Điểm Báo Pháp – 19-12-2015
Một phụ nữ Cuba mặc trang phục có in cờ Hoa Kỳ. – REUTERS
Theo RF – Minh Anh – 19-12-2015
Giới trẻ Cuba vẫn mơ đến Hoa Kỳ
Mặc dù La Habana và Washington đã nối lại bang giao, nhưng điều nghịch lý là hàng ngàn người Cuba vẫn tìm đủ mọi cách ra đi để có thể đặt chân vào nước Mỹ tự do. Ngược lại, số khác thì cho rằng cái giá phải trả cho hành trình đi đến thiên đường tự do đó lại quá đắt, trong khi cuộc sống tại chỗ ngày càng dễ thở hơn. Còn đối với giới trẻ Cuba, việc hai quốc gia xích lại gần đã mang đến cho họ một làn gió mới: nền văn hóa Mỹ, vốn xưa kia bị cấm đoán. Le Figaro (19/12/2015)có bài phóng sự ngắn đề tựa «Tại Cuba, giới trẻ mơ về Hoa Kỳ».
Làn gió văn hóa Mỹ đang trỗi dậy trong giới trẻ Cuba : quần áo có in hình cờ Mỹ, đĩa DVD sao chép các phim ảnh hành động Mỹ, và nhất là các thùng hàng được nhận hàng tuần đến từ Mỹ. Trong gói hàng đó là một ổ đĩa cứng dữ liệu, chứa hàng nghìn thông tin như tạp chí, phim ảnh, tin tức, tài liệu và các phần mềm.
Điều nghịch lý, bình thường hóa quan hệ song phương giữa Washington và La Habana khiến cho người Cuba phải lo lắng. Những lời đồn đãi cho rằng Tổng thống Obama sẽ xiết chặt hơn nữa các « điều kiện vào Hoa Kỳ đối với người Cuba » đã làm cho hàng người lo sợ tìm đủ mọi cách để đi vào nước Mỹ.
Từ việc đi bằng đường biển bằng những chiếc tàu bè cũ nát, ca nô siêu nhanh, miễn sao có thể cập bờ biển Mỹ nhanh nhất. Còn nếu như sợ bị gặp lực lượng tuần duyên, lo nước chảy xiết hay cá mập, người Cuba có thể vượt hàng ngàn cây số đường bộ qua ngả Equateur, rồi đến Panama và Costa Rica. Nói tóm lại là bằng mọi giá để thực hiện giấc mơ Hoa Kỳ.
Nhưng Cuba cũng là một thiên đường
Nhưng với nhiều người khác cái giá cho giấc mơ đó cũng quá đắt và cũng không cần thiết. Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ giờ không còn ham muốn đến Hoa Kỳ. Với họ, chút ít tiền bạc kiếm, Cuba cũng đã là thiên đường thật sự, miễn là đừng có tham gia vào chính trị, như nhận định của chủ nhà trọ tại La Habana.
Một quan điểm cũng được vị bác sĩ tên Jorge, làm việc tại phòng mạch trong khu phố Diez Octubre đồng chia sẻ. Theo ông, với mức lương đã được chính phủ tăng lên gấp đôi trong năm 2014, tuy vẫn là đồng lương chết đói trong con mắt của phương Tây, nhưng tại Cuba hiện nay ông vẫn có thể sống dư dả và có thể kiếm thêm được chút đỉnh tiền ngoài luồng.
Chẳng hạn như có ai dúi thêm ít tiền để được bác sĩ khám nhanh hơn và được chăm sóc tốt hơn. Còn nếu đến Hoa Kỳ, chắc chắn và ông sẽ phải làm những công việc không tương xứng với trình độ do bằng cấp của ông sẽ không được Mỹ công nhận. Ngoài ra còn có hai điểm thường làm nhiều người Cuba do dự không muốn ra đi đó là : thiếu hệ thống chăm sóc y tế và tình hình bạo lực.
Karl Lagerfeld phải lòng Karl Marx?
Phóng viên của Le Figaro cũng nhận thấy tại khu Habana cổ, các biển hiệu sản phẩm cao cấp cũng bắt đầu ló dạng. Người xem có thể nhìn thấy những chiếc đồng hồ hiệu Longine có đính đá quý giá 1500 đô-la. Những chiếc vợt tennis sao chép các nhãn mác Mỹ, với giá trung bình 90 đô-la. Hay như biển quảng cáo « Cuộc sống tươi đẹp » (La vie est belle) của hãng mỹ phẩm Pháp nổi tiếng Lancôme.
Và đương nhiên, Luis Vuitton cũng không thể vắng bóng tại khu này. Hãng mỹ phẩm Chanel cũng không muốn mất phần, cho biết sẽ có mặt trong năm 2016 cùng với một màn trình diễn thời trang. Một sự kiện văn hóa đầu tiên. Le Figaro ngạc nhiên thốt lên : « Hay là Karl Lagerfeld phải lòng Karl Marx rồi chăng ? ».
