Điểm Báo Pháp – 21-12-2015
Nhà máy lọc dầu Sheaiba ở Irak. Ảnh chụp ngày 29/03/2015.- REUTERS/ Atef Hassan/Files
Theo RF – Minh Anh – 21-12-2015
Giá dầu thô rẻ: Ai được, ai thua?
Giá dầu thế giới trong vòng xoáy tụt giảm mà không ai có thể dự đoán được ngày kết thúc. Mức sản xuất chưa bao giờ cao, nhưng nhu cầu lại tụt giảm trong khi lượng tồn kho ngày càng nhiều. Tính từ tháng 6/2014, giá dầu thô trên thế giới tụt giảm đến hơn gấp ba lần, hiện ở mức 35-40 đô-la/thùng. Đối với các nước tiêu thụ, mức giảm này sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng các nước sản xuất bị ảnh hưởng mạnh mẽ. La Croix số ra ngày 21/12/2015 có bài giải thích đề tựa «Giá dầu thô rẻ: Ai được, ai thua?».
Thúc đẩy tăng trưởng tại các nước tiêu thụ
Kẻ cười, người khóc, là nhận định đầu tiên của nhật báo công giáo La Croix. Nói một cách tổng quát, giá dầu rẻ «có một tác động tích cực đáng kể về hoạt động và tài chính công», theo như phân tích của viện Terra Nova đưa ra hồi tháng 5/2015. Nhất là khu vực đồng euro, giá dầu thô giảm là một trong ba cột trụ chính để hồi phục kinh tế, cùng với hai giải pháp giảm giá đồng euro và lãi suất sàn.
La Croix lấy trường hợp nước Pháp làm ví dụ cụ thể. Tính chung cả các hộ gia đình và doanh nghiệp trong năm nay, hóa đơn năng lượng Pháp giảm 20 tỷ euro. Điều đó giúp tăng sức mua cho đối tưọng thứ nhất và rộng đường tài chính cho đối tượng thứ hai.
Nghiên cứu của Terra Nova cho thấy rõ: «Trên phương diện cán cân mậu dịch, giá dầu giảm sẽ cho phép nước Pháp giảm đến hơn phân nửa thâm hụt thương mại».
Tuy nhiên, nhật báo cảnh báo là giá dầu thô giảm không chỉ toàn có tác động tích cực. Một số chuyên gia kinh tế, đứng đầu là ông Mario Draghi, thống đốc Ngân hàng Trung ương Châu Âu đang lo ngại giá dầu giảm sẽ dẫn đến tình trạng giảm phát. Đây cũng là một cái bẫy mà khối euro bằng mọi giá phải tránh cho được.
Dầu thô giảm giá: Tin vui cho môi trường?
Nhưng theo La Croix, điều nghịch lý là dầu thô thế giới sụt giá có thể sẽ là một tin vui cho môi trường. Cho đến lúc này, nhiều dự án khai thác dầu khí ở những khu vực còn nguyên sơ đã bị đình lại, nhất là ở vùng Bắc Cực, nơi được cho có đến 15% nguồn dự trữ dầu và 30% khí cần được khai thác.
Hoạt động khai thác cát dầu tại Canada, vốn bị giới bảo vệ môi trường chỉ trích là một thảm họa cho môi trường cũng bị chậm lại. Theo La Croix, sự trì trệ trong lãnh vực này không phải là do có xem xét đến yếu tố môi trường, mà chủ yếu đến từ nguyên nhân tài chính, buộc các tập đoàn khai thác phải giảm bớt mức sản xuất.
Các nước sản xuất bị ảnh hưởng, xuất khẩu Châu Âu cũng vạ lây
Giá dầu thế giới giảm sẽ không kích thích tăng trưởng như những gì đã nói cách đây một năm. Ông Denis Ferrand, giám đốc viện Rexecode nhấn mạnh: «Lợi ích có được từ giá dầu giảm bắt đầu bị mất dần do nguồn thu tại các nước sản xuất bị mất đi».
Các quốc gia Ả Rập khai thác dầu đã quen với lối sống dựa theo mức dầu thô 100 đô-la/ thùng. Theo ước tính của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, với mức giá tụt giảm đến hơn 3 lần, chỉ còn ở mức 30-40 đô-la/thùng, thâm thủng tích gộp lại cả 6 quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh có lẽ sẽ phải đạt đến 180 tỷ đô-la. Trong khi mà, chỉ cách đây có hai năm (2013) thặng dư mậu dịch là 183 tỷ đô-la.
Hiện tại, các nước này sống nhờ vào nguồn dự trữ. Nhưng các nguồn này sẽ cạn đi rất nhanh. Trong trường hợp giá dầu thô vẫn giữ nguyên mức giá hiện nay, Ả Rập Xê Út, Bahrein và Oman có lẽ sẽ phải dùng hết các khoản tiết kiệm trong vòng 5 năm, IMF cảnh báo.
