Điểm Báo Pháp – 2-2-2016

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 2-2-2016

Lãnh đạo Tòa Thánh Vatican, đức giáo hoàng Phanxicô. – REUTERS/Alessandro Bianchi

Theo RFI – Minh Anh – 02-02-2016

Tấn phong giám mục: TC – Vatican đạt đồng thuận?

Trong lãnh vực tôn giáo, TC và Vatican dường như đã đạt được một «thỏa thuận » trong việc tấn phong giám mục sau chuyến thăm Roma của một phái đoàn TC ngày 25/01/2016. Một vấn đề gây căng thẳng cho Bắc Kinh và Vatican từ nhiều năm nay. Đó là «Thỏa thuận gì giữa Vatican – TC»? Báo công giáo La Croix số ra ngày 02/02/2016 tìm cách giải đáp thắc mắc này qua ba điểm.
Theo nguồn tin La Croix có được thì đó chỉ là một «thỏa thuận làm việc » được thiết lập giữa Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và Tòa Thánh. Theo đó, đích thân giáo hoàng sẽ chọn một tên trong danh sách do Bắc Kinh đề cử để bổ nhiệm giám mục tại các giáo phận TC.
Thỏa thuận này là kết quả của một quá trình ngoại giao dài hơi và kín đáo dưới sự điều hành của ngoại trưởng Tòa Thánh, đức hồng y Pietro Parolin, một người rất am tường về quan hệ giữa Vatican và TC. Vào thời điểm ông nắm giữ vị trí thư ký đối ngoại giai đoạn 2002 – 2009, 110 trong số 115 giám mục TC đã được Vatican mặc nhiên công nhận.
Kể từ khi ông nắm giữ vị trí bộ trưởng Ngoại Giao, năm 2013, quan hệ Tòa Thánh với TC đã có một bước chuyển mới. Cả hai bên lần lượt gởi một phái đoàn đến thăm lẫn nhau: tháng 6/2014 phái đoàn TC đến Tòa Thánh La Mã và tháng 10/2015, đến lượt đại diện của Vatican đến Bắc Kinh. Chuyến đi sau cùng này được đức hồng y Pietro Parolin đánh giá là «rất khả quan » khi đề cập đến «một tiến trình trước khi dẫn đến một thỏa thuận như mong đợi ».
Vì sao đó là một bước tiến?
Từ trước đến giờ Bắc Kinh vẫn luôn có thái độ hoài nghi, xem việc Tòa Thánh tấn phong giám mục trong nước như là một hành động can thiệp vào nội bộ nước này. Từ năm 2010, TC lại bắt đầu tấn phong những giám mục nhưng không được Roma chấp nhận. Lần này, Bắc Kinh đồng ý để giáo hoàng tấn phong giám mục và đó đã là một cử chỉ rất đáng kể.
Đổi lại, khi chấp nhận danh sách đề cử do Hội Đồng Giám Mục TC (do Giáo Hội chính thức thành lập năm 1980), Tòa Thánh đương nhiên công nhận cơ chế mà cho đến giờ Vatican vẫn xem là bất minh và do chính quyền kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, thỏa thuận dường như không đề cập đến mối bang giao giữa Vatican với Bắc Kinh. Đó có lẽ là một hồ sơ riêng rẽ về chức năng giáo hội tại TC (giống như trường hợp của Việt Nam, một thỏa thuận đã được thông qua trong việc tấn phong giám mục do vẫn chưa có đặt quan hệ bang giao).
Giáo hoàng có nguy cơ gặp rắc rối gì?
Một nhà phân tích chuyên về Giáo Hội Trung Hoa được La Croix trích dẫn lại, đưa ra đánh giá: «Thỏa thuận này đã gây ngạc nhiên trong bối cảnh TC ngày càng cứng rắn hơn với xã hội dân sự trên mọi mặt, trong khi vẫn cố chăm chút hình ảnh của mình trên trường quốc tế». 
Theo ông, thỏa thuận này đã làm trỗi dậy nhiều vấn đề mà chẳng mang đến được lời giải đáp. Chẳng hạn như, chuyện gì sẽ xảy ra nếu như giáo hoàng không đồng ý với bất kỳ cái tên nào trong danh sách do Bắc Kinh đề xuất? Và như vậy, TC sẽ có cớ để lên án ý đồ xấu của Vatican để tấn phong giám mục của chính mình.
