Điểm Báo Pháp – 18-12-2015
Mỹ tăng lãi suất chỉ đạo và tung dầu hỏa ra thị trường quốc tế, Liên Hiệp Quốc muốn bóp nghẹt các nguồn tiền Daech, Nga hoà dịu với Tây phương, Trung Quốc thuê dư luận viên bảo vệ « tự do » internet, Ủy ban Châu Âu bị kết án vì « thiếu bổn phận » bảo vệ sức khỏe công dân và môi trường, thực đơn và thời trang mùa Giáng sinh là những chủ đề trên báo chí Paris hôm nay, 18/12/2015.
Hoa Kỳ đưa thế giới vào khúc quanh kinh tế với hai biện pháp tài chính và năng luợng : tăng lãi suất chỉ đạo và tung dầu hỏa ra thị trường quốc tế. Lần đầu tiên từ năm 2008, Ngân hàng Trung uơng Mỹ nâng lãi suất chỉ đạo 0,25%. Tuy không cao nhưng đánh dấu thế giới bước vào « một thời đại mới ». Theo nhật báo độc lập Le Monde, Cục Dự trữ Liên bang (FED) thận trọng sang trang thời kỳ bơm khoảng 2.500 tỉ đôla vào thị trường. Hệ quả được dự báo là đô la từ nay sẽ đổ vào Hoa Kỳ và tạo tình trạng bất trắc cho khu vực đồng euro nhưng nhất là các nước đang phát triển.
Ngày hôm nay, Quốc hội Mỹ phải thông qua một một biện pháp cho phép xuất khẩu dầu khí nội địa, bị cấm từ 40 năm qua vì để đề phòng khan hiếm. Nhưng giờ đây, các kho tích trữ đã tràn đầy, cộng với kỹ thuật mới khai thác đá khí cho phép Mỹ mở « ống dầu » tràn ngập thế giới, theo như nhận định của Le Monde.
Hai quyết định song hành, nâng cao lãi suất và mở ống dầu là hai tín hiệu của Washington. Vàng đen tràn ngập thị trường sẽ làm giá dầu đi xuống nhưng các tập đoàn của Mỹ vẫn được lợi vì thanh toán được dầu tồn kho và gia tăng ảnh hưởng trên thị trường. Thành phần huởng lợi thứ hai là doanh nghiệp. Nhờ sự cạnh tranh của Mỹ mà gánh nặng nhiên liệu tiêu thụ bớt đi. Cuối cùng chỉ có các quốc gia đang phát triển sản xuất dầu khí là bị thiệt thòi trong ít nhất 10 năm tới . Đô-la lên giá phối họp với giá dầu thấp sẽ biến « vàng đen của họ thành chì ».
Ngay bây giờ thì các thị trường đều « chào mừng » quyết định của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ. Giới đầu tư không lo ngại, theo quan sát của Le Figaro.
Nhà nước Pháp sử dụng sáng kiến công dân
Khác với các đồng nghiệp, trang nhất của La Croix chào mừng « những sáng kiến của xã hội công dân, những « phòng thí nghiệm » tiên phong, trắc nghiệm các phương thức mới cải thiện đời sống cộng đồng , sau đó được chính phủ biến thành luật. Nhật báo Công giáo liệt kê một danh sách dài : phụ cấp gia đình, thu nhập tối thiểu, nghĩa vụ dân sự, bảo hiểm bệnh tật, quyền có gia cư, giúp học sinh bỏ học trở lại nhà trường… Từ năm 1918 đến nay, hầu hết những thụ đắc xã hội này đều bắt nguồn từ sáng kiến của các hiệp hội – từ Hiệp hội Chủ nhân Xí nghiệp cho đến Hội Thế giới Thứ tư, Y sĩ Không biên giới, Y sĩ Thế giới ….và gần đây là mạng lưới Alerte (báo động) để hỗ trợ cho những người thiếu nợ sắp bị tịch biên tài sản.
La Croix cũng dành một trang báo để chào mừng « xu hướng bớt án tử hình tại Hoa Kỳ » đuợc thể hiện trong năm 2015. Trong năm nay, chỉ có 50 bản án tử.
