Điểm Báo Pháp – 20-2-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 20-2-2015

Theo RFI – Minh Anh

Hy Lạp có phải ra khỏi khu vực đồng euro hay không?

Tình hình giải quyết nợ cho Hy Lạp, cuộc khủng hoảng Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Putin là người như thế nào, nỗi ám ảnh thù hằn Hoa Kỳ của Fidel Castro là các chủ đề chính trong mục điểm báo hôm nay 20/02/2015.

Vào chiều nay, các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro họp tại Bruxelles để quyết định xem có nên tiếp tục hay không kế hoạch trợ giúp cho Hy Lạp. Thế nhưng, Les Echos trên trang nhất ghi nhận: «Hy Lạp: chi phí cứu trợ đè nặng lên Đức».

Đồng thanh tương ứng, Le Figaro chạy tít thông báo: «Nợ: Berlin bác đề nghị cuối cùng của Athens». Hy Lạp sau cùng cũng đưa ra một yêu cầu tài trợ mới, nhưng vẫn từ chối thực hiện kế hoạch cải cách mà Athens đã cam kết. Vào lúc mà khối euro họp lại vào chiều nay, Đức đã đánh tiếng cho hay đề nghị của Athens «không mang đầy đủ các tiêu chuẩn» như mong muốn.

Nhưng đáng chú ý nhất là bài: «Hy Lạp nên ra khỏi khu vực đồng euro hay không?» trên nhật báo Công giáo La Croix. Hôm qua, trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Les Echos, cựu Tổng thống Pháp Valery Giscard d’Estaing đưa ra một giả thuyết đang có khả năng thành hiện thực, cho rằng Hy Lạp nên ra khỏi khu vực đồng euro. Về chủ đề này, La Croix cho đăng tóm tắt hai luồng ý kiến đối lập.

Ra khỏi eurozone, Hy Lạp có thể làm chủ nền tài chính

Đầu tiên hết, La Croix tóm lược lại ý kiến của cựu nguyên thủ Pháp, đại khái như sau: «Vấn đề cơ bản là phải xem nền kinh tế Hy Lạp có thể hồi phục và thịnh vượng với một đồng tiền đang cao giá như euro hay không. Câu trả lời là không». Do đó, khi đề xuất một «Grexit», tức là Hy Lạp phải ra khỏi đồng euro, cựu nguyên thủ Pháp đã cho thấy có cùng tiếng nói với những ai cho rằng «đồng euro có một mức độ chỉ phù hợp cho nền kinh tế Đức chứ không phải cho Hy Lạp».

Về phía thuận, La Croix trích giải thích của David Cayla, giảng viên – nhà nghiên cứu trường Đại học Angers như sau: «Hoặc là khu vực đồng euro phải bù đắp sự bất cân xứng cấu trúc bằng các giao dịch tài chính ồ ạt ngay trong lòng khối. Hoặc tốt hơn hết là Hy Lạp phải trở về với chính đồng nội tệ của mình».

Vì như vậy, theo ông, Athens sẽ «lại làm chủ được chính sách tiền tệ của chính mình, tỷ giá hối đoái, đồng thời có thể định hướng nguồn vốn tích lũy trong những dự án tài trợ kinh tế quốc gia, trong khi mà hiện nay, các dòng vốn Hy Lạp đều được đặt ở chỗ khác».

Tuy vậy, nhà kinh tế học Jacques Maziers cảnh báo trước là Hy Lạp sẽ có một thời gian đầy khó khăn và đau đớn, như «phải thiết lập hệ thống kiểm soát dòng vốn. Hơn nữa, Hy Lạp chưa thể gia nhập ngay được vào các thị trường để có thể tự tài trợ do bởi quốc gia sẽ trong tình trạng không có khả năng thanh khoản. Cuối cùng là sức mua của các hộ gia đình sẽ giảm đi rất nhiều do đồng Drachme mới sẽ bị mất giá từ 20-30% so với đồng euro». Nhưng, cũng theo vị chuyên gia này, nếu không ra khỏi eurozone, Athens sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề trầm trọng. «Người dân Hy Lạp sẽ bị bóp nghẹt từ từ do đồng lương nội bộ tiếp tục bị hạ. Đất nước sẽ không bao giờ tái công nghiệp hóa nếu vẫn duy trì đồng euro. Ngược lại, không có đồng tiền chung, Hy Lạp có thể sẽ tái tạo lại được sự năng động nội tại và việc làm».