Putin lần đầu tiên công nhận sự hiện diện của lính Nga tại Ukraina
Tổng thống Nga Vladimir Putin, lần đầu tiên công nhận sự hiện diện của quân đội Nga tại Ukraina. Lời xác nhận được đưa ra trong buổi họp báo thường niên kéo dài 3 tiếng đồng hồ với các phóng viên trong nước và nước ngoài. Tờ Le Monde cho rằng ẩn sau những lời thú nhận công khai, một mặt trận khác đang diễn ra giữa hai quốc gia này: Kinh tế.
Trả lời chất vấn một phóng viên Ukraina về khả năng trao đổi tù binh, Tổng thống Nga đã đáp trả như sau:
«Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng không có người tham gia vào việc giải quyết một số vấn đề ở tại đấy, kể cả trong lĩnh vực quân sự. Nhưng điều đó cũng không có nghĩa là có quân đội thường trực ở đây, quý vị thấy rõ có sự khác biệt».
Ngay sau phát biểu của Putin, Tổng thống Ukraina Porochenko và Tổng thư ký NATO Jens Stolenberg ngay lập tức phản ứng cho là cuối cùng Putin cũng đã thừa nhận gởi quân đến miền đông Ukraina.
Le Monde nhắc lại cho đến lúc này, Matxcơva vẫn luôn phủ nhận việc gởi quân sang vùng phía đông Ukraina, nơi đang diễn ra cuộc xung đột chết chóc giữa phe thân Nga và quân đội chính phủ Ukraina từ năm 2014. Điện Kremli nhất mực khẳng định chỉ có sự hiện diện của những công dân Nga «tình nguyện» trên thực địa.
Tổng thống Nga trong buổi họp báo cũng không chối bỏ chất vấn của phóng viên Ukraina khi đề cập đến trường hợp hai quân nhân đang bị Kiev bắt giữ là «thành viên của lữ đoàn ba Togliatti», lực lượng quân đội đóng cách thủ đô Nga 800 km phía đông nam.
Bên cạnh đó, Putin còn có thái độ khá hòa hoãn khi nói đến việc «trao đổi tù binh ngang bằng mỗi bên», đồng ý với ông Porochenko việc trả tự do toàn bộ các tù binh «một đổi một và không mang tính chọn lọc». Putin còn nhấn mạnh thêm là:
«Về điểm này, chúng tôi có cùng quan điểm. Chúng tôi chẳng có lợi gì gây căng thẳng. Ngược lại, chúng tôi mong muốn giải quyết cuộc xung đột này ngay khi có thể».
Nhưng theo quan sát của tờ báo, tuy chiến sự tại đông Ukraina đã có phần nào hạ nhiệt, cuộc chiến Nga – Ukraina giờ đang chuyển sang một hình thái khác. Tổng thống Nga cho đến lúc này vẫn khước từ mọi ý định đưa ra các lệnh trừng phạt chống lại « nước cộng hòa anh em » của mình. Nhưng chủ điện Kremli trước hôm họp báo đã ký một sắc lệnh đình chỉ mức thuế quan ưu đãi được ký từ năm 2011 hiện vẫn còn giá trị cho đến lúc này.
Sắc lệnh vừa ký sẽ có hiệu lực ngay từ ngày 01/01/2016. Đó cũng là ngày có hiệu lực cho thỏa thuận hợp tác giữa Kiev và Liên Hiệp Châu Âu. Và như vậy, việc hoàn tất thỏa thuận Minks, tái lập hòa bình coi như cũng bị chậm lại.
Syria: Damas lại đánh dân bằng vũ khí hóa học
Ngày 29/10/2015, Tổ chức cấm vũ khí hóa học – OIAC công bố báo cáo cho thấy rõ chế độ Damas vẫn tiếp tục sử dụng chất hóa học chống lại thường dân. Libération có bài tường thuật đề tựa « Tại Syria, chế độ bị cáo buộc tấn công bằng vũ khí hóa học ».
Theo tài liệu Libération có trong tay, chế độ Bachar al-Assad đã tiến hành « nhiều đợt tấn công bằng khí clo » tại miền bắc Syria vào mùa xuân năm 2014. Báo cáo của OIAC còn được kèm theo một biểu đồ được trình bày bằng 3 chiều và bằng màu, cho thấy làm thế nào những lọ tròn chứa đầy khí clo hay một chất hóa học nào đó có gốc clo được đặt bên trong một thùng phuy. Người xem có thể thấy cả ngòi nổ và dây cáp nối chúng lại với nhau. Có cả những chiếc bánh xe gắn ở phía trước và sau thiết bị gây nổ, cho phép thả chúng xuống từ một chiếc trực thăng.
Theo nhiều tổ chức phi chính phủ và nhiều chuyên gia được Libération phỏng vấn, biểu đồ này không chỉ mang tính kỹ thuật và mô tả chi tiết, mà còn là một bằng chứng « chính thức » do một cơ quan quốc tế thiết lập chứng minh là chế độ Bachar al-Assad đã tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học bất chấp những cam kết do chế độ đưa ra hồi năm 2013.
