Điểm Báo Pháp – 2-6-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 2-6-2015

Christina Noble và trẻ em Việt Nam. – www.cncf.org

Theo RFI – Thụy My – 02-06-2015

Christina Noble, «Mama» của Thành phố Hồ Chí Minh

Liên quan đến Việt Nam, Le Figaro có bài viết về “Christina Noble, «Mama» của Thành phố Hồ Chí Minh”. Người phụ nữ Ireland là nhân vật chính trong một bộ phim của Steven Bradley dựa trên cuộc đời thực của bà, hiện đang chiếu tại Pháp, đã «trả thù» tuổi thơ cơ cực của mình qua việc xây dựng mái ấm cho trẻ em Việt Nam và Mông Cổ.

Khi đến Việt Nam – một đất nước mà trước đây bà còn không biết nằm ở đâu trên bản đồ thế giới – Christina Noble không có mục đích gì, và cũng không ngờ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi từ đây.

Đó là năm 1989, khi đang đi lang thang trong tiếng còi xe gắn máy inh tai và những tiếng động quen thuộc của đường phố, bà bắt gặp hai em bé gái đang bới rác. Ánh mắt của một em khiến bà thảng thốt. Noble kể lại: «Tôi thấy trong đôi mắt của bé gái này sự sợ hãi và nỗi xấu hổ, mà tôi từng biết quá rõ. Những kỷ niệm của một tuổi thơ nhọc nhằn ùa về, nhấn chìm tôi như một làn sóng».

Dublin, năm 1955, một ngày mưa tầm tã. Người mẹ của Christina Noble qua đời, và mang theo với bà những kỷ niệm thơ ấu hạnh phúc của con gái nhỏ. Cô bé Christina trải qua những ngày đói khổ, bên những người thân bủn xỉn, chỉ lo bán đồ đạc của gia đình để uống rượu thay vì chăm sóc những đứa trẻ mồ côi mẹ.

Christina bỏ học đến hát rong kiếm ăn trên đường phố cùng với năm anh chị em của mình. Nhưng sau đó mấy anh em bị chia cách, đưa về các cô nhi viện khác nhau. Christina được đưa đến Connemara, vùng đất hẻo lánh như Xibêri. Đến năm 16 tuổi, quay lại Dublin, vô gia cư và sống với những việc làm tạm bợ, cô gái đã tự tử và được đưa vào bệnh viện tâm thần.

…Những nỗ lực của Christina chăm sóc trẻ bụi đời Việt Nam dần dần đơm hoa kết trái. Giám đốc một cô nhi viện Việt Nam tin cậy nơi bà, chính quyền cấp visa lao động, và một công ty dầu khí tài trợ cho dự án thành lập một trung tâm y tế xã hội với số tiền ban đầu 10.000 đô la.

Quỹ trẻ em Christina Noble ra đời, và trong vòng hai mươi năm đã giúp được 600.000 trẻ bụi đời ở Việt Nam và Mông Cổ tìm được một mái ấm, được chăm sóc y tế, được học hành và dạy nghề. Trở thành « Mama Tina » của các trẻ em bất hạnh, Christina vẫn quan niệm: «Dù chúng ta có gặp bi kịch như thế nào, khi chưa tha thứ thì ta vẫn chưa được tự do».

Liên minh chống thánh chiến thiếu chiến lược chung

Hôm nay các quốc gia đồng minh họp tại Paris để bàn việc đối phó với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, thường gọi là Daech hay IS trong tiếng Anh và EI theo tiếng Pháp, các nhật báo Pháp đều dành nhiều trang báo để nói về chủ đề này. La Croix chạy tựa «Chống lại Daech, một liên minh ngoài mặt», Libération dành trang bìa cho «Palmyra, cuộc sống dưới sự cai trị của Daech», còn Le Figaro ở trang trong nhận định «Liên minh chống Daech không tìm được chiến lược».

Làm thế nào để vô hiệu hóa Daech? Đại diện của 24 Nhà nước và tổ chức đặt ra câu hỏi này vào hôm nay tại Paris. Bài xã luận mang tựa đề «Cuộc chiến ý tưởng» của nhật báo La Croix nhận định, tiếc rằng phe đồng minh chưa tìm được câu trả lời.

