Điểm báo Pháp ngày 21-4-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm báo Pháp ngày 21-4-2016

Một trạm xăng Ioukos tại Matxcơva.Reuters

 

Theo RFI

Đăng ngày 21-04-2016

Thắng vụ kiện Ioukos 50 tỉ đô la, Nga « thoát » tịch biên

Nga chiến thắng trong vụ kiện Ioukos 50 tỉ đô la, cuộc song đấu giữa bà Hillary Clinton và ông Donald Trump trên đường đua đến Tòa Bạch Ốc, nguy cơ phe cực hữu lọt vào vòng hai trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 – như đã diễn ra vào năm 2002. Đó là những chủ đề chính được các báo Paris hôm nay 21/04/2016 quan tâm.

Với tựa đề « Chiến thắng tư pháp trị giá 50 tỉ đô la cho điện Kremlin », bài viết của Le Figaro nhận định, một giai đoạn quyết định trong trong truyện dài kiện tụng tầm cỡ giữa các cổ đông cũ của Ioukos và Nhà nước Nga đã được vượt qua. Hôm qua, tòa án Hà Lan đã hủy quyết định ngày 18/07/2014trước đây của Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye.
Từ sau phán quyết vô tiền khoáng hậu của Tòa Trọng Tài buộc chính phủ Nga bồi thường cho các cổ đông Ioukos 50 tỉ đô la, một trận chiến đã diễn ra giữa các văn phòng luật sư quốc tế và các công ty truyền thông, trải dài từ Luân Đôn đến Washington, từ Paris đến Berlin, New Delhi.
Tất cả bắt đầu cách đây 20 năm, từ vùng đất Xibêri xa xôi, khi nhà tài phiệt Mikhail Khodorkovski nhân lúc Nhà nước Nga cho tư nhân hóa rộng rãi, đã lập nên công ty dầu khí tư nhân hàng đầu cả nước là Ioukos. Ông cũng trở thành tỉ phú giàu nhất nước Nga.
Đến năm 2003, ông Khodorkovski – muốn đưa Ioukos xích lại gần các tập đoàn dầu khí Mỹ và tài trợ cho các nhà đối lập với điện Kremlin, đã bị bắt giữ. Bị lãnh án vì tội danh trốn thuế, ông đã phải ngồi tù 10 năm, đến 2013 mới được ông Vladimir Putin trả tự do trước khi diễn ra Thế vận hội Sotchi.
Hiện nay đang sống lưu vong ở Luân Đôn, nhà tỉ phú bận rộn với đảng chính trị mới Open Russia do ông lập ra, không dính đến vụ Ioukos vì năm 2005 khi còn trong tù, Khodorkovski đã nhượng lại các cổ phần của mình cho các cổ đông khác, với mục đích bảo toàn công ty.
Năm cổ đông chủ chốt này đã tập hợp lại thành công ty GML, và chính GML đã kiện Nhà nước Nga ra Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye, vì đã giải thể Ioukos vì quyền lợi của tập đoàn quốc doanh Rosneft. Đại diện cho GML là luật sư người Anh Tim Osborne, đã tập trung suốt mười năm trời để chiến đấu với một nước Nga mà ông chưa hề đặt chân tới.
Bản án lịch sử dày đến 600 trang đã được đưa ra vào năm 2014 : các thẩm phán nhận định Ioukos bị giải thể một cách bất hợp pháp, vì lý do chính trị, và buộc Kremlin phải bồi thường 50 tỉ đô la.
Phán quyết này đã bị một tòa án sơ thẩm Hà Lan bác bỏ hôm qua. Matxcơva cầu viện đến tư pháp Hà Lan vì trụ sở Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế La Haye đặt tại nước này. Lập luận của các luật sư GML lập dựa trên việc áp dụng Hiệp ước châu Âu về năng lượng mà Nga đã ký kết năm 1994, nhưng Hiệp ước này lại chưa được Quốc Hội Nga thông qua.

