Điểm Báo Pháp – 17-9-2015

Cac Bai Khac

No sub-categories

Điểm Báo Pháp – 17-9-2015
Những nhà đầu tư nhỏ là những người bị thiệt hại nhiều nhất trong vụ biến động chứng khoán tại TC hồi tháng 8/2015. – REUTERS/China Daily CHINA OUT
Thu Hằng –  17-09-2015

Đường xuống “địa ngục” của dân chơi chứng khoán TC

Trong khi thị trường chứng khoán Thượng Hải tiếp tục trồi sụt, các nhà đầu tư nhỏ không biết phải “bấu víu” vào đâu. Báo Le Monde (17/09/2015) thuật lại cuộc gặp gỡ một số người tại một vài phòng giao dịch nhỏ ở Thượng Hải và mô tả đường xuống “địa ngục” của những con người này.

Theo thông tín viên Harold Thibault tại Thượng Hải, điều kiện chơi chứng khoán đơn giản và thuận tiện tới mức bất kỳ ai ở Thượng Hải cũng có thể thử vận may. Đầu tiên, các điểm giao dịch trung gian xuất hiện tại mỗi khu phố mà người dân có thể tự do ra vào. Trên tường, các màn hình hiển thị các chỉ số của thị trường chứng khoán TC. Người chơi chỉ cần quẹt thẻ từ của mình vào một trong những chiếc máy tính được trang bị trong phòng là có thể truy cập được vào tài khoản cá nhân.

Thế nhưng, sau một năm tăng đột biến, tới 152%/năm, chỉ số chính của sàn Thượng Hải bỗng nhiên chao đảo vào ngày 12/06 và mất tới 40% giá trị kể từ thời điểm đó. Một bà nội trợ 53 tuổi, dáng vẻ bình dân, tiếc là đã không rút lui đúng lúc, có nghĩa là trước ngày 12/06. Trong tiếng thở dài, bà nói giờ đã quá muộn, bà bị “mắc kẹt”, ngay cả khi bà không bị mất nhiều như một người chơi chứng khoán khác. Bà tự an ủi: “Họ điên hết cả, họ dốc hết tiền tiết kiệm vào đó. Còn tôi chỉ muốn kiếm thêm một chút”.

Phần lớn những nhà đầu tư nhỏ là người nghỉ hưu, giống như tại các thành phố lớn khác của TC. Họ nghe ngóng, đứng ngồi không yên, tay gõ gõ trên mặt bàn hay mặt ghế. Còn công nhân viên thì theo dõi trên màn hình điện thoại hay máy tính tại nơi làm việc. Theo một phụ nữ khác, có tới 90% người chơi bị mất tiền trong vòng ba tháng gần đây. Ví dụ, một số cổ phiếu trước đây có giá trị là 10, thì giờ chỉ còn 3. Bà giấu tên vì phẫn nộ đối với chính phủ mà theo bà, đã phản bội người chơi chứng khoán nhỏ lẻ như bà. Bắc Kinh khuyến khích họ chơi, thậm chí còn đăng trên cả tờ Nhân Dân nhật báo.

Một phụ nữ 78 tuổi cũng tự trách mình hám lợi. Vào mùa xuân, bà đã ngờ rằng có điều gì đó bất ổn giữa thị trường chứng khoán và thực tế, vì thị trường chứng khoán bắt đầu chững lại do ảnh hưởng từ nền kinh tế TC. Thế nhưng, bà muốn kiếm được nhiều hơn nên quyết định mua thêm cổ phiếu. “Đó là một sai lầm, giờ thì rớt giá hết rồi”, bà buồn rầu than thở.

Để trấn an thị trường và lòng tin của nhà đầu tư, chính quyền trung ương đã sử dụng mọi biện pháp: Các ngân hàng lớn hay các công ty đầu tư được khuyến khích hỗ trợ chỉ số; Bắc Kinh bắt giam một nhà báo dám tung tin có khả năng chính quyền sẽ không can thiệp; nhiều người môi giới cổ phiếu được cảnh sát hay nhà điều phối mời tới làm việc để buộc họ không được ra giá thấp nữa; hay Bắc Kinh cho tiến hành nhiều cuộc điều tra nhắm vào các quan chức cao cấp của nhà môi giới chứng khoán lớn nhất TC, Citic Securities.

Theo con số được ngân hàng Goldman Sachs đưa ra, Bắc Kinh đã phải bơm nhiều khoản tiền khổng lồ, được thẩm định lên tới 208 tỉ euro, nhằm cứu vãn tình hình và để “thời hoàng kim” quay lại với thị trường chứng khoán. Ngoài ra, những biện pháp mới kích thích nền kinh tế thật cũng đã được thông báo. Trong phòng môi giới, những người chơi chứng khoán bàn tán về những giải pháp mà chính phủ đưa ra. Còn một nhân viên an ninh tại đây, không được phép chơi chứng khoán trong giờ làm việc, thường xuyên được nghe những lời phàn nàn của người dân, thì lại có một nhận định khác: “Khi người ta đầu tư vào một doanh nghiệp, họ vui khi chỉ số tăng, nhưng họ không thể nào trách chính phủ ngay khi mà chỉ số rớt xuống”.

