Điểm Báo Pháp – 20-10-2015
Tháp chọc trời Shanghai Tower (phải) ở trung tâm Phố Đông, nhiều tầng bị bỏ trống do thiếu người thuê – REUTERS /Carlos Barria
Tuấn Thảo – 20-10-2015
Tăng trưởng thấp kỷ lục: Bắc Kinh tìm cách chống đỡ
Tỷ lệ tăng trưởng TC rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2009. Chủ đề này chiếm trang đầu các tờ báo Pháp, số ra ngày 20/10/2015. Le Monde chạy hàng tít lớn: Tăng trưởng TC khựng lại, kinh tế toàn cầu bị vạ lây. Le Figaro đăng dòng tựa đậm: Kinh tế TC tiếp tục bấm phanh.
Theo thông tín viên báo Le Figaro tại Bắc Kinh, chỉ riêng trong tháng 9, mức nhập khẩu của TC giảm 20%, xuất khẩu cũng giảm gần 4%. Guồng máy sản xuất công nghiệp buộc phải giảm bớt hoạt động, điều này có thể thấy rõ qua mức tiêu thụ điện lực trên toàn quốc. Ngành kinh doanh địa ốc cũng không khấm khá hơn, các giao dịch mua bán chuyển nhượng nhà cửa trên thị trường Hoa lục cũng đang bị chựng lại.
Thực trạng kinh tế TC dường như còn thê thảm hơn nhiều. Giới đầu tư quốc tế cũng như các chuyên gia phân tích đánh giá tỷ lệ tăng trưởng TC thật ra chỉ là khoảng 5% mà thôi, chứ không thể nào mà đạt tới 6,9% theo thống kê chính thức vừa được công bố ngày 19/10/2015 vừa qua. Riêng về điểm này, chính quyền Bắc Kinh phủ nhận là đã thổi phồng các chỉ số kinh tế.
Theo Le Figaro, người ta chờ đợi là chính quyền Bắc Kinh sẽ ban hành một số biện pháp, một mặt là để kích cầu, mặt khác là nhằm hỗ trợ kinh tế hầu duy trì chỉ tiêu tăng trưởng ở mức 7%. Biện pháp đầu tiên là Ngân hàng Trung ương một lần nữa sẽ hạ lãi suất chỉ đạo, và như vậy trong vòng chưa đầy một năm, chính quyền TC phải dùng biện pháp này đến năm lần liên tiếp (lần đầu tiên là vào tháng 11 năm 2014).
Biện pháp thứ nhì là tăng đầu tư vào các dự án phát triển hạ tầng cơ sở. Không phải ngẫu nhiên mà trong hai tháng vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã nâng mức đầu tư lên tới gần 300 tỷ đô la vào các dự án như vậy, chủ yếu trong ngành đường sắt, mạng lưới giao thông nối liền đô thị với các vùng sâu vùng xa, cũng như phát triển hệ thống điện lực, qua việc xây thêm đập thủy điện. Chính quyền trung ương đã kêu gọi các cấp địa phương ưu tiên dành ngân sách cho việc đầu tư vào các dự án xây dựng hạ tầng cơ sở.
Thế nhưng, chưa chắc gì các quan chức địa phương sẽ tuân thủ mệnh lệnh từ chính quyền trung ương. Chiên dịch đả hổ diệt ruồi của Tập Cận Bình đã tạo ra một tình huống bất ngờ: các quan chức địa phương như thể bị tê liệt, họ không còn dám phát triển các dự án đầu tư cấp vùng, bởi lẽ chẳng thà họ không làm gì còn hơn là bị tình nghi là đã cắt xén ăn chặn công quỹ.
Hồng Kông & Thượng Hải: Ngành địa ốc bị tác hại
Song song với tỷ lệ tăng trưởng, ngành kinh doanh bất động sản tại Hoa lục cũng đang trở nên bấp bênh. Le Figaro trích dẫn trường hợp của tỷ phú Trương Hân (Zhang Xin), đứng đầu tập đoàn địa ốc Soho. Còn Le Monde thì nhắc đến trường hợp của Lý Gia Thành (Li Ka Shing), nhà tài phiệt thuộc vào hàng tỷ phú Hồng Kông.
Trong trường hợp của bà Trương Hân, tổng giám đốc tập đoàn Soho vừa khánh thánh hôm 21/09 vừa qua một toà nhà cao tầng cực kỳ sang trọng với diện tích tổng cộng gần 200 ngàn thước vuông. Lễ khai trương cực kỳ hoành tráng như lễ trao giải Oscar, hay liên hoan điện ảnh Cannes. Thế nhưng, đằng sau cái vẻ hào nhoáng ấy, không khí lễ hội ít còn tưng bừng như mấy năm trước.