Hơn nữa, thỏa thuận cũng không hề đá động đến tương lai của vài giám mục mà Tòa Thánh La Mã cho là được tấn phong bất hợp pháp và vẫn luôn từ chối công nhận. Cũng như là số phận của hai hay ba giám mục «lậu » đang bị cầm tù và những giám mục «lậu » khác không được chính quyền công nhận.
Raul Castro: «Chậm mà chắc»
Nhân chuyến công du Paris hai ngày của chủ tịch Raul Castro, Le Monde điểm lại tình hình Cuba sau một năm nối lại bang giao với Hoa Kỳ. Tờ báo cho rằng «Tại Cuba, có tan băng nhưng chưa có dân chủ, mà kinh tế thì chưa cất cánh». 
«Chậm mà chắc » là lời đáp trả của chủ tịch Cuba với những ai hối thúc ông thúc đẩy nhanh hơn nữa nhịp độ thay đổi đất nước. Theo quan sát của Le Monde, chính quyền chỉ mở cửa một cách chậm chập. Ngoài việc nới lỏng các quy định cho các cá nhân tự làm chủ doanh nghiệp, thì quân đội vẫn kiểm soát các lĩnh vực kinh tế chủ chốt và các nhà đầu tư nước ngoài được yêu cầu đi theo khuôn phép của La Habana.
Việc nối lại bang giao với Hoa Kỳ cũng chưa kéo theo được một tiến trình dân chủ hóa cũng như chưa làm cho nền kinh tế cất cánh lên được. Thiếu một nhà nước pháp quyền làm cho cả hai lĩnh vực trên bị trói buộc vào nhau, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn cũng như các quyền tự do.
Năm ngoái, Cuba đã đạt được một kết quả tốt đẹp trong ngành ngoại giao. Nhưng trên bình diện kinh tế-xã hội hay như chính trị trong nước, thì 2015  lại là một năm tồi tệ. Tờ báo cho rằng nếu không thay đổi mô hình bầu cử, người dân Cuba sẽ phải tiếp tục bỏ nước, đi tìm tự do.
Trẻ vị thành niên: Món mồi béo bở cho các băng đảng tội phạm?
«Mười ngàn trẻ tị nạn vị thành niên mất tích tại châu Âu » là lời báo động trên Le Monde. Đáng chú ý là số này bị mất tích chỉ trong vòng có một năm rưỡi. Cảnh sát châu Âu Europol quan ngại nhiều em trong số này là nạn nhân của các băng đảng tội phạm.
Trả lời phỏng vấn tuần báo Anh quốc, The Observer, hôm Chủ Nhật 31/01/2016, ông Brian Donald, một trong những nhà lãnh đạo cơ quan phối hợp cảnh sát của Liên Hiệp Châu Âu cho biết cảnh sát mất dấu tích hơn 5.000 trẻ vị thành niên sau khi đăng ký tại Ý và hàng ngàn em khác tại Thụy Điển. Tương tự, Anh Quốc cho hay số trẻ tị nạn bị mất tích tăng gấp đôi trong năm 2015. Theo khẳng định của ông Donald, «một mạng lưới tội phạm có quy mô lớn » có lẽ đứng sau các vụ mất tích này trên lục địa.
Europol lưu ý là con số 10.000 em chỉ là ước lượng và con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Theo thống kê, 27% trong số một triệu người xin tị nạn tại Liên Hiệp Châu Âu trong năm 2015 là trẻ vị thành niên. Một số em thì tìm được gia đình, số khác thì vẫn lẩn trốn do sợ bị trục xuất. Nhưng Europol cho biết có nhiều bằng chứng cho thấy một phần trong số đó đã bị khai thác tình dục tại Đức và nhất là tại Hungary.
Nhiều tổ chức tội phạm dẫn đường có lẽ có liên hệ với các băng đảng tổ chức mại dâm và nô lệ. Các tổ chức này lợi dụng tình hình lộn xộn để thống trị tại nhiều nước khác nhau : giả làm người thân rồi dẫn các em này đi. Nhiều tên dẫn đường khác được trả tiền để dẫn các em này đến đoàn tụ với gia đình tại các nước châu Âu đã tổ chức các vụ mất tích này.