Khôi phục “đế chế” Damas để Nga tăng cường ảnh hưởng

Nga muốn tổ chức một liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo, trong đó có cả nhà lãnh đạo Syria. Các nước phương Tây, hiện vẫn chưa có chiến lược cụ thể, phản đối phương án mà họ cho là thủ đoạn. Báo Le Monde, trên trang “Quốc tế”, nhận định: “Putin tham chiến tại Syria để khôi phục lại cơ đồ cho Assad”. Sau 8 năm không đặt chân tới Mỹ, Tổng thống Nga có thể sẽ kêu gọi thành lập một liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo vào ngày 28/09, tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.

Kế hoạch” của điện Kremlin tập trung chủ yếu vào việc hình thành một lực lượng liên quân quốc tế mới hợp tác với Tổng thống Syria Bachar al-Assad và quân đội nước này. Đây là một vấn đề quan trọng đối với các nước phương Tây và các lực lượng đồng mình, vì họ luôn gắn việc giải quyết cuộc xung đột tại Syria với việc phe của Tổng thống đương nhiệm phải rút lui, cùng với việc chuyển tiếp nền dân chủ với đối lập, song song đó là không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (OTSC) diễn ra vào ngày 15/09, quy tụ sáu nước thành viên cũ của Liên Xô tại thủ đô Dushanbe (Tadjikistan), là dịp để Tổng thống Putin dọn đường. Một mặt, ông ám chỉ các quốc gia vùng Vịnh và các nước phương Tây “sử dụng những nhóm Hồi giáo cực đoan để thoả mãn âm mưu chiến lược của họ, trong đó có cả việc thay đổi chính phủ và chế độ “khó chịu” đối với một số nước”.

Mặt khác, ông nhấn mạnh vai trò và khôi phục vị thế của Damas khi cho rằng “sẽ không làm được việc gì nếu thiếu Damas”, dù đồng minh thân cận của Nga đang ngày càng suy yếu. Tổng thống Nga cũng loại bỏ giả thuyết Tổng thống al-Assad sẽ phải từ chức, như phương Tây mong muốn, với lời tuyên bố : “Tổng thống Assad sẵn sàng để các lực lượng đối lập không nguy hiểm đối với chính phủ tham gia vào việc quản lý nhà nước”. Matxcơva quyết định tăng cường lực lượng quân sự tại Syria, xung quanh khu vực thành trì Lattaquié của chế độ al-Assad. Tại đây, ngoài một căn cứ không quân đang hình thành, còn có bẩy xe tăng T-90 của Nga.

Để bảo vệ quyết định của điện Kremlin, nhà phân tích chính trị Nga Fiodor Loukianov lập luận : “Đối với phương Tây, cần phải thành lập một liên minh chính trị mới tại Syria để hỗ trợ cho Nhà nước và chống các nhóm cực đoan, nhưng trên thực tế, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Trong những điều kiện hiện nay, khi Nhà nước gần như không tồn tại nữa và khi chính phủ ngày càng ít kiểm soát được lãnh thổ nước mình, thì việc tạo nên một chính quyền mới, với những còn người thù hận nhau, đồng nghĩa với việc đẩy quốc gia vào chỗ sụp đổ hoàn toàn”.

Về phần mình, Tổng thống Putin đưa ra một lập luận khác : “Nếu Nga đã không giúp Syria, thì tình hình có lẽ còn kinh khủng hơn Libya và làn sóng người tị nạn (vào Châu Âu) còn nhiều hơn thế nữa”. Chính vì vậy, bằng mọi cách Nga phải giữ vững nhà lãnh đạo bị phương Tây coi là độc tài. Tổng thống Nga sẽ tìm cách để đưa lại đề xuất quy định “các vụ đảo chính là phản Hiến pháp” và soạn thảo điều kiện “không can dự vào công việc nội bộ” của một đất nước.
Với chiến lược chuyển hướng sang chiến trường Syria, Nga đang muốn “đánh lạc hướng” dư luận thế giới về cuộc xung đột đẫm máu tại miền Đông Ukraina, giữa một bên là lực lượng chính quy của Kiev và một bên là phe ly khai thân Nga.

Ngoài ra, bỗng nhiên rầm rộ tăng cường ủng hộ chính quyền Damas, Matxcơva còn có tham vọng củng cố vị trí và mức độ ảnh hưởng của Nga tại Syria. Theo nhận định của Bassma Kodmani, giám đốc tổ chức Arab Reform Initiative, “Người Nga hiểu rằng trong vài năm tới, Assad sẽ không còn tại vị… Không phải Assad là người họ muốn củng cố, mà chính là vị trí của Nga. Và tất cả mọi người phải dựa vào người Nga để tìm ra một giải pháp trung gian”.

