Điểm Báo Pháp – 2-3-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 2-3-2015
Một nhóm quân thánh chiến tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang phá hủy các tượng cổ tại Bảo tàng Mossoul, Irak.

Theo RFI – Minh Anh – 02-03-2015

Nghệ thuật cũng là nạn nhân của tổ chức Nhà nước Hồi giáo

Báo chí Pháp hôm nay 02/03/2015 tiếp tục bình luận vụ tổ chức Nhà nước Hồi giáo đập phá bảo tàng Mossoul, nơi lưu trữ nhiều cổ vật quý hiếm vô giá có từ thời văn minh Lưỡng Hà và Hy Lạp cổ đại (khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên). La Croix nhận thấy là thế giới «Nổi cơn giận sau vụ phá hoại các kho báu tại Mossoul».

Tờ báo trích dẫn bình phẩm của nhiều chuyên gia về Syria, Hồi giáo và một số nhà văn, cho rằng hành động đập phá thô bạo của quân thánh chiến tại bảo tàng Mossoul là một «sự hủy diệt lịch sử nhân loại, xóa đi bản sắc của cả nhiều dân tộc trong khu vực».

Một quan điểm cũng được Le Monde đồng chia sẻ qua hàng tựa «Tại Mossoul, nạn nhân nghệ thuật của hành động bạo tàn». Bởi vì, tại đó, «Hành động tẩy văn hóa đang đi từ các bảo tàng thư cho đến cả các lăng tẩm» theo như quan sát của nhật báo. Vụ phá hoại này một lần nữa cho thấy tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang tiến hành một cuộc chiến toàn diện trên những vùng lãnh thổ họ đang kiểm soát và quản lý.

Cũng giống như vùng Rakka của Syria, Mossoul – vùng đô thị lớn thứ hai của Irak  được xây dựng từ những tàn tích của thành cổ Ninive, trung tâm vương quốc Assyria, một đế chế trải dài từ Địa Trung Hải cho đến Iran ngày nay, vào thời điểm vàng son nhất. Vậy mà vài tuần sau khi tiến vào Mossoul, quân thánh chiến Daesh đã cho nổ tung nhiều lăng tẩm cùng với nhiều thánh đường được xây dựng bên cạnh. Tổ chức khủng bố này quan niệm rằng những lăng tẩm biểu trưng cho sự tôn thờ thần tượng, do đó cần phải phá hủy.

Việc nhổ tận gốc văn hóa cũng chạm tới những chốn hiểu biết như đại học hay thư viện. Theo các nguồn tin lọt được ra ngoài, cho đến cuối tháng Giêng năm nay, hàng chục ngàn thư sách đã bị thiêu hủy. Phần lớn trong số đó là các tác phẩm thơ ca, triết học, khoa học. Nhiều tàng thư có từ thế kỷ XVII và XVIII. Duy chỉ có những tác phẩm thần học đạo Hồi nào phù hợp với quan điểm Hồi giáo đang được tổ chức khủng bố này tuyên truyền là được giữ lại.

Vụ đập phá bảo tàng Mossoul lần nữa cho thấy «Daesh đánh thẳng vào nền văn hóa». Sự việc còn làm nổi rõ một vấn đề khác tại Irak hiện nay «những năm tháng chiến tranh và bị phong tỏa đã làm cho mối liên hệ xã hội bị tan rã», theo như phân tích của Tổng thư ký Hội đồng các bảo tàng Quốc tế, ông Samir Abdulac. Ông nói: «Xã hội không còn khả năng kháng cự lại, thảm kịch chỉ có ngày càng tệ hơn. Người ta chỉ có một mối bận tâm duy nhất, sự sống còn. Chỉ có một số ít đã chấp nhận hy sinh tánh mạng để bảo vệ các di sản». Và cảnh dàn dựng đoạn video đó cũng nhằm hai mục tiêu chính: Gây sốc phương Tây và tuyển dụng những người trẻ mất phương hướng.

Về phần mình, bài xã luận «Những con người và những viên đá» của nhật báo công giáo La Croix cho rằng động cơ sâu thẳm của hành động phá hoại các di sản là muốn xóa mọi dấu tích của một nền văn minh không «Hồi giáo». Do đó, cần phải xóa sạch nhẵn những gì tồn tại trước khi đạo Hồi khai sáng vào thế kỷ VII sau Công nguyên. Và ý đồ cực quyền đó cũng chính là lý do mà Daesh dành cho số phận các thiểu số tín ngưỡng khác, nhất là với những người công giáo. Những người này không còn lựa chọn nào khác hoặc buộc phải cải đạo, hoặc phải bỏ trốn.

Quân thánh chiến: Muôn vàn vẻ mặt

Cũng liên quan đến đề tài khủng bố, nhật báo Le Monde có bài điều tra khá hay đề tựa «Ngàn lẻ một gương mặt quân thánh chiến». Vụ tấn công khủng bố nhắm vào tuần san trào phúng Charlie hồi đầu tuần tháng Giêng năm nay đã đặt ra cho giới chức an ninh Pháp một câu hỏi hóc búa: Làm thế nào giám sát, dự báo hay chí ít ngăn chặn các ứng viên tham gia phong trào thánh chiến trong khi những người xin tham gia lại không có cùng một mẫu số chung?