Từ khi quân thánh chiến chiếm được Mossoul cách đây một năm, các nước trong khu vực và các cường quốc đã giáng cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhiều cú đau điếng. Nhưng Daech vẫn mạnh, làm chủ được tình thế trên lãnh thổ rộng lớn đã chiếm được ở Syria và Irak.

Khó khăn chủ yếu là do sự đa dạng của các bên. Tại Irak, tổ chức Nhà nước Hồi giáo giương lá cờ đen của phái Sunni cực đoan, đối mặt với phe Shia trong quân đội chính quy hay dân quân ở phía nam, và với các chiến binh Kurdistan ở phương bắc. Tại Syria các phe nhóm còn nhiều hơn, chiến đấu chống lại cả Daech và chế độ Assad. Với sự tản mác như vậy, các quốc gia trong vùng và phương Tây, với lợi ích khác nhau, không thể hỗ trợ một cách hiệu quả.

Hơn nữa, lại thiếu vắng người đối thoại. Ở Irak, chính quyền Shia thân Iran chỉ nắm quyền trên một phần ba lãnh thổ. Tại Syria còn tệ hơn, vì hầu hết các nước phương Tây không công nhận chính quyền Bachar Al Assad mà quyền lực hiện chẳng còn mấy.

Như vậy theo La Croix, Daech trong nhiều năm tới vẫn là một lực lượng đáng ngại ở trái tim vùng Trung Đông, được nuôi dưỡng bằng sự thù hận tôn giáo. Theo tờ báo, bên cạnh chiến lược quân sự, cần phải có cả chiến lược chính trị quy mô nhắm vào việc cổ vũ những người cải cách trong thế giới Ả Rập, làm giảm nhẹ hố ngăn cách giữa phe Shia và Sunni. Hội nghị Paris – mà Iran không được mời dự, đáng ngạc nhiên thay – muốn gây áp lực trên Thủ tướng Irak để kết hợp cả thiểu số Sunni và Kurdistan.

Tờ báo kết luận, Daech có thể bị yếu đi bởi những trận bom, nhưng chỉ có thể bị thiệt hại lâu dài một khi những lời tuyên truyền phe phái không còn được những người dân mà họ cho là đang bảo vệ, lắng nghe.

Phương Tây không còn nhiều ảnh hưởng ở Trung Đông?

Theo nhà chính trị học Myriam Benraad: «Các nước phương Tây đã đạt đến giới hạn về ảnh hưởng ở Trung Đông». Trong khi đó Iran là lực lượng duy nhất cùng với dân quân Shia và Kurdistan chiến đấu thực sự với Daech trên thực địa.

Bà cho rằng chiến lược của phương Tây chừng như đang thoát ly thực tế. Iran và các đồng minh của Teheran không ngừng mở rộng ảnh hưởng tại Irak, từ sau khi Mỹ tấn công năm 2003. Mười hai năm sau cuộc can thiệp quân sự này, ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Châu Âu có vẻ đã chạm đến giới hạn, và khả năng tác động rất hạn chế. Tại Irak cũng như Syria, từ phe Shia có liên quan đến Iran cho đến phe Sunni đang chờ đợi vũ khí của Mỹ, đều phản đối sự can thiệp từ bên ngoài.

Tại Syria, phương Tây đang trong ngõ cụt, giữa một chế độ đang suy sụp và phe đối lập chia rẽ, hầu hết là phe thánh chiến. Còn Irak luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng giữa Ả Rập Xê Út và Iran. Theo bà Benraad, trong trường hợp lạc quan nhất, sẽ xuất hiện các vùng đất tự trị: phe Sunni sẵn sàng chiến đấu chống lại Daech để đổi lấy việc thành lập khu tự trị Sunni.

Cuộc sống ở Palmyra dưới sự cai trị của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Libération khi điều tra về cuộc sống của thường dân tại Palmyra dưới sự cai trị của Daech đã có những ghi nhận đáng ngạc nhiên. Tái lập điện và internet, phương tiện cho bệnh viện, tôn trọng các di tích, quân thánh chiến của tổ chức Nhà nước Hồi giáo hiện không thô bạo như ở Raqqa hay Ramadi, nhưng đây có lẽ là một sự tính toán mang tính chiến lược.