Hy Lạp ra khỏi eurozone: một thất bại của Liên Hiệp Châu Âu

Phía chống «Grexit» thì lập luận rằng việc Hy Lạp ra khỏi khu vực đồng euro có thể tạo ra một tiền lệ. Một bộ phận Châu Âu quan ngại sẽ có hiện tượng lây lan trong khu vực. Liệu các nước như Bồ Đào Nha, Ai-len, thậm chí Tây Ban Nha và Ý cũng bị các chủ nợ đẩy ra cửa như Hy Lạp hay không?

Những người chống «Grexit» cho rằng tuy các chương trình cải cách của bộ ba định chế IMF, Ngân hàng trung ương Châu Âu BCE và Ủy ban Châu Âu thì hơi thô bạo và gây ra nhiều bất mãn, nhưng Hy Lạp cũng bắt đầu gặt hái kết quả : tăng trưởng trở lại (hy vọng + 2,5% trong năm nay), thặng dư ngân sách sơ cấp bắt đầu trở lại cho phép đất nước có thể tự tài trợ cho các nhu cầu của chính mình.

Bên cạnh đó, cũng như cảnh báo của nhà kinh tế học Jacques Maziers, Hy Lạp ra khỏi khu vực euro sẽ làm «tăng chi phí tài chính cho các doanh nghiệp và các hộ gia đình», theo như phân tích của Guntram B.Wolff, viện Bruegel tại Bruxelles. Và như vậy sẽ nhấn chìm đất nước trong nghèo khổ, trong khi mà quốc gia này đã mất đi 25% sự giàu có » như giải thích của kinh tế gia Benjamin Carton tại Cepremap.

Do đó, theo ông Guntram B.Wolff, “(…) Trong chừng mực mà bộ ba định chế vẫn còn có thể trợ giúp đất nước cải cách được, mọi hành động ra khỏi khu vực đồng euro là phản tác dụng”. Còn đối với kinh tế gia Benjamin Carton, một Grexit cũng chính là “sự thất bại của Châu Âu, vì đã có sai lệch trong dự án chính trị của mình”.

Ukraina bị cô độc?

Thời sự Ukraina tiếp tục chiếm lĩnh mục Quốc tế các báo Pháp. Quân ly khai thân Nga đã chiếm được vùng Debaltsevo, bất chấp lệnh ngừng bắn. Le Monde chạy tít lớn trên trang nhất «Kiev thoái lui, hòa bình cũng vậy». Nhật báo đặt câu hỏi: «Làm thế nào Kiev mất vùng Debaltsevo?». Quân đội Ukraina buộc phải rút ra khỏi thành phố chiến lược nhỏ bé này. Trong khi vài ngày trước đó, số phận của thành phố đã được đặt vào trọng tâm của cuộc thương lượng Minsk.

Từ đó, La Croix thắc mắc: «Phải chăng các thỏa thuận Minsk xem như là đã thất bại?». Kể từ khi ký kết thỏa thuận Minsk 2, lệnh ngừng bắn chưa bao giờ được tôn trọng. Đối với bà Tatiana Kastouéva-Jean, phụ trách về Trung tâm Nga/NEI, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), «Việc thực hiện thỏa thuận bất cân xứng và không đầy đủ này lệ thuộc hoàn toàn vào thiện chí tốt của Nga mà thôi».

Libération có bài phân tích , có vẻ thê thảm hơn, cho rằng: «Ukraina bị bỏ rơi từ mọi phía». Tổng thống Ukraina vẫn vớt vát hy vọng có thể quốc tế hóa khủng hoảng tại đông Ukraina. Hôm thứ Tư vừa qua, ông có lẽ đã đề nghị quốc tế gởi một đội quân gìn giữ hòa bình để giám sát đường biên giới mà Ukraina không còn nắm quyền kiểm soát nữa từ nhiều tháng nay.

Libération cho rằng có lẽ sẽ ảo tưởng cho rằng một chiến dịch hòa bình xanh sẽ được Liên Hiệp Quốc ủng hộ mà không có sự đồng thuận của Nga. Thậm chí tờ báo khẳng định dự án mà Kiev tin rằng là giải pháp tốt nhất đó sẽ bị diệt ngay từ trong trứng nước. Bởi vì, Châu Âu không việc gì phải vội vã lao vào dự án đó. Châu Âu nhắc lại là nhiệm vụ giám sát biên giới đã được giao cho OSCE.

Tuy nhiên, theo nhật báo, nhiệm vụ đó của OSCE cũng không phải là dễ. Tổ chức này chỉ được phép gởi một số ít nhân viên đến vùng chảo lửa nằm giữa Nga và Donbass.

