Điểm Báo Pháp – 21-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 21-2-2015

Một trạm dẫn khí đốt của Ukraina. Ảnh chụp ngày 21/05/2014.- Reuters

Ukraina: Mặt trận mới trong cuộc chiến khí đốt

Theo RFI – Thu Hằng – 21-02-2015

Nguyên thủ hai nước Đức và Pháp bận tâm tới vấn đề hòa bình tại khu vực biên giới và miền đông Ukraina. Báo Le Figaro thông tin: «Hollande và Merkel liên kết trên vấn đề Ukraina» và «Mặt trận mới trong cuộc chiến khí đốt». Thế nhưng, từ khi thỏa hiệp ngừng bắn được thông qua, chưa bên tham chiến nào tôn trọng. Tờ Le Nouvel Observateur đánh giá rằng: «Vừa mới kí đã bị quên lãng, hiệp định hòa bình «Minsk 2» dường như chỉ là thời gian tạm nghỉ trước khi một cuộc leo thang mới nổ ra».

Từ đêm dài thỏa hiệp tại Minsk, hai nguyên thủ quốc gia không ngừng trao đổi, đặc biệt là từ khi lệnh ngừng bắn đã nhiều lần bị vi phạm. Dù thế, họ vẫn đang chờ đợi những điều khoản của thỏa hiệp được thực hiện, như việc rút vũ khí nặng ra khỏi mặt trận hay trao đổi tù binh. Thế nhưng, theo Le Nouvel Observateur, cả hai phe ly khai và chính phủ đều kêu gọi nhau tôn trọng hiệp định và tuyên bố chỉ rút quân khi phe kia rút trước.

Thỏa thuận trên đã mở đường cho Nga, thông qua tập đoàn Gazprom, trực tiếp cung cấp khí đốt cho phe ly khai tại vùng Donbass mà không phải nhờ tới đường ống do Kiev kiểm soát. Thông tin này được Le Figaro đăng trong bài: «Mặt trận mới trong cuộc chiến khí đốt». Với thành tích này, phe ly khai đã tiến một bước mới trong việc tách khỏi Ukraina và đảm bảo việc cung cấp khí đốt cho người dân tại vùng ly khai này.

Trước đó, tập đoàn Gazprom của Nga đã yêu cầu tập đoàn Naftogaz của Ukraina thanh toán hóa đơn cung cấp khí đốt cho vùng Donbass mà Ukraina không đặt hàng. Một chuyên gia đánh giá: «Vai trò của Gazprom không rõ ràng. Về mặt thương mại, tình trạng hiện nay rất vô lý và người ta không biết ai phải trả dự trữ khí đốt trên, vì cả hai nước cộng hòa tự xưng không có tiền thanh toán».

Trong khi đó, Matxcơva chỉ trích «chiêu» khó hiểu của Kiev lấy cớ chiến đấu để ngừng cung cấp khí đốt cho khu vực ly khai. Ngoài đòn trừng phạt này của Ukraina, còn phải kể tới việc phong tỏa ngân hàng và hạn chế đi lại trong khu vực. Thế nhưng, thứ Sáu ngày 20/02/2015 vừa qua, các thủ lĩnh ly khai phủ nhận nối lại việc cung cấp khí đốt từ phía Ukraina. Phải chăng đây là cách để kêu gọi sự cứu trợ từ Matxcơva và tiếp tục chơi trò nói dối?

Hy Lạp và Châu Âu đạt được một thỏa thuận có điều kiện

Đây là thông tin được Le Figaro đưa trên trang nhất. Tối hôm qua, sau nhiều cuộc thương lượng gay cấn, hai bên đã tìm được một thỏa thuận cho phép kéo dài thêm 4 tháng chương trình giúp đỡ quốc tế mà hiện Athènes đang nhận được. Để đổi lại, tối thứ Hai 23/02/2015 tới, Hy Lạp phải trình bày những cải cách cơ cấu của mình. Một đội ngũ chuyên gia sẽ phân tích những cải cách này trước khi gửi cho Eurogroupe xem xét.

Đánh giá kết quả của cuộc thương lượng này, Les Echos cho rằng «Hy Lạp co mình dưới sức ép của nước Đức» và «Giữa Berlin và Athènes, lòng tin cậy ‘nát thành cám’». Dù nhận được sự giúp đỡ của Châu Âu, phục hồi kinh tế tại Hy Lạp vẫn còn rất mong manh. Vì nước này có tới 25,8% dân thất nghiệp và 30% các khoản tiền mà ngân hàng cho các gia đình vay là những khoản rủi ro tín dụng.

Trung Cộng: Cho thuê chàng rể lý tưởng

Năm mới âm lịch là dịp đoàn tụ gia đình, thế nhưng cũng là vấn đề đau đầu đối với nhiều thanh niên Trung Hoa. Họ thường bị cha mẹ và người thân «tra tấn» chuyện lập gia đình và sinh con cái. Một cách giúp họ «qua mắt» cha mẹ là mướn một bạn gái hay bạn trai nhân dịp này. Tạp chí Le Monde quan tâm tới sự kiện đang nở rộ  tại Trung Quốc dưới dòng tựa: «Cho thuê chàng rể lý tưởng».

