Điểm Báo Pháp – 19-5-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 19-5-2015

Kim Jong Un phát biểu với giới sĩ quan quân đội, ảnh được công bố hôm 26/04/2015 – Reuters

Theo RFI – Anh Vũ – 20-05-2015

Bắc Triều Tiên: Thông tin thực hư lẫn lộn

Bắc Triều Tiên là đất nước khép kín nhất thế giới, những gì diễn ra ở đó vẫn luôn là bí ẩn. Những thông tin từ bên trong đất nước cộng sản này cứ vì thế mà nuôi dưỡng thêm những suy diễn, phỏng đoán cũng như bàn luận hấp dẫn từ bên ngoài. Nhật báo Le Monde có bài viết mang tựa đề: «Tại Bắc Triều Tiên, khó mà phân định thực hư» đề cập đến thực tế này.

Le Monde dẫn ra thí dụ gần đây nhất, hôm 13/05 vừa qua, tình báo Hàn Quốc bất ngờ tung ra tin Bộ trưởng Quốc phòng Bắc Triều Tiên Hyon Yong-choi đã bị hành quyết bằng pháo phòng không hôm 30/04 chỉ vì một lỗi nhỏ «phạm thượng» với lãnh tụ.

Ngay lập tức tin được loan truyền nhanh như điện trên khắp thế giới, khiến dư luận quốc tế sửng sốt. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, cũng chính cơ quan tình báo này bổ sung thêm rằng, nguồn tin họ đưa ra không được kiểm chứng?

Theo tác giả bài viết thì ngay khi tin vụ hành quyết này được tung ra, dù là từ cơ quan tình báo, nhưng các chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở Seoul đã tỏ hoài nghi. Cheong Seong-chang, chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Viện Sejong  lập luận rằng nếu ông Phó nguyên soái, Bộ trưởng Quốc phòng kia đã bị hành quyết thì «ngay lập tức những hình ảnh của nhân vật này sẽ bị loại khỏi truyền thông chính thức. Thế nhưng, ông ta vẫn xuất hiện trong một bộ phim tài liệu được phát liên tục trên truyền hình trong những ngày từ 05/05 đến 12/05».

Ngoài ra tên ông ta vẫn được nhắc đến trên tờ báo đảng Rodong Sinmun, trong số các lãnh đạo cao cấp dự buổi hòa nhạc hôm 29/04/2015.  Cũng có thể ông đã bị bắt ngay sau buổi hôm đó chăng?

Nhưng những người am hiểu về chế độ Bắc Triều Tiên cho rằng theo thường lệ,  khi những quan chức bị thanh lọc hoặc bị hành quyết thì tên của họ phải biến khỏi các mặt báo từ nhiều ngày trước.

Chuyên gia Cheong Seong-chang cho rằng đôi khi tình báo Hàn Quốc vẫn tung ra các thông tin không kiểm chứng vì dụng ý riêng của họ.

Năm 2013 cũng tình báo Hàn Quốc đã loan tin về vụ cô ca sĩ nổi tiếng Hyong Song-wol được cho là bồ cũ của Kim Jong-un, bị hành quyết. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, cô ca sĩ này lại thấy xuất hiện trong một chương trình truyền hình Bắc Triều Tiên. Chỉ có tin về vụ bắt giữ Jang Song-thaek, dượng rể của Kim Jong-un,  được cho là khá xác thực.

Chuyên gia Andrei Lankov, thuộc đại học Kookmin Hàn Quốc được Le Monde trích dẫn cho rằng: «Mặc dù thông tin của tình báo Hàn Quốc có sai đi, thì một điều rõ ràng là giữ vị trí quan trọng dưới chế độ Kim Jong-un luôn mang những rủi ro».

Khi có thông tin về những vụ hành quyết rợn người bằng vũ khí hạng nặng ở Bắc Triều Tiên, nhiều cơ quan ở bên ngoài còn dùng đến phương tiện ảnh vệ tinh để cố gắng phân tích, xác thực cách thức hành quyết. Mặc dù vậy đến bây giờ, theo le Monde, cái cách «nghiền nát những kẻ phản bội» của chế độ Bình Nhưỡng vẫn không thể kiểm chứng được.

Ngoài chuyện nội bộ, chính quyền Bắc Triều Tiên còn khiến cho cả thế giới phải phát sốt vì những suy đoán khi chính họ tung ra tin bắn thử thành công tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm hôm 09/05.  Các nhà phân tích thì hoài nghi về tiến bộ nhanh quá mức này của Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chiến lược.

