Điểm Báo Pháp – 20/11/2014
Một đơn vị quân Pháp tham gia chiến đấu tại Gao, Mali hồi tháng 3 /2014. – REUTERS/Emmanuel Braun
Quân đội Pháp thiếu phương tiện
Theo RFI – Lê Phước – 20-11-2014 16:50
Pháp hiện là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một trong những cường quốc hàng đầu về kinh tế và quân sự trên thế giới. Quân đội Pháp hiện được triển khai trên nhiều mặt trận nóng ở nhiều nước. Thế nhưng, trên thực tế, quân đội này có phải hiện đại và giàu có như người ta thường nghĩ hay không? Nhật báo cánh tả Libération trả lời câu hỏi này qua bài viết: «Quân đội với nhiệm vụ duy trì phương tiện».
«Duy trì», là bởi vì hiện quân đội Pháp đang gặp khó khăn. Libération tóm lược khó khăn đó trong ba vấn đề: tham gia nhiều cuộc chiến hơn, ngày càng có ít phương tiện, và bị tinh giản biên chế quá mức.
Theo lời của tham mưu trưởng liên quân Pháp, thì theo dự kiến, trong giai đoạn 2009-2019, quân đội Pháp sẽ cắt giảm 25% quân số. Năm 2014, sự cắt giảm biên chế của quân đội Pháp chiếm đến 60% tổng số tinh giản biên chế quốc gia. Vào năm 2015, con số đó có thể sẽ tăng lên 66%.
Trong bối cảnh đó, Pháp lại can thiệp trên nhiều mặt trận ở nhiều nước: Afghanistan, Libya, Bờ Biển Ngà, Mali, Trung Phi, Irak… Từ năm 2000 đến nay, việc triển khai quân đội ở nước ngoài của Pháp tăng với nhịp độ rất nhanh. Hiện tại, Pháp có khoảng 20,000 quân nhân được triển khai ngoài nước.
Về phương tiện chiến đấu, Libération cho hay, bên cạnh những phương tiện tối tân như chiến đấu cơ Rafale, trực thăng Tigre hay tàu ngầm Barracuda, thì có nhiều phương tiện đã quá cũ kĩ như có nhiều xe tăng thiết giáp có tuổi trên 40 năm hoặc những máy bay tiếp liệu trên 50 năm tuổi.
Đời sống của quân nhân Pháp cũng gặp khó khăn. Đến mức mà hồi cuối năm rồi, Bộ trưởng quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian đã phải cho giải ngân khẩn cấp 30 triệu euro để trang bị và sửa chữa phòng tắm và lò sưởi ở các căn cứ quân sự.
Quân đội Pháp vì thế trông chờ vào ngân sách nhà nước. Thế nhưng, ngay cả chính phủ Pháp cũng đang đau đầu với hồ sơ ngân sách. Hiện tại, thâm hụt ngân sách của Pháp đã trên 4% GDP, trong khi mức quy định của Liên Hiệp Châu Âu là 3%. Châu Âu đã chính thức trách cứ Pháp về chuyện này và yêu cầu Pháp thực hiện nhiều biện pháp tiết kiệm hơn nữa. Rồi vào ngày 24 tháng này, Ủy ban Châu Âu sẽ chính thức có ý kiến về ngân sách 2015 của Pháp.
Trong bối cảnh đó, có vẽ Pháp đang nhắm đến viễn cảnh được Châu Âu tính đến những chi phí quân sự mà Pháp đã chi ra trong việc triển khai quân đến nhiều mặt trận mà Pháp cho là vì lợi ích chung của Châu Âu. Tức là trừ khoảng này ra để hạ bớt tỷ lệ thâm hụt ngân sách của Pháp. Thế nhưng, đây cũng sẽ là một hồ sơ đau đầu của chính phủ Pháp, bởi như lời của một chuyên gia được Libération trích dẫn: «Vấn đề là hiện tại không có sự thỏa thuận cấp độ Châu Âu về đóng góp của Pháp trong việc triển khai quân ở nước ngoài vì lợi ích tập thể».
Libération cho biết thêm: chi tiêu cho việc triển khai quân ở nước ngoài của Pháp đạt mức 21 tỷ euro, tức chiếm 1% GDP của nước này.
Tóm lược về sức mạnh quân đội Pháp, Libération cho rằng sẽ là viễn tưởng nếu nghĩ rằng quân đội Pháp là «một đội quân được trang bị tối tân, có khả năng đáp ứng mọi lúc và mọi thứ cho mong đợi của nhà cầm quyền».
Tập Cận Bình thành công ngoại giao tại APEC
Nhìn về Trung Cộng (TC), Les Echos đăng bài phân tích của chuyên gia chạy dòng tựa đáng chú ý: «Sân khấu Tập Cận Bình», nhận định về những thắng lợi ngoại giao của chính phủ Bắc Kinh.