Bài báo kể chuyện một thanh niên làm nghề phát triển phần mềm, ngoài công việc chính, anh làm thêm công việc vào vai chàng rể lý tưởng tương lai để phụ thêm thu nhập hàng tháng. Công việc của anh trở nên bận rộn dịp cuối năm. Đây là thời điểm phụ nữ độc thân, về nhà ăn Tết, thường bị người thân giục lập gia đình.

Chàng trai tự đăng quảng cáo về mình, như một sản phẩm thông thường, trên các trang bán hàng trực tuyến như trang Taobao của tập đoàn Alibaba. Để có thể thu hút «bạn gái tương lai», anh tập trung nêu những điểm mạnh như : có bằng lái xe, tửu lượng tốt, biết cách cư xử và nếu cần, có thể làm món thịt heo rim.

Trong chuyến du xuân về nhà bố mẹ «bạn gái», họ nói chuyện với nhau để tránh «ông nói gà bà nói vịt». Thường anh đóng vai «chàng rể» tương lai hơi nhút nhát và ít nói. Nếu họ hàng hỏi về nghề nghiệp, anh ta sẽ lái ngay sang chuyện tin học với những từ ngữ quá chuyên môn đối với họ. Nếu bị chất vất bao giờ cưới, chàng trai cũng đảm đương công việc một «chàng rể hờ» với điều kiện không kí kết giấy tờ gì hết.

Thị trường này ngày càng nở rộ tại TC. Đây cũng là sức ép xã hội đối với những «gái ế». Từ này có nghĩa xấu chỉ những phụ nữ khoảng 30 tuổi mà chưa lập gia đình. Trong một xã hội đầy cạnh tranh, họ buộc phải tập trung trước hết vào việc học hành, sau đó là gây dựng sự nghiệp. Vì thế, cuối cùng, không những từ chính gia đình mình, mà còn từ báo chí chính thức (có nghĩa là nhà nước), họ phải hứng chịu chỉ trích chỉ vì tham vọng cá nhân mà quên nghĩa vụ chính đối với xã hội.

Xe gắn máy, tai họa cho y tế cộng đồng

Vẫn liên quan tới Châu Á, tờ Le Courrier international đề cập tới tình trạng an toàn giao thông tại khu vực Đông Nam Á khi trích đăng bài: «Xe gắn máy, tai họa cho y tế cộng đồng» của tờ Internazionale, xuất bản tại Roma. Theo đó, giá phải trả về mặt xã hội và kinh tế do tai nạn xe gắn máy hai bánh gây ra rất lớn. Thế nhưng, chính quyền chẳng mảy may quan tâm.

Tác giả bài báo phản ánh thực trạng đầu tiên tại hầu hết các quốc gia Đông Nam Á là chạy xe gắn máy không có bằng lái. Nếu bị chặn lại, kể cả có bằng lái, người điều khiển xe vẫn bị cảnh sát tìm cách bắt lỗi phạt. Đây là một hình thức tham nhũng phổ biến khắp khu vực. Bài báo đặt câu hỏi : Nếu cảnh sát không tôn trọng luật giao thông, thì tại sao công dân lại phải chấp hành ?

Tại Cam Bốt, chỉ khoảng 1/4 người lái xe có bằng và 70% trong số họ không biết ý nghĩa của biển chỉ «Stop». Tại Châu Á, xe gắn máy gây ra khoảng 1/3 trường hợp tai nạn chết người trên đường phố. Trong khi đó, con số này lên tới 67% tại Cam Bốt, còn tại Lào và Thái Lan thì kinh hoàng hơn, tỉ lệ này lên tới 74%.

Chính phủ các nước luôn lên tiếng sẵn sàng cải thiện tình hình an toàn giao thông. Nhưng dường như người ta có cảm giác rằng họ coi đó là thiệt hại bên lề khó tránh được của công cuộc phát triển kinh tế. Thế nhưng, những đánh giá mới đây của Ngân hàng thế giới đã chứng minh ngược lại. Tai nạn giao thông gây hại từ 2 đến 3,5% GDP hàng năm của các nước Đông Nam Á do thiệt mạng, thương tật lâu dài, tốn kém cho hệ thống y tế và đền bù vật chất.

Ở các quốc gia Đông Nam Á này, phần lớn dân cư sống dưới ngưỡng nghèo, chiếc xe gắn máy là cơ may để tìm được một việc làm tốt hơn dù xa hơn và sống ở khu phố khá hơn. Tại Thái Lan, cứ 2 xe máy có 1 xe hơi, tại Miến Điện và Indonesia, có khoảng 7 hoặc 8, còn tại Việt Nam tỉ lệ này là 57 xe máy cho 1 xe hơi. Ở Bangkok, người dân coi xe máy là phương tiện để tránh tắc đường. Trong khi đó, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, đây lại là phương tiện đi lại duy nhất.