Tọa lạc ngay tại Phố Đông Tân Khu, trung tâm tài chính Thượng Hải, toà nhà cao tầng Soho Bund theo dự tính ban đầu là một trung tâm thương mại khổng lồ, kèm theo các dịch vụ kinh doanh và giải trí dành cho giới có tiền. Thế nhưng, thị trường địa ốc TC đang bị chao đảo, điển hình là toà tháp chọc trời ở Thượng Hải Shanghai Tower, thuộc vào hàng cao nhất châu Á – Thái Bình Dương, lại hầu như bị bỏ trống, do thiếu người thuê.
Trong bối cảnh ấy, toà nhà cao tầng Soho Bund chuyển qua việc cho thuê văn phòng làm việc thay vì mặt bằng để mua bán. Mục tiêu là nhắm tới các công ty, doanh nghiệp non trẻ, hay các công ty nước ngoài hay trong nước muốn giảm các chi phí hoạt động. Tập đoàn Soho tuy không chưa đến nỗi đe dọa, nhưng buộc phải xét lại các hoạt động hầu thích nghi với cung cầu. Chính cũng vì không biết thích ứng kịp thời mà tập đoàn Kaisa ở Thẩm Quyến đã buộc phải tuyên bố phá sản đầu năm 2015.
Báo Le Monde nói về nhà tỷ phú Lý Gia Thành (Li Ka Shing). Nhà tài phiệt này là gương mặt giàu nhất Hồng Kông, tập đoàn của ông CK Hutchinson, ngoài ngành kinh doanh địa ốc còn bao trùm các lãnh vực viễn thông, hàng hải, hệ thống siêu thị, cửa hàng phân phối mỹ phẩm. Kể từ khi thị trường bất động sản bắt đầu bị khựng lại, Lý Gia Thành kể từ tháng 6/2015 bắt đầu chuyển nhượng lại một số tài sản, trị giá tương đương với 120 triệu đô la và đầu tư vào ngành bất động sản tại châu Âu.
Hành động này đã bị nhiều cơ quan của chính quyền TC chỉ trích. Tờ Nhân dân nhật báo hồi trung tuần tháng 9 đánh giá là qua việc bán lại địa ốc rồi chuyển vốn đầu tư sang nước ngoài, Lý Gia Thành đã bắn đi một ‘‘tín hiệu bi quan’’, làm tăng thêm tâm lý bất an trong ngành kinh doanh bất động sản. Lý Gia Thành ‘‘phản pháo’’, tuyên bố qua thông cáo báo chí là chính chủ tịch Tập Cận Bình khuyến khích các tập đoàn doanh nghiệp mở rộng tầm hoạt động qua việc đầu tư ở nước ngoài. Tình hình ngành địa ốc TC hiện giờ khiến ông phải thận trọng hơn trong các vụ đầu tư.
Theo giới phân tích, sở dĩ cơ quan ngôn luận của chính quyền chĩa mũi dùi vào Lý Gia Thành, là vì Bắc Kinh không muốn giới doanh nhân gây ra một cơn hoảng loạn trên thị trường bất động sản. Nhưng dù muốn hay không, thì đa phần các công ty kinh doanh địa ốc đều đang bị tác động.
Phát biểu trước Câu lạc bộ các phóng viên nước ngoài tại Thượng Hải ngày 21/09 vừa qua, nhà tỷ phú Trương Hân, đồng sáng lập tập đoàn Soho công nhận là thị trường địa ốc TC đang chựng lại, nhưng điều đó không nghĩa là nó đang sụp đổ. Tâm lý bi quan chỉ làm cho giới đầu tư thêm hốt hoảng mà thôi.
Dệt may Bangladesh: Quả bom nổ chậm
Liên quan đến chủ đề xã hội châu Á, chủ yếu trong lãnh vực ngành dệt may Bangladesh, hơn hai năm sau tai nạn sập nhà tại Rana Plaza, tình hình có gì thay đổi hay không ? Theo báo Le Monde, câu trả lời dường như là không, nếu ta được xem cuộn phim tài liệu gần đây của Đức chiếu trên đài truyền hình Arte.
Vào tháng Tư năm 2013, vụ sập nhà Rana Plaza đã khiến 1.138 thợ may bị thiệt mạng, đa số công nhân là phụ nữ với đồng lương rẻ mạt. Ngay sau thảm kịch này, hơn 200 trăm công ty và thương hiệu Âu Mỹ đã cam kết giúp ngành dệt may Bangladesh cải thiện điều kiện làm việc cũng như bảo đảm an toàn lao động trong các xưởng may.