Còn tại Nga, nơi có nguồn dự trữ dầu khí chiếm đến 70% nguồn xuất khẩu và ¼ Tổng sản phẩm nội địa GDP, các dự phóng cho năm 2016 đã trở nên lỗi thời. Mức tăng trưởng sau khi bị giảm xuống còn ở 3,7% trong năm 2015, có lẽ chỉ còn ở 0,7% cho năm tới nhưng với điều kiện giá một thùng dầu là 50 đô-la.
Đối mặt với tình trạng cắt giảm ngân sách đầu tư, nhiều hãng khai thác dầu lớn buộc phải cắt giảm bớt nhân sự hay tiến hành sáp nhập. Chẳng hạn như tại Hoa Kỳ, Halliburton, tập đoàn khai thác dầu lớn thứ hai đã mua lại hãng lớn thứ ba, Baker Hugues.
Bầu cử Tây Ban Nha: Chấm dứt thời kỳ hai cực chính trị
Bầu cử Quốc hội tại Tây Ban Nha thu hút sự quan tâm của một số báo Pháp. «Bất ngờ Podemos» là hàng tít nhỏ nhận định của Libération. Hôm Chủ nhật 20/12/2015, 36,5 triệu cử tri Tây Ban Nha lần đầu tiên được kêu gọi đi bỏ phiếu Quốc hội.
Kết quả bầu cử lần này, đảng Dân tộc bảo thủ cầm quyền chỉ được 121 đại biểu trên tổng số 350 (ít hơn nhiều so với con số 186 năm 2011), đảng Xã hội PSOE cứu vãn được vị trí thứ hai nhưng chỉ còn có 96 đại biểu so với 110, đảng cực tả Podemos đã gây bất ngờ khi lần đầu tiên vươn lên thành chính đảng thứ ba với 69 đại biểu và cuối cùng là cánh trung Ciudadanos với 39 ghế.
Như vậy là trong cuộc «Bầu cử Quốc hội Tây Ban Nha: Rajoy, một người thắng cuộc sẽ phải cần đến các đồng minh», như tít nhận định của Le Figaro trên trang nhất. Kết quả trên cho thấy người dân Tây Ban Nha chấm dứt thời kỳ thống trị của hai đảng lớn khi bầu ra một Nghị viện do 4 đảng thống trị.
Thủ tướng Rajoy thắng cử sít sao, buộc phải tìm kiếm các liên minh để có thể điều hành đất nước. Đây sẽ là một bài toán «hóc búa». Ngoài việc phải tiến hành các cuộc thương lượng để thành lập chính phủ liên minh, cuộc bầu cử lần này còn cho thấy có sự chao đảo trong nền chính trị Tây Ban Nha.
Sẽ không bao giờ có chuyện «bổn cũ soạn lại» trong cách làm chính trị theo như phân tích của thông tín viên nhật báo tại Madrid. Cả hai đảng mới Podemos và Ciudadanos đã phá vỡ thế cân bằng tồn tại từ nhiều năm nay giữa đảng Xã hội và đảng Dân tộc.
Rajoy trả giá đắt cho phép mầu kinh tế
Thế nhưng trong cuộc bầu cử lần này, vấn đề «kinh tế» và «việc làm» là những bận tâm chính của cử tri Tây Ban Nha. Le Monde và Libération lần lượt có hai bài viết đề tựa «Tây Ban Nha đi bầu trên sự khắc khổ» và «Phép mầu Tây Ban Nha với cái giá của sự bấp bênh».
Theo Libération, cách đây bốn năm, đất nước gần như bên bờ vực phá sản. Giờ tăng trưởng đã trở lại nhưng đòi hỏi sự hy sinh của người lao động. Từ khi ông Rajoy lên cầm quyền, một loạt các chính sách khắc khổ «gây mất lòng dân» đã được đề ra như không tăng lương, tăng thuế, giảm chi tiêu công.
Đến năm 2014, chính quyền ông Rajoy tuyên bố tiết kiệm được 150 tỷ euro, tránh được tình trạng vỡ nợ như Hy Lạp và Bồ Đào Nha. Thất nghiệp giảm xuống dưới ngưỡng 25% (hiện ở mức 21,2%) và tăng trưởng trở lại ở mức 3,2% trong năm 2015.