Tị nạn: Pháp sẵn sàng thiết lập kiểm soát tại biên giới

Hôm qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã công bố những phương tiện phục vụ việc tiếp đón người tị nạn, đồng thời, người đứng đầu chính phủ cũng không hài lòng về thái độ “không thể chấp nhận được” của một số nước trong Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng, theo Les Echos, “Pháp sẵn sàng thiết lập kiểm soát tại biên giới” để đối phó với quy mô của cuộc khủng hoảng di dân hiện nay.

Trước Hạ viện, Thủ tướng Valls nhắc lại rằng Pháp đã từng lập lại việc kiểm soát tại cửa khẩu với Ý ở miền Nam Pháp vào mùa xuân vừa qua. Công việc trên hoàn toàn hợp lệ với những quy định của khối Schengen mỗi khi tình hình trở nên quá tải ; trường hợp này sẽ có thể xảy ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Ông Manuel Valls ý thức được thảm kịch người tị nạn, song không thể để nước Pháp quá tải trước làn sóng đang nằm ngoài tầm kiểm soát, như tình hình tại Đức hiện nay.

Còn nhật báo Le Figaro nhận xét: “Người tị nạn: Manuel Valls bị giằng xé giữa ‘lòng tương ái’ và ‘ sự kiên quyết’”. Thủ tướng Valls vừa phải bảo vệ những giá trị nhân đạo mà nước Pháp vẫn trung thành, nhưng đồng thời phải cân nhắc trước những “rủi ro” khi mà kỳ bầu cử cấp vùng sẽ diễn ra trong vòng ba tháng nữa. Vì 80% dân Pháp ủng hộ tái lập tạm thời việc kiểm soát đường biên giới trước làn sóng nhập cư. Đây là kết quả thăm dò ý kiến của viện Elabe thực hiện theo yêu cầu của đài truyền hình BFMTV và được công bố ngày 16/09.

Tranh cãi xung quanh khu vực Schengen 

Trước làn sóng nhập cư, Đức và Áo đã lập lại việc kiểm soát tại biên giới của mình. Sắp tới, có thể là Pháp. Vậy, phải chăng tự do lưu thông trong khối Schengen đang bị đe dọa? Nhật báo công giáo La Croix giải thích nguyên tắc của khối này trong số ra hôm nay.

Theo tác giả bài báo, việc Đức và Áo tiến hành kiểm soát tại đường biên giới không vi phạm quy định của khối Schengen, vì được một điều khoản trong Hiệp ước cho phép “khi trật tự công cộng và an ninh quốc gia yêu cầu”.
Trước số lượng người tị nạn quá đông, nhiều tiếng nói kêu gọi cải tổ khối Schengen, trong đó có cựu Tổng thống Pháp Sarkozy. Họ yêu cầu việc kiểm soát tại biên giới phải được tiến hành một cách có hệ thống hay thường xuyên hơn. Những yêu cầu này khiến người ủng hộ quyền tự do lưu thông lo ngại vì họ cho rằng đây là một trong những thành quả đáng quý nhất của Liên Hiệp Châu Âu.

Còn theo ý kiến của một nhà nghiên cứu, những khó khăn hiện nay của khối Schengen là do thiếu chính sách tị nạn để đối phó với số lượng người tị nạn ngày càng lớn: “Các nước thành viên biết là những người này sẽ tới, song không cùng nhau đưa ra được chính sách tiếp nhận hợp lý. Vì thế, mỗi nước tự hành động theo cách riêng của mình và các khu “Calais nhỏ” được dựng lên khắp nơi”.

Tầng ôzôn vẫn bị thủng

Nghị định thư Montréal về việc chấm dứt thải khí CFC (chlorofluorocarbone) rất nguy hiểm cho tầng ôzôn, được 196 nước ký kết ngày 16/09/1987. Thế nhưng, theo chuyên trang “Khoa học” của nhật báo Le Figaro, 28 năm sau, lỗ hổng trên tầng ôzôn vẫn còn.

Các loại khí CFC được sử dụng trong bình phun, bình cứu hỏa, tủ lạnh và máy điều hòa. Trên tầng cao bầu không khí, thời gian tồn tại của các khí CFC kéo dài ít nhất vài chục năm, thậm chí một vài phân tử có thể tồn tại tới 500 năm. Trong khi đó, bầu khí quyển bảo vệ Trái đất khỏi những tia cực tím của Mặt trời vẫn chưa được tái tạo từ năm 1996, khi các nước phát triển quyết định chấm dứt sản xuất khí CFC và tới năm 2010, các nước đang phát triển cũng đã thay thế khí này bằng những loại khí khác ít nguy hại hơn cho bầu khí quyển.

Một nhà nghiên cứu nhận xét, lỗ hổng trên bầu khí quyển tại Nam Cực vẫn hình thành hàng năm, bắt đầu từ thập niên 1980. Diện tích lỗ hổng này vẫn không giảm đáng kể. Có lẽ phải chờ tới những năm 2040 tới 2060 lỗ hổng tại khu vực này mới biến mất.