Thế nhưng theo lời bà luật sư Marie Laurence Ghislain, làm việc cho tổ chức Sherpa, nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động, thì sự cách biệt giữa lời hứa và hành động là một trời một vực. Các vụ hỏa hoạn do xưởng may bị chập điện, diễn ra như cơm bữa. Các thợ may ở Dacca vẫn phải làm việc quần quật cả tuần. Bất chấp các quy định, giới chủ Bangladesh cũng ít khi nào tôn trọng mức lương tối thiểu, mỗi công nhân chỉ được trả 20 xu (đô la) mỗi giờ làm việc.
Xa hơn nữa, bộ phim tài liệu dùng trường hợp của các thợ may Thổ Nhĩ Kỳ để nói về tương lai khá bấp bênh của nhân công ngành dệt may Bangladesh. Sau nhiều thập niên làm việc trong ngành sản xuất quần jean, giờ đây hàng ngàn công nhân Thổ Nhĩ Kỳ đổ bệnh silicosis, do buồng phổi hít quá nhiều bụi và chất hóa học trong quá trình dùng thuốc nhuộm vải. Trong tương lai không xa, ‘‘quả bom nổ chậm’’ này sẽ là một gánh nặng cho xã hội Bangladesh, vì đa số các công nhân trẻ ở đây đều là những thành viên cột trụ, đi làm kiếm tiền để nuôi gia đình.
Năm Hàn Quốc tại Pháp: Triển lãm Seoul-Paris
Trên lãnh vực văn hóa, Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi tổ chức một cuộc triển lãm lớn trong khuôn khổ chương trình Năm Hàn Quốc tại Pháp, từ ngày 16/10/2015 cho đến 17/02/2016. Theo Libération, đây là lần đầu tiên, Viện bảo Cernuschi tổ chức triển lãm dành riêng cho nghệ thuật hội họa đương đại của Hàn quốc, tập hợp khoảng 65 tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong lãnh vực này.
Đa số các gương mặt này có hai điểm chung : tác phẩm của họ (Pai Unsung, Rhee Seund Ja, Kim Whan Ki, Kim Tschang Yeul, Yun Hyong Keun, Lee Jin Woo, Hong In Sook ……) từng được trưng bày tại Viện bảo tàng nghệ thuật đương đại Triều Tiên tại thủ đô Seoul, họ cũng từng đến Paris để làm việc, đào tạo hay tu nghiệp kể cả thế hệ đàn anh từ những năm 1960 cho tới giới nghệ sĩ trẻ Hàn Quốc thời nay có quan hệ gắn bó với nước Pháp.
Cuộc triển lãm tại Viện bảo tàng nghệ thuật châu Á Cernuschi không đơn thuần tuân theo trình tự thời gian, mà lại mở ra một cuộc đối thoại theo nhiều chủ đề : thế hệ đàn anh tiên phong trong quá trình khai phóng hội họa Hàn Quốc đương đại qua việc cọ xát phong cách Triều Tiên với nghệ thuật Tây phương, lối tiếp cận với các trào lưu Âu Mỹ không làm cho họ mất đi ảnh hưởng cũng như cốt cách Đông phương, với những đường nét gợi hứng từ thư pháp Triều Tiên.
Giới nghệ sĩ trẻ đương đại Hàn Quốc cũng tạo dựng được một nét riêng khi trở lại với cội nguồn, không phải trong chủ đề, bố cục hay cấu trúc mà chủ yếu ở trong các màu sắc, biểu tượng, họa tiết cũng như các chất liệu truyền thống (như tranh lụa và tranh gỗ) mà họ dùng trong các tác phẩm đương đại …..
Cuộc đối thoại giữa Đông và Tây tạo ra những nét tương đồng giữa nhiều thế hệ họa sĩ mà thoạt nhìn ít có liên hệ với nhau. Ảnh hưởng của các trường phái hội họa Paris, lúc đầu rõ nét trong các tác phẩm của giới nghệ sĩ Hàn Quốc thời mà họ tu nghiệp tại các trường Mỹ thuật Pháp dần dà nhường chỗ lại cho những bút pháp với phong cách Triều Tiên.
Đối thoại hay vấn đáp, cuộc triển lãm giống như là một quá trình ‘’khứ hồi’’ xuyên thời gian, điểm đến không quan trọng cho lắm, điều cốt lõi là những điều trải nghiệm, những gì được quan sát suốt dọc đường đi. Mối quan hệ tương tác, đặc tính ‘’khứ hồi’’ ấy được thể hiện rõ rệt qua tựa đề cuộc triển lãm ‘‘Seoul-Paris- Seoul’’ : Đi để rồi mong sớm đến ngày trở lại.