Nhưng các nhà chính trị của những nước liên quan như Mỹ hay Hàn Quốc thì dường như không xem thường thông tin về vụ thử tên lửa. Cho dù chẳng ai có thể kiểm chứng thông tin. Le Monde kết luận,  quả thực  phân định rạch ròi thực hư trong trường hợp ở Bắc Triều Tiên  là một công việc khó khăn.

Che đậy thông tin từ bên trong

Vẫn là câu chuyện thông tin ở Bắc Triều Tiên, nhân hôm nay kênh truyền hình Pháp France 5 phát bộ phim phóng sự điều tra của hai nhà báo Pháp, thực hiện tại Bắc Triều Tiên, Le Monde có bài viết «Cuộc điều tra dưới sự theo dõi chặt chẽ» kể lại hành trình làm phim tài liệu  mang tiêu đề: «Bắc Triều Tiên ảo vọng vĩ đại» của hai nhà báo, qua đó cho thấy ngay cả khi đã ở bên trong đất nước khép kín này rồi, thì việc tìm kiếm những thông tin xác thực cũng không hề đơn giản.

Bài viết khẳng định ngay một điều: «Bắc Triều Tiên là một đất nước kỳ lạ và phức tạp đối với những nhà báo ngoại quốc…. mảnh đất Đông Á nằm dưới sự trị vì liên tục của triều đại nhà họ Kim này luôn coi các nhà báo là kẻ thù. Trong chế độ cộng sản đó, thông tin là công cụ tuyên truyền cho công lao và lợi ích của quyền lực».

Để thực hiện bộ phim tài liệu «Bắc Triều Tiên ảo vọng vĩ đại» hai nhà báo Pháp Michael Sztanke và Julien Alric đã phải mất hai năm thương lượng để được phép vào Bắc Triều Tiên làm phim. Tại Bình Nhưỡng, hai nhà báo Pháp được đón tiếp chu đáo đến mức họ không bao giờ được phép rời khách sạn nếu không có người hướng dẫn, chỉ được ghi hình ở những nơi có thể minh họa cho thành quả vĩ đại của chế độ, mọi nơi họ được đến đều có sự xắp xếp, dàn cảnh trước. Bộ phim không thể nói hết được những gì diễn ra bên trong Bắc Triều Tiên nhưng nó cho thấy một thực tế khác là chế độ Bình Nhưỡng vẫn muốn giữ đất nước này sau lớp màn mờ mờ ảo ảo che đậy thực tế.

Thuyền nhân: Các nước Đông Nam Á đùn đẩy trách nhiệm

Chuyển qua nhật báo Libération, trang thế giới của tờ báo dành hai trang báo để nói về thảm cảnh thuyền nhân chạy trốn khỏi Miến Điện và Bangladesh đang bị phó mặc cho số phận trôi dạt lênh đênh trên biển bởi sự vô cảm của nhiều nước Đông Nam Á.

Vụ thuyền nhân Đông Nam Á liên quan chủ yếu đến các nước Bangladesh, Miến Điện, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đang khiến cộng đồng thế giới hết sức lo ngại trong những ngày qua. Thế nhưng, Libération ghi nhận các quốc gia trên đang đùn đẩy trách nhiệm cho nhau trong vụ bỏ rơi thuyền nhân. Các bên tiếp tục chơi trò bóng bàn với số phận của hàng ngàn thuyền nhân trôi dạt trên biển Andaman.

Từ khi bùng lên cuộc khủng hoảng nhân đạo, cách đây 10 ngày, các quốc gia liên quan chính vẫn không tìm được một giải pháp nào,cho dù  không phải để giải quyết nạn buôn người nhập cư mà chỉ đơn giản là để cứu mạng sống của những con người khốn khổ.

Theo Libération, ba nghìn thuyền nhân đã may mắn cập được vào bờ Indonesia và Malaysia, nhiều nghìn người khác vẫn còn đang trôi dạt vật vờ trong eo biển Malacca.

Sau khi liên tục quyết tâm đẩy thuyền tỵ nạn sang vùng biển của nhau, Thái Lan, Malaysia, Indonesia bắt đầu quay sang đổ trách nhiệm lên đầu Miến Điện, nước xuất xứ của dòng người Rohingya chạy trốn khỏi sự truy bức và vô thừa nhận của chính quyền.

Tuy nhiên, Libération nhận định: “Chuẩn bị bước vào chiến dịch bầu cử tổng thống, ít có cơ hội Miến Điện chập nhận mở hồ sơ người Rohingya lúc này… chính quyền còn nhiều việc phải giải quyết với những phe phái sắc tộc nổi dậy hay cải cách trong nước hơn là lo cho số phận của những người mà vốn dĩ đã không được họ công nhận là công dân của Miến Điện”.

Người ta chỉ còn hy vọng vào sức ép của cộng đồng quốc tế  và của khối ASEAN trong những ngày tới.