Bài viết đặt trọng tâm vào Thượng đỉnh APEC vừa qua tại Bắc Kinh và cho rằng, chủ tịch TC Tập Cận Bình đã thu được nhiều thắng lợi ở đó.
Trước tiên, Tập đã tạo ra được hình ảnh «một người tìm kiếm thỏa hiệp», tức không hung hăng như người ta vẫn thường thấy trong tranh chấp với các nước láng giềng. Tại Thượng đỉnh APEC, ông Tập đã «buộc» Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có cái bắt tay chẳng đặng đừng. Hơn nữa, ông Abe đã thừa nhận là có tranh chấp với TC trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, một điều mà Bắc Kinh luôn mong muốn.
Tập cũng thành công khi đạt được thỏa thuận với Mỹ về việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Tỷ lệ giảm mà Mỹ cam kết lại cao hơn TC, còn thời hạn đặt ra cho Mỹ lại ít hơn TC: năm 2025 giành cho Mỹ và năm 2030 đối với TC.
Thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức ở Paris vào năm 2015. Tờ báo nhắc lại rằng, trong hội nghị 2009 ở Copenhague, bất đồng vào phút chót giữa Mỹ và TC đã dẫn đến thất bại chung của hội nghị.
Sắp tới, bài viết cho rằng, tình hình sẽ có nhiều thay đổi, nhưng tranh chấp về địa chính trị vẫn sẽ tiếp tục ở Châu Á Thái Bình Dương nhưng «theo một nhịp độ được điều khiển trước nhất bởi Trung Quốc».
Bài viết kết luận: Nếu thế giới này là một sân khấu thì TC đã thật sự trở thành người đạo diễn lớn nhất.
Lãnh đạo Bắc Hàn có 3 tỷ đô la ở Thụy Sỹ
Lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un có thể sẽ bị đưa ra tòa án hình sự quốc tế về tội ác chống lại nhân loại. Đó là thông tin được đăng tải trên nhật báo Le Figaro với hàng tựa: «Liên Hiệp Quốc muốn mở một mặt trận tư pháp chống Kim Jong-un».
Số là hôm qua, Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bỏ phiếu thông qua một bản báo cáo về tình hình nhân quyền ở Bắc Hàn và yêu cầu Hội đồng bảo an ra nghị quyết đưa Kim Jong-un ra tòa án hình sự quốc tế xét xử về tội ác chống lại nhân loại. Bản báo cáo lên án những «hành động man rợ khó tả» của chính quyền Bình Nhưỡng giống như là những tội ác thời Đức Quốc Xã, như là tra tấn dãn man, cưỡng hiếp, thủ tiêu… ở các trại lao động cải tạo.
Việc thông qua này được các tổ chức nhân quyền hoan nghênh và cho rằng đó là «một bước đi quyết định» để thúc đẩy Hội đồng bảo an chú ý nhiều hơn đến hồ sơ nhân quyền ở Bắc Hàn bởi vì từ trước đến này cơ quan này chỉ tập trung vào hồ sơ hạt nhân.
Tuy vậy, cơ hội đưa Kim Jong-un ra trước vành móng ngựa ở La Haye là không lớn, bởi lẽ hai đồng minh thân cận của Bắc Hàn là Nga và TC đều có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an. Bình Nhưỡng cũng đã ý thức được tầm quan trọng của vấn đề nên đã cử nhiều phái đoàn đi vận động hành lang.
Thế nhưng, dưới một góc độ khác, thì Le Figaro cho rằng, việc đem Kim Jong-un ra xét xử trong ngắn hạn là không thể, nhưng trong dài hạn thì có khả năng. Bởi lẽ, một câu hỏi đặt ra là: liệu Nga và TC sẽ chấp nhận trả một cái giá chính trị quá đắt để cứu đến cùng một đồng minh không chắc chắn như Bắc Hàn?
Le Figaro cũng đăng bài phỏng vấn một người Bắc Hàn sống tại Thụy Sỹ, từng có một thời gian dài bị bắt làm việc trong các trại lao động cải tạo ở Bắc Hàn. Người này tố cáo tội ác của chế độ Bình Nhưỡng và cho biết thêm là các lãnh đạo Bắc Hàn hiện gửi nhiều tiền tại Thụy Sỹ mà số tiền có thể lên đến 3 tỷ đô la.
Tạo kinh hoàng: chiến lược của IS
Hồ sơ liên quan đến nhà nước Hồi Giáo tự xưng-IS tiếp tục là chủ đề thời sự nóng trên báo Pháp hôm nay. Trong đó, tờ Le Figaro đăng bài nhận định của chuyên gia đáng chú ý: «Gieo rắc kinh hoàng, một chiến lược có tính toán của IS».
Bài viết cho rằng, việc phát tán các đoạn video về cảnh giết hại những người mà IS cho là kẻ thù, là một hành động có tính toán kĩ lưỡng để gởi những thông điệp đến cho nhiều đối tượng khác nhau.