Theo giải thích của ông William Mc Cants, chuyên gia tại Brookings Institution, Washington, khó có thể đưa ra được chân dung rõ nét về quân thánh chiến. Tuy nhiên giới chức an ninh có thể tập trung trên các mạng tuyển dụng những đặc điểm sau: Đó là phái nam, người Hồi giáo theo hệ phái Sunni, và là dân nhập cư thuộc thế hệ thứ hai trở đi.

Giáo sư Philippe Migaux, viện nghiên cứu chính trị Paris và chuyên gia về khủng bố, chia quân thánh chiến ra làm ba hạng. Hạng thứ nhất chiếm khoảng 10% là những kẻ kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Những kẻ này chịu trách nhiệm công tác chiêu dụ giới trẻ.

Hạng thứ hai, phần lớn là những tân binh thánh chiến (chiếm đến 60% trong hàng ngũ Daesh), còn được xem là những kẻ «tự cực đoan hóa». Trong số này, có đến 40% có quá khứ phạm tội. Ông Migaux còn cho rằng nhiều người trong số «tự cực đoan hóa» đó có hoàn cảnh gia đình phức tạp, cha mẹ ly hôn, gia đình đông anh em, hay bị lưu ban …

Điều đáng chú ý, chính sự xuất hiện ứng viên thuộc thành phần trung lưu trong số «tự cực đoan hóa» đã làm chao đảo thành phần mẫu. Trong số những người cải đạo, chiếm đa số là các ứng viên từ tầng lớp trung lưu chứ không phải là những người thuộc tầng lớp nghèo. Theo chẩn đoán của các chuyên gia, nguyên nhân có lẽ hoặc là do một nỗi «bất an» nào đó, hoặc do «khủng hoảng bản sắc».

Hạng cuối cùng là các hộ gia đình và phụ nữ. Số này chiếm đến 30% trong hàng ngũ IS. Những hộ gia đình theo thánh chiến phần đông là những tín đồ trung thành rất nghiêm khắc. Còn hành trình đi đến thánh chiến của phụ nữ thì hơi khác một chút. Thường diễn ra sau khi đã cải đạo hoặc sau một cuộc “trao đổi” trên mạng.

Nói tóm lại, các nhà điều tra cũng như các nhà nghiên cứu cho đến giờ vẫn chưa định hình được diện mạo thật của một kẻ thánh chiến mới. Một kẻ muôn hình vạn trạng, chồng chất nhiều thế hệ, đan xen nhiều thành phần xã hội, nhiều hạng người, từ nhiều vùng địa lý khác nhau, thậm chí từ nhiều tôn giáo khác. Đặc điểm về tâm lý của tân binh thánh chiến cũng đa dạng: từ phản đối một hệ thống xã hội, đi tìm các giá trị mới, thù ghét xã hội, cho đến căm hận chính bản thân mình…

Nhưng có điều chắc chắn là sự đa dạng đó chính là thành quả chiến thuật của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tổ chức này cần đến những binh đoàn chiến binh lớn để có thể ngự trị trên những vùng lãnh thổ mới, nằm chồng lên giữa Irak và Syria.

Boris Nemtsov bị sát hại: Chính quyền Nga dần trấn áp đối lập?

Vụ lãnh đạo đối lập Nga bị sát hại là thời sự nóng bỏng nhất, ngự trị trên hầu hết các trang nhất báo Pháp. “Hàng ngàn người biểu tình tại Matxcơva sau vụ ám sát Boris Nemtsov” là hàng tít trên trang nhất của Le Figaro. Đồng thanh tương ứng, La Croix cũng chạy tít lớn: “Matxcơva, đường phố tưởng niệm nhà đối lập bị sát hại”. Tương tự, Libération đưa tít nhận định: “Vụ ám sát Boris Nemtsov: Matxcơva đứng dậy”. Hay như Les Echos: “Tại Matxcơva, đối lập đưa ra thách thức với Putin”.

Hầu hết các báo đều có chung nhận định, tuy không chỉ đích danh Tổng thống Vladimir Putin, nhưng người dân Nga không ngần ngại chỉ trích chính quyền có liên can đến vụ ám sát lãnh đạo đối lập. Nhật báo Libération cho rằng: “Cho dù ông Vladimir Putin không phải là người ra lệnh cho vụ ám sát, nhưng ông cũng phải gánh lấy trách nhiệm vì đã kích động chủ nghĩa dân tộc biến các nhà đối lập thành mục tiêu tấn công “. Theo phân tích của nhật báo, “ngày qua ngày, bộ máy tuyên truyền của chính quyền công kích đối thủ của phe ly khai thân Nga tại vùng Donbass như là những kẻ phản bội và tay chân cho nước ngoài, những kẻ thù cần được loại bỏ. Bầu không khí cho phép hạ sát đó giải thích phần nào hành vi của những kẻ thích khách”.