Cuộc chiến tịch biên tài sản Nga trên thế giới

Matxcơva chưa bao giờ có ý định chi trả số tiền 50 tỉ đô la trên. Trong hai năm qua, các cổ đông Ioukos đã phải lao vào một cuộc chiến tư pháp tại năm, sáu quốc gia để thi hành phán quyết : tịch biên các tài sản của Liên bang Nga.
Pháp là một trong những nước hăng hái thực hiện việc tịch biên. Theo tờ Les Echos, từ đầu vụ cho đến giờ, bộ Ngoại Giao Pháp đã chuyển cho Matxcơva 200 thông cáo liên quan ! Công trình xây dựng giáo đường Nga ở gần tháp Eiffel là mục tiêu dễ thấy nhất : GML đòi huy động lực lượng an ninh để giúp thừa phát lại làm nhiệm vụ, còn Nga viện cớ đây là công trình trên đất thuộc ngoại giao đoàn. GML còn muốn tịch biên số tiền gần 1 tỉ euro mà Paris phải trả cho Matxcơva do hủy hợp đồng bán chiến hạm Mistral, nhưng không thành công.
Tại Bỉ, một công chứng viên đã ngăn lại trình tự tịch biên một tòa nhà sau khi nhận được thư của phía Nga cảnh báo « sự cố ngoại giao quan trọng ». Bên kia bờ Đại Tây Dương, Viện bảo tàng mỹ thuật của trường đại học Virginia từ chối cho một triển lãm mượn các quả trứng của Fabergé – bảo vật do nhà kim hoàn Pháp Fabergé chế tác riêng cho quốc vương Alexandre III và Nicolas II – do sợ bị tịch thu.
Luật sư người Pháp của GML, ông Emmanuel Gaillard tố cáo « Phía Nga không tự giới hạn ở các biện pháp dân chủ » : ông từng bị đe dọa ám sát. Dù sao đi nữa, hiện giờ Nga đã thắng, và Matxcơva hớn hở đòi hỏi tư pháp các nước khác dừng việc tịch biên tài sản Nga.
Tuy nhiên, truyện dài này chưa chấm dứt ở đây : GML kháng cáo, và thủ tục này còn kéo dài vụ kiện thêm hai năm nữa, chưa kể đến thủ tục phá án sau đó. Trong khi chờ đợi, GML nỗ lực tiếp tục đòi tịch biên, từ Paris đến Berlin hay New Delhi ; những địa điểm rất xa so với các mỏ dầu ở Xibêri, nơi câu chuyện này khởi đầu cách đây hai thập niên.

Hồng Kông : Sau Cách mạng Dù đến phong trào lập đảng mới

Tại châu Á, nhật báo kinh tế Les Echos đề cập đến Hồng Kông, cái gai trong mắt Bắc Kinh và nhấn mạnh, sau vụ bắt bớ chủ nhân các nhà xuất bản, nhiều nhà sách ở các địa điểm « nhạy cảm » sẽ bị đóng cửa.
Hai công ty chủ chốt quản lý các nhà sách tại sân bay quốc tế từ năm 2009 sẽ phải giảm bớt quy mô : một số điểm bán bị đóng cửa, số khác bị dời đi. Đó là do các nhà sách này bán đầy những tác phẩm nhạy cảm về chính trị, liên quan đến các thành viên chính phủ ở Bắc Kinh.
Quyết định mới này diễn ra vài tháng sau vụ nhiều chủ nhân nhà xuất bản ở Hồng Kông bị bắt cóc cuối năm 2015 ; và một số sau đó thấy xuất hiện tại Hoa lục, « tự thú » những « tội lỗi » của mình. Bàn tay đen đúa của người khổng lồ Trung Quốc không dừng lại ở đó.
Viện bảo tàng nhỏ bé về Thiên An Môn, sự kiện đẫm máu năm 1989 bị đe dọa đóng cửa. Nơi duy nhất trên thế giới trưng bày những chứng cớ về vụ Bắc Kinh dùng quân đội đàn áp sinh viên biểu tình đang bị các thủ tục hành chính cố tình hành hạ. Trong khi đó, rất nhiều thanh niên ở Hoa lục hiện nay không hề biết gì về chương lịch sử u ám ấy của đời sống chính trị Trung Quốc. Dưới mắt chế độ cộng sản Bắc Kinh, sự hiện diện của một bảo tàng về Thiên An Môn ở Hồng Kông, điểm đến của nhiều du khách Hoa lục, quả là nguy hiểm.
Bên cạnh đó là các sáng kiến dân chủ vẫn tiếp tục, sau cuộc « Cách mạng những chiếc dù » năm 2014. Giờ đây không phải là biểu tình ngồi, mà là thành lập các đảng chính trị mới. Đảng Hongkong National Party vừa được một thanh niên mới tốt nghiệp đại học bách khoa Hồng Kông khởi xướng.
Không chỉ muốn thành lập một nước « Cộng hòa Hồng Kông tự do », mà họ còn thẳng thừng tố cáo việc « Trung Quốc muốn đô hộ Hồng Kông ». Cụ thể : « Bắc Kinh mỗi ngày gởi 150 người sang Hồng Kông định cư. Họ cố bắt chúng tôi phải nói cùng thứ tiếng quan thoại với họ, tẩy não chúng tôi qua việc ‘‘giáo dục ái quốc’’ ở trường học, và tràn ngập đặc khu với đầu tư đỏ ».
Sau đảng Youngspiration, đảng Demosisto vừa được khai sinh với mong  muốn người Hồng Kông đứng dậy « quyết tâm, kiên trì chiến đấu ».

