạt nhân và bán tàu ngầm cho Việt Nam. Trong chiến dịch chinh phục các đối tác Đông Á, Matxcơva đã không quên một ai, kể cả Bắc Triều Tiên.

Giới hạn trong chiến lược hướng về châu Á của Putin

Câu hỏi đặt ra là liệu Matxcơva có đạt được mục tiêu mong muốn hay không ? Tác giả bài báo trên tờ The Straits Times trả lời : Thứ nhất, ngoài dầu hỏa và khí đốt, Nga không có nhiều sản phẩm nào khác để chiêu dụ các bạn hàng Á châu. Thứ hai là riêng trong quan hệ Nhật – Nga, Nga đang mời mọc các nhà đầu tư xứ hoa anh đào trở lại những vùng đất mà chỉ mới một thập niên trước, chính quyền của ông Putin đã xua đuổi họ đi khỏi. The Strait Times cho là thái độ trở mặt như bàn tay đó khó mở ra triển vọng Matxcơva và Tokyo chóng trở thành những người bạn thân thiết.

Lý do thứ ba khiến tác giả cho rằng « tầm hoạt động » của ông Putin đối với Châu Á sẽ hạn hẹp do Nga sẽ phải lên tiếng trên một số hồ sơ nhạy cảm đối với khu vực này, từ vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên đến những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Làm thế nào để Matxcơva có thể tạo niềm tin với Bắc Kinh khi vẫn bán vũ khí cho Ấn Độ ?

Nhưng theo tác giả bài viết quan trọng hơn hết, là Nga chỉ có thể chinh phục được Châu Á nếu Matxcơva không biến khu vực này thành một điểm nóng mới để đọ sức với Hoa Kỳ. Nói cách khác, Matxcơva chỉ có thể hy vọng mở rộng ảnh hưởng với châu lục này với điều kiện là sự hiện diện của Nga không đe dọa quyền lợi của Mỹ.

Đông Nam Á : Thái Lan không còn là cột trụ của Mỹ

Cũng về Châu Á và Hoa Kỳ, báo The Nation của Thái Lan chú ý tới vòng công du bốn nước trong khu vực của Tổng thống Obama: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines. Lần trước ông Obama viếng thăm châu Á là vào tháng 11/2012.

Trong 18 tháng qua tình hình khu vực và toàn cảnh thế giới đã có nhiều thay đổi. 18 tháng vừa qua, Trung Quốc đã mở rộng ảnh hưởng ngoại giao và quân sự với khu vực. The Nation có ý trách chủ nhân Nhà Trắng đã lơ là với châu Á vào lúc mà ban lãnh đạo mới của Bắc Kinh đã không bỏ phí thời gian, thuyết phục các đối tác của Trung Quốc trong vùng về một « trật tự mới cho khu vực».

Ngoài ra tác giả bài báo, Kavi Chongkittavorn, tiếc cho Thái Lan là chính quyền Bangkok đã không biết tranh thủ quan tâm của Hoa Kỳ như Manila, để rồi Thái Lan không còn chiếm một vị trí then chốt trong chiến lược của Mỹ tại Đông Nam Á. Có thể nói Thái Lan đã bỏ lỡ cơ hội.

Trong quá khứ, Thái Lan và Philippines cùng từng là những đồng minh quan trọng của Mỹ ở Đông Nam Á. Thế nhưng Manila đã dựa vào Washington để hiện đại hóa hệ thống phòng thủ, để có hẳn một chiến lược quốc phòng riêng biệt. Trong khi đó Thái Lan thì vẫn chỉ « ở vòng ngoài ».

Khủng hoảng chính trị của Thái Lan phần nào phải chịu trách nhiệm về những cơ hội bỏ lỡ đó. Không chỉ với Philippines mà thậm chí là Hoa Kỳ đã mở rộng quan hệ với những quốc gia vốn không phải là những đồng minh truyền thống của Mỹ ở Đông Nam Á như là trường hợp của Malaysia.