Về phần mình, Le Figaro qua vụ việc này nhận thấy là “Chính quyền đang dần khóa mõm các kẻ thù của Nga”. Bài viết nhắc lại những nhà tổ chức các vụ biểu tình chống Putin mùa đông 2011 và mùa xuân 2012 lần lượt bị truy tố về tội “tổ chức gây rối loạn trật tự công”. Các tổ chức ONG có tài trợ từ quốc tế buộc phải đăng ký như là “các tác nhân nước ngoài” để rồi sau đó bị trừng phạt, bị cấm tổ chức biểu tình. Cuối cùng gần đây nhất là xiết chặt các tòa soạn báo độc lập.

Theo tờ báo, hầu hết các gương mặt đối lập tiêu biểu hầu như đã bị đặt ra khỏi tình trạng có khả năng “gây phiền toái”. Số bị kết án tù (như Serguei Oudaltsov, Alexei Navalny), số khác phải tỵ nạn chính trị như cựu vô địch cờ vua Garry Kasparov hay Mikhail Khodorkovski…

Tuy nhiên, Le Figaro cũng thấy là án mạng nhà đối lập Nemtsov ít có khả năng làm thay đổi tình hình chính trị trong một đất nước mà ông Vladimir Putin nhận được tới 85% ý kiến ủng hộ. Nhiều ý kiến phê phán đường lối hoạt động của ông Boris Nemtsov cho rằng ông không tạo được đối trọng nặng ký với chính phủ. Cũng chính vì lý do đó, theo các chuyên gia, ông Putin cũng chẳng thu được lợi lộc gì từ vụ ám sát này. Một khi làn sóng xúc động trôi qua, để xoa dịu quốc tế cũng như người dân trong nước, giống như vụ ám sát nữ ký giả Anna Politkovskaia, vụ án này có thể sẽ được làm sáng tỏ đôi chút mà không tiết lộ được danh tánh thật sự kẻ chủ mưu.

Quá khứ lịch sử đè nặng quan hệ Mỹ – Cuba

Quan hệ xung khắc kéo dài 50 năm không thể chấm dứt một sớm một chiều. Dù đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ cách đây hai tháng, nhưng việc nối lại các cuộc đàm phán Hoa Kỳ-Cuba vẫn không mấy tiến triển. Chủ tịch Cuba Raul Castro yêu cầu Washington phải bồi thường thiệt hại do các lệnh “phong tỏa”. Le Monde nhận định “Với Cuba, các cuộc đàm phán phức tạp”.

Kết thúc vòng đàm phán thứ hai hôm 27/02, cả hai phái đoàn đều đánh giá là có “tiến bộ”. Theo đó, hy vọng đạt được thỏa thuận cho phép Hoa Kỳ mở cửa lại các tòa lãnh sự tại Cuba là rất có thể, dự kiến trước ngày 10-11/04 năm nay, hai ngày diễn ra thượng đỉnh Châu Mỹ. Tuy nhiên Le Monde cho biết thỏa thuận đó còn phụ thuộc vào việc Washington có chấp nhận rút Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia ủng hộ khủng bố, được đặt bên cạnh Iran hay Su-đăng từ năm 1982. La Habana khẳng định đây là một “ưu tiên” hàng đầu chứ không phải là “điều kiện tiên quyết”. Phía Hoa Kỳ đảm bảo sẽ dẫn tiến trình này đi đến kết quả “nhanh nhất có thể”.

Thế nhưng, những người phản đối việc nối lại quan hệ với Cuba đang tìm mọi cách cản trở lại tiến trình xem xét lại danh sách đen của Hoa Kỳ. Nghị sĩ đảng Cộng hòa bang New Jersey đã đề nghị FBI cung cấp danh sách các công dân Mỹ tỵ nạn tại Cuba nhằm trốn tránh pháp luật Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó hồ sơ nhân quyền và lệnh cấm vận nhắm vào Cuba là những cản trở chính cho tiến trình đàm phán ngoại giao. Phía Hoa Kỳ đề nghị La Habana cho phép các đại diện ngoại giao tiếp cận các nhà đối lập và được đi lại tự do hơn trên lãnh thổ. Đổi lại Cuba yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận, vốn dĩ phải được Quốc hội do đảng Cộng hòa hiện nay chiếm đa số thông qua.

Một khó khăn khác nữa là chủ tịch Castro đề nghị bồi thường thiệt hại do các lệnh phong toả của Hoa Kỳ áp đặt. Mức bồi thường đó có thể lên đến 1000 tỷ đô-la và yêu cầu trả lại toàn bộ lãnh thổ bị căn cứ thủy quân xâm chiếm bất hợp pháp tại Guatanamo, phía đông Cuba.

Nhưng Le Monde lưu ý là yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại là một con dao hai lưỡi. Bởi vì phía các doanh nghiệp và chủ sở hữu Mỹ bị chế độ Fidel Castro trưng thu trong những năm đầu cách mạng không được nhận đền bù ước tính mức bồi thường Cuba phải trả cho họ lên đến 7.000 tỷ đô-la. Dù vậy, theo nhật báo, việc mở yêu cầu bồi thường thiệt hại của bên này hay bên kia sẽ không làm một nhà ngoại giao nào của cả hai bên cảm thấy hài lòng.