Donald Trump, tổng thống tương lai của đại cường Mỹ ?

Nhìn sang nước Mỹ, các báo đều chú ý đến « Clinton-Trump, cặp song đấu đã hình thành », sau chiến thắng vang dội của cả hai ở New York vừa qua. Bài xã luận của Le Figaro mang tựa đề « Tổng thống Trump ? » nhận xét, cuộc tranh cử lần này không giống như thường lệ.
Theo tờ báo, thoạt nhìn thì bà Hillary Clinton có đủ các lợi thế : thông minh, chuyên nghiệp, đầy kinh nghiệm, và là người phụ nữ đầu tiên có thể bước chân vào Nhà Trắng. Đối diện với bà là nhà tỉ phú bất nhất, không hề có kinh nghiệm chính trường, có vô số phát biểu sai lầm. Ông Trump sẽ thất bại khi một cử tri có trách nhiệm đặt ra hai câu hỏi : liệu ứng cử viên này có xứng đáng lãnh đạo đại cường số một thế giới, và liệu có thể phó thác cho ông ta lợi ích của chính mình cũng như của nước Mỹ ?
Nhưng nước Mỹ cũng muốn có những khuôn mặt mới, đây không phải là lợi thế của bà Clinton. Tất nhiên Donald Trump cần phải tỏ ra khả tín hơn so với hiện nay, tuy nhiên ông ta có thể dễ dàng có sáng kiến mới hơn. Tờ báo kết luận, bà Hillary Clinton đã sai khi đánh giá thấp trận chiến sắp tới.

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : Trận động đất được báo trước

Còn tại Pháp, xã luận của báo Le Monde nói về « Trận động đất đã được báo trước cho ngày 21 tháng Tư năm 2017 ». Mười bốn năm sau khi phe cực hữu lọt được vào vòng hai cuộc bầu cử tổng thống năm 2002, đảng Xã Hội cánh tả hiện suy yếu đi rất nhiều, có nguy cơ bị loại ngay từ vòng đầu.
Lâu nay cánh tả chỉ muốn coi vụ ứng cử viên Lionel Jospin của đảng Xã Hội bị Jean-Marie Le Pen của đảng Mặt trận Quốc gia qua mặt từ vòng một, chỉ là một sự cố. Đó là do một chiến dịch vận động tranh cử sai lầm, quá chú trọng vào vòng hai ; một ứng cử viên quá tự tin về kết quả điều hành chính phủ tốt đẹp ; và các đồng minh không muốn thực sự hiệp đồng tác chiến.
Còn bây giờ, cánh tả nói chung và những người đang lãnh đạo nước Pháp từ bốn năm qua nói riêng, nhận ra rằng sự kiện bất ngờ năm 2002 đang dần trở thành một sự thật có thể rất phũ phàng cho năm 2017.
Bản thân đảng Xã Hội đang chia rẽ trầm trọng, còn bất đồng với các đồng minh lịch sử như đảng Cộng Sản và đảng Sinh Thái khó thể hàn gắn. Chưa kể hồi năm 2002, ông Lionel Jospin có được kết quả đáng tự hào và được mọi người tôn trọng. Còn tổng thống François Hollande hiện nay uy tín đang ở mức thấp nhất, khó thể thuyết phục được cử tri khi có thêm đến 700.000 người thất nghiệp, tăng trưởng quá thấp và sưu cao thuế nặng.
Đảng Xã Hội dường như không thể vạch ra được những kế hoạch tương lai, tổng thống Hollande – được bầu lên với lời hứa « thay đổi », vẽ vời ra « giấc mơ Pháp » – có vẻ đang chối bỏ thực tế. Trước một cánh hữu đang muốn phục thù và đảng cực hữu ngày càng chinh phục được nhiều cử tri hơn, thất bại đã được báo trước. Trừ phi người ta còn muốn tin vào phép lạ.