Do đó, việc Debaltsevo thất thủ sớm lộ rõ tầm cỡ của sự mất cân xứng về tương quan lực lượng giữa phe ly khai và quân đội chính phủ. Sự việc cũng bộc lộ yếu kém của sáng kiến Đức – Pháp, do đã không cố gắng để vùng Debaltseve vào danh sách của thỏa thuận ký ngày 12/02 vừa qua.

Nếu như thỏa thuận Minsk giúp Kiev tránh được một sự bại trận nghiêm trọng, thì điều đó lại không giúp cho Ukraina thoát khỏi cả một sự hổ nhục vì một lần nữa đã để cho đất nước bị xé thành mảnh vụn, lẫn rủi ro mất những phần khác nhân quá trình rút vũ khí hạng nặng. Tờ báo kết luận: «Không vũ khí, không người bảo trợ, Ukraina rõ ràng bị cô độc trên thế gian này».

Valdimir Putin, ông là ai?

Để hiểu được vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina và mối quan hệ căng thẳng giữa Matxcơva và phương Tây, thì cần phải tìm hiểu «Vladirmir Putin là ai?». Đây là câu hỏi trong mục bình luận thời sự của nhà báo Alain Frachon trên báo Le Monde.

Theo tác giả, ông Putin kích thích sự tò mò, gây lo ngại, quyến rũ một số người, làm sợ hãi một số người khác. Vậy, vị chính khách có khuôn mặt hơi tái xám, mắt xanh nhạt, trán rộng, cử chỉ hơi vụng về, tỏ ra vừa cao ngạo, vừa e dè, vừa tàn nhẫn vừa lịch sự, ông ta là ai? Cần phải hiểu Putin, Châu Âu phải chung sống với ông ta còn lâu. Putin đã lãnh đạo nước Nga trong 15 năm qua và có ý định nắm quyền thêm 15 năm nữa.

Phải chăng đó là một người bị tổn thương về tình cảm? Hay một kẻ có tư tưởng bành trướng quyết liệt để tạo ra một vùng ảnh hưởng, thống trị của Nga? Hay đó chỉ là một lãnh đạo chủ trương khép kín, cô lập để bảo vệ bản sắc của nước Nga?

Cho đến lúc này, giới chuyên gia nghiên cứu về Putin không có đồng quan điểm, giống như trước đây, khi còn Liên Xô, giới nghiên cứu về chính sách của điện Kremlin cũng bị chia rẽ.

Những người có thiện cảm với Putin thì cho rằng nguyên thủ Nga hiếu chiến là hậu quả của một đất nước bị Mỹ và Châu Âu làm nhục kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc. Có thể nói, ông Putin vừa là người sống nặng về tình cảm nhưng cũng là người rất thực tế. Tổng thống Nga đã từng tuyên bố: Ai không hối tiếc Liên Xô là người không có trái tim, nhưng ai muốn phục hồi Liên Xô, thì đó là người không có đầu óc, không biết suy nghĩ.

Một số học giả Pháp nhấn mạnh đến khía cạnh nước Nga không được thừa nhận, tôn trọng xứng đáng với vị trí của mình ở Châu Âu và trên thế giới. Tuy nhiên, nhân danh học thuyết cổ hủ về chủ quyền, nước Nga đã dùng vũ lực để xâm lấn biên giới Ukraina, nước láng giềng vốn có quan hệ truyền thống lâu đời với Nga, về lịch sử, văn hóa. Alain Frachon cho rằng chính sách của Nga đối với Ukraina khẳng định luận điểm trên, theo đó, ông Putin bị ám ảnh bởi việc tái thiết một vùng ảnh hưởng của Nga. Dường như quy chế cường quốc không bảo đảm cho Nga có thể mở rộng ảnh hưởng qua con đường quan hệ kinh tế, xã hội, Matxcơva cần phải dùng vũ lực để mở rộng sự thống trị và lãnh thổ.

Thực ra, kẻ thù của nước Nga không phải là Liên Hiệp Châu Âu với tư cách là cường quốc quân sự – kinh tế. Hơn nữa, Châu Âu cũng không phải là một cường quốc quân sự làm cho Matxcơva phải lo ngại.