Sau hai đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, Tổng thống Obama lần này sẽ viếng thăm Malaysia, – một sự kiện chưa từng xảy ra từ năm 1966 tới nay. Lãnh đạo Nhà Trắng sẽ đến Kuala Lumpur trước khi tới Manila, Philippines.

Malaysia là một quốc gia có bang giao tốt với Trung Quốc. Tổng thống Barack Obama ý thức được rằng củng cố quan hệ với Kuala Lumpur sẽ phục vụ quyền lợi của Hoa Kỳ trong vùng Đông Nam Á không chỉ trong hiện tại mà còn cả cho mai sau.

Bốn con tin Pháp tại Syria đã nếm mùi «địa ngục»

Trở lại với sự kiện bốn con tin Pháp bị bắt tại Syria cách nay 10 tháng vừa được trả tự do và đoàn tụ với gia đình đúng mùa lễ Phục Sinh : tất cả các báo đều chú ý đến những ngày tháng và điều kiện họ bị giam cầm.

Bốn người vừa trở về gồm phóng viên của đài phát thanh Europe 1, Didier François phóng viên ảnh Edouard Elias đã bị bắt tại Alep ngày 06/06/2013. Chưa đầy hai tuần sau đó đến lượt phóng viên cộng tác với tuần báo Le Point và đài truyền hình Arte, Nicolas Henin cùng với một phóng viên ảnh độc lập Pierre Torrès sa lưới nhóm EIIL tại Raqqa.

Cả bốn vừa được trả về với gia đình. Le Figaro ấn bản trên mạng cho biết nhóm Hồi giáo EIIL bắt giữ, đây là nhóm « cực đoan nhất trong số những tổ chức thánh chiến tại Syria ». Les Echos thuật lại cảnh các con tin của Pháp thường xuyên bị những tên cai ngục chĩa súng vào đầu dọa hành quyết nhưng đó chỉ là những đòn hù dọa, khủng bố tinh thần. Mãi rồi các con tin phải quen với cảnh sống trong sợ hãi.

Le Parisien kể lại một cách chi tiết hơn : trong 10 tháng giam cầm, 4 nhà báo pháp đã được đưa tới khoảng một chục địa điểm khác nhau, họ từng nếm mùi đói, rét. Cũng có lúc họ bị xiềng chặt lại với nhau và họ từng bị tra tấn, bởi Syria là một quốc gia nổi tiếng vì các hành vi tra tấn tù nhân hay con tin.

«Boston strong»

Sự kiện thể thao được chú ý nhất trong ngày là cuộc chạy đua marathon tổ chức tại thành phố Boston, miền đông Hoa Kỳ. Cánh nay đúng một năm hai quả bom đã phát nổ làm 3 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Năm nay, số người ghi danh tham dự đông đảo hơn năm trước : « Chạy để tưởng nhớ những người đã chết », tựa của La Croix.

Tờ báo thể thao L’Équipe hay Le Figaro đều nhấn mạnh đến việc ban tổ chức và chính quyền thành phố tăng cường các biện pháp an ninh. Năm nay có tất cả 35.000 vận động viên ghi danh chạy marathon ; hơn 3500 nhân viên cảnh sát được huy động, con số này tăng gấp đôi so với năm ngoái. Bên cạnh đó còn phải kể đến 3500 nhân viên bảo vệ do ban tổ chức thuê riêng để bảo đảm an toàn cho cả các vận động viên lẫn khán giả đến xem cuộc chạy marathon lâu đời nhất thế giới này.

Tờ báo phát không 20 Minutes đưa tin ngày mai thành phố Boston sẽ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân khủng bố với sự hiện diện của phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hai tác giả gây tang tóc cho cuộc chạy đua việt dã Boston 2013 là hai anh em nhà Tsarnaev. Người anh, Tamerlan, 26 tuổi đã chết hôm 19/04/2013 trong cuộc truy đuổi với cảnh sát. Còn người em là Djorka thì sẽ bị đưa ra tòa vào đầu tháng 11 sắp tới. Với tội danh khủng bố cầm chắc là Djorka sẽ lãnh án tử hình.