Cũng liên quan đến phúc lợi của công dân, Le Monde đưa lên trang nhất tin Tư pháp châu Âu lần đầu tiên phải kết án Ủy ban Châu Âu (hành pháp) « thiếu bổn phận » chăm lo sức khỏe dân chúng. Bruxelles bắt buộc phải công bố vào ngày 13/12/2013 những chuẩn mực khoa học đánh giá hiểm nguy của một số hóa chất « tác hại cho tuyến nội tiết ». Tuy nhiên, hai năm sau, Ủy Ban Châu Âu vẫn im hơi lặng tiếng về các hóa chất như Bisphénol, thuốc trừ sâu. Ủy ban biện minh cho thái độ thụ động này là sợ « ảnh hưởng cho công nghiệp hóa chất ». Khoảng 60 tổ chức phi chính phủ và nghiệp đoàn y tế chào mừng phán quyết này nhưng tỏ ý lo ngại Ủy ban Châu Âu sẽ ngưng nghiên cứu tác hại hóa chất áp lực của doanh nghiệp. Bị Toà án Châu Âu kết án phải « khắc phục tức khắc » thái độ chậm trể này, Ủy Ban Châu Âu hứa hẹn sẽ làm tròn bổn phận vào năm 2016.
Thụy Điển là thành viên đứng đơn kiện Bruxelles trước khi Pháp, Hà Lan, Đan Mạch tham gia.
« Đánh khủng bố bằng gọng kềm quân sự tài chính »
Tiếp theo tuyên bố của Tổng thống Mỹ và qua một sáng kiến của Pháp, nghị quyết tấn công các đường dây kinh tài của tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech đã được Hội Đồng Bảo An biểu quyết. « Bị tấn công ở Irak và Syria, Daech muốn biến Libya thành hậu cần ». Cũng như các đồng nghiệp, Le Monde nhấn mạnh tin này kèm theo bài phỏng vấn Phó Ngoại trưởng Israel, Tzipi Hotovely : Với thế trỗi dậy của Daech, Châu Âu không còn là nơi bình an.
Les Echos nói đến biện pháp của Liên Hiệp Quốc « Làm cạn nguồn tài chính của Daech » . Bằng cách nào ? Đây là lần đầu tiên Liên Hiệp Quốc cho phép các nước sử dụng luật pháp để phong tỏa tài sản của những cá nhân và công ty liên quan đến các nguồn tài chính của khủng bố.
Theo Le Figaro, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin xem Nghị quyết này là một thông điệp chính trị mạnh mã và cứng rắn của cộng đồng quốc tế trong đó có cả Mỹ lẫn Nga. Tuy nhiên, theo Giám đốc Trung tâm phân tích chống khủng bố Jean-Charles Brisard nói dễ nhưng làm khó. Biện pháp tuơng tự chống Al Qaida, thi hành từ 16 năm qua, cho đến nay chỉ phong tỏa được khoảng 100 triệu đôla mà thôi. Khác với Al Qaida, nguồn tiền của Daech không do quyên góp mà xuất phát từ hệ thống kinh tài riêng, đánh thuế dân chúng ở vùng họ kiểm sóat, bán lậu dầu khí mà những kẻ trung gian rất kín đáo rất khó truy ra tông tích. Đã vậy, nỗ lực truy tìm có hiệu quả hay không còn tùy thuộc vào thiện chí của các thành viên của Liên Hiệp Quốc. Một số chuyến gia nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ bao che cho thị trường chợ đen béo bở này, theo kết luận của nhật báo Le Figaro.
Mỹ -Nga hoà dịu trên hồ sơ Syria
Nhật báo cánh hữu độc lập cũng chú ý đến « nỗ lực ngoại giao từng bước nhỏ quyết định số phận của lãnh đạo Syria, ông Bachar Al Assad, trong hội nghị quốc tế diễn ra trong ngày thứ Sáu tại New York. Một viên chức Pháp cho biết hội nghị sẽ « rất khó khăn ». Thứ nhất, liệu Nga có sẵn sàng bỏ rơi lãnh đạo chế độ Damas để đổi lấy bảo đảm quyền lợi tại Syria và nhượng bộ của Tây phuơng tại Ukraina hay chăng ? Rồi yếu tố Iran ? Chính phủ Teheran có vẻ nghiêng theo quan điểm của Nga là nếu Nhà nước Syria có thể tồn tại mà không cần Bachar Al Assad thì họ hy sinh nhà độc tài. Vấn đề là giáo chủ Ayatolah Khamenei đã cấm không được chạm đến « sợi tóc » của chế độ.