Điều làm cho Putin lo sợ là những tư tưởng, giá trị của Châu Âu có thể lan truyền sang Nga. Làn sóng biểu tình của tầng lớp trung lưu Nga chống lại Putin trong những năm 2011-2012 đã làm cho lãnh đạo Nga nghĩ rằng những tư tưởng phương Tây suýt giết chết nước Nga thời hậu chiến tranh lạnh. Do vậy, đối với Putin, nước Nga không cần tạo ra một mô hình mới thích ứng với Tây Âu mà ngược lại, phải ngăn chặn «quyền lực mềm» của Tây Âu đang làm cho nước Nga suy yếu. Ukraina phải là vùng đệm, để ngăn cản sự quyến rũ của mô hình Tây Âu và bảo vệ mô hình mới của Nga, của ông Putin. Điều này giải thích vì sao Tổng thống Putin có tỷ lệ được lòng dân khá cao tại Nga. Còn phương Tây, đặc biệt là Mỹ, thì vẫn chưa hiểu được rằng người ta không muốn giống họ.

Những luận giải nói trên của giới nghiên cứu về Putin, theo tác giả, cần phải được làm rõ.

Fidel Castro đến chết vẫn hận Hoa Kỳ

Nhìn sang Châu Mỹ Latinh, báo Le Monde có bài «Fidel Castro vẫn cứng nhắc nuôi lòng hận thù Mỹ». Lòng căm thù Mỹ của Fidel Castro thể hiện suốt trong thời gian ông trực tiếp nắm quyền, từ năm 1959 đến 2008, tức là trải qua 10 đời Tổng thống Mỹ. Bài viết nhắc lại với độc giả những mốc quan trọng trong cuộc đời chính trị của Fidel Castro cũng như trong quan hệ Cuba với Mỹ, với Liên Xô trước kia.

Ngày 17/12/2014, Hoa Kỳ và Cuba thông báo tiến tới bình thường hóa quan hệ song phương. Hơn một tháng sau, vào ngày 26/01/2015, Fidel Castro mới lên tiếng, qua một bức thư được đọc trên vô tuyến. Ông viết: «Tôi không tin tưởng vào chính sách của Mỹ và tôi không trao đổi, nói chuyện gì với họ, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là bác bỏ một giải pháp hòa bình cho các xung đột» giữa hai nước.

Fidel còn viết thêm là về cơ bản, Cuba không nhượng bộ gì để có được việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ. Theo giới quan sát, nếu Fidel Castro còn trực tiếp nắm quyền thì không thể có những phát biểu như trên. Bởi vì, trong suốt nửa thế kỷ cầm quyền, mối ám ảnh của Fidel Castro là chống Mỹ.

Ngày 01/01/1959, Fidel Castro đã lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista. Nhưng đây cũng là thắng lợi của Fidel trong việc gạt bỏ sự thống trị, thao túng của Hoa Kỳ đối với hòn đảo nhỏ này trong vùng biển Caribê.

Ngay từ khi dấn thân vào các hoạt động chính trị và quân sự, Fidel Castro đã nuôi ý định giải phóng Châu Mỹ Latinh thoát khỏi sự thống trị của Mỹ. Lòng nhiệt huyết chiến đấu của Fidel Castro cũng giống như quyết tâm của Bolivar, người anh hùng đã giải phóng các nước Nam Mỹ. Thần tượng của Fidel Castro là José Marti, anh hùng dân tộc Cuba.

Theo Le Monde, cuộc cách mạng do Fidel Castro lãnh đạo thu hút được đông đảo tầng lớp người dân : Công nhân, công đoàn, tư sản nhân bản, cộng sản, cải cách. Ông không phải là cộng sản khi lên cầm quyền. Mặc dù sự kiện Vịnh Con Heo – tháng 04/1961, là chất xúc tác, đánh dấu sự chuyển biến rõ nét của Fidel Castro, nhưng thực ra, trước đó, ông đã quay sang Liên Xô khi các cuộc đàm phán về thương mại giữa Cuba và Hoa Kỳ gặp khó khăn. Trong lúc xẩy ra sự kiện Vịnh Con Heo với việc các nhóm người tỵ nạn Cuba, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ đổ bộ vào Cuba, các kế hoạch ném bom đang được chuẩn bị, thì Fidel Castro đã có một bài diễn văn quan trọng và ông cho rằng cuộc cách mạng Cuba là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Điều này giải thích nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa giữa Mỹ và Liên Xô vào tháng 10/1962.

Các trao đổi thư từ giữa Fidel Castro và lãnh đạo Liên Xô thời đó Nikita Khrouchtchecv cho thấy rõ ông là một chính trị gia cuồng nhiệt và theo tư tưởng mác-xít. Trong một bức thư dài ngày 30/10/1962, Khrouchtchev đã trách cứ Fidel Castro chủ trương tấn công hạt nhân Hoa Kỳ.