Dưới quyền của Daech hiện đang kiểm soát một dải đất lớn trong một Syria bị xâu xé, người dân không còn biết phải sợ quân thánh chiến với lá cờ đen, hay những chiếc máy bay ném bom. Điểm đặc thù của Palmyra : đây là vùng đất đầu tiên của Syria được quân thánh chiến chiếm từ tay của quân đội chính quy Syria.

Trái với những thành phố bị chiếm trước đây, Daech có vẻ như muốn chinh phục lòng tin của cư dân. Chẳng những họ không đụng đến các di tích lịch sử, chỉ đặt chất nổ phá nhà tù, mà còn đưa các kỹ thuật viên từ Raqqa đến để tái lập đường điện, kể cả internet.

Công chức nhất là nhân viên bệnh viện thành phố được kêu gọi ở lại nhiệm sở, với lương tháng 150 đô la được trả trước, và thiết bị y tế được mang từ Raqqa. Luật charia cấm hút thuốc và buộc phụ nữ mang khăn trùm toàn thân không được áp dụng. Tuy nhiên hình ảnh những chiếc đầu bị bêu ở nơi công cộng ở các thành phố, làng mạc tại miền bắc và miền đông Syria vẫn còn đó, và người dân hoặc chấp nhận bị trị, hoặc tìm cách di tản.

Hillary Clinton : Đối thủ của chính mình

Nhìn sang nước Mỹ, trong chiến dịch tranh cử, bà Hillary Clinton phải chống lại kẻ thù quan trọng nhất: chính bản thân bà. Đó là nhận định của thông tín viên Le Monde tại Washington trong bài phân tích hôm nay.

Trong những tháng qua, bà Hillary đã gặp ít nhiều sóng gió. Trước hết là những câu hỏi về món thu nhập cao trong những buổi nói chuyện với cử tọa sang trọng. Kế đến, hôm 2 tháng Ba tờ New York Times tiết lộ việc bà sử dụng địa chỉ email cá nhân trong suốt bốn năm giữ chức Ngoại trưởng Mỹ. Rồi nghi vấn về tiền bạc quay lại vào đầu tháng Năm, với việc công bố điều tra và một cuốn sách viết về quan hệ với Quỹ Clinton.

Vụ tấn công vào đại sứ quán Hoa Kỳ ở Lybia khiến đại sứ Mỹ bị thiệt mạng, cũng đã khiến ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ phải trả giá. Trong một cuộc thăm dò công bố hôm 28/5, có đến 53% nghĩ rằng bà Hillary «không trung thực» lẫn «không đáng tin cậy» trong vụ này, một trong những kết quả tệ hại nhất đối với các ứng viên tiềm năng.

Tuy vậy nhìn chung hình ảnh của cựu Ngoại trưởng đối với người Mỹ vẫn tích cực. Không có ứng viên nào cả Dân Chủ lẫn Cộng Hòa địch nổi với bà, trước câu hỏi về năng lực lãnh đạo có đến 60% người cho rằng bà Hillary Clinton hoàn toàn có được phẩm chất này. Ưu thế khác : triển vọng trở thành người phụ nữ đầu tiên bước vào Nhà Trắng.

Bà giữ một khoảng cách với Tổng thống đương nhiệm Barack Obama, bị cho là thiếu quyết đoán nhất là trong chính sách đối ngoại, và với các khuôn mặt Cộng Hòa khác. Lúc là Ngoại trưởng, bà ủng hộ ông Obama về TPP, nhưng nay với tư cách ứng cử viên, bà im lặng lúc Tổng thống bị nhiều dân biểu Dân Chủ chỉ trích về hệ quả của TPP đối với giai cấp trung lưu Mỹ.

Cách đây tám năm, bà Hillary Clinton đang trong thế mạnh, nhưng cái tên Obama đã xuất hiện như một đe dọa nghiêm trọng. Nay trước hai ứng viên Dân Chủ đã tuyên bố tham gia tranh cử, cựu Thống đốc Maryland Martin O’Malley và thượng nghị sĩ độc lập bang Vermont, Bernie Sanders, mà bà cao hơn tối thiểu khoảng 40 điểm trong các cuộc thăm dò, hiện bà chỉ có một địch thủ duy nhất, đó là chính bản thân mình.