Nhưng theo Libération, một trong những nguyên nhân khiến cử tri Tây Ban Nha quay lưng lại với đảng Dân tộc là chính sách cải cách thị trường lao động, đưa ra hồi mùa xuân năm 2012, giảm tiền bồi thường sa thải. Thị trường lao động đúng là đã trở nên linh hoạt hơn, xuất khẩu đã tăng trở lại, nhưng lại kém chất lượng hơn. Tính chất bấp bênh cũng cao hơn. Trong số 10 hợp đồng lao động được ký kết, có 9 hợp đồng lao động bán thời gian hay có thời hạn, nhất là trong các lãnh vực khách sạn, vốn được cho là chỉ mang tính «thời vụ».
Một tình trạng «cực kỳ bấp bênh» theo như cáo buộc của hai nghiệp đoàn lao động lớn CCOO và UGT. Theo cả hai nghiệp đoàn này, «chính sách cải cách lao động đã làm cho thị trường linh động đến mức giới chủ tự cho mình quyền lạm dụng, vì họ biết rằng chỉ cần một người lao động có một hành động phản đối nhỏ thôi, có cả hàng trăm người khác sẵn sàng thay thế».
Syria: Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua, nhưng…
Lần đầu tiên kể từ khi nội chiến bùng nổ tại Syria cách nay bốn năm, Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã đạt được một đồng thuận để chấm dứt cuộc xung đột tại đây. Le Monde chạy tựa loan báo: «Thỏa thuận quyết định về Syria tại Liên Hiệp Quốc».
Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hôm thứ Sáu 18/12/2015 đã nhất trí thông qua một lộ trình chính trị cho Syria. Một nghị quyết đầu tiên về hồ sơ này sau bốn năm chiến sự, với nhiều lần gặp phải sự phản đối của Nga. Một cuộc nội chiến làm hơn 250.000 người chết bất kể bên nào, gần 5 triệu người tị nạn và hơn 8 triệu người phải di dời nơi khác.
Mục tiêu của nghị quyết là tìm kiếm một thỏa thuận cho «tiến trình chuyển tiếp chính trị», theo đó bước đi quan trọng nhất là tiến hành triển khai một Hiến pháp mới và đi đến việc «tổ chức một cuộc bầu cử tự do và hợp thức trong vòng 18 tháng tới».
Tuy nhiên, các báo đều lưu ý nghị quyết không đề cập đến số phận ông Bachar al-Assad. Trái với yêu cầu trước đây của phương Tây xem việc ra đi của Tổng thống Syria như là một điều kiện tiên quyết, nghị quyết lần này chỉ nói rằng «chính người dân Syria quyết định vận mệnh tương lai đất nước».
Về mặt hình thức, nghị quyết thông qua mang tính « lịch sử » như nhận xét của Le Monde. Đó cũng là «Một hy vọng mong manh về giải pháp cho Syria» như quan sát của La Croix. Tuy các bên đều hài lòng nhưng vẫn cực kỳ cẩn trọng.
Bởi vì, về hồ sơ Syria «Liên Hiệp Quốc tuy thống nhất nhưng việc chấm dứt chiến sự vẫn còn xa vời» như nhận định của Le Figaro. Đối với phe đối lập Syria, nghị quyết được tuyệt đại đa số thông qua là không thực tế.
Khi bàn về việc lên danh sách các nhóm «khủng bố», mỗi nước trình bày một danh sách riêng của mình, con số nhóm «khủng bố» dao động theo từng quốc gia.
Điểm bất đồng thứ hai là lệnh ngừng bắn. Liên minh quốc gia Syria CNS, được Phương Tây ủng hộ, yêu cầu lệnh ngừng bắn này cũng phải được phía Nga áp dụng. Do bởi kể từ khi tham chiến vào cuối tháng 9/2015, Matxcơva chủ yếu không kích vào quân nổi dậy ôn hòa hơn là Daech.
Dẫu sao đi chăng nữa, nghị quyết cũng cho thấy « Sự khôn khéo của cuộc thương lượng », như lời bình của La Croix. Điều đó đã làm hài lòng đức Giáo hoàng Phanxicô, ngay từ khi nhậm chức đã không ngừng kêu gọi giải pháp ngoại giao.
Hôm Chủ Nhật, Ngài đã tuyên bố : «Đối với Syria, tôi muốn bày tỏ niềm vui khôn xiết của tôi về thỏa thuận mà quốc tế thông qua. Tôi mong mỏi cả thế giới tiếp tục nỗ lực theo đuổi hướng đi đó và đạt được một thỏa thuận qua thương lượng».
Nói tóm lại, «Syria: Nhất trí đồng thuận thoát khủng hoảng, nhưng …», cho thấy tương lai cho đất nước vẫn còn khá mù mịt, như tựa đề bài phân tích của Libération.