Nhật báo trích nhận định của bà Nadim Houry, trợ lý giám đốc điều hành Human Rights Watch (HRW) chi nhánh tại Trung Đông và Bắc Phi khẳng định chỉ có chế độ Damas mới có đủ khả năng và phương tiện để tiến hành các kiểu tấn công này.
« Không một nhóm nổi dậy Syria nào có sở hữu trực thăng cả. Do đó, đây là lần đầu tiên một tổ chức được Liên Hiệp Quốc công nhận đã chỉ ra trực tiếp hành động vi phạm công ước về vũ khí hóa học của chế độ Syria. Điều này là đúng 100% ».
Cuối cùng, Libération trích kết luận của OIAC khẳng định ngay từ mùa xuân năm 2014, nhiều đợt tấn công mới diễn ra ở phía bắc Syria. Và chất clo đã được sử dụng một cách có « hệ thống và được lặp lại » nhắm vào nhiều thành phố, tất cả những nơi do phe đối lập kiểm soát.
Nam Hàn: Phim chống Nhật Bản lên ngôi
Đến với Châu Á, nhưng trên lãnh vực điện ảnh, tuần san Courrier International quan tâm đến hiện tượng phim chống quân xâm lược Nhật Bản đang là mốt thịnh hành tại Nam Hàn. Theo quan điểm của tờ báo Nhật Asahi Shimbun, tại Tokyo, được Courrier trích dịch lại, hiện tượng cho thấy Seoul đang muốn chạy theo đuôi thị hiếu khán giả Trung Hoa. Tờ báo cũng cảnh báo hành động này cũng có hệ lụy đáng tiếc cho quan hệ song phương Nhật – Hàn.
«Nam Hàn: Làn sóng phim ảnh chống Nhật», là tựa đề nhận định trên Asahi Shimbun. Tờ báo nhắc đến bộ phim «Assassinat» (tạm dịch là Ám sát) của đạo diễn Choi Dong-hoon, một bộ phim hành động lấy bối cảnh Seoul dưới thời quân xâm lược Nhật Bản đã thu được một thành công lớn. Bộ phim đã thu hút 12,7 triệu lượt người xem, tức chiếm đến ¼ dân số nước này, và đứng hàng thứ 7 trong bảng xếp hạng các phim ăn khách nhất tại Nam Hàn.
Nội dung câu chuyện xoay quanh việc một tay nữ thiện xạ và hai đồng đảng phải thực hiện nhiệm vụ ám sát một viên chỉ huy quân đội Nhật Bản và một doanh nhân Hàn Quốc hợp tác với quân xâm lược.
Giải thích về sự thành công của bộ phim, nhật báo Nhật Bản đưa ra các nguyên nhân sau. Thứ nhất, đó là do những năm gần đây người dân Hàn Quốc ngày càng cảm thấy chán ghét các đại tập đoàn, đã trở thành biểu tượng hố sâu xã hội không ngừng bị đào sâu, theo như phân tích của nhà nghiên cứu điện ảnh Lee Young-Jae.
«Khi xem phim Ám sát, người ta đánh đồng các đại tập đoàn với những người hợp tác với quân đội Nhật Bản. Những người đã làm giàu bằng việc phản bội lại đất nước. Và điều đó cũng có thể bởi vì bộ phim này lên án thái độ của những đại tập đoàn này dành cho công chúng».
Điện ảnh Hàn Quốc chạy theo thị hiếu TC
Đối với một số chuyên gia khác, thành công đó của bộ phim cho thấy có sự định hướng trong ngành điện ảnh Nam Hàn: Chuyển từ thị trường Nhật Bản sang TC, theo như giải thích của nhà phê bình điện ảnh Nhật Bản sống tại Seoul, ông Tsuchida.
«Phim Nam Hàn rất được người dân TC ưa chuộng. Các bộ phim đồng sản xuất Hàn – Trung cũng ngày càng nhiều. Do đó điện ảnh Hàn Quốc không cần quan tâm đến thị hiếu của người Nhật làm gì nữa».
Thế nhưng, ông Masayuki Faruya, phóng viên người Nhật, rất am tường về điện ảnh Nam Hàn lại tỏ ra quan ngại thành công của những phim loại này có một ảnh hưởng tiêu cực lên tình cảm của hai dân tộc.
«Một số phim Nam Hàn chỉ dùng bối cảnh chiến tranh với Nhật như là phông nền lịch sử. Nhưng, về phía người Nhật, người ta có nguy cơ xem đấy như là một chiến dịch bôi nhọ Nhật Bản. Điều này có thể sẽ làm gia tăng hơn nữa cảm giác bài Hàn Quốc.
Về phần người Hàn, người ta có thể nghi ngờ khía cạnh hư cấu của nội dung các phim này và xem đấy như là một thực tế lịch sử. Đương nhiên, xu hướng này sẽ rất là đáng tiếc cho quan hệ song phương».