Phương Tây phải tham chiến tại Libya?
Quân thánh chiến bắt đầu vươn sang Libya. Câu hỏi đặt ra liệu phương Tây lại có phải can thiệp quân sự vào nước này? Le Monde và Le Figaro đồng thanh trả lời là «Có ». Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian và điều kiện tiến hành.
«Tại Libya: nước Pháp đang chuẩn bị chống Daech », tít lớn trên trang nhất của Le Figaro. Các quốc gia phương Tây họp tại Roma để bàn thảo các kịch bản can thiệp quân sự chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Theo Le Figaro có ba kịch bản đang được nhắm tới. Thứ nhất, can thiệp quân sự của phương Tây theo yêu cầu của chính phủ Libya hợp pháp. Vấn đề là hiện nay vẫn chưa có thỏa thuận chính trị quốc gia tại Libya để thành lập chính phủ hợp pháp.
Hai khả năng khác có thể dẫn đến can thiệp quân sự. Một là quân thánh chiến tiến mạnh mẽ từ cứ địa Syrte mở rộng đáng kể lãnh thổ của mình sang vùng duyên hải phía đông, giàu dầu hỏa hay miền nam rộng lớn. Hai là một vụ tấn công khủng bố quan trọng ngay trên đất châu Âu, mà có thể là do một nhánh của tổ chức này tại Libya tiến hành. Điều bất hạnh là cả hai khả năng này đều không thể bỏ qua được.
Về phần mình, Le Monde cũng nhận thấy «Tại Libya, cuộc chiến chống Daech đang được chuẩn bị », như hàng tít trên trang nhất. Theo đặc phái viên của nhật báo, ngay chính tại vùng đất cát nóng bỏng giữa Mistara và Syrte một cuộc chiến mới tại Libya đang được phác thảo.
Cuộc chiến thứ ba trong vòng có 5 năm: đợt can thiệp quân sự của NATO chống lại Mouammar Kadafhi năm 2011, rồi cuộc chiến huynh đệ tương tàn năm 2014 giữa các phe thắng cuộc cách mạng và lần này, đối thủ cần phải hạ là Daech, chuyển dịch một phần lớn mặt trận được triển khai tại Irak và Syria.
Le Monde nhắc lại, kể từ mùa xuân năm 2015, nhánh thánh chiến của Daech tại Libya đã chinh phục được một dải duyên hải dài 200km nằm xung quanh Syrte. Mỗi ngày đang gậm nhấm dần dần từng vùng đất tiến gần đe dọa sườn phía đông của vùng «dầu khí », nguồn xuất khẩu dầu thô chính của Libya. Mỗi bước tiến của Daech gióng lên hồi chuông báo động tại các thủ đô phương Tây. Đó là do Daech đã biết khôn khéo khai thác tình hình bất ổn đang nhấn chìm đất nước Libya từ mùa hè năm 2014.
Theo tường thuật của đặc phái viên Le Monde, tại Mistara công cuộc chuẩn bị chiến đấu đã bắt đầu. Ibrahim Bitelmal, chủ tịch hội đồng quân sự tại Mistara nhìn nhận «hiện có một kế hoạch bao gồm cả tấn công trên không và trên bộ tại Mistara. Cộng đồng quốc tế sẽ giúp đỡ chúng tôi, các mối liên kết đã được thiết lập.». Tuy không cho biết thêm nhiều chi tiết, nhưng có nhiều tin đồn cho hay về sự hiện diện tại chỗ của các lực lượng đặc nhiệm Hoa Kỳ và Anh quốc.
Xã hội Pháp chủ đề chính trên trang nhất báo Pháp
Tình hình xã hội Pháp là chủ đề lớn trên một số báo Pháp. Libération lên án tình hình xuống cấp trầm trọng các cơ sở hạ tầng tại các trường học ở Marseille. Cơ sở mất vệ sinh, phụ huynh phải góp giấy dán tường, nhà ăn học sinh quá tải, sưởi không tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn… «Thật xấu hổ cho nền Cộng hòa», tựa của Libération trên trang nhất.