Đan Mạch muốn ra luật tịch thu tài sản người tị nạn
Cũng trên Libération nhưng liên quan đến hồ sơ người tị nạn tại Đan Mạch. Theo thông tín viên nhật báo khu vực Bắc Âu, chính quyền Copenhagen đã đề ra 34 biện pháp nhằm hạn chế bớt dòng người tị nạn. Trong số đó, biện pháp tịch thu tài sản có trị giá trên 400 euro đang gây ra cơn bão tranh cãi. Libération ngao ngán lắc đầu đề tựa: «Đan Mạch ảo tưởng về những chiến lợi phẩm của người tị nạn».
Tờ báo nhận định: «Chính quyền Đan Mạch không thiếu tính sáng tạo để làm nản chí những người xin tị nạn vào nước này». Mùa hè năm 2015, Bộ trưởng Hội nhập đã trả rất nhiều tiền cho các trang quảng cáo trên các báo của Li-băng để cho những ai muốn đến tị nạn hiểu rằng họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xin giấy tạm trú tại Đan Mạch.
Không chỉ dừng ở đó, chính quyền nước này mới đây còn đi xa hơn nữa khi đưa ra một dự thảo luật gồm 34 biện pháp siết chặt hơn nữa các điều kiện tiếp nhận, trong số đó có cả việc tịch thu các món đồ có giá trị của người tị nạn ngay khi họ đặt chân đến nước này.
Dự thảo đưa ra sẽ cho phép cảnh sát lục soát hành lý những người mới đến nhằm trưng thu tất cả những gì được cho là có giá trị quá 3.000 couron (400 euro), ngoài trừ các món đồ như nhẫn cưới, điện thoại cầm tay và đồng hồ.
Chính quyền Đan Mạch lập luận là «đất nước được xây dựng theo cách là nếu quý vị có tài sản, quý vị hãy tự xoay sở lấy. Chừng nào quý vị không có gì cả, thì cộng đồng mới hỗ trợ. Đây chính là trường hợp của những người hưởng trợ cấp xã hội, do đó cũng sẽ được áp dụng tương tự cho cả người tị nạn».
Sự việc gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ. Ông Uffe Elbaek, lãnh tụ đảng Xanh, chỉ trích tính không minh bạch của dự thảo, không những cảnh sát không đủ khả năng thẩm định giá trị đồ vật tịch thu mà còn không nêu rõ sẽ xử lý đồ tịch thu như thế nào.
Đó là chưa nói đến cách làm này tạo ra một lối suy nghĩ nguy hiểm cho rằng «người tị nạn rời Syria đến Đan Mạch chỉ để lợi dụng mô hình xã hội nước này. Một sự tái lập trình nguy hiểm cho nhận thức của chúng ta về những gì được cho là tốt hay xấu», theo như nhận định của ông Uffe Elbaek.
Nếu như biện pháp này được thông qua, việc làm này chẳng khác nào hành động cướp đoạt tài sản của người Do Thái dưới thời Đức Quốc Xã.
Daech chăm chút mảng thông tin
Ngoài việc tìm giải pháp hòa bình cho Syria, một mặt trận khác thế giới cũng không nên bỏ qua đó là «thông tin». Bởi vì cuộc chiến cũng đang diễn ra trên các trang mạng xã hội. Libération dành hẳn 6 trang báo, để mở một hồ sơ điều tra về cách làm « truyền thông » của tổ chức Nhà nước Hồi giáo.
«Quân thánh chiến làm thông tin» là hàng tít lớn trên trang nhất của tờ báo. Những hình ảnh tuyên truyền của tổ chức khủng bố này rất dễ truy cập cho những ai muốn tìm xem và rất hiệu quả, vì IS biết cách chăm sóc các sản phẩm của mình bằng cách sử dụng các mật mã và kỹ thuật điện ảnh.
Dàn cảnh đi du lịch, quay phim dưới nước… những lời tuyên truyền ít có giảng đạo nhưng gồm nhiều bài về lịch sử và thần học. Tất cả những phim ảnh tuyên truyền đều được phụ đề bằng một chục ngôn ngữ khác nhau. Đôi khi người xem có cảm giác như đang xem một bộ phim của đạo diễn Hồng Kông John Woo.
Theo Libération, những hình ảnh đó «không những truy cập dễ dàng» mà còn rất dễ đọc, không đòi hỏi phải suy nghĩ nhiều để phân tích hay một trình độ học vấn nào.Ấn tượng nhất chính là các hình ảnh đó được trau chuốt và gọt giũa rất kỹ lưỡng.
Cuối cùng tờ báo nhận xét, sở dĩ tổ chức Nhà nước Hồi giáo chăm chút kỹ lưỡng hình ảnh tuyên truyền là để «đối nghịch sự hỗn loạn của cuộc chiến với nét đẹp và sự đơn giản của cuộc sống vương quốc Hồi giáo. Tất cả những điều đó là nhằm lôi cuốn những người trẻ tuổi mong muốn một sự thuần khiết và phiêu lưu».