Việc đội mũ bảo hiểm là bắt buộc khi tham gia giao thông. Nhưng luật này ít được áp dụng và đôi khi bị chế nhạo. Ở một tỉnh ngoại ô thủ đô Phnom-penh, chỉ khoảng 24% người đi xe gắn máy đội mũ bảo hiểm. Còn tại Việt Nam, một nghiên cứu gần đây cho biết 80% mũ bảo hiểm cho xe gắn máy không đạt tiêu chuẩn an toàn tối thiểu.

Du lịch tới các di tích buồn

Chuyên mục «Văn hóa & Ý tưởng» của báo Le Monde giới thiệu cuốn sách ảnh, tạm dịch là: «Du lịch đau buồn». Kết quả nhiều năm bôn ba của nhiếp ảnh gia Ambroise Tézenas từ sau khi thoát chết khỏi trận sóng thần năm 2004 tại Sri Lanka.

Ngạc nhiên hơn vì vài năm sau, tác giả phát hiện sự chết chóc và tan hoang tại nơi này lại thu hút trí tò mò của khách du lịch. Từ đó, tác giả đưa ra dự án ảnh xoay quanh những khu vực trở nên nổi tiếng và được viếng thăm do có chung một lý do là thảm họa : hoặc do thiên tai, hoặc do tàn sát hay chiến tranh…

Với sự phát triển của ngành du lịch quần chúng, các khu di tích gợi trí tò mò « lệch lạc » của công chúng ngày càng nhiều. Thậm chí người Anh còn có loại hình «du lịch đen» gồm các khu Ground Zero tại New York, hay cầu Alma tại Paris (nơi công nương Diana tử nạn xe hơi) hay trại tập trung Auschwitz, nơi hàng năm đón tới hơn 1 triệu khách du lịch.

Tại Pháp, một khái niệm mới, «du lịch tưởng niệm», được dẫn ra trong bài diễn văn kỉ niệm Đệ nhị Thế chiến  của Tổng thống Pháp hồi mùa thu năm 2014. Loại hình du lịch này quy các nghĩa trang liệt sĩ của các cuộc Đại chiến Thế giới như những nơi tưởng niệm và giáo dục.

Tác giả cuốn sách nhấn mạnh ngoài việc giới thiệu khu di tích, người ta còn chăm chút tới việc tạo cảnh mà theo ông «luôn có một thông điệp đằng sau việc dàn dựng này». Ví dụ, tại Rwanda, sọ của nạn nhân nạn diệt chủng còn được đào lên, lau rửa sạch để tạo ấn tượng mạnh hơn cho công chúng. Loại hình trưng bày này cũng được áp dụng tại nơi mà cựu Tổng thống Mỹ Kennedy bị ám sát, bảo tàng Kháng chiến Mleeta (tại Li-băng), thành phố Tchernobyl (tại Ukraina), công viên Grutas (tại Litva) trưng bày những di sản của thời Xô Viết cũ, hay gần đây, tại huyện Văn Xuyên (Wenchuan, tỉnh Tứ Xuyên) nơi bị cơn động đất năm 2008 tàn phá…

Càng tìm tòi, Ambroise Tézenas càng kinh ngạc trước số lượng các di tích dùng thảm kịch để phát triển du lịch, đến nỗi: «Nó trở thành một ổ marketing: có rất nhiều khu di tích mới mở cửa hàng năm». Do không có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng hay di sản văn hóa, nhiều nước đào bới Lịch sử, nơi chôn sâu ít nhất một thảm kịch, và thêm vào đó những lời giới thiệu cảm động vì mục đích thương mại.

Một số thông tin khác

Thời sự Pháp vẫn tập trung ở việc luật Macron được thông qua mà không cần bỏ phiếu. Tuần san Le Nouvel Observateur chỉ trích cách thông qua luật Macron và đánh giá rằng dù chuyên cần, tận tâm nhưng do cố chấp và thiếu kinh nghiệm, cuối cùng, sau nhiều tuần thảo luận, vị Bộ trưởng Bộ Kinh tế phải dùng tới uy lực để thông qua những cải cách đầu tiên của mình.

Sau những căng thẳng, Tổng thống Pháp, «Hollande buộc phải trì hoãn các cải cách đang gây tranh cãi». Đây là thông tin mà Le Figaro đăng trong số ra cuối tuần. Tờ báo cũng cho biết trong khi đảng Xã hội đang chuẩn bị hội nghị và bị chia rẽ về luật Macron, phủ tổng thống muốn tránh việc đảng đa số lại sôi sục lần nữa về chủ đề nhạy cảm là đối thoại xã hội và các định mức xã hội.

Ngoài phải đối mặt với những căng thẳng trong nước, cùng với Thủ tướng Đức, Tổng thống Pháp còn có lịch làm việc dày đặc với hai vấn đề nổi cộm tại Châu Âu là cuộc hội đàm tối hôm qua, thứ Sáu ngày 20/02/2015, về vấn đề nợ với Hy Lạp và thỏa thuận ngừng bắn Minsk bị vi phạm.