Tờ báo đăng ba tấm ảnh cho thấy nền gạch lớp học vỡ vụn, vòi nước máy được đặt cạnh một bức tường mốc meo, vôi vữa rơi vụn, một cảnh khác cho thấy phòng học nhếch nhác, bẩn thỉu như nơi bỏ hoang. Đây là tình trạng xuống cấp, hư hỏng nặng đến ngạc nhiên tại nhiều trường mẫu giáo và tiểu học ở thành phố biển phía nam. Vấn đề là tòa thị chính tại đây lại chẳng ngó ngàng gì đến.
Về hồ sơ thất nghiệp, nhật báo kinh tế Les Echos đưa tít: «Người thất nhiệp :mở màn tranh luận về trợ cấp» khi mà «Chính phủ hé mở khả năng giảm dần mức trợ cấp thất nghiệp» theo thời gian, theo như hàng tựa trên trang hai.
Cho đến hiện nay, chính phủ luôn gạt ra một bên hướng đi, mà giới chủ Pháp đòi hỏi từ nhiều năm nay. Nhưng mức nợ tại Unedic, cơ quan quản lý thất nghiệp có nguy cơ lên đến 30 tỷ euro vào cuối năm 2016, buộc chính phủ phải xem xét lại lập trường của mình.
Les Echos cảnh báo trước các nghiệp đoàn lao động tại Pháp sẽ kiên quyết chống lại dự án này, vốn đã từng được áp dụng cách đây 20 năm. Theo họ, giải pháp này chỉ thúc đẩy nhanh hơn nữa tình trạng nghèo hóa ở những người đi xin việc làm. Một nghiên cứu năm 2001 do viện INSEE thực hiện đã từng chỉ ra là chính sách giảm dần tiền trợ cấp áp dụng tại Pháp trong giai đoạn 1992-2001 đã làm chậm lại quá trình tìm việc, một tác động ngược lại so với mong đợi.
Zika, một mặt trận khác
Mặt trận sức khỏe là chủ đề lớn trên nhật báo công giáo La Croix. «Zika, cuộc chiến đang được tổ chức» là tít lớn trên trang nhất. một cuộc họp khẩn đã được triệu tập ngày hôm qua (01/02/2016) theo đề xuất của Tổ chức Y Tế Thế Giới WHO- OMS, liên quan đến tình hình bùng phát lây lan virus Zika tại châu Mỹ.
Thế nhưng, theo nhật báo, «Virus zika, đang làm dấy lên một cuộc tranh luận y khoa, chính trị và đạo đức», do bởi cách thức áp dụng nguyên tắc đề phòng. Tại Brazil, quốc gia bị ảnh hưởng mạnh nhất, đang chuẩn bị một cuộc chiến chống sự lây lan virus, nhiều nước khác lại khuyến cáo phụ nữ nên trì hoãn dự án có con. Nhiều chuyên gia nghi ngờ mối liên hệ giữa sự lây nhiễm virus zika ở phụ nữ có thai với hiện tượng dị tật đầu nhỏ ở thai nhi. Theo nhận định của bác sĩ Roger Bessis, chủ tịch hiệp hội quốc gia về siêu âm sản khoa, «tật đầu nhỏ do virus có thể ảnh hưởng nặng đến não và trong một số trường hợp có thể buộc phải phá thai».
Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia không đồng tình với các quan điểm trên. Bà Veronique Orth-Weyers, công tác tại bệnh viện Fort-de-France cho rằng chưa có gì chứng minh được mối liên hệ trên do dịch bệnh chỉ mới bắt đầu. Theo bà cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho các bà mẹ về cách thức tự phòng vệ, chứ không nên làm cho họ bấn loạn tinh thần vô cớ.
Nói tóm lại, theo như một số bác sĩ, cần phải có nhất trí giữa bác sĩ và người bệnh. Trong trước mắt, vẫn còn quá sớm để đưa ra các khuyến cáo như trên. Nhưng nếu trong thời gian sắp tới (chí ít khoảng 8 ngày) nếu dịch bệnh có chiều hướng tiến triển thì lúc đó cũng nên xem xét đến khả năng khuyến cáo các bác mẹ nên chậm chương trình có con.