Đối tượng trước tiên là những người Hồi Giáo ủng hộ Thánh chiến. Để chứng minh với họ rằng, dù dưới làn mưa bom bảo đạn của phương Tây, nhưng IS vẫn luôn khỏe mạnh và còn đủ sức tiêu diệt kẻ thù. Trên các đoạn băng, nạn nhân được cho mặc đồ tù màu cam, điều đó IS muốn nhắc đến các tù nhân Hồi Giáo bị nhốt ở nhà tù Guantanamo của Mỹ, nhằm khắc sâu thêm thù hận trong lòng người Hồi Giáo. Những tên đao phủ thì mặc quân phục rất giống với quân phục của Mỹ: một cách để khẳng định sức mạnh quân sự không thua kém ai.
Đối tượng thứ hai chính là các «kẻ thù» của IS, như quân đội phương Tây, quân đội của Irak hay Syria. Mục đích là khủng bố tinh thần họ, tức để cho họ thấy rằng nếu xuất quân sẽ có kết cuộc như vậy.
Bài viết nói thêm, video cắt cổ được phát tán là một hành động mang tín «khiêu khích» có tính toán. Trước tiên là để khích cho quân đội phương Tây tăng cường đánh bom hơn nữa. Mà càng đánh bom thì IS càng dễ kêu gọi các chiến binh tình nguyện đến chiến đấu trong «một liên minh chống lại những kẻ phản đạo».
Bài viết nhắc lại, từ khi phương Tây tiến hành chiến dịch không kích, IS bổng nhiên trở thành tâm điểm của truyền thông thế giới và trở thành «kẻ thù quan trọng nhất» của Mỹ trong số các tổ chức Hồi Giáo cực đoan khác. Thế là, sự nổi tiếng đó đã lôi kéo được chiến binh của các lực lượng Hồi Giáo khác và cả những tín đồ Hồi Giáo cực đoan còn lưỡng lự chưa biết tham gia tổ chức nào để chống phương Tây.
Chiến lược gieo rắc kinh hoàng đó như thế sẽ dẫn đến sự leo thang của tình hình, khiến cho Trung Đông đã hỗn loạn lại càng hỗn loạn. Và cái bối cảnh hỗn loạn tột cùng đó sẽ phục vụ đắc lực cho mục đích vẽ lại bản đồ địa chính trị khu vực Trung Đông của IS.
Bên cạnh bài viết nói trên, các tờ nhật báo điều có bài thông tin về việc có thêm một người Pháp bị nhận diện là có mặt trong hàng ngũ đao phủ xác hại các nạn nhân trong đoạn băng video được Tổ chức Hồi Giáo tự xưng. Các tờ nhật báo Le Monde, Le Figaro, Libération, hay tờ 20 Minutes… tập trung tìm hiểu về quá trình bị cực đoan hóa của «tên đao phủ» người Pháp mới 22 tuổi này, theo đó anh ta tiếp nhận Hồi Giáo cực đoan từ khi còn học cấp ba. Mẹ anh ta lại là một tín đồ Thiên Chúa Giáo. Bà đã phát hiện con trai có biểu hiện cực đoan và báo cho cảnh sát, nhưng khi ấy cảnh sát chẳng có hành động gì đáng kể để ngăn chặn.
Bóng đá Pháp lại bị xì căng đan
Tại Pháp, ngành bóng đá vừa bị một xì căn đan mới, thu hút đặc biệt sự quan tâm của xã hội. Nhật báo Libération số ra hôm nay đăng gần trọn trên trang nhất dòng tít báo động: «Các kiểu mafia trong bóng đá».
Câu chuyện xoay quanh tiết lộ vừa rồi của tuần báo Canard Enchainé về cuộc điện thoại giữa Chủ tịch CLB Caen đang chơi trong giải hạng nhất (Ligue I), ông Jean-Francois Fortin, và người đứng đầu giải hạng nhì (Ligue II) Nimes, ông Jean-Marc Conrad, trước khi diễn ra trận đấu giữa hai đội vào ngày 13 tháng Năm vừa qua. Nội dung cuộc nói chuyện được cho là hai bên có dấu hiệu dàn xếp tỷ số và có dấu hiệu tặng quà mua chuộc mà bằng chứng là… mấy thùng rượu vang. Không chỉ trận đấu này bị chính quyền điều tra, mà một loạt các trận khác có liên quan cũng bị liên lụy.
Tờ báo phê phán thái độ có vẻ bàng quan về vụ việc của các cơ quan quản lí trực tiếp bóng đá như Liên đoàn bóng đá chuyên nghiệp (LFP) cũng như Liên đoàn bóng đá Pháp (FFF). Tờ báo cũng nhắc lại một số vụ tai tiếng trong bóng đá Pháp trong thời gian qua và dành một bài xã luận về tệ nạn tham nhũng trong bóng đá với tựa đề khá nặng nề: «Sự vô sỉ».