Trước mắt, Washington cần Nga thuyết phục đồng minh Bachar Al Assad chấp nhận đàm phán với đối lập. Một vấn đề phức tạp vì việc thiết lập danh sách các tổ chức chính trị quân sự vẫn chưa ngã ngũ vì Nga và Tây phương bất đồng. Pháp đề nghị chỉ đưa vào danh sách đen những tổ chức nào không chấp nhận hòa giải và xây dựng một chế độ dân chủ cho Syria tương lai.
Thái độ hòa dịu của Tổng thống Nga đối với Mỹ trên hồ sơ Syria được Les Echos nêu bật trong bài tuờng thuật cuộc họp báo của chủ nhân điện Kremli ngày 17/12., trong đó ông Putin cho biết sẽ ủng hộ « những nhóm đối lập ôn hoà ». Nếu nhật báo kinh tế chỉ nêu một vài hồ sơ gây bối rối cho Tổng thống Nga như giá dầu xuống thấp gây thiệt hại cho xuất khẩu thì nhật báo cánh tả Pháp Libération nhấn mạnh hơn qua bài « Ngày nhàm chán của Putin ». Đây là cuộc phỏng vấn nhàm chán nhất và ngắn nhất của ông Putin, từ bốn giờ xuống còn « ba giờ », theo Libération.
Những hồ sơ nhạy cảm như Nga có quân tại Ukraina hay không thì ông trả lời một cách bí hiểm và không chính xác. Ông cũng bối rối về tai tiếng của Yuri Tchaika, vị Chưởng lý thân cận, bị đối lập tố cáo tham nhũng và bao che cho các tay lừa đảo chuyên nghiệp và các con của ông chiếm đoạt tài sản công ty, biển thủ công quỹ và rửa tiền ở Tây Âu. Cuối cùng ông không bảo vệ nhân vật tai tiếng này.
Tự do thông tin theo quan điểm của Tập Cận Bình và dư luận viên
Để biện hộ cho chính sách kiểm duyệt thông tin và quyền tự do ngôn luận, chính quyền TC tổ chức « Hội nghị thế giới về internet » tại Vũ Hán ngày 16/12. Bài diễn văn của chủ tịch TC «bảo vệ chủ quyền mạng» đã bị giới truyền thông và nhân quyền chỉ trích mạnh.
Le Monde cho biết một số ý kiến như sau : Diễn văn của chủ tịch TC nhằm đánh lừa công luận, che giấu sự thật kiểm duyệt thông tin, đi ngược lại quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp như ở các nước khác trên thế giới. Kiểm duyệt tại TC không đơn thuần là « kỹ thuật » mà còn có công an can thiệp, xúc phạm đến thân thể của người sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình. Đó là phân tích của Giám đốc Amnesty International, vùng Châu Á Nicolas Bequelin.
Một nhà ly khai TC định cư tại Mỹ cho biết « Hội nghị Vũ Hán » là thủ đoạn của chính quyền TC, đem thị trường tiềm tàng 700 triệu « dân mạng » ra để chiêu dụ Tây phương chấp nhận quan điểm « chủ quyền mạng » tức là chấp nhận kiểm duyệt.
Nhà báo cựu tù nhân lương tâm Hồ Giai lưu ý công luận Tây phương về hiện tượng « dư luận viên » phục vụ chế độ. Với những bí danh như «Tôi yêu bác Tập», những kẻ ẩn danh này, tung ra những bình luận mang nội dung giống nhau, kêu gọi trấn áp các nhà tranh đấu như trường hợp gần đây là vụ án luật sư Phổ Chí Cường. Ở TC, dư luận viên bị biếm nhẽ là đảng viên « đảng năm xu » (wumaodang), chỉ vì một chút tiền lẻ mà bán rẻ lương tâm con người.
Đón Giáng Sinh
Thế giới những ngày cận Giáng Sinh không phải chỉ có hội nghị và hội thảo, hiệp định và nghị quyết. Ở trang giải trí không thiếu những sáng kiến cố vấn độc giả mua quà, trang trí phòng khách và thực đơn cho đêm mừng Chúa ra đời . Các « chuyên gia » cho biết màu sắc thời trang năm nay là màu đỏ, táo đỏ, hoa tulipe đỏ …. Còn thực đơn thì tập trung vào những món « thượng hạng » nhưng giá mềm nếu gia chủ khéo tay, khéo chọn. Hai tuần lễ nghỉ ngơi của học sinh cũng là dịp đi chơi tuyết hay thăm viếng các viện bảo tàng, các chương trình triển lãm. Báo chí Pháp không thiếu những trang đặc biệt.