Mặc dù vẫn giữ trong lòng sự bực bội về việc Matxcơva mặc cả với Mỹ, trên lưng Cuba, để giải quyết vụ khủng hoảng tên lửa, nhưng đến tháng 04/1963, La Habana vẫn ký một hiệp định thương mại với Liên Xô.

Đến tháng Giêng 1964, trong chuyến công du Liên Xô, Fidel Castro đã ký với Matxcơva một thỏa thuận khác, theo đó, Liên Xô mua đường của Cuba với các điều kiện ưu đãi. Kể từ đó, Cuba phụ thuộc hoàn toàn vào Liên Xô về kinh tế.

Le Monde nhận định, cái tài của Fidel Castro là đã biết tạo dựng ra tầm quan trọng địa chính trị của Cuba mặc dù hòn đảo này trên thực tế, không có tầm vóc tương xứng. Nhờ vậy, trong gần 50 năm cầm quyền, Fidel Castro đã gặp  lãnh đạo của rất nhiều quốc gia, ủng hộ phong trào du kích ở Châu Mỹ La tinh và nhiều nơi khác trên thế giới. Việc Cuba can thiệp vào Angola năm 1975 là một ví dụ ngoạn mục cho quyết tâm chống Mỹ của Fidel Castro. Trong lĩnh vực này, dường như Fidel Castro còn đi xa hơn cả những gì Liên Xô mong muốn. Tuy tham gia phong trào không liên kết, nhưng Cuba tuyên bố ủng hộ Liên Xô can thiệp quân sự vào Tiệp Khắc năm 1968.

Về mặt đối nội, Fidel đã kiểm soát toàn bộ chính quyền. Thắng lợi đối nội lớn nhất của ông là vào năm 1965, thành lập đảng Cộng sản Cuba, sau khi đã loại bỏ được hầu hết những nhân vật cộng sản cựu trào. Ban Chấp hành Trung ương Đảng chỉ toàn là những người thân cận hoặc chiến hữu cũ trong cuộc đấu tranh giành chính quyền. Với cuộc cải cách này và thiết lập một thể chế theo mô hình Liên Xô, Fidel Castro đã tập trung mọi quyền lực trong tay. Xin nhắc lại là 10 năm sau khi thành lập, đảng Cộng sản Cuba mới họp Đại hội toàn quốc lần đầu tiên, vào năm 1975.

Về mặt kinh tế, bản tổng kết nửa thế kỷ đi theo con đường xã hội chủ nghĩa thật là thảm hại. Người dân trên hòn đảo thường nói: Người ta không chết đói tại Cuba, nhưng người ta suốt ngày chỉ nghĩ đến thức ăn.

Sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho Cuba rơi vào khủng hoảng kinh tế triền miên. Người dân xoay xở mọi cách để kiếm sống. Năm 1993, Cuba buộc phải hợp lệ hóa việc người dân được sử dụng, tích trữ đô la Mỹ.

Le Monde kết luận, Fidel Castro đã mơ tưởng đến một thế giới khác, tốt đẹp hơn, nhưng thực tế phũ phàng đã nhanh chóng làm vỡ mộng.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp tập trung nhiều vào tình hình trong nước. Libération chỉ trích giới chủ qua hàng tít: «Giới chủ: Những tay chơi tồi».

Le Figaro ngoài chủ đề Hy Lạp, trang nhất đặc biệt quan tâm đến hiện tượng «Hồi giáo cực đoan lan rộng trong các thánh đường tại Pháp». Bên cạnh đó, nhất báo còn đưa một tít nhỏ báo động: «Avera, một thảm họa công nghiệp và tài chính». Tập đoàn Avera của Pháp, đứng đầu thế giới về ngành hạt nhân đầu tháng Ba tới sẽ công bố kết quả hoạt động trong năm 2014, theo đó có thể tập đoàn sẽ bị lỗ đến 4 tỷ euro.

«Người Do Thái tại Pháp: Đi hay ở?» là câu hỏi lớn đăng trên La Croix. Sau các vụ tấn công khủng bố tại Paris, nhiều thành viên của cộng đồng Do Thái tự hỏi về vấn đề an ninh của họ tại Pháp và về sự chọn lựa một cuộc sống mới.

Les Echos ngoài chủ đề Hy Lạp, quan tâm đến «Dầu hỏa, đồng euro, lãi suất thấp: thông điệp tin cậy của các tập đoàn lớn của Pháp». Le Monde chú ý đến chính trị qua hàng tít: «Cải cách: những rạn nứt trong đảng Xã hội làm trầm trọng thêm